TQ có thể dùng tàu ngầm hạt nhân trong xung đột quân sự ở châu Á?

13/02/2014 09:52
Đông Bình
(GDVN) - Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc tuần tra thế nào tùy thuộc vào tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, khi tuần tra ở Biển Đông mà đụng độ với Mỹ thì dễ xung đột.
Quân cảng Trung Quốc cùng lúc neo đậu nhiều tàu ngầm (hình ảnh do dân mạng tuyên truyền)
Quân cảng Trung Quốc cùng lúc neo đậu nhiều tàu ngầm (hình ảnh do dân mạng tuyên truyền)

"Đài tiếng nói nước Nga" ngày 11 tháng 2 đăng bài viết nhan đề "Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bắt đầu tuần tra: hậu quả như thế nào?". Bài viết dẫn báo cáo của Văn phòng tình báo Hải quân Mỹ cho rằng, lô tàu ngầm hạt nhân Type 094 đầu tiên trang bị tên lửa xuyên lục địa Cự Lang-2 sẽ bắt đầu ra khơi tuần tra vào năm 2014.

Bài báo cho rằng, đây là thời khắc chuyển ngoặt quan trọng trong lịch sử Hải quân Trung Quốc. Chuyên gia Vasilii Cashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, rốt cuộc tổ chức tuần tra sẵn sàng chiến đấu như thế nào sẽ trực tiếp tùy thuộc vào chính sách của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở Tây Thái Bình Dương.

Căn cứ vào tài liệu từ phía Mỹ, tàu ngầm hạt nhân Type 092 trang bị 12 quả tên lửa Cự Lang-1, bắt đầu đưa vào hoạt động năm 1987, chưa từng tiên hành tuần tra sẵn sàng chiến đấu biển xa. Trong thời gian hoạt động, nó chỉ tham gia diễn tập quân sự ngắn ngủi trên biển.

Theo bài viết, vai trò của tàu ngầm hạt hân Type 092 trong xung đột quân sự rất có hạn, khi đối mặt với mối đe dọa, nó có thể ra biển và có thể cố gắng một khoảng thời gian ở vùng biển Bột Hải – nơi được lực lượng quân sự của Trung Quốc kiểm soát tương đối tốt. Tầm bắn của tên lửa này chỉ có thể bao trùm lên căn cứ quân Mỹ đóng tại Nhật Bản. Hải quân Trung Quốc khi đó không thể có tham vọng lớn hơn.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092 Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092 Hải quân Trung Quốc

Theo dự đoán của chuyên gia tình báo quân sự Mỹ, tàu ngầm hạt nhân Type 094 mới của Hải quân Trung Quốc có thể mang theo tên lửa Cự Lang-2 có tầm bắn trên 8.000 km, tầm bắn tên lửa ít nhất có thể bao trùm lên 2 bang Hawaii và Alaska của Mỹ và tất cả căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh châu Á, đồng thời lại không nhất thiết phải rời xa bờ biển của Trung Quốc. Có thể người Trung Quốc hoàn toàn không hài lòng với nó, sẽ chế tạo phiên bản nâng cấp của Cự Lang-2, tầm bắn lớn hơn.

Bài viết cho rằng, tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Trung Quốc bắt đầu tuần tra sẵn sàng chiến đấu định kỳ, đương nhiên sẽ nảy sinh vấn đề có liên quan đến số lượng hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Thông thường cho rằng, xét tới tính cần thiết của huấn luyện binh sĩ và trang bị công nghệ, để luôn duy trì một tàu ngầm tuần tra, hải quân cần sở hữu 3 tàu ngầm có khả năng tác chiến. Xét tới việc cần phải tiến hành đại tu, thì ít nhất cần 4 chiếc. Giống như số lượng của Anh và Pháp.

Chỉ có Hải quân có kinh nghiệm phong phú và công nghệ tiên tiến mới có thể sử dụng lực lượng khá nhỏ hỗ trợ cho tuần tra liên tiếp, điều này có lẽ đòi hỏi Trung Quốc ít nhất sở hữu 5 tàu ngầm Type 094. Hiện nay đang chuẩn bị 3 chiếc.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc

Còn có một vấn đề quan trọng, chính là chiến thuật của tàu ngầm. Tàu ngầm Trung Quốc vẫn thua tàu ngầm của phương Tây và Nga về tính năng "tàng hình", tức khả năng ẩn nấp. Hải quân Trung Quốc sẽ rất khó tránh khỏi các cuộc tấn công của tàu ngầm đa năng Mỹ. Biện pháp có thể giải quyết là bắt chước "hệ thống phòng thủ" do Liên Xô chế tạo - tàu ngầm được bảo vệ và phòng thủ cẩn thận ở vùng biển qua lại an toàn.

Trước đây, tại vùng biển tương đối cô lập trên thế giới - biển Barents và biển Okhotsk, Liên Xô đều có "hệ thống phòng thủ" như vậy. Trung Quốc khác với Liên Xô, duyên hải Trung Quốc trong chuỗi đảo thứ nhất là một trong những khu vực có ngành vận tải biển và ngư nghiệp hoạt động mạnh nhất. Trung Quốc lại tồn tại tranh chấp đảo có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với rất nhiều nước ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Bài viết còn cho rằng, triển khai lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển của Trung Quốc có khả năng đổ thêm dầu vào lửa cho xung đột cục bộ tiềm tàng có liên quan. Hiện nay, rất nhiều hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã bảo đảm an toàn cho tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam.

Nếu Biển Đông trở thành khu vực tuần tra của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc và xảy ra xung đột cục bộ với lực lương can thiệp Mỹ ở khu vực này, thì khả năng giải thích sai lầm về hành vi của đối phương sẽ rất lớn.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 lớp Tấn của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 lớp Tấn của Hải quân Trung Quốc
Đông Bình