TQ vẫn muốn thu được lợi ích từ Ukraine kể cả khi hy vọng còn ít

13/03/2014 10:23
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc đã tận dụng Ukraine khó khăn và vị trí địa lý cách xa... để mua công nghệ vũ khí, khả năng này vẫn còn trong thời gian tới như mua công nghệ động cơ
Trung Quốc chế tạo được máy bay chiến đấu J-15 trang bị cho tàu sân bay là nhờ có Ukraine
Trung Quốc chế tạo được máy bay chiến đấu J-15 trang bị cho tàu sân bay là nhờ có Ukraine

Tờ "Nam Ninh vãn báo" Trung Quốc ngày 12 tháng 3 đăng bài viết về triển vọng hợp tác quân sự Trung Quốc-Ukraine, sau đây là nội dung chính của bài viết:

Sách lược bán vũ khí khác nhiều so với Nga

Theo bài báo, tuy cùng thuộc nước cộng hòa của Liên bang Xô viết trước đây, về bán vũ khí trang bị, Ukraine và Nga lại có đặc điểm khác nhau rõ ràng. Là một nước cộng hòa Xô viết tương đối lớn và phát triển trong thời kỳ Liên Xô, ở Ukraine có rất nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Liên Xô. 

Sau khi Liên Xô giải thể, Ukraine đã có được các loại vũ khí trong đó có máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Mặc dù căn cứ vào "Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược", vũ khí hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược bị hủy bỏ toàn bộ, nhưng rất nhiều vũ khí thông thường vẫn được giữ gìn ở Ukraine.

Xuất phát từ sự cân nhắc địa-chiến lược, Nga là một nước lớn mang tính thế giới, vẫn có nhu cầu không nhỏ đối với vũ khí công nghệ cao. Trong bán vũ khí, Nga rất chú trọng bảo vệ khả năng nghiên cứu phát triển và bản quyền sở hữu trí tuệ của ngành công nghiệp quân sự trong nước.

Máy bay huấn luyện cao cấp L-15 Trung Quốc sử dụng động cơ Ukraine
Máy bay huấn luyện cao cấp L-15 Trung Quốc sử dụng động cơ Ukraine

Ukraine thì hoàn toàn khác, là một nước mang tính khu vực có nền kinh tế suy yếu, Ukraine vừa không cần thiết cũng không có khả năng duy trì phát triển, thậm chí bảo vệ những vũ khí này; kho vũ khí và hệ thống nghiên cứu khoa học khổng lồ trong phần lớn thời gian, trái lại, là “tài sản xấu” của Chính phủ. Đến nỗi phương pháp thanh lý “tài sản xấu” đơn giản nhất chính là đem bán chúng với giá thấp cho các khách hàng có nhu cầu.

Hai nước Trung Quốc và Ukraine do lãnh thổ cách xa, hầu như không thể xảy ra xung đột địa-chính trị, xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc hoàn toàn không gây thiệt hại cho an ninh quốc gia của Ukraine, cộng với Trung Quốc luôn "kịp thời trả tiền", "chưa từng khất nợ" trên thị trường vũ khí quốc tế, làm cho giao dịch này trở nên "có lợi và vô hại".

Do đó, Trung Quốc thường có thể sở hữu các công nghệ của Liên Xô còn giữ lại ở Ukraine với giá thành tương đối thấp, giá cả của Nga thường cao hơn gấp mấy chục lần Ukraine.

Lấy máy bay chiến đấu J-15 của Hải quân Trung Quốc làm ví dụ, trong giai đoạn đầu nghiên cứu chế tạo, để có thể tham khảo và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chế tạo, Quân đội Trung Quốc từng tìm cách để Nga bán cho một số máy bay chiến đấu Su-33 dùng cho nghiên cứu.

Nga cũng có ý định khôi phục sản xuất máy bay chiến đấu Su-33, hy vọng thông qua giao dịch với Trung Quốc để có được tài chính khởi động tái sản xuất. Vì vậy, Nga đã yêu cầu Trung Quốc hoặc không mua, hoặc bỏ vài tỷ USD "mua ít nhất 48 chiếc".

Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc
Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc

Cuối cùng, Trung Quốc đã phát hiện một chiếc máy bay nguyên mẫu Su-33 tên là T-10K-3 ở Ukraine, đồng thời nhập nó về với giá rất thấp (Ukraine không cần tàu sân bay, loại máy bay này hoàn toàn vô dụng đối với họ).

Tuy máy bay này còn có không ít khác biệt so với Su-33 phiên bản định hình, nhưng nhân viên nghiên cứu khoa học Trung Quốc vẫn lấy đó làm nền tảng, đã thực hiện thành công nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo máy bay nội địa trang bị cho tàu sân bay (J-15).

