Tàu đổ bộ đệm khí “made in Viet Nam"

11/09/2012 09:53
Trịnh Tuân (Nguồn: Youtube)
(GDVN) - Con tàu “đổ bộ” đệm khí “made in Vietnam” đã được một nông dân Hai Lúa chế tạo thành công và cho chạy thử nghiệm ngay trên cánh đồng nhà mình.
Tuy mới chỉ có hơn 13 ngàn lượt view, nhưng video về Tàu đệm khí "Made in Hai Lúa" Việt Nam đăng tải trên mạng youtube đã làm cho nhiều người không khỏi bàng hoàng và thán phục trước tài năng và sức sáng tạo lớn lao của người nông dân Việt sớm hôm chỉ biết “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.

Video tàu đệm khí “made in Hai Lúa”:

Qua video, tàu đệm khí Hai Lúa có cấu tạo khá đơn giản, bao gồm thân tàu, quạt nâng, chong chóng đẩy, các túi đệm khí và hệ thống lái.

Quạt nâng sẽ cung cấp khí làm căng phồng các túi khí và duy trì áp lực đệm khí trong các túi khí này để nâng tàu lên khỏi mặt đất, mặt nước một khoảng cách nhất định còn bánh lái đặt ở phần đuôi tàu đảm nhiệm việc điều khiển tàu.

Tàu đệm khí Hai Lúa.
Tàu đệm khí Hai Lúa.

Các túi khí được gắn chặt với phần thân, giúp duy trì đệm khí dưới tàu. Chong chóng đẩy sẽ đẩy tàu đi về phía trước nhờ một động cơ đẩy cực khỏe.

Quan sát video ta thấy thân tàu được làm bằng gỗ rất chắc chắn và không thấm nước. Thiết kế này sẽ giúp giảm trọng lượng của con tàu đi rất nhiều.

Việc một nông dân Hai Lúa chế tạo thành công tàu đệm khí đã cho thấy được sức sáng tạo rất đáng khâm phục và tự hào của người nông dân Việt Nam trong thời kỳ mới. T

Tàu đệm khí “made by Hai Lua” Việt Nam sẽ mở ra cơ hội lớn để chế tạo những con tàu không chỉ nhẹ mà còn đi nhanh hơn và chở được nhiều người hơn tại các khu vực sông nước nhất là vùng sông nước Nam Bộ cần di chuyển ở tốc độ cao trong những trường hợp khẩn cấp như cứu hộ, cấp cứu và du lịch.

Tàu đệm khí Hai Lúa.
Tàu đệm khí Hai Lúa.

Trong năm 2011, trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thành chiếc tàu đệm khí – loại tàu vừa hoạt động dưới nước, vừa chạy được trên bờ.

Tàu dài 4,7m, rộng 2,2m, trọng lượng tàu hơn 180kg, chở được 3 người, vận tốc từ 40 đến 50km/h. Tàu đã được thử nghiệm trên cạn nhiều lần và được chế tạo từ một đề tài cấp trọng điểm của Đại học Quốc gia TP.HCM, với kinh phí lên đến 600 triệu VNĐ.

Xem video thử nghiệm tàu đệm khí của trường ĐH Bách khoa TP.HCM:

Sau khi video Tàu đệm khí made by Hai Lúa được đăng tải, đã có rất nhiều người bày tỏ sự thán phục cũng như đưa ra những ý kiến đánh giá đóng góp để hoàn thiện hơn nữa con tàu đệm khí tuyệt vời này.

Độc giả với nickname “MotherLandMyMom” tự hào: “Hai Lúa! Rất đáng hãnh diện về người Việt Nam”.

Độc giả với nickname “MrBangCoi” thì bày tỏ sự tự hào một cách hài hước: “chất ... lắp súng nữa là vào biên chế (trong quân đội) được rồi”. Còn độc giả “gaufive1” thì ao ước đưa con tàu : “ra biển chuẩn bị phóng lôi và tên lửa.”

Độc giả “aimunsolochoiko” đánh giá: “hệ thống bánh lái chưa ổn định lắm, nhưng tự nghiên cứu phát triển chế tạo như thế là quá giỏi rồi.” Cùng có nhận định như trên là độc giả “hoanghuynh2409”: “Rất hay nhưng điều khiển hình như không chạy thẳng mà hơi bị lệch, cố gắng phát huy.”

Tàu đệm khí của trường ĐH Bách Khoa TP. HCM.
Tàu đệm khí của trường ĐH Bách Khoa TP. HCM.

So sánh tàu đệm khí “made in hai Lúa” với tàu đệm khí của trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, độc giả “dinhquangdinh” cho biết: “Cái tàu dệm khí này chạy còn máu lửa hơn tàu của ĐHBK TPHCM nhiều, sao không công khai tên tác giả vè nguyên quán để anh em gần xa tỏ lòng ngưỡng mộ”.

Độc giả “0rigami1” cũng có so sánh tương tự: “Con này nhạy chán so với con của BK, quan sát kĩ cái rudder bẻ lúc đang tốc độ cao thì bị dạt 1 đoạn ngắn rồi chuyển hướng luôn còn gì. Con của BK vừa chậm vừa đù.”

Độc giả “Nguyen Phat Thinh” thì tỏ ra khá tiếc nuối: “Giỏi quá. Mà sao cái này không được lên báo vậy.”

Chạy thử nghiệm tàu đệm khí trong khuôn viên ĐH Bách Khoa TPHCM.
Chạy thử nghiệm tàu đệm khí trong khuôn viên ĐH Bách Khoa TPHCM.

Độc giả với nickname “Leminhthin07” thì có tiết lộ khá bất ngờ về tác giả của con tàu đệm khí Hai Lúa: “Anh Hai này là cựu sinh viên khoa Giao Thông - ĐH Bách Khoa HCM đó mấy bạn… Tàu này muốn mạnh hay yếu là do người thiết kế, cần mạnh chỉ cẩn thay động cơ lớn hơn nhưng tiêu hao quá nhiều nhiên liệu thì có nên ko? Lái nhạy hay không là do khoảng cách bánh lái tới cánh quạt (có thể điểu chỉnh được).

Mình là thành viên chế tạo BAKVEE (tàu đệm khí của trường ĐHBKHCM), thật sự khâm phục anh Hai vì khả năng tự thiết kế, tự chế tạo, đặc biệt là công nghệ túi khí…Xin chúc mừng Anh.”

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Trịnh Tuân (Nguồn: Youtube)