Tên lửa Đông Phong-26C Trung Quốc đe dọa Đông Nam Á?

24/03/2014 12:25
Đông Bình
(GDVN) - Đông Phong-26 có tầm bắn 3.500 - 4.000 km, có thể lắp cả đầu đạn hạt nhân và thông thường, đe dọa Guam, Nhật Bản, Đông Nam Á và Trung Đông.
Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo mới Đông Phong-26C của Trung Quốc (mạng Quan sát tiếng Trung)
Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo mới Đông Phong-26C của Trung Quốc (mạng Quan sát tiếng Trung)

Mạng quan sát quân sự Nga ngày 17 tháng 3 đưa tin, vào đầu tháng 3, truyền thông phương Tây tiếp tục đưa tin về tên lửa đạn đạo tầm trung mới của Trung Quốc.

Tính năng mạnh của vũ khí mới có thể làm cho Trung Quốc gây ảnh hưởng rõ rệt đối với cân bằng sức mạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tên lửa mới của Trung Quốc có thể đe dọa một số nước Đông Nam Á hoặc nước có lợi ích ở khu vực này.

Trang mạng "Washington Free Beacon" dẫn nguồn tin từ cơ quan tình báo cho rằng, Trung Quốc đã chế tạo ra tên lửa đạn đạo mới dòng Đông Phong. Loại tên lửa này được đặt tên là Đông Phong-26, dùng để tấn công các mục tiêu trong phạm vi 3.500 - 4.000 km.

Sự xuất hiện của nó lập tức đã gây lo ngại cho một số nước. Tầm phóng của tên lửa làm cho Trung Quốc theo tuyên truyền có thể tấn công các mục tiêu như căn cứ Guam của Quân đội Mỹ.

Theo bài báo, thông tin có liên quan đến tên lửa đạn đạo mới của Trung Quốc rất ít. Những điều hiện đã biết chỉ có một số thông tin cơ bản. Có tin cho biết, hệ thống tên lửa Đông Phong-26C được lắp trên khung xe. Còn có tin cho rằng, nó đặt ở công trình nằm dưới lòng đất và được bảo vệ, chỉ khi phóng mới di chuyển nó đi; địa điểm triển khai tên lửa này còn chưa rõ.

Căn cứ vào tài liệu hiện có, tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-26C đã lắp động cơ nhiên liệu rắn. Tên lửa mới có thể bổ sung cho trang bị hiện có của lực lượng Pháo binh 2.

Tầm bắn của tên lửa Đông Phong-26C vượt Đông Phong-3, thiết bị phóng tự hành giúp cho tính cơ động của nó đạt trình độ của Đông Phong-21.

Đồng thời trang bị Đông Phong-26C và Đông Phong-21 sẽ nâng cao khả năng đánh trận cho Quân đội Trung Quốc. Đông Phong-21 dùng để phá hủy hạ tầng của đối phương trong phạm vi 1.800 km, còn trong phạm vi 4.000 km sẽ sử dụng Đông Phong-26C.

Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo mới Đông Phong-26C của Trung Quốc (mạng Quan sát tiếng Trung)
Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo mới Đông Phong-26C của Trung Quốc (mạng Quan sát tiếng Trung)

Theo bài báo, bất kể triển khai ở đâu, Đông Phong-26C có thể vươn tới khu vực lớn. Hướng đông có thể tấn công Nhật Bản, một loạt quốc gia Đông Nam Á và căn cứ Guam của Mỹ. Hướng tây có thể tấn công lãnh thổ một số nước Trung Đông. Ngoài ra, Ấn Độ cũng nằm trong phạm vi tấn công của loại tên lửa này.

Bài báo cho rằng, sở hữu tên lửa đạn đạo mới tầm bắn 4.000 km đã nâng cao rõ rệt thực lực của Quân đội Trung Quốc. Nó có thể lắp 2 loại đầu đạn - hạt nhân và phi hạt nhân, từ đó đã đảm bảo tính linh hoạt khi sử dụng. Cuối cùng, thiết bị phóng tự hành làm cho tên lửa này có thể nhanh chóng điều đến khu vực cần thiết.

Theo bài báo, hệ thống tên lửa Đông Phong-26C hiện có tạo ra mối đe dọa to lớn cho các nước Đông Nam Á và nước có lợi ích ở khu vực này.

Tầm bắn 4.000 km và tính cơ động của thiết bị phóng bảo đảm cho tên lửa này có tính linh hoạt cao khi sử dụng và phạm vi tấn công rộng rãi. Nhìn vào dư luận có liên quan đến tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và kế hoạch của các nước đối với thay đổi cân bằng sức mạnh của khu vực này, tên lửa mới là thủ đoạn quan trọng có lợi cho Trung Quốc.

