Tàu lặn của Trung Quốc có thể cắt cáp biển của đối phương

23/06/2012 16:18
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông)
(GDVN) - Báo Mỹ cho rằng, tàu vũ trụ Thần Châu 9 có thể làm công cụ bắn mù và tiêu diệt vệ tinh nước khác, cùng Thiên Cung 1 diễn tập bắt tù binh…
Tàu vũ trụ Thần Châu 9 và Thiên Cung 1 tự động lắp ghép thành công.
Tàu vũ trụ Thần Châu 9 và Thiên Cung 1 tự động lắp ghép thành công.

Việc Thiên Cung 9 kết nối với Thiên Cung đã gây ngạc nhiên cho dư luận, nhưng cũng đặt ra câu hỏi cho nhiều người về tham vọng không gian của Trung Quốc.

Báo Mỹ cho rằng, Thần Châu 9 sẽ có lợi cho Trung Quốc “theo dõi đối thủ” trong chiến tranh không gian quy mô lớn tương lai, thậm chí trở thành công cụ tác chiến không gian “bắn mù hoặc phá hủy vệ tinh của đối phương”.

Thậm chí có phương tiện truyền thông cho rằng, Trung Quốc tiến hành lắp ghép kết nối thủ công giữa Thần Châu 9 và Thiên Cung 1 lần này là muốn tập “bắt vệ tinh nước khác làm tù binh”.

Theo báo Hồng Kông, nếu hệ thống vệ tinh của Mỹ bị Trung Quốc gây thiệt hại nặng, thì sức chiến đấu của Mỹ sẽ kéo lùi về thập niên 1960.

Tờ “Thế giới báo” Đức cho rằng, “chân của con rồng Trung Quốc không chỉ vươn vào không gian, mà còn thò xuống biển sâu”. Tàu lặn Giao Long hạ thủy được truyền thông nước ngoài vẽ ra triển vọng Trung Quốc “xưng bá đáy biển” trong cuộc chiến tranh lớn ở biển sâu trong tương lai.

Ngày 19/6/2012, tàu lặn Giao Long đã lặn sâu tới 6.965m xuống dưới đáy biển.
Ngày 19/6/2012, tàu lặn Giao Long đã lặn sâu tới 6.965m xuống dưới đáy biển.

Có phân tích cho rằng, tàu ngầm hạt nhân có uy lực nhất của Trung Quốc lặn sâu chỉ khoảng 300 m, nên khó tránh khỏi máy bay chống tàu ngầm của Mỹ, nhưng sự đột phá của tàu lặn Giao Long sẽ giúp cho tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc “lột xác”.

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông cũng phỏng đoán sôi nổi về các vấn đề như tàu ngầm hạt nhân vẽ phác thảo “bản đồ đáy biển”, cắt đứt “dây cáp đáy biển” của đối phương, thử nghiệm hệ thống thông tin chỉ huy tàu ngầm tiên tiến hơn…

Báo Trung Quốc cho rằng, mặc dù báo chí nước ngoài ra sức “chụp mũ” tâng bốc Trung Quốc là “bá vương không gian”, “bá vương đáy biển”, nhưng Trung Quốc sẽ không thay đổi quyết tâm “sử dụng hòa bình không gian và biển”, “người có, mình cũng có; người không có, mình vẫn có”.

“Là một nước lớn, Trung Quốc không chỉ muốn tham gia khai thác hòa bình không gian và biển, mà còn muốn đóng vai trò đáng kể ngăn chặn các nước khác có ý đồ tiến hành cuộc chiến tranh lớn trong không gian và dưới đáy biển”.

Trung Quốc có khả năng chống vệ tinh ?

Hãng CNN Mỹ cho rằng, tham vọng không gian của Trung Quốc ngày càng tăng lên. Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Gingrich cho rằng:

“Mỗi một nhà phân tích nghiêm túc đều có thể nhìn thấy người Trung Quốc đang tập trung toàn lực cho việc thống trị vũ trụ”. Chương trình không gian mới sẽ giúp cho Trung Quốc “có công cụ theo dõi đối thủ tiềm tàng hoặc nghiên cứu chế tạo ra vũ khí laser có thể bắn mù hoặc tiêu diệt vệ tinh khác”.

