TIN MỚI: PLA - Trung Quốc thành lập Bộ Quy hoạch Chiến lược

29/11/2011 08:42
Đông Bình (Tổng hợp)
(GDVN) - Quân đội Trung Quốc vừa tổ chức lễ thành lập Bộ Quy hoạch Chiến lược trực thuộc Tổng bộ Tham mưu để đối phó với những thách thức mới.

Căn cứ vào quyết định tăng cường công tác quy hoạch của Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, ngày 22/11 Bộ Quy hoạch Chiến lược của Quân đội Trung Quốc (PLA) đã được thành lập, nhằm làm nổi bật vai trò và vị trí của quy hoạch chiến lược.

Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Quách Bá Hùng, Uỷ viên Quân uỷ, Tổng Tham mưu trưởng PLA Trần Bỉnh Đức đã tham dự hội nghị, chúc mừng Bộ Quy hoạch Chiến lược được thành lập.

“Tứ hải” chịu sức ép chiến lược

Quách Bá Hùng nhấn mạnh, thành lập Bộ Quy hoạch Chiến lược PLA là cụ thể hóa chỉ thị quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường chức năng quản lý chiến lược của Quân uỷ, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng quốc phòng và quân đội.

Trung tướng Thái Anh Đỉnh (người ngồi đầu bên trái) -Phó Tổng Tham mưu trưởng PLA được cho là sẽ phụ trách Bộ Quy hoạch Chiến lược PLA
Trung tướng Thái Anh Đỉnh (người ngồi đầu bên trái) -Phó Tổng Tham mưu trưởng PLA được cho là sẽ phụ trách Bộ Quy hoạch Chiến lược PLA

Bộ Quy hoạch Chiến lược là cơ quan chức năng đảm nhiệm quy hoạch phát triển xây dựng quân đội, trực thuộc Tổng bộ Tham mưu. Chức năng chính bao gồm: nghiên cứu các vấn đề chiến lược quan trọng, tổ chức hoạch định các quy hoạch,

kế hoạch phát triển, xây dựng và phương án cải cách quân đội, đề xuất kiến nghị bố trí các nguồn lực chiến lược và kiểm soát vĩ mô của quân đội, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều Tổng bộ và nhiều lĩnh vực, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng quân đội.

Trong thời cựu lãnh đạo đại Mao Trạch Đông, Quân uỷ Trung ương ĐCSTQ đã thành lập một Tiểu ban Chiến lược, do nguyên soái Lưu Bá Thừa đứng đầu, có chức năng nghiên cứu chiến lược vĩ mô. Nhưng, Tiểu ban Chiến lược không chú trọng công tác thường xuyên, trong nhiều trường hợp, hoàn toàn không phải là một cơ quan thường trực.

Khi đó, các chiến lược lớn quốc gia (chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược an ninh quốc gia), chiến lược quân sự, chiến lược hạt nhân… thường do cựu chủ tịch Mao Trạch Đông quyết định, Lưu Bá Thừa cũng không có ảnh hưởng quá lớn.

Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Trung Quốc

Sau khi kết thúc cách mạng văn hoá, Tiểu ban Chiến lược cải tổ thành Ủy ban Chiến lược, lúc đầu do La Thuỵ Khanh đứng đầu, đã gách vác rất nhiều nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược so với trước đây.

Nhưng Tiểu ban Chiến lược hay Uỷ ban Chiến lược của Quân uỷ Trung ương ĐCSTQ đều nặng về nghiên cứu cấp độ chiến lược vĩ mô, phần lớn là các chương trình nghiên cứu dài hạn. Vả lại, Tiểu ban Chiến lược hay Uỷ ban Chiến lược phần lớn được bố trí cho các nguyên lão, trọng thần PLA có ý nguyện nghiên cứu chiến lược, không có năng lực tham mưu đầy đủ. Vì vậy, phục vụ thiếu hiệu quả cho người phụ trách Quân uỷ.

Về nghiên cứu cấp độ chiến lược vi mô, hay còn gọi là các chương trình nghiên cứu ngắn hạn, Quân uỷ Trung ương vẫn uỷ thác cho Bộ II (Tình báo), Bộ III (Kỹ thuật – do thám, chặn sóng vô tuyến) và các cơ quan như Viện Khoa học Quân sự, Viện Nghiên cứu Chiến lược - Đại học Quốc phòng.

Những cơ quan này giỏi nghiên cứu cấp độ chiến lược vi mô, các chương trình nghiên cứu có tính mục đích rất cao, có giá trị sử dụng rất lớn. Nhưng do nhóm tham mưu ít kinh nghiệm, thiếu các thành quả nghiên cứu chiến lược vĩ mô, tức là cấp độ chiến lược lớn.

Từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc chịu sức ép ngoại giao và quân sự từ bên ngoài ở khu vực duyên hải, bao gồm 4 phương hướng là biển Hoàng Hải (Mỹ-Hàn tập trận chung), biển Hoa Đông (tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật-Trung), eo biển Đài Loan (thế lực “Đài Loan độc lập” khiêu khích) và biển Đông (xảy ra tranh chấp chủ quyền). Đây là cuộc khủng hoảng “tứ hải” (4 vùng biển). Ở cả 4 hướng đều thấp thoáng bóng dáng của Mỹ và đồng minh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc đang cải tạo tàu sân bay Thi Lang để tăng cường khả năng tác chiến tầm xa
Trung Quốc đang cải tạo tàu sân bay Thi Lang để tăng cường khả năng tác chiến tầm xa

Hơn nữa, sau khi Obama lên làm Tổng thống Mỹ, nhiều lần nhấn mạnh cần phát huy vai trò “sức mạnh thông minh”. Ở đây, sức mạnh thông minh là sự kết hợp vận dụng khéo léo giữa sức mạnh mềm và sức mạnh cứng. Khi hai bên đều triển khai sức mạnh thông minh, thì hai bên đều cần nhấn mạnh đến tính tất yếu và tầm quan trọng của nghiên cứu chiến lược.

Lịch sử chứng minh rằng, sự thịnh suy của quốc gia ở mức độ rất lớn quyết định ở tư duy chiến lược có đúng đắn hay không. Tư duy chiến lược là trình độ cao nhất của nghệ thuật quyết sách. Lấy Mỹ làm ví dụ, nếu nói về thể chế chính trị hợp lòng dân, sự phát triển hùng hậu của kinh tế tài chính, khoa học công nghệ, giáo dục, công nông nghiệp, sức mạnh vô song của lực lượng tấn công quân sự, thì Mỹ đứng đầu trong thế giới đương đại.

Cuối thế kỷ trước, sức mạnh quốc gia Mỹ ngạo mạn trước thế giới, có đầy đủ nguồn lực để sử dụng trên các phương diện ngoại giao, kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ, quân sự.

Nhưng, chưa đến 10 năm, ở ngoài nước, Mỹ bị sa lầy lâu dài trong cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan; còn ở trong nước, bị mắc kẹt trong cơn bão tài chính, khiến cho kinh tế thiếu sức sống trong nhiều năm.

Về thể chế chính trị, cơ chế quyết sách và các nền tảng nâng đỡ tài chính kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục, công nông nghiệp, các điều kiện khách quan của Mỹ cơ bản vẫn không thay đổi, nhưng tình hình quốc gia lại xuất hiện dấu hiệu xuống dốc mang tính giai đoạn. Rốt cuộc hiện tượng này là do Mỹ sai lầm về cấp độ chiến lược lớn.

Tàu khu trục phóng thẳng tên lửa 052C của Hải quân Trung Quốc
Tàu khu trục phóng thẳng tên lửa 052C của Hải quân Trung Quốc

Tình hình này cho thấy, đối với sự thịnh suy của một nước, tầm quan trọng của vạch kế hoạch chiến lược không thua kém gì thể chế, cơ chế và các nền tảng nâng đỡ của một nước. Từ trước đến nay, “lạc hậu sẽ bị ức hiếp”, “lạc hậu” ở đây không chỉ về kinh tế, khoa học công nghệ, mà còn ở cả quan niệm chiến lược và sức mạnh quân sự.

Trung Quốc xác định lấy quan điểm phát triển khoa học để trị quốc, trị quân, tất yếu đòi hỏi phải coi trọng nghiên cứu chiến lược trên các cấp độ, đồng thời làm nổi bật đầy đủ ý nghĩa quan trọng của nghiên cứu chiến lược. Theo đó, Quân uỷ Trung ương ĐCSTQ đã phê chuẩn thành lập Bộ Quy hoạch Chiến lược trực thuộc Tổng bộ Tham mưu PLA.

Phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp xu thế “hợp thành”

Trung Quốc thành lập Bộ Quy hoạch Chiến lược PLA đã gây chú ý đặc biệt đối với dư luận Đài Loan. Tờ “Want Daily” Đài Loan suy đoán, Phó Tổng tham mưu trưởng PLA, Trung tướng Thái Anh Đỉnh (sinh năm 1954, trải nghiệm lâu dài ở Đại quân khu Nam Kinh) sẽ được phân công quản lý Bộ Quy hoạch Chiến lược, đồng thời Trung Quốc sẽ dùng bộ này để ứng phó với tình hình eo biển Đài Loan.

Nhưng nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc đã bác bỏ quan điểm này, cho rằng đây không phải là lần đầu tiên thành lập Bộ Quy hoạch Chiến lược và quân đội nhiều nước phương Tây cũng có cơ quan tương tự.

Quân đội Trung Quốc thường xuyên tiến hành tập trận đổ bộ
Quân đội Trung Quốc thường xuyên tiến hành tập trận đổ bộ

Báo chí Đài Loan cho biết, sau khi thành lập Bộ Quy hoạch Chiến lược, Tổng bộ Tham mưu sẽ có 12 bộ. Bộ này tương đương với Vụ Quy hoạch Chiến lược của Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Có chuyên gia cho biết, quân đội Ấn Độ cũng có cơ quan quy hoạch chiến lược, nhưng tương đối phân tán. Cấp độ quyết sách chiến lược quân sự cao nhất Ấn Độ là Ủy ban An ninh Quốc gia, trực thuộc có Tiểu ban Chính sách Chiến lược. Dưới Bộ Quốc phòng Ấn Độ có một Ủy ban Quốc phòng tổng hợp, do Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng lãnh đạo.

Theo chuyên gia quân sự Lý Kiệt, trong 5 chức năng lớn, Bộ Quy hoạch Chiến lược PLA có một chức năng là “phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều Tổng bộ, nhiều lĩnh vực”, tức là có chức năng phối hợp các cơ quan nội bộ trong quân đội,

khi cần thiết còn có thể phối hợp với các cơ quan Đảng và chính quyền. Chẳng hạn, trong thảm họa sông Mekong vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã cho biết, nếu có nhu cầu, quân đội có thể hỗ trợ. Sau này, chức năng phối hợp này sẽ giao cho Bộ Quy hoạch Chiến lược phụ trách.

Chuyên gia quân sự La Viện cho rằng: “Trung Quốc cần có một cơ quan quy hoạch thống nhất, tiến hành lập kế hoạch đối với các vấn đề chiến lược toàn cục, xem xét vấn đề tác chiến chiến lược có tính vĩ mô và dự báo hơn”. “Quy hoạch chiến lược của Trung Quốc là một quy hoạch mang tính toàn cục, nhưng có trọng điểm”.

Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều hơn ở các đại dương như Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương... Trong hình là Biên đội hộ tống số 6 của Hải quân Trung Quốc
Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều hơn ở các đại dương như Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương... Trong hình là Biên đội hộ tống số 6 của Hải quân Trung Quốc

La Viện nói: “Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ của quân đội Trung Quốc yêu cầu cần bảo đảm chắc chắn cho lợi ích quốc gia. Khi lợi ích quốc gia mở rộng đến lĩnh vực nào, quân đội cũng cần bảo vệ đến lĩnh vực đó”.

Trương Văn Mộc, giáo sư Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược – Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh cho rằng, hợp thành là nền tảng chiến tranh hiện đại, chính là hợp thành sức mạnh, cũng là phương hướng phát triển quân sự.

Sự xuất hiện của tàu sân bay trên thực tế là sự thử nghiệm sớm nhất của “hợp thành quân sự”. Tàu sân bay có lực lượng hàng không và lực lượng lính thủy đánh bộ. Lực lượng tác chiến của cả một quốc gia cũng là lực lượng hợp thành. Hợp thành là một xu thế tất yếu.

Tự tin hơn, chủ động hơn trong khu vực và trên toàn cầu

Tờ “Hoa Nam buổi sáng” ngày 23/11 cho rằng, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc cần xây dựng sự “tự tin” trên toàn cầu, Bộ Quy hoạch Chiến lược PLA được thành lập giúp xác định tốt hơn vai trò của PLA. Phó Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng cho rằng, cơ quan mới sẽ nâng cao trình độ khoa học hóa cho quản lý chiến lược của PLA.

Chuyên gia quân sự Nghê Lạc Hùng cho rằng, cơ quan mới sẽ giúp cho PLA học được cách phát huy vai trò của quân đội một nước lớn, như Trung Quốc làm thế nào khi “chủ quyền biển Đông bị khiêu khích”.

Hải quân Trung Quốc vừa điều hạm đội tàu chiến gồm 1 tàu do thám, 1 tàu khu trục trang bị tên lửa, 1 tàu tiếp tế và các tàu chiến khác... chạy xuyên qua vùng biển giữa Okinawa và Miyako (Nhật Bản), tiến ra Tây Thái Bình Dương để tập trận trên biển
Hải quân Trung Quốc vừa điều hạm đội tàu chiến gồm 1 tàu do thám, 1 tàu khu trục trang bị tên lửa, 1 tàu tiếp tế và các tàu chiến khác... chạy xuyên qua vùng biển giữa Okinawa và Miyako (Nhật Bản),
tiến ra Tây Thái Bình Dương để tập trận trên biển

Theo chuyên gia quân sự Tống Hiểu Quân, cơ quan này sẽ tạo ra hệ thống tư tưởng “tự tin” cho PLA, khuyến khích bảo vệ sự “tôn nghiêm” của Trung Quốc trên toàn cầu.

“PLA sẽ xây dựng khung an ninh mới cho phương hướng phát triển tương lai, và đặt lên hàng đầu việc xây dựng quan điểm an ninh lấy Trung Quốc làm chủ”. Ông cho biết, lập trường của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông không rõ ràng, khiến cho các nước liên quan lần lượt tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ.

“Chúng ta cần giành lại quyền chủ động… Tại sao chúng ta luôn tuân theo quy tắc trò chơi của các nước phương Tây?”.

Báo chí Hồng Kông cho rằng, do PLA muốn đánh thắng cuộc chiến tranh hiện đại, đặc biệt là chiến tranh thông tin, cần phối hợp chỉ huy và tình báo giữa các bộ ngành, các quân chủng, các cơ quan lớn, nên cần phải có một cơ quan chiến lược.
Đông Bình (Tổng hợp)