Tàu chiến Trung Quốc thăm Bắc Âu để phô trương sức mạnh và nhòm ngó Bắc Cực

06/10/2015 06:41
Việt Dũng
(GDVN) - Thông qua chuyến thăm, Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ với các nước Bắc Âu để khai thác tài nguyên nhất là khi băng đang tan chảy.

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 5 tháng 10 đưa tin, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc gần đây lần đầu tiên tiến hành thăm các nước Bắc Âu, gây chú ý cho dư luận.

Biên đội hộ tống tốp thứ 20 của Hải quân Trung Quốc
Biên đội hộ tống tốp thứ 20 của Hải quân Trung Quốc

Trang mạng "Học giả ngoại giao" Nhật Bản ngày 2 tháng 10 có bài viết cho rằng, Hải quân Trung Quốc thăm Bắc Âu thể hiện mong muốn phô trương sức mạnh của họ, đồng thời cũng đã phản ánh Trung Quốc quan tâm đến các nước khu vực Bắc Cực.

Theo bài báo, sau khi kết thúc hộ tống ở vịnh Aden, biên đội Hải quân Trung Quốc bắt đầu tiến hành thăm toàn cầu, biên đội này bao gồm tàu khu trục tên lửa Tế Nam số hiệu 152, tàu hộ vệ tên lửa Ích Dương số hiệu 548 và tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ.

Tàu khu trục Tế Nam và tàu hộ vệ Ích Dương thuộc các tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc, còn tàu tiếp tế Thiên Đảo Hồ được đưa vào hoạt động khoảng 10 năm trước.

Theo bài viết, cùng với việc lớp băng ở Bắc Cực tan ra, tài nguyên của khu vực này bắt đầu dễ khai thác, vì vậy, Trung Quốc phải tăng cường quan hệ với các nước Bắc Cực mới có thể giành được tài nguyên.

Biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đến cảng Stockholm, Thụy Điển
Biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đến cảng Stockholm, Thụy Điển

Bài viết cho rằng, Hải quân Trung Quốc thăm Bắc Âu lần này đã vừa phô trương năng lực hành động ở khu vực mới, vừa thể hiện mối quan tâm tới Bắc Cực. Trong các nước này, Hải quân Trung Quốc đều đã được "người Hoa địa phương" hoan nghênh.

Đối với suy đoán của báo Nhật về việc Trung Quốc thèm thuồng tài nguyên của Bắc Cực, tại Đại hội vòng cung Bắc Cực lần thứ hai tổ chức ở thủ đô Rekjavik của Iceland ngày tháng 11 năm 2014,

phó vụ trưởng Vụ pháp lý điều ước Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cổ Quế Đức cho rằng, Trung Quốc đem theo mong muốn tốt đẹp tới Bắc Cực, đó là "hòa bình" và "hợp tác".

Theo Cổ Quế Đức, Trung Quốc là một nước gần Bắc Cực, sự thay đổi về tự nhiên và phát triển kinh tế của khu vực Bắc Cực có ảnh hưởng quan trọng đến khí hậu, môi trường sinh thái, sản xuất nông nghiệp và kinh tế xã hội của Trung Quốc.

Trung Quốc sẵn sàng cùng tất cả các nước Bắc Cực triển khai “tương tác có lợi” trên các lĩnh vực có liên quan, cùng đóng góp trên các phương diện như ứng phó với vấn đề liên vùng của Bắc Cực, thúc đẩy phát triển bền vững Bắc Cực.

Biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đến cảng Stockholm, Thụy Điển
Biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đến cảng Stockholm, Thụy Điển

Được biết, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc thăm Bắc Âu lần này chính là biên đội hộ tống tốp thứ 20 của nước này. Sau khi kết thúc hộ tống, biên đội này chuyển sang đi thăm các nước gồm: Sudan, Ai Cập, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Mỹ, Cuba, Mexico, Australia, Đông Timor và Indonesia.

Biên đội này vừa kết thúc chuyến thăm các nước Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển, nay đang chuyển sang thăm Ba Lan và các nước khác. 

Việt Dũng