Thực lực của "nước Nga nhỏ" không thể xem nhẹ

Hiện nay, Ukraine đứng hàng đầu thế giới trên các lĩnh vực như hàng không-vũ trụ, hàng hải, luyện kim, hóa chất. Tuy "Nhà máy cơ khí phương Nam" hiện đã không còn sản xuất tên lửa chiến lược, nhưng nhà máy này vẫn là nhà máy sản xuất tên lửa đẩy nổi tiếng trên thế giới. Các loại tên lửa đẩy như "Vũ trụ" (Космос), "Cơn lốc-2", "Cơn lốc-3", "Bầu trời" (Зени́т) đều do nhà máy này sản xuất, được bên ngoài cho là "nước Nga nhỏ" của giới công nghiệp.

Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ của Ukraine mấy năm gần đây phát triển rất nhanh. Trên thị trường hàng không quốc tế, máy bay vận tải và máy bay chở khách do tổ hợp khoa học công nghệ hàng không Antonov nghiên cứu chế tạo vẫn có thị trường.

Máy bay vận tải lớn nhất thế giới An-225 của Ukraine
Máy bay vận tải lớn nhất thế giới An-225 của Ukraine

Ukraine từng nhiều lần đưa máy bay vận tải vận tải lớn nhất thế giới An-225 Mriya trưng bày tại các triển lãm. Máy bay này có tải trọng lớn nhất là 200 tấn, hành trình tối đa là 4.500 km. Hiện nay, máy bay vận tải dòng An vẫn là một trong những máy bay vận tải chủ lực của Quân đội Nga.

Ngành đóng tàu Ukraine bị suy yếu mạnh sau khi Liên Xô giải thể, nhưng vẫn có trình độ rất cao, đã giữ lại công nghệ hoàn chỉnh và công nhân kỹ thuật có liên quan của các loại tàu chiến, trong đó có tàu sân bay.

Điều đáng nói là, công nghệ hàn của Viện hàn Barton thuộc Viện Khoa học Ukraine luôn đứng vị trí dẫn trước trên quốc tế. Sử dụng công nghệ do viện này phát minh, công nhân kỹ thuật có thể tiến hành hàn nối trong bất cứ điều kiện nào. Vì vậy, công nghệ này đặc biệt thích hợp với các lĩnh vực như hàng không-vũ trụ.

Ukraine hiện nay là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ sáu trên thế giới, duy trì quan hệ hợp tác với trên 50 quốc gia trên thế giới. Từ năm 1996 trở lại đây, Ukraine đã bán khoảng 800 tỷ USD vũ khí trang bị cho Pakistan, tháng 12 năm 1999 Ukraine và Iran đã ký hợp đồng lắp ráp 120 máy bay chở khách An-140 tại Iran, đồng thời phụ trách chuyển giao dây chuyền sản xuất cho Iran, máy bay này do Iran sản xuất ra được gọi là máy bay chở khách Iran-140.

Máy bay chở khách An-140 Ukraine
Máy bay chở khách An-140 Ukraine

Đồng thời, Ukraine cũng đã sửa chữa máy bay tiêm kích MiG-29 và cung cấp tàu tuần tra cho Turkmenistan. Hiện nay, sản phẩm công nghiệp quân sự Ukraine cung cấp cho Nga đạt trên 7.000 loại, sản phẩm công nghiệp quân sự nhập khẩu của Nga đạt trên 8.000 loại.

Hợp tác quân sự Trung Quốc-Ukraine?

Trên thực tế, Trung Quốc mới là nước tiêu thụ lớn nhất của công nghiệp quân sự Ukraine, đến nay Ukraine đã bán trên 30 loại công nghệ quân sự cho Trung Quốc, trong đó có các công nghệ và trang bị quan trọng như hệ thống động lực của tàu chiến mặt nước cỡ lớn, thiết kế tàu vận tải cỡ lớn, máy bay huấn luyện siêu âm, động cơ xe tăng và tên lửa không đối không.

Trong khi đó, xe tăng chiến đấu Khalid do Trung Quốc và Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo cũng đã sử dụng động cơ diesel 6TD-2E; động cơ ban đầu sử dụng của máy bay huấn luyện cao cấp JL-10 (Liệp Ưng-15) chính là AI-222, đồng thời thông qua sao chép đã phát triển được động cơ WS-15.

Việc nhập khẩu tuabin khí (gas) giúp cho tàu chiến cỡ lớn Trung Quốc cuối cùng cũng có động cơ. Theo truyền thông nước ngoài, Trung Quốc đã nhập khẩu tua-bin chạy ga UGT-25000 do tổ hợp Zorya-Mashproekt của Ukraine sản xuất, nhưng khi đó còn chưa chuyển nhượng công nghệ. Cuối cùng, Ukraine đã đồng ý bán công nghệ.

