Tàu sân bay Liêu Ninh không thể phá vỡ thế cân bằng ở Đông Á

26/09/2012 11:53
Việt Dũng
(GDVN) - Ông Kiều Lương mặc dù xuất thân từ không quân, nhưng tỏ ra tự tin khi cho rằng Hải quân Trung Quốc có khả năng đào tạo được chỉ huy tàu sân bay. Kiều Lương cho rằng, từ thập niên 1980, Trung Quốc đã đưa phi công vào lớp đào tạo thuyền trưởng của Hải quân, công việc này đã được tiến hành gần 30 năm, đã tích lũy được kinh nghiệm nhất định.
Ngày 25/9/2012, Trung Quốc tổ chức Lễ bàn giao tàu sân bay Liêu Ninh cho Hải quân Trung Quốc tại Nhà máy đóng tàu Đại Liên của Tập đoàn Công nghiệp nặng Tàu thủy Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc ông Hồ Cẩm Đào tham dự và thị sát.
Ngày 25/9/2012, Trung Quốc tổ chức Lễ bàn giao tàu sân bay Liêu Ninh cho Hải quân Trung Quốc tại Nhà máy đóng tàu Đại Liên của Tập đoàn Công nghiệp nặng Tàu thủy Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc ông Hồ Cẩm Đào tham dự và thị sát.

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc vừa có loạt bài viết phỏng vấn Phó Tổng Thư ký Ủy ban Nghiên cứu Chính sách An ninh Quốc gia Trung Quốc, Thiếu tướng Kiều Lương về tàu sân bay Trung Quốc. Để hiểu thêm về các phương thức tuyên truyền của các học giả, truyền thông TQ, dưới đây là liệt kê một số  nội dung chính của các bài viết này:

Tướng Kiều Lương cho biết, ngoài thân tàu sân bay do Liên Xô chế tạo, những thứ còn lại do Trung Quốc tự " hoàn thành". Không thể đem tàu sân bay này so sánh với tàu sân bay hạng nhẹ của Thái Lan hay tàu sân bay hạng nặng của Mỹ.

Theo đánh giá của "chuyên gia nhà" Kiều Lương của TQ, Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là tàu sân bay hạng trung, được xếp vào hàng ngũ “tàu sân bay tiên tiến” trong số các nước sở hữu tàu sân bay hạng trung.

Kiều Lương cho rằng, tàu sân bay không trang bị máy bay thì không thể gọi là tàu sân bay. Tàu sân bay là một sân bay trên biển hoạt động, nó phải trang bị máy bay mới có thể là một tàu sân bay mang ý nghĩa thực sự.

Trung Quốc đã có tàu sân bay đầu tiên và cũng đã có máy bay trang bị cho tàu sân bay.

Ông Kiều Lương mặc dù xuất thân từ không quân, nhưng tỏ ra tự tin khi cho rằng Hải quân Trung Quốc có khả năng đào tạo được chỉ huy tàu sân bay. Kiều Lương cho rằng, từ thập niên 1980, Trung Quốc đã đưa phi công vào lớp đào tạo thuyền trưởng của Hải quân, công việc này đã được tiến hành gần 30 năm, đã tích lũy được kinh nghiệm nhất định.

Những phi công này được trải nghiệm trên các cương vị như chỉ huy tàu hộ vệ, tàu khu trục, cuối cùng được đào tạo trên tàu sân bay.

Tướng Trung Quốc cho rằng, ý nghĩa lịch sử của việc bàn giao tàu sân bay cho Hải quân Trung Quốc là: Trung Quốc tiến thêm một bước trên con đường tới hải quân nước lớn.

Kiều Lương cho biết, theo quan điểm truyền thống, hải quân được phân làm hai loại – một là hải quân nước vàng (ven bờ, nước nông), hai là hải quân nước xanh (hải quân xanh lam đậm, hay hải quân đại dương, hải quân tầm xa).

Trung Quốc luôn muốn xây dựng được một lực lượng hải quân tầm xa, bởi vì “đây là tiêu chí của hải quân nước lớn”, Trung Quốc đã có giấc mộng này 100 năm. Nhưng, chiến tranh Giáp Ngọ đã làm vỡ giấc mộng này hơn 110 năm trước. Sau đó, Trung Quốc luôn muốn thực hiện giấc mơ hải quân tầm xa.

Tàu sân bay Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh

Theo Kiều Lương, sức mạnh của Quân đội Trung Quốc không thể thay đổi căn bản chỉ vì một hai loại vũ khí. Hơn nữa, vai trò của tàu sân bay cũng sẽ không lớn như dư luận đồn đoán. Tàu sân bay từng xưng bá trên biển, xưng bá thế giới, nó là sản phẩm của nền kinh tế logistics, nó dùng để bảo đảm an ninh hàng hải, là một loại vũ khí thông qua nắm chắc quyền kiểm soát biển để giành lấy các quyền kiểm soát khác.

Hiện nay, thời đại đang thay đổi, thời đại nền kinh tế logistics đang dần dần trở thành kiểu cũ, thời đại dòng vốn đang đến. Các nước phát triển sức mạnh quân sự, đặc biệt là quân Mỹ, phần nhiều là để kiểm soát dòng vốn.

Bởi vì, hướng chảy và lưu lượng vốn hiện nay đã quyết định mức độ phát triển kinh tế của một quốc gia. Vốn đã trở thành “lõi” mạch máu kinh tế của các nước phát triển và các nước đang phát triển. Cho nên, làm thế nào có thể kiểm soát dòng vốn mới là phương hướng phát triển chủ yếu của sức mạnh quân sự trong tương lai.

Nếu nhìn từ góc độ này, không thể đặt toàn bộ hy vọng “một quân đội lớn mạnh” vào tàu sân bay - một loại vũ khí trang bị hạng nặng này, mà cần phải phát triển các thủ đoạn quân sự khác tương ứng. Chẳng hạn, hiện nay Mỹ đang tích cực phát triển hệ thống tấn công toàn cầu tốc độ nhanh, mà hệ thống này chắc chắn là nhằm vào dòng vốn, chứ không phải nhằm vào logistics.

Vì vậy, cần phải xem xét vị trí và vai trò của tàu sân bay trong lực lượng quân sự hiện đại ở góc độ này.

Theo Kiều Lương, không thể cho rằng, việc bàn giao sử dụng tàu sân bay có nghĩa là sức mạnh trên biển ở Đông Á đã đảo ngược. Bởi vì, Đông Á được phân thành Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Trung Quốc sở hữu tàu sân bay hầu như chỉ tạo ra sự đảo ngược khi so sánh với hải quân của các nước Đông Bắc Á hoặc các nước Đông Nam Á.

Nhưng, điều này không có ý nghĩa gì. Bởi vì, cán cân sức mạnh quân sự ở Đông Á có thay đổi hay không phải xem xét một nhân tố quan trọng, đó chính là sự hiện diện của quân Mỹ.

Quân đội Mỹ đóng quân cả ở Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó Philippines là một đồng minh của Mỹ ở Đông Á. Đằng sau những các sự việc là sự hiện diện quân sự của quân Mỹ. Nếu bỏ qua yếu tố này để nói rằng cán cân sức mạnh quân sự ở Đông Á đang thay đổi thì không có ý nghĩa.

Có thay đổi hay không phải đem ra so sánh với quân Mỹ, theo đó chỉ có thể nói là sức mạnh của Trung Quốc đã được tăng cường, nhưng không thể làm cho cán cân sức mạnh quân sự của toàn bộ Đông Á đã thay đổi, càng không thể nói là đảo ngược - Kiều Lượng nhận định và tuyên truyền trên báo TQ.

Theo Kiều Lương, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long luôn có quan điểm rằng, hy vọng Mỹ quay trở lại châu Á, chính là hy vọng dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ để cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cho nên, khi xem xét cán cân sức mạnh quân sự ở Đông Á phải tính tới nhân tố Mỹ.

Trong tình hình hiện nay, là quan hệ giữa các nước lớn, sẽ không dễ dàng xảy ra đối đầu trực tiếp, cho dù là Mỹ, chỉ cần không động chạm tới lợi ích cốt lõi của họ, sẽ không trực tiếp xảy ra đối đầu quân sự với Trung Quốc.

Nhưng, cũng không thể coi thường một yếu tố công nghệ quan trọng. Nếu Trung Quốc để xảy ra xung đột quân sự với bất cứ nước nào ở Đông Á, cho dù quân Mỹ không trực tiếp đối đầu với Trung Quốc hoặc không trực tiếp chi viện cho đối thủ của Trung Quốc, nhưng có một khả năng chính là Mỹ sẽ cung cấp chi viện thông tin cho đồng minh, thậm chí trực tiếp tiến hành áp chế điện từ đối với các hành động của Quân đội Trung Quốc.

Tàu sân bay sẽ không sớm đưa vào giải quyết tranh chấp trên biển?

Kiều Lương cho rằng, việc tàu sân bay từ bàn giao đưa vào sử dụng đến khi có khả năng tác chiến phải trải qua 1 quá trình, được huấn luyện một thời gian nhất định, mới có thể thực sự có khả năng tác chiến.

Vì vậy, trong tình hình xung quanh Trung Quốc hiện nay nhất là tình hình trên biển, Trung Quốc chưa thể nhanh chóng sử dụng tàu sân bay. Hiện nay, Ý nghĩa răn đe của tàu sân bay lớn hơn là ý nghĩa chiến đấu thực tế.

Về khả năng Trung Quốc sẽ cứng rắn trong giải quyết vấn đề biển Đông, biển Hoa Đông sau khi sở hữu tàu sân bay, Kiều Lương cho rằng, Trung Quốc có một câu tục ngữ ý là, khi trong tay bạn đã có vũ khí sắc bén, bạn sẽ có nhiều thủ đoạn hơn để giải quyết vấn đề, thái độ đương nhiên cũng sẽ khác. Nhưng, giải quyết vấn đề không phải cứng rắn bằng một phương thức hoặc một thái độ, mà là khi cần rắn thì phải rắn, khi không cần rắn thì không nhất thiết cứ phải rắn, phải kết hợp lẫn nhau.

Ông này cho rằng, "phải học sư tử và cáo, lúc nên làm sư tử, lúc nên làm cáo, trong lòng nhất định phải nắm chắc. Điều quan trọng là nắm chắc tình hình, vận dụng thủ đoạn chính xác như thế nào".

Sẽ không gây ra sự phong tỏa, trừng phạt trực tiếp của phương Tây?

Theo Kiều Lương, việc bàn giao tàu sân bay sẽ không gây ra sự phong tỏa, trừng phạt trực tiếp của phương Tây. Bởi vì, phương Tây hiểu rằng, việc bàn giao sử dụng một chiếc tàu sân bay hoàn toàn không thực sự làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở Đông Á và trên thế giới.

Nhưng, phương Tây cùng nhau đối phó với Trung Quốc đã trở thành một xu thế và sự thực. Tuy nhiên, tình hình không hoàn toàn như vậy, bởi vì, Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu đang đối mặt với hàng loạt thách thức, đặc biệt là suy thoái kinh tế.

Trong tình hình đó, không ai trong số họ muốn từ bỏ lợi ích kinh tế. Cho nên, sự theo đuổi lợi ích làm cho phương Tây rất khó tiến hành liên thủ chống Trung Quốc một cách hoàn hảo, bởi vì các nước này đều đứng trước sự phát triển của Trung Quốc, không thể tiến hành các hành động liên hợp đối với Trung Quốc một cách thống nhất để hy sinh lợi ích kinh tế.

Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc có chỉ huy là Trương Tranh và Chính ủy là Mai Văn
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc có chỉ huy là Trương Tranh và Chính ủy là Mai Văn

Những năm gần đây, có quốc gia áp dụng thái độ cứng rắn với Trung Quốc, nhưng có nước lại cố gắng lấy lòng Trung Quốc, thực ra là vì lợi ích. Vì vậy, họ không thể hoàn toàn chống, hay hợp tác với Trung Quốc một cách thống nhất.

Trương Tranh-chỉ huy tàu sân bay Liêu Ninh
Trương Tranh-chỉ huy tàu sân bay Liêu Ninh
Mai Văn-chính ủy tàu sân bay Liêu Ninh
Mai Văn-chính ủy tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay chiến đấu J-15 trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay chiến đấu J-15 trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Việt Dũng