Tàu sân bay thế hệ tiếp theo Mỹ có thể trang bị nhiều loại vũ khí laser

23/06/2015 07:44
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo)
(GDVN) - Hải quân Mỹ đang nghiên cứu khả năng lắp vũ khí laser, pháo ray điện trên tàu sân bay USS Gerald Ford để đối phó với các mối đe dọa mới như tên lửa Đông Phong
Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 21 tháng 6 trang mạng nguyệt san "Lợi ích quốc gia" Mỹ ngày 18 tháng 6 đưa tin, quan chức Hải quân Mỹ cho biết, tàu sân bay thế hệ tiếp theo của Mỹ rất có thể sẽ trang bị nhiều loại vũ khí laser và vũ khí năng lượng định hướng.

Theo bài báo, trang mạng quân sự Mỹ tuần này dẫn lời một số quan chức cấp cao hải quân cho biết, Hải quân Mỹ đang nghiên cứu khả năng lắp vũ khí laser trên tàu sân bay USS Gerald Ford (chiếc tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới đầu tiên).

Thiếu tướng hải quân Michael Manazir phụ trách tác chiến trên không nói trên trang mạng quân sự Mỹ: "Tàu sân bay là trang bị tuyệt vời để lắp vũ khí năng lượng định hướng. Vũ khí năng lượng định hướng hiện nay sử dụng cho mục đích phòng ngự. Cùng với công nghệ ngày càng tiến bộ, bạn sẽ nhìn thấy công nghệ laser mang tính tấn công".

Vũ khí laser lắp trên tàu chiến USS Ponce Hải quân Mỹ
Vũ khí laser lắp trên tàu chiến USS Ponce Hải quân Mỹ

Theo bài báo, tàu sân bay USS Gerald Ford có thể cung cấp điện 13.800 volt, tương đương gấp 3 tàu sân bay lớp Nimitz (4.160 volt). Một phần điện lực trên tàu sân bay USS Gerald Ford sẽ cung cấp cho hệ thống phóng điện từ dành cho máy bay (EMALS),

Số điện còn lại có thể cung cấp cho các vũ khí như vũ khí năng lượng định hướng và pháo ray điện. Ngoài ra, tàu sân bay lớp Ford rất có thể sẽ có nhiều điện hơn.

Chính như Thiếu tướng Michael Manazir chỉ ra, trang bị vũ khí laser ở tàu sân bay tương đối hợp lý. Hiện nay rất nhiều người đều lo ngại tàu sân bay ngày càng lỗi thời, bởi vì vũ khí chống hạm dẫn đường chính xác (như tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D của Trung Quốc) đang nằm trong tay kẻ thù của Mỹ, hơn nữa những kẻ thù này có thể dùng chúng để bắn chìm tàu sân bay.

Cụm chiến đấu tàu sân bay Hải quân Mỹ có năng lực phòng không và phòng thủ tên lửa mạnh, nhưng hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống vẫn tồn tại vấn đề. Trước hết, so với tên lửa đánh chặn, giá thành chế tạo và sử dụng tên lửa kiểu tấn công vẫn thấp hơn nhiều.

Vũ khí laser lắp trên tàu chiến USS Ponce Hải quân Mỹ
Vũ khí laser lắp trên tàu chiến USS Ponce Hải quân Mỹ

Ngoài ra, tàu chiến chỉ có thể vận chuyển số lượng nhất định tên lửa đánh chặn, không gian dành cho hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa càng nhiều, thì không gian dành cho tên lửa kiểu tấn công lại càng ít.

Vũ khí Laser và vũ khí năng lượng định hướng hứa hẹn giải quyết hai vấn đề kể trên. Hải quân Mỹ đã sử dụng một loại hệ thống vũ khí năng lượng định hướng, nó chính là hệ thống vũ khí laser (LaWS), hiện lắp trên tàu chiến USS Ponce.

Nó chủ yếu là ứng phó với máy bay không người lái Iran và mối đe dọa tàu thuyền nhỏ có thể dùng để tấn công tàu chiến Hải quân Mỹ ở vịnh Ba Tư.

Mặc dù hệ thống vũ khí laser có năng lực tác chiến nhất định, nhưng vũ khí năng lượng định hướng nếu muốn phát huy tiềm năng thì vẫn phải đi con đường rất dài.

Pháo ray điện Mỹ
Pháo ray điện Mỹ

Tháng 4 năm nay, Trung tâm an ninh Mỹ mới công bố một báo cáo liên quan đến vấn đề này chỉ ra: "Trải qua gần nửa thế kỷ tìm tòi, khám phá, Quân đội Mỹ hôm nay cuối cùng sắp đưa vũ khí năng lượng định hướng có năng lực tác chiến tương đối mạnh vào chiến trường”.

“Mặc dù vũ khí laser lớp megawatt có thể bắn rơi tên lửa đạn đạo hiện xem ra vẫn rất xa vời, nhưng vũ khí laser chiến thuật hiện nay vẫn là thủ đoạn có tỷ lệ giữa hiệu suất và giá cao khi phát huy vai trò đối phó với máy bay không người lái và tàu thuyền nhỏ giá rẻ".

Thiếu tướng Michael Manazir cho rằng: "Hiện nay, công nghệ năng lượng định hướng cùng với thiết bị điện và làm lạnh của nó cho thấy, những hệ thống này rất chiếm chỗ và rất nặng, nhưng công nghệ năng lượng định hướng đang phát triển nhanh chóng".

Người phụ trách điều hành chương trình tàu sân bay, Thiếu tướng Thomas Moore cũng nói trên trang mạng quân sự Mỹ rằng: "Phải phải có điện khoảng 300 kW mới có thể bắt đầu làm cho vũ khí laser phát huy hiệu quả. Điện càng nhiều, vai trò có thể phát huy sẽ càng lớn”.

“Tôi cho rằng, trong tương lai sẽ đem laser và pháo ray điện kết hợp với nhau trong sử dụng. Tôi thực sự cho rằng, sẽ có một ngày, vũ khí laser có thể thay thế một số hệ thống tên lửa hiện có. Tỷ lệ phá hủy tổng thể của vũ khí laser sẽ cao hơn".

Hạm đội Hải quân Mỹ
Hạm đội Hải quân Mỹ
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo)