Siêu tàu ngầm TQ bơi đến Mỹ chỉ mất 2 tiếng?

09/09/2014 15:26
Bình Nguyên
(GDVN) - Công nghệ siêu lỗ hổng không phải TQ nghiên cứu ra đầu tiên, nó đã từng được Liên Xô tìm hiểu và ứng dụng trong sản xuất ngư lôi.
Kết cấu bên trong một tàu ngầm (ảnh minh họa)
Kết cấu bên trong một tàu ngầm (ảnh minh họa)

Nếu di chuyển bằng máy bay, phương tiện phổ thông, nhanh nhất hiện nay từ thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đến thành phố San Francisco của Mỹ cũng ít nhất phải mất 12 tiếng đồng hồ, tuy nhiên, theo lý thuyết hơi viễn tưởng của các nhà khoa học TQ, thời gian sẽ được rút ngắn xuống còn 2 tiếng nếu tiến bộ mới của nước này được áp dụng thành công trên…tàu ngầm.

Mạng mashable.com gần đây trích dẫn nguồn tin được đăng tải trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Trung Quốc cho biết nước này đã đạt được một tiến bộ bứt phá trong nghiên cứu khoa học tàu ngầm và nó được gọi là “công nghệ siêu lỗ hổng”/ supercavitation.

Công nghệ này có thể được ứng dụng cho nghiên cứu và chế tạo tàu ngầm siêu thanh, loại phương tiện có thể xuất phát từ duyên hải Trung Quốc và bơi đến bang California của Mỹ chỉ trong vòng 2 tiếng.

Tuy nhiên, giới khoa học Mỹ cho rằng về lý thuyết có thể nhưng nếu chế một tàu ngầm siêu thanh như vậy rất khó khăn, chắc chắn nếu có sản xuất được thì chưa chắc con người có thể lái nó bởi đó là công nghệ chế tạo ngư lôi.

Công nghệ siêu lỗ hổng không phải TQ nghiên cứu ra đầu tiên, nó đã từng được Liên Xô tìm hiểu và ứng dụng trong sản xuất ngư lôi.

Nguyên lý của nó là thiết bị di chuyển ngầm dưới nước sẽ chạy trong một bong bóng khí với tốc độ siêu nhanh do chính nó tạo ra.

Giới khoa học Mỹ cho rằng, không thể chế tạo được tàu ngầm có sử dụng công nghệ bánh lái mà lại ứng dụng công nghệ “siêu lỗ hổng”.

Theo báo Mỹ, về lý thuyết, các quả ngư lôi ứng dụng công nghệ siêu lỗ hổng có thể di chuyển trong môi trường nước với tốc độ tối đa lên đến 3.600 dặm một giờ. Tốc độ này có thể đạt được khi môi trường lỗ hổng hoàn hảo được tạo ra khiến sức cản của nước bị triệt tiêu tối đa.

Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết Trung Quốc đang tìm cách khắc phục nhược điểm như đã đề cập phía trên và phương án của các nhà khoa học của nước này là chế tạo một lớp màng bôi trơn bên ngoài các vật thể có nguyên lý hoạt động như tàu ngầm.

Theo báo Mỹ, cho đến thời điểm này các nhà khoa học TQ mới chỉ thử nghiệm công nghệ siêu lỗ hổng trên các phương tiện không người lái và hy vọng sẽ nghiên cứu sâu hơn để ứng dụng vào lĩnh vực dân sự, quân sự và thể thao dưới nước.


Bình Nguyên