TQ bịa đặt: Đã tiến hành hơn 30 cuộc giao thiệp các cấp với Việt Nam

14/06/2014 08:13
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc vừa cho cả phát ngôn viên ngoại giao và phó vụ trưởng Bộ Ngoại giao lên tiếng để bịa đặt, phê phán, vu vạ, kết hợp đấm và xoa về vụ giàn khoan 981.

Chỉ trích vô lý Việt Nam

Tân Hoa xã tối ngày 13 tháng 6 dẫn lời Phó vụ trưởng Vụ biên giới và đại dương Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Dịch Tiên Lương ngày 13 tháng 6 trong một cuộc họp báo, tiếp tục giọng điệu ngang ngược và lừa bịp thiên hạ.

Chân dung kẻ lừa đảo Phó vụ trưởng Vụ biên giới và đại dương Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Dịch Tiên Lương
Chân dung kẻ lừa đảo Phó vụ trưởng Vụ biên giới và đại dương Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Dịch Tiên Lương

Ông ta cho rằng, từ ngày 2 tháng 5 đến nay, doanh nghiệp Trung Quốc triển khai hoạt động khoan thăm dò dầu khí (trái phép) ở gần “quần đảo Tây Sa” (đây là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV). Công tác liên quan hiện nay “tiến triển thuận lợi”, công tác giai đoạn một đã tiến hành xong, công tác giai đoạn hai đã bắt đầu từ ngày 27 tháng 5.

Dịch Tiên Lương dùng xảo ngôn cho rằng, vùng biển hoạt động của giàn khoan 981 trong hai giai đoạn này đều thuộc “vùng biển lân cận đảo Tri Tôn, quần đảo Tây Sa của Trung Quốc” (thực chất là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam; quần đảo Tây Sa thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Theo tuyên truyền xuyên tạc và lừa đảo của ông ta, từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan đến nay, Việt Nam đã điều rất nhiều tàu trong đó có “tàu vũ trang”, “quấy rối mạnh và phi pháp” đối với hoạt động (trái phép) của phía Trung Quốc, “đâm va” tàu công vụ “thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hộ tống an toàn tại hiện trường” của chính phủ Trung Quốc, còn điều “đặc công dưới nước như người nhái” đến vùng biển này, “thả rất nhiều vật thể cỡ lớn đe dọa an toàn hàng hải như lưới đánh cá, vật nổi”.

Dịch Tiên Lương coi các hoạt động chấp pháp của Việt Nam là “khiêu khích”, “buộc Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp đề phòng cần thiết, điều tàu công vụ đến hiện trường bảo đảm an toàn hoạt động, bảo vệ hiệu quả trật tự sản xuất trên biển và an toàn hàng hải”.

Như vậy là, nhà cầm quyền Trung Quốc thông qua các đại diện của mình, tiếp tục giọng điệu bịp bợm vu oan giá họa cho Việt Nam là “phá hoại an ninh hàng hải” và Trung Quốc là “bên phòng thủ” trong xung đột hiện nay, trong khi sự thật là Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam một cách tinh vi, bài bản.

Việt Nam không dùng đến lực lượng quân sự, chỉ dùng lực lượng chấp pháp, lý do là Việt Nam không muốn chiến tranh đau thương và muốn bảo đảm hòa bình, an ninh của khu vực.

Vị trí giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
Vị trí giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam

Dịch Tiên Lương tiếp tục bịa chuyện cho rằng, Trung Quốc cũng đã tiến hành “hơn 30 cuộc giao thiệp các cấp” với Việt Nam, loại giao thiệp này hầu như “tiến hành hàng ngày”. Ông ta còn vu vạ rằng, “hoạt động quấy rối phi pháp” (thực tế là thực thi pháp luật) của Việt Nam vẫn đang tiếp tục”, rằng Việt Nam đang “tạo ra rất nhiều dư luận không phù hợp với sự thật”, “có ý đồ tạo ra tranh chấp lãnh thổ mới”.

Dịch Tiên Lương một lần nữa lặp lại luận điệu “ăn cướp” rằng, “quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, nằm dưới sự quản lý có hiệu quả của chính phủ Trung Quốc, không tồn tại bất cứ tranh chấp nào với nước khác”.

Ông ta cho rằng: “Ngay từ thế kỷ 10 sau Công nguyên, chính phủ Trung Quốc đã đưa quần đảo Hoàng Sa vào phạm vi quản lý của mình. Trước giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, văn kiện chính thức, sách giáo khoa, bản đồ của Việt Nam đều thừa nhận rõ ràng quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) thuộc Trung Quốc. Năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, thừa nhận quần đảo Tây Sa, Nam Sa thuộc Trung Quốc”.

Trên thực tế, luận điệu xuyên tạc này đã được Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ Việt Nam phản bác rõ ràng. Trong công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề nhắc đến một từ nào là “Tây Sa, Nam Sa” như Trung Quốc đang bịa đặt. Trung Quốc đang “chơi chữ” xuyên lạc, lừa bịp thiên hạ.