Thần Châu 9 lắp ghép tự động với Thiên Cung 1
Thần Châu 9 lắp ghép tự động với Thiên Cung 1

Truyền thông nước ngoài luôn nghi ngờ về việc Quân đội Trung Quốc luôn đứng đằng sau tất cả các phát triển của ngành hàng không vũ trụ nước này. Đài truyền hình Fuji TV Nhật Bản cho rằng, ở Trung Quốc, ngành hàng không vũ trụ được phân công cho quân đội quản lý, khiến cho thế giới không tin Trung Quốc sẽ sử dụng hòa bình không gian. Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế quốc gia để tập trung phát triển không gian, “thực ra là để thực hiện bành trướng”.

CNN cũng cho rằng, chương trình không gian của Trung Quốc chủ yếu là do các doanh nghiệp quốc doanh hoặc tổ chức quân sự phụ trách thực hiện, rất nhiều phi công và kỹ sư là sĩ quan đang tại ngũ hoặc phục viên.

Mỹ luôn nghi ngờ về các hoạt động không gian của Trung Quốc. “Hơn 95% công nghệ không gian đều có công dụng kép, tức là vừa được sử dụng cho dân sự, vừa được sử dụng cho quân sự” – Joan Johnson Fritz, học giả Học viện Chiến tranh Mỹ nói. “Mặc dù về công nghệ, Mỹ dẫn xa Trung Quốc, nhưng Trung Quốc thực sự có một số thứ quan trọng mà Mỹ thiếu”.

Trong đó, Mỹ quan tâm nhất là khả năng “bắn mù và tiêu diệt vệ tinh” của Trung Quốc. Tờ “Komsomolskaya Pravda” Nga cho rằng, ngay từ năm 2011, khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo “Chiến lược an ninh không gian quốc gia 10 năm”, Phó Tổng thư ký chính sách phòng thủ không gian Mỹ Gregory Schulte phỏng đoán, Trung Quốc đang phát triển vũ khí chiến tranh không gian, dùng để tiêu diệt vệ tinh hoặc ngăn chặn tín hiệu vệ tinh.

Tàu Thần Châu 9 được gắn với tên lửa đẩy Trường Chinh 2F tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền trước khi phóng vào không gian.
Tàu Thần Châu 9 được gắn với tên lửa đẩy Trường Chinh 2F tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền trước khi phóng vào không gian.

Theo hãng AP, năm 2007, Trung Quốc từng sử dụng một quả tên lửa đạn đạo tầm trung phá hủy một vệ tinh khí tượng bỏ đi của nước này, gây “ấn tượng sâu sắc” cho Mỹ, thúc đẩy Mỹ quan tâm hơn đến khả năng chiến tranh không gian có thể tiêu diệt các thiết bị hàng không vũ trụ của Trung Quốc.

Các chuyên gia quân sự Mỹ nhận định, các công nghệ mũi nhọn như laser và “tên lửa đánh chặn động năng” là hai đòn sát thủ lớn được Trung Quốc nghiên cứu triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa ngoài bầu khí quyển và trong không gian.

“Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2011” của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra, sau năm 2007, Trung Quốc còn nghiên cứu chế tạo vũ khí của tên lửa đánh chặn để sử dụng trong không gian như tia laser, chùm tia hoặc sóng cực ngắn công suất cao.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, thông qua các chương trình bay vào không gian mang theo con người và thám hiểm Mặt Trăng, Trung Quốc đã cải thiện rất lớn công nghệ theo dõi và nhận biết các thiết bị bay cần thiết cho chiến tranh không gian.

Báo Mỹ cho rằng, sau khi tàu vũ trụ Thiên Cung 1 lần lượt lắp ghép với tàu Thần Châu 8 và Thần Châu 9, những công nghệ này có ý nghĩa đặc biệt đối với chiến tranh không gian trong tương lai. Trung Quốc đã có các công nghệ như chặn đánh tên lửa hành trình quỹ đạo thấp và tên lửa đạn đạo tầm ngắn, chủ yếu dùng để đánh chặn đầu cuối tên lửa, sức mạnh của nó chỉ đứng sau tên lửa đánh chặn kiểu mới SM-IIA của Mỹ.

Tên lửa đánh chặn mặt đất thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa GMD của Mỹ.
Tên lửa đánh chặn mặt đất thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa GMD của Mỹ.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho rằng, Trung Quốc còn đang nghiên cứu chế tạo khinh khí cầu bay ở độ cao 80 km, dùng động năng vật thể hoạt động tốc độ cao để tiêu diệt tên lửa, và công nghệ đánh chặn tàu vũ trụ.

