TQ khoe 45 kg tài liệu chứng minh cái gọi là "chủ quyền Biển Đông"

28/08/2014 08:42
Đông Bình
(GDVN) - Báo TQ nói như vậy, nhưng không đưa ra một bằng chứng nào, hơn nữa tuyên truyền TQ đang có nhiều cơ hội, dùng "võ mồm" đe dọa Biển Đông.
Tướng "học giả" Trung Quốc: Doãn Trác
Tướng "học giả" Trung Quốc: Doãn Trác

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 25 tháng 8 có bài viết tuyên truyền xuyên tạc cho rằng, từ thời Tây Hán của nước này đã “có mấy trăm bản ghi chép về các đảo, đá ở Biển Đông, như thời ‘ngũ đại thập quốc’”, rằng, Trung Quốc “có tổng cộng 45 kg tài liệu lịch sử chứng minh cho cái gọi là "chủ quyền Hoàng Sa, các đảo ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc” (?).

20 năm tới vẫn là thời kỳ cơ hội chiến lược của Trung Quốc?

Về môi trường an ninh hiện nay của Trung Quốc, bài báo dẫn lời chuyên gia Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, về quân sự, so với các đối thủ chủ yếu như Mỹ, Trung Quốc vẫn ở vào thế “địch mạnh ta yếu”.

“Trung Quốc cần áp dụng thế phòng ngự chiến lược, nhưng Trung Quốc cũng cần chuẩn bị đánh thắng một cuộc chiến tranh thông tin hóa cường độ cao trên các phương hướng chiến lược quan trọng như eo biển Đài Loan, Biển Đông”.

Doãn Trác cho rằng, Mỹ chuyển trọng điểm chiến lược toàn cầu sẽ là một tiến trình lịch sử lâu dài. Trước hết, sự thay đổi của môi trường kinh tế, chính trị Mỹ là 2 nhân tố cơ bản lớn dẫn đến chuyển trọng điểm chiến lược sang hướng Đông.

Thứ hai, sự trỗi dậy của EU và việc chống lại Nga sẽ làm chậm rất lớn tiến trình chuyển trọng điểm chiến lược sang hướng Đông của Mỹ.

Thứ ba, kiểm soát khu vực tài nguyên chiến lược vẫn là mục tiêu ưu tiên trong bố cục chiến lược toàn cầu của Mỹ. “Trọng điểm chiến lược toàn cầu của Mỹ đang chuyển sang hướng Đông, nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn toàn chuyển sang”.

Theo Doãn Trác, trong giai đoạn tới vẫn sẽ là thời kỳ cơ hội chiến lược của Trung Quốc và nó sẽ kéo dài tới năm 2030.

Kinh tế và ngoại giao: Không gian chính mở rộng chiến lược

Doãn Trác cho rằng, bá quyền kinh tế từng bước mất đi, khả năng kiểm soát vùng đệm giảm rõ rệt, chiến lược liên minh từng bước mất hiệu lực – đây là 3 điểm yếu quan trọng của chiến lược “sử dụng 2 đại dương, kiểm soát 2 châu lục, chèn ép Trung-Nga, xưng bá toàn cầu” của Mỹ.

Theo Doãn Trác, hai phương diện kinh tế và ngoại giao chính là không gian chủ yếu để Trung Quốc mở rộng lợi ích chiến lược. Lấy kinh tế làm ví dụ, Trung Quốc và Mỹ “lấy đối đầu làm phụ, hợp tác làm chính”, trong khi đó, Trung Quốc muốn phát triển một thể chế kinh tế thị trường hoàn thiện, đồng thời hòa nhập với kinh tế thế giới, bao gồm xây dựng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hoàn thiện.

Trung Quốc tấn công Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
Trung Quốc tấn công Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam

Doãn Trác cho rằng: “Kinh tế Mỹ đang dần dần suy giảm, trong khi đó kinh tế Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng, đây chính là nền tảng thượng tầng của thời kỳ cơ hội chiến lược (của Trung Quốc).

Bá quyền của Mỹ trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, ý thức hệ được xây dựng trên cơ sở bá quyền trong lĩnh vực kinh tế của họ. Vì vậy, không chỉ là Trung Quốc, sự phát triển của các nước như Ấn Độ, Brazil, Nga đều sẽ đẩy nhanh mất đi bá quyền kinh tế của Mỹ, từ đó làm lung lay cơ bản bá quyền của họ”.