Trung Quốc phát triển động cơ WS-15 (ảnh do dân mạng tuyên truyền)
Trung Quốc phát triển động cơ WS-15 (ảnh do dân mạng tuyên truyền)

Hợp tác Trung Quốc-Ukraine ngoài động cơ xe bọc thép, xe tăng mặt đất, tàu sân bay, máy bay chiến đấu, còn có hợp tác về công nghệ tên lửa. Tên lửa không đối không đồng bộ (sau khi Trung Quốc nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30) hy vọng được nâng cấp, nhưng do lo ngại bị sao chép, Nga đã từ chối yêu cầu của Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc đã lựa chọn Ukraine.

Phiên bản cải tiến đầu dẫn radar bán chủ động do nhà máy radar Kiev sản xuất có tính năng và khả năng chống nhiễu mạnh hơn Nga. Trung Quốc đã tiến hành cải tiến đối với tên lửa không đối không R-27 hiện có, đồng thời đã đưa ra dòng tên lửa không đối không cự ly trung bình của họ.

Theo bài báo, năm 2013 là tròn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc và Ukraine, mặc dù hai nước Trung Quốc-Ukraine đã là đối tác hợp tác chiến lược, nhưng hoạt động kỷ niệm liên quan rất nhạt, hai bên hầu như đều cố ý "tránh" hợp tác lĩnh vực công nghệ quân sự, chỉ một chữ liên quan đến thương mại quân sự cũng không đề cập.

Trên thực tế, Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn số 1 của công nghiệp quân sự Ukraine, Ukraine mong muốn sau khi năm 2013 Trung Quốc trở thành đối tác hợp tác kỹ thuật quân sự hàng đầu của Ukraine.

Tàu đổ bộ đệm khí Zubr do Ukraine chế tạo
Tàu đổ bộ đệm khí Zubr do Ukraine chế tạo

Triển vọng hợp tác quân sự Trung Quốc-Ukraine

Hiện nay, ngoài giao dịch các linh kiện thường xuyên, hợp tác quân sự Trung Quốc-Ukraine chủ yếu tập trung vào lĩnh vực động lực của tàu chiến và máy bay. Tình hình những doanh nghiệp này trong cuộc khủng hoảng Ukraine lần này đã trực tiếp quyết định triển vọng hợp tác quân sự Trung Quốc-Ukraine.

Hợp tác công nghiệp quân sự lớn nhất và quan trọng nhất giữa Trung Quốc-Ukraine hiện nay là sản phẩm của lĩnh vực động cơ hàng không. Công ty MotorSich của Ukraine có nhiều chương trình hợp tác động cơ với Trung Quốc, bao gồm cung cấp động cơ phản lực AI- 222-25F cho Trung Quốc để trang bị cho máy bay huấn luyện cao cấp JL-10 (L-15), chuyển nhượng công nghệ chế tạo động cơ có liên quan cho Trung Quốc vầ cung cấp động cơ công suất lớn sử dụng trong môi trường cao nguyên cho máy bay trực thăng Mi-17 của Trung Quốc.

Nhà máy này hiện nay còn nắm bản quyền thiết kế động cơ D-18T mà Trung Quốc rất quan tâm - loại động cơ này là động lực cốt lõi của hai loại máy bay vận tải chiến lược lớn nhất của Liên Xô, một khi nhập khẩu thành công, sẽ có tác dụng thúc đẩy to lớn đối với phát triển máy bay cỡ lớn của Trung Quốc.

Doanh nghiệp này nằm ở thành phố Zaporizhzhya, đông nam Ukraine, hiện nay xem ra hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lần này. Nhưng, ngành hàng không và kinh tế tiêu điều của Ukraine có thể sẽ gây tác động không nhỏ đối với doanh nghiệp này. Công ty này không chỉ một lần cho biết, do cân nhắc đến việc tồn tại, họ có thể bán bản quyền thiết kế động cơ D-18T cho Trung Quốc.

Tàu khu trục Hải Khẩu 171 Type 052C trong biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu khu trục Hải Khẩu 171 Type 052C trong biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Bài báo cho rằng, đối với Ukraine, bán vũ khí trang bị cho Trung Quốc là một chiếc bánh ga-tô lớn, bất kể cựu Thủ tướng Tymoshenko hay lãnh đảo Đảng Tự do lên cầm quyền đều sẽ không có bất cứ tác động ảnh hưởng thực chất nào đối với hợp tác quân sự Trung Quốc-Ukraine, dù sao trong cuộc "cách mạng cam" lần trước, thương mại quân sự Trung Quốc-Ukraine hoàn toàn không bị ảnh hưởng (?).

Nói chung, do thiếu tiền và không có động lực để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phần lớn công nghệ của Ukraine đã dừng lại ở thời kỳ Liên Xô sụp đổ, không thể phát triển tiến lên.

Mặc dù Trung Quốc từng có nhu cầu học tập những công nghệ này để tiến hành đuổi theo, con đường hợp tác công nghiệp quân sự Trung Quốc-Ukraine không tránh khỏi sẽ ngày càng thu hẹp.

Đông Bình