Năm 2010, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công “hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn mặt đất” (GMD), đã tiến hành đánh chặn tên lửa đạn đạo bay trên không cách mặt đất 20 km. Điều này tiếp tục gây chấn động giới quân sự Mỹ sau khi Trung Quốc tiêu diệt vệ tinh năm 2007.

Tờ “Nam Hoa buổi sáng” Hồng Kông từng tiết lộ, những thông tin về các cuộc thử nghiệm của Trung Quốc luôn được Mỹ phát hiện trước, sau đó thông báo cho đồng minh. Nhưng, đến nay vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về “các công nghệ đánh chặn tên lửa như laser, chùm tia hoặc sóng cực ngắn công suất cao của Trung Quốc”.

Phần lớn sự phỏng đoán được tập trung vào dòng tàu vũ trụ Thần Châu, có tin cho là tàu Thần Châu 6 và Thần Châu 7 đã bí mật tiến hành thử nghiệm, giữ lại thiết bị trong quỹ đạo, sau khi tàu vũ trụ trở về, vẫn có thể tiến hành nhiệm vụ thử nghiệm tới gần nửa năm. Tàu Thần Châu 8 và Thần Châu 9 cũng được cho là không loại trừ có thử nghiệm vũ khí tiên tiến hơn.

Ngoài ra, MSN cho rằng, Trung Quốc luôn kéo gần khoảng cách giữa 2 vệ tinh trên quỹ đạo, tiến hành diễn tập bay cơ động vệ tinh. Trung Quốc “có khả năng có ý đồ đang phát triển những kỹ năng chuyên nghiệp, để ẩn náu ở gần các vệ tinh khác, một khi khủng hoảng nổ ra, tiện lợi cho nghe trộm thậm chí làm tê liệt vệ tinh của đối phương”.

Tên lửa chống vệ tinh SC-19 Trung Quốc.
Tên lửa chống vệ tinh SC-19 Trung Quốc.

Trung Quốc có thể đưa Mỹ quay trở về cách đây 50 năm?

Ngày 18/6, tờ Tin tức Bình luận Trung Quốc của Hồng Kông cho rằng: “Nếu hệ thống vệ tinh của Mỹ bị Trung Quốc gây thiệt hại nặng, sức chiến đấu của Mỹ có lẽ sẽ quay trở về thập niên 1960”, bởi vì “Mỹ có thể sẽ không xem thường sự phát triển nhanh chóng của công nghệ không gian Trung Quốc”.

Tờ “Tín báo” Hồng Kông cho rằng, sự tiến triển về chương trình và công nghệ không gian của Trung Quốc hiện nay có thể càng gây ngạc nhiên cho Mỹ hơn là sự tăng trưởng liên tục về GDP. Là một nước muốn nắm chắc quyền kiểm soát không gian, Mỹ luôn coi trọng phát triển các chương trình không gian.

Do có ưu thế về phương diện ứng dụng vệ tinh do thám, thông tin và định vị, Mỹ phần nào đã nắm được quyền kiểm soát không gian, giúp cho Quân đội Mỹ tương đối có ưu thế trước quân đội các nước khác.

Theo tờ “Tín báo”, hệ thống vệ tinh tiên tiến và định vị toàn cầu giúp Mỹ dựa vào sự “trong suốt một chiều” để tiến hành tấn công chính xác, chiếm hết thuận lợi trong chiến tranh hiện đại, nhưng “đôi mắt chim ưng” này e rằng mất đi một phần công năng, tức là các biện pháp thông tin, định vị và do thám của Mỹ chắc chắn bị thiệt hại nặng, so với quân đội các nước khác, khả năng quân Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh cục bộ công nghệ cao “sẽ quay trở về thập niên 1960”.

Tức là, Trung Quốc thông qua đại chiến chống vệ tinh, có thể đẩy lùi sức mạnh quân sự Mỹ về 50 năm trước.

Tàu vũ trụ Thần Châu 8 lắp ghép với Thiên Cung 1.
Tàu vũ trụ Thần Châu 8 lắp ghép với Thiên Cung 1.

Về định vị không gian, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, “ai có thể kiểm soát không gian, người đó sẽ có thể kiểm soát Trái Đất”.