Nhưng, Doãn Trác cũng cho rằng, cho dù Mỹ đã mất đi bá quyền về kinh tế, vị trí số một về quân sự của họ vẫn có thể duy trì rất nhiều năm. “Vì vậy, trên 3 phương diện chính trị, kinh tế và ý thức hệ, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn ‘lấy đối kháng làm chính’. Trung Quốc cần áp dụng thế phòng ngự chiến lược hoặc giấu mình”.

Vấn đề Biển Đông: Dùng vũ lực

Doãn Trác dùng luận điệu xuyên tạc cho rằng Trung Quốc là người “quản lý và thực thi chủ quyền sớm nhất” các hòn đảo ở Biển Đông; đồng thời dùng “hỏa lực mồm” đe dọa: “Nếu hiện nay dùng vũ lực để đáp trả vũ lực, có gì không đúng?”.

“Cho dù ngày mai hạ lệnh chúng ta sử dụng vũ lực thu hồi 43 đảo, đá bị chiếm, chúng ta đương nhiên có khả năng này. Hơn nữa, bất kể về luật pháp quốc tế hay Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, chúng ta đều có lý” (?). - luận điệu được Doãn Trác và truyền thông TQ tuyên truyền.

Đây là một lý lẽ cùn, ví nếu “có lý”, “đúng luật” thì Trung Quốc đã không phải cử những loại “chuyên gia, học giả” như Doãn Trác hay bộ máy truyền thông khổng lồ của nước này giương giọng đe dọa vũ lực như vậy.

Nếu Trung Quốc “có lý” về luật pháp quốc tế và công ước như Doãn Trác nói, hơn nữa Trung Quốc lại là “nước lớn”, việc tham gia vụ kiện của Philippines sẽ có lợi hơn nhiều, giải quyết sớm và Trung Quốc “có lý” sẽ chiến thắng, chẳng phải mệt mỏi phát triển quân sự...

Nếu “có lý”, Trung Quốc nên tuân thủ luật pháp quốc tế, không nên dùng vũ lực. Nếu có sử dụng vũ lực thì cũng đừng mơ là dễ thắng!

Doãn Trác còn cho rằng, Biển Đông là khu vực quan trọng “chơi cờ” giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước láng giềng, không thể loại trừ sự can thiệp quân sự của Mỹ. Trung Quốc hoàn toàn không phải là “không đánh”, mà cần tiến hành “đáp trả chiến lược”, đây vừa là sách lược vừa là chiến lược.

Như vậy, Doãn Trác gián tiếp thừa nhận, Biển Đông liên quan đến lợi ích sống còn, chiến lược của nhiều bên, nhiều nước kể cả trong và ngoài khu vực sẽ không cho phép Trung Quốc thích làm gì thì làm.

Bài báo còn giới thiệu sơ qua về “chuyên gia” Doãn Trác: tốt nghiệp Đại học Paris, Pháp, lớp chỉ huy hợp thành Học viện chỉ huy hải quân, khoa hải quân Học viện quân sự Pháp; từng thực tập trên tàu sân bay, biết tiếng Pháp, tiếng Anh, đã xuất bản nhiều sách trong đó có Sổ tay trang bị hải quân nhiều nước. Hiện gần 70 tuổi, vẫn làm chủ nhiệm Ủy ban tư vấn chuyên gia thông tin hóa hải quân, lon Thiếu tướng.

Doãn Trác cùng với La Viện, Trương Triệu Trung, Đỗ Văn Long v.v… nổi lên trên truyền thông Trung Quốc với những quan điểm xuyên tạc đánh lừa dư luận liên tục, thường xuyên, dùng “võ mồm” để đe dọa thiên hạ…

Nhưng bản thân các “chuyên gia, học giả” và truyền thông Trung Quốc cũng lúc thì phát biểu dồn dập, lúc thì im lặng khó hiểu về vấn đề Biển Đông. Điều này phản ánh chính sách sử dụng “dư luận chiến” của Trung Quốc với rất nhiều chiêu trò, mục tiêu cuối cùng là phục vụ tham vọng chiếm trọn Biển Đông.

Đông Bình