Như vậy, Trung Quốc tiếp tục thực hiện trò lừa đảo, cho rằng, quần đảo Hoàng Sa là của họ và “không có tranh chấp”, vùng biển giàn khoan 981 của họ đang hoạt động trái phép là “vùng biển quần đảo Hoàng Sa không có tranh chấp”. Đây là điều không thể chấp nhận được.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Binh chỉ đích danh: Hành động của Trung Quốc xung quanh vụ giàn khoan 981 là một hành động xâm lược.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Binh chỉ đích danh: Hành động của Trung Quốc xung quanh vụ giàn khoan 981 là một hành động xâm lược.

Trước cuộc đấu tranh kiên cường của chính phủ và nhân dân Việt Nam hiện nay, đại diện cho thế lực tham lam, muốn cướp phá lãnh chủ quyền biển đảo của nước khác của Trung Quốc, Dịch Tiên Lương lại làm trò “vừa đấm vừa xoa” cho rằng: “Trung Quốc hy vọng quan hệ Trung-Việt phát triển tốt đẹp, nhưng quyết không từ bỏ nguyên tắc (cái mà TQ muốn đặt ra nguyên tắc đó là "chủ quyền thuộc về TQ" - điều này không ái có thể chấp nhận). Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực trao đổi với Việt Nam, cố gắng xử lý thỏa đáng tình hình hiện nay”.

“Trung Quốc yêu cầu Việt Nam xuất phát từ đại cục bảo vệ quan hệ hai nước và hòa bình, ổn định Biển Đông, tôn trọng chủ quyền, quyền lợi chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc, lập tức chấm dứt sự quấy rối dưới bất cứ hình thức nào đối với hoạt động của phía Trung Quốc, rút toàn bộ tàu và nhân viên khỏi hiện trường, làm cho trên biển nhanh chóng khôi phục trật tự, đồng thời chấm dứt lời nói và hành động ‘tranh chấp Tây Sa’ (Hoàng Sa)”.- Dịch Tiên Lương phán.

Như vậy, lập trường “nguyên tắc” của Trung Quốc tức là đòi chủ quyền thuộc về họ thông qua xâm lược bằng vũ lực - là điều không thể chấp nhận. Việt Nam không thể chấp nhận mất đi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng không chấp nhận mất đi chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo luật pháp quốc tế của mình.

Những luận điệu của Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền xuyên tạc, lừa bịp dân mình và thiên hạ một cách có hệ thống, không thể chấp nhận được. Đồng thời, thời gian gần đây, Trung Quốc cũng bịa thêm nhiều “chứng cứ giả” mới, đưa ra những luận điệu “vu oan giá họa” mới, cố ý đánh lạc hướng dư luận, cần hết sức cảnh giác. Gần đây, họ còn dùng lời lẽ “vừa đấm vừa xoa” nhiều hơn, hòng dụ dỗ ngon ngọt đối với Việt Nam.

Nhưng chính cái lập trường “chủ quyền thuộc về ta” của họ hoàn toàn không thể chấp nhận được. Rõ ràng, họ đang tìm mọi cách để lật ngược thế cờ, giành thế chủ động trong vấn đề Biển Đông trong khi đang thực hiện các hành động xâm lược, bất chấp luật pháp quốc tế. Đây là điều không thể chấp nhận được.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng: Không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng: Không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc

Nhật Bản ra nghị quyết phê phán Trung Quốc dùng vũ lực, Trung Quốc tiếp tục bịa chứng cứ mới

Theo các nguồn tin, ngày 11 tháng 6, Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết lên án hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông và kêu gọi các nước hợp tác để đối phó với Bắc Kinh.

Nghị quyết chỉ trích Trung Quốc hạ đặt (trái phép) giàn khoan 981 gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) đã làm trầm trọng thêm căng khẳng khu vực. Nhật Bản tuyên bố sẽ không cho phép các hành động đơn phương nhằm chiếm đoạt lãnh thổ và lợi ích hàng hải thông qua phô diễn vũ lực của Trung Quốc.

Nghị quyết cũng kêu gọi Nhật Bản và các nước khác như Mỹ và các nước ASEAN hợp tác mạnh mẽ hơn để gây sức ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trước sự phê phán của Nhật Bản, Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao Hoa Xuân Oánh đáp lại Nhật Bản rằng “cách làm của Nhật Bản là đi ngược lại luật pháp quốc tế và sự thực lịch sử (?), rất không có trách nhiệm và có dụng ý khác”; đồng thời bà Oánh tiếp tục lặp lại luận điệu bịp bợm rằng quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, điểm này không thể có bất cứ hoài nghi gì”.

Bà Oánh tái khẳng định một luận điệu được Trung Quốc bịa ra gần đây rằng: “Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc thu hồi quần đảo Tây Sa từ tay kẻ xâm lược Nhật Bản, căn cứ là các văn kiện pháp lý quốc tế như Tuyên bố Cairo và Thông cáo Postdam”.

Dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng

Đây là một sự bịa đặt mới của Trung Quốc nhằm lòe bịp thiên hạ để hòng hợp pháp hóa hành động xâm lược bằng vũ lực đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974.

Hành động xâm lược bằng vũ lực này chắc chắn sẽ không bao giờ đem lại chủ quyền cho Trung Quốc, không bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận, không bao giờ vượt qua được quyết tâm và ý chí bảo vệ chủ quyền kiên định của dân tộc Việt Nam.

Đông Bình