Ngay từ năm 1969, sau khi tàu vũ trụ Apollo đổ bộ thành công, người Mỹ đã có một câu danh ngôn nổi tiếng hơn: “Quyền lãnh đạo trong không gian có nghĩa là quyền lãnh đạo Trái Đất”. Tờ “Mạn đàm Bộ Quốc phòng” Mỹ cho rằng: “Tất cả tài sản trong không gian đều là nền tảng của công nghệ cao Mỹ”.

Chuyên gia về chiến lược quốc phòng Trung Quốc nói với tờ “Thế giới báo” rằng, đối với Mỹ, kiểm soát không gian đã là “mạch máu”. Vì vậy, một khi Trung Quốc có tiến triển trong không gian, Mỹ sẽ không khỏi ngờ vực và lo ngại về mối đe dọa không gian từ Trung Quốc, phát triển vũ khí không gian để tạo ưu thế cho mình.

Tờ “Komsomolskaya Pravda” cho rằng: “do muốn phòng bị và chống lại các hoạt động quân sự trong không gian của Trung Quốc, đồng thời nghiên cứu chiến thuật mới cho chiến tranh không gian”, nửa cuối năm 2011, Mỹ đã thành lập Cục Phòng thủ Không gian, một tổ chức hoàn toàn mới phụ trách “chiến sự trong không gian”.

Nhưng theo hãng Reuters, tàu vũ trụ Thiên Cung 1 chỉ là tàu thử nghiệm, chứ không phải là một phần của trạm không gian. Nhưng, nhiệm vụ lắp ghép lại là một sự khẳng định của Trung Quốc về “sức mạnh không gian ngày càng tăng cường”, Trung Quốc vẫn còn một con đường rất dài để tiếp cận “siêu cường không gian” hiện nay là Mỹ và Nga.

Tàu vũ trụ Thần Châu 7 của Trung Quốc.
Tàu vũ trụ Thần Châu 7 của Trung Quốc.

So với công nghệ hàng không vũ trụ của Mỹ và Nga, tàu Thần Châu 9 rốt cuộc nằm ở vị trí nào? Joan Johnson Fritz, học giả Học viện Chiến tranh Mỹ cho rằng, Thần Châu 9 cơ bản giống với thời kỳ chương trình Gemini của Mỹ.

Hãng CNN cho rằng, tàu vũ trụ dòng Thần Châu của Trung Quốc tương tự tàu vũ trụ Soyuz của Nga. Năm 2003, tức năm thứ 41 sau khi người Mỹ đầu tiên là John Glenn bay lên quỹ đạo Trái Đất, Trung Quốc mới đưa tàu vũ trụ vào không gian. Khi đó, tàu vũ trụ Thần Châu 5 đã mang theo Thượng tá Dương Lợi Vĩ lên quỹ đạo và bay 14 vòng. Vài tháng sau, Dương Lợi Vĩ được phong tướng.

Tờ Tin tức Bình luận Trung Quốc của Hồng Kông cho rằng, tháng 1/1992, lãnh đạo Bắc Kinh quyết định khởi động công trình hàng không vũ trụ mang theo con người hết sức tốn kém, mang tên “Công trình 921”. Tàu Thần Châu 9 hiện nay tương đương với công trình tàu vũ trụ mang theo con người giai đoạn ban đầu của Liên Xô cũ và Mỹ.

Báo Hồng Kông cho rằng, từ thập niên 1960, cơ quan vũ trụ của Liên Xô cũ và Mỹ đã chạy đua triển khai chương trình tàu vũ trụ mang theo con người. Chẳng hạn, năm 1963, Liên Xô đã đưa nữ phi hành gia bay vào không gian, sau 20 năm, năm 1983, nữ phi hành gia đầu tiên của Mỹ cũng bay vào không gian.

Nhưng, trong 20 năm đó, Mỹ thực hiện chương trình phòng thí nghiệm không gian, trước sau đã đưa nhiều tốp phi hành gia vào không gian và năm 1969 lần đầu tiên đưa nhà du hành vũ trụ lên Mặt Trăng. Do đó, Trung Quốc còn có khoảng cách rất xa so với Mỹ.

Nhà du hành vũ trụ Trung Quốc Dương Lợi Vĩ.
Nhà du hành vũ trụ Trung Quốc Dương Lợi Vĩ.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông)