Sống lại kỷ niệm một thời chung chiến trường

24/04/2013 20:12
Theo QĐND
(GDVN) - Đúng như kế hoạch đã định, 8 giờ 30 phút sáng 24-4, đoàn Cựu chiến binh Xô Viết đến thăm Quân chủng PK-KQ.
Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Chính ủy Quân chủng cùng các cựu chiến binh của Quân chủng PK-KQ ra tận cửa xe đón những người bạn chiến đấu Xô Viết năm nào. Buổi đón tiếp bắt đầu bằng những cái bắt tay thật chặt và những bó hoa tươi thắm…

“Cầu nối” quá khứ và tương lai…

Sau khi bày tỏ niềm vui mừng được đón tùy viên quân sự và các cựu chiến binh Xô Viết, đến từ 3 nước: Liên bang Nga, U-crai-na, Bê-la-rút, Trung tướng Phương Minh Hòa đã nói lời biết ơn sâu sắc trước sự đóng góp, giúp đỡ to lớn của các cựu chiến binh Xô Viết đối với Quân chủng PK-KQ, trong những năm tháng Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong giai đoạn hiện nay, sự hợp tác giữa Quân chủng PK-KQ với các nhà máy của 3 nước, trong lĩnh vực sửa chữa, cải tiến ra-đa, pháo phòng không, tên lửa đang đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp.

Trung tướng Phương Minh Hòa tặng hoa cựu chiến binh Xô Viết
Trung tướng Phương Minh Hòa tặng hoa cựu chiến binh Xô Viết


“Vừa qua, Quân chủng PK-KQ đã tổ chức bắn đạn thật trên khí tài tên lửa cải tiến, đạt kết quả cao, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương và đánh giá cao”, Trung tướng Phương Minh Hòa vui mừng thông báo với các cựu chiến binh Xô Viết.

Đồng chí Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cũng bày tỏ hy vọng rằng, trong những năm tới, sự hợp tác giữa Quân chủng PK-KQ với các nhà máy, các quân chủng, binh chủng của Nga, U-crai-na, Bê-la-rút trong sửa chữa vũ khí, khí tài, trang bị, sẽ được nâng lên một bước mới.

Trung tướng Phương Minh Hòa gợi ý, nếu gia đình các cựu chiến binh đến thăm Việt Nam, Quân chủng PK-KQ sẵn sàng tạo điều kiện bố trí nơi ăn, nghỉ.

“Cơ sở vật chất của các đoàn an dưỡng của Quân chủng tuy chưa đạt tiêu chuẩn 5 sao, song chất lượng phục vụ đạt trên 5 sao và rất vui lòng phục vụ gia đình các đồng chí”, Trung tướng Phương Minh Hòa vui vẻ.

Cựu chiến binh Xcô-ri-ắc Va-le-ry (Skoriak Valery), Trưởng đoàn cựu chiến binh Liên bang Nga nhấn mạnh rằng, các chuyến thăm như thế này đã và đang góp phần củng cố và vun đắp tình hữu nghị và sự hợp tác đặc biệt giữa các nước. Ông Xcô-ri-ắc Va-le-ry cũng đánh giá cao trình độ thực hành bắn tên lửa S-300 của các sĩ quan tên lửa Việt Nam, khi nghiệm thu tổ hợp tên lửa này bên nước bạn.

Ông Xcô-ri-ắc Va-le-ry khẳng định: “Với tổ hợp tên lửa S-300 và với khả năng làm chủ vũ khí, khí tài như vậy, các bạn có thể đẩy lùi bất cứ cuộc tấn công đường không nào của đối phương".

Trưởng đoàn cựu chiến binh Nga tặng sách cho Quân chủng PK-KQ.
Trưởng đoàn cựu chiến binh Nga tặng sách cho Quân chủng PK-KQ.


Trưởng đoàn U-crai-na, Pô-gra-bni-ắc Vic-to thì đánh giá cao vai trò của lực lượng phòng không-không quân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ-cuộc chiến tranh mà ông gọi là “có một không hai trong lịch sử”. Theo cựu chiến binh Pô-gra-bni-ắc Vic-to, sau cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã đầu tư xây dựng lực lượng phòng không; những cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ gần đây cũng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng phòng không.

Sau khi ôn lại những năm tháng sát cánh cùng bộ đội phòng không Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cựu chiến binh Pô-gra-bni-ắc Vic-to nhấn mạnh, cuộc gặp của các cựu chiến binh-những người bạn chiến đấu, luôn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai.

Rời Việt Nam năm 1972, ông Khva-giâu-xky U-la-đơ-zi-mia (Hvazdousky Uladzimir), Trưởng đoàn cựu chiến binh Bê-la-rút vẫn nhớ như in những nhà máy đổ nát, làng mạc hoang tàn ở Việt Nam. 40 năm sau, trở lại nơi đây, ông đã được chứng kiến một Việt Nam đang “thay da đổi thịt” và có bước phát triển ngoạn mục.

Đến Việt Nam lần này, ông đã được gặp những người bạn chiến đấu năm nào ở Sư đoàn phòng không 367, và hôm nay ông lại được gặp thêm những người bạn chiến đấu khác ở Quân chủng PK-KQ.

“Trong trái tim tôi luôn có những người bạn chiến đấu Việt Nam. Họ là những người dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội”, cựu chiến binh Khva-giâu-xky U-la-đơ-zi-mia xúc động tâm sự.

Tận tụy, nghĩa tình

ựu chiến binh U-crai-na Ma-tu-sek A-na-tô-ni và Đại tá Nguyễn Quang Nhậm trò chuyện sau hơn 40 năm gặp lại.
ựu chiến binh U-crai-na Ma-tu-sek A-na-tô-ni và Đại tá Nguyễn Quang Nhậm trò chuyện sau hơn 40 năm gặp lại.

Đó là nhận xét của hầu hết các cựu chiến binh Quân chủng PK-KQ, về những người bạn cựu chiến binh Xô Viết, trong những năm tháng cùng chung chiến trường. Sau nhiều năm xa cách, sáng 24-4, tại Bảo tàng PK-KQ, những người bạn chiến đấu mới có dịp gặp lại nhau, tay trong tay và sẻ chia những kỷ niệm đã ăn sâu vào máu thịt.

Ôm vai nhau, thong dong đi dạo trong khuôn viên bảo tàng, cựu chiến binh U-crai-na, Ma-tu-sek A-na-tô-ni và Đại tá Nguyễn Quang Nhậm, nguyên Giám đốc Nhà máy A31 (Quân chủng PK-KQ) như trẻ lại khi nhớ về những năm 1968, 1969 cùng nhau sửa chữa tên lửa ở nhà máy (khi đó là Xưởng A31). Ông Ma-tu-sek A-na-tô-ni hết hỏi về Xưởng trưởng Nguyễn Văn Quế ngày ấy giờ thế nào, lại hỏi về tình hình phát triển của nhà máy hôm nay. Điều khiến cựu chiến binh Ma-tu-sek A-na-tô-ni ấn tượng nhất về những người bạn chiến đấu Việt Nam là sự chăm chỉ và hầu hết đều biết tiếng Nga. Khi được hỏi đâu là lý do thôi thúc ông đến Việt Nam trong những năm chiến tranh ác liệt như vậy, Ma-tu-sek A-na-tô-ni cười nói: “Vì tôi và các bạn cùng chung lý tưởng, và vì chúng tôi luôn coi thực hiện nhiệm vụ quốc tế là điều vô cùng thiêng liêng”.

Đại tá Nguyễn Quang Nhậm nhớ lại, trong những năm tháng đó, khí tài lên lửa hỏng hóc đưa về Xưởng A31 nhiều. Chính nhờ chuyên gia bạn hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình nên khí tài được sửa chữa nhanh, kịp thời phục vụ chiến trường.

Các cựu chiến binh Lê Hưởng, Vũ Đắc Uyên, Nguyễn Bắc, từng công tác ở Trung đoàn tên lửa 238, hôm nay lại nhớ hơn về cựu chiến binh của Liên bang Nga, Vi-ta-li Xi-mi-nốp.

Năm 1965, Vi-ta-li Xi-mi-nốp sang Việt Nam, làm chuyên gia tại Tiểu đoàn 82 (Trung đoàn 238). 9 giờ sáng ngày 17-10-1965, trận địa tên lửa của Tiểu đoàn 82, tại Chũ (Bắc Giang) vào báo động cấp 1, khi phát hiện máy bay địch đang bay vào đánh phá. Kíp trắc thủ bắt được mục tiêu ở cự ly 40km. Đến cự ly 30km, địch hạ thấp độ cao, mục tiêu bị mất trên màn hiện sóng. Ngay sau đó, một chiếc máy bay địch bị pháo cao xạ của ta bắn rơi. Chiếc thứ 2 tiếp tục bay vào ném bom trận địa, khiến quả đạn tên lửa bị cháy, một số đồng chí hy sinh, trong đó có Vi-ta-li Xi-mi-nốp.

Các cựu chiến binh Xô Viết và cựu chiến binh của Quân chủng PK-KQ trò chuyện.
Các cựu chiến binh Xô Viết và cựu chiến binh của Quân chủng PK-KQ trò chuyện.

Cựu chiến binh Nguyễn Bắc (trong trận đánh ngày 17-10-1965 là Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 82) nhớ lại: Vi-ta-li Xi-mi-nốp luôn vui vẻ, hòa nhã trong cuộc sống, nhưng trong công việc anh rất nghiêm túc, tận tình. Vi-ta-li Xi-mi-nốp cùng với các chuyên giá khác hướng dẫn tỉ mỉ bộ đội tên lửa của ta từng động tác. Nhờ vậy, chúng tôi đã tiến bộ rất nhanh.

Biết trong đoàn cựu chiến binh Xô Viết có con gái và cháu trai của Vi-ta-li Xi-mi-nốp sang thăm Việt Nam, các cựu chiến binh của Quân chủng PK-KQ đã viết một bộ tài liệu, kể về thời gian công tác, chiến đấu của ông ở Việt Nam, và 4 chiếc huy hiệu của Trung đoàn 238, để gửi tặng gia đình.

Thời gian giao lưu tuy không dài, có những câu chuyện chưa kịp kể, nhưng niềm vui vẫn hiện rõ trên nét mặt của những người bạn chiến đấu trên mặt trận đối không năm nào. Trước lúc chia tay, nhiều cựu chiến binh Xô Viết đã nói lời hẹn gặp lại Việt Nam…
Theo QĐND