Trước đó, trên truyền thông Trung Quốc cũng xuất hiện một số bài viết liên quan đến tên lửa Đông Phong-26C.

Tờ “Quan sát” tiếng Trung ngày 4 tháng 3 dẫn tờ “Washington Free Beacon” cho rằng, Trung Quốc đã triển khai loại tên lửa tầm trung mới Đông Phong-26C, nó dùng để thay thế cho tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21.

Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo mới Đông Phong-26C của Trung Quốc (mạng Quan sát tiếng Trung)
Hình ảnh này được cho là tên lửa đạn đạo mới Đông Phong-26C của Trung Quốc (mạng Quan sát tiếng Trung)

Theo bài báo, loại tên lửa này có tầm bắn ít nhất 2.200 dặm Anh (khoảng 3.642 km), đủ để tấn công căn cứ quân sự Guam Mỹ, một cứ điểm quan trọng tăng cường sức mạnh quân sự hướng Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc (căn cứ tên lửa đạn đạo tầm trung ở tỉnh Giang Tây của Trung Quốc cách Guam khoảng 3.500 km).

Trong khi đó, Lầu Năm Góc đã tuyên bố sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Guam để đối phó với “mối đe dọa tên lửa đang tăng lên”. Hòn đảo này nằm ở Nam Thái Bình Dương, cách Nhật Bản 1.600 dặm Anh, cách Hawaii 4.000 dặm Anh.

Ngày 10 tháng 2, Hải quân Mỹ còn tuyên bố sẽ triển khai tàu ngầm hạt nhân thứ tư ở Guam, tên là USS Topeka, tàu này là tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles, có thể lắp tên lửa hành trình Tomahawk.

Chuyên gia quân sự Mỹ Richard Fisher cho rằng, trên trang mạng của Trung Quốc đã xuất hiện 2 loại xe chở tên lửa Đông Phong-26. 3 năm trước, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc từng cho biết, Tập đoàn khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) đang nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa có tầm bắn 2.400 dặm Anh (3.800 km), tên lửa mới sẽ triển khai vào năm 2015.

Tập đoàn này cũng đã sản xuất tên lửa dòng Đông Phong-21, do đó Đông Phong-26C có thể là phiên bản tiếp theo của nó.

Trong tương lai, tên lửa Đông Phong-26C có thể sử dụng cả đầu đạn hạt nhân và thông thường, có thể thực hiện nhiệm vụ chống hạm hoặc tấn công chính xác thông thường, sẽ giúp Trung Quốc đưa khả năng tấn công vươn tới chuỗi đảo thứ hai, trong đó Guam là trung tâm.

Theo trang mạng "Mối đe dọa tên lửa" Mỹ, tên lửa Đông Phong-25 có tính năng căn bản tương động với Đông Phong-26C
Theo trang mạng "Mối đe dọa tên lửa" Mỹ, tên lửa Đông Phong-25 có tính năng căn bản tương động với Đông Phong-26C

Theo Richard Fisher, thực lực tên lửa của Trung Quốc tăng lên buộc Mỹ phải tăng cường thực lực ở khu vực Thái Bình Dương, bao gồm thiết kế lại máy bay tấn công không người lái hải quân, nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới và triển khai nhiều tàu ngầm hơn.

Năm 2012, truyền thông Mỹ đã đăng hình ảnh về một loại tên lửa đạn đạo mới trên trang mạng của Trung Quốc, kích cỡ của nó lớn hơn Đông Phong-21, nhỏ hơn Đông Phong-31, vì vậy khi đó suy đoán nó là một loại tên lửa hạt nhân tầm trung-xa mới.

Quan chức tình báo Mỹ tin nó là tên lửa Đông Phong-26C. Ngoài ra, còn có tin đồn cho rằng, tên lửa tầm trung Đông Phong-25 sẽ thay thế cho Đông Phong-21, còn tên lửa Đông Phong-27 là phiên bản chống hạm của Đông Phong-26.

Theo bài báo, hiện nay, tên lửa tầm trung-xa nhiên liệu thể lỏng Đông Phong-4 có tầm bắn 4.700 km, vẫn đang nằm trong biên chế của Quân đội Trung Quốc, nó được cơ động bằng đường sắt, thể tích khổng lồ, triển khai chậm, độ chính xác thấp, không sử dụng đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa này được triển khai ở các khu vực như Thanh Hải, Cam Túc nhằm răn đe Moscow. Trải qua mấy chục  năm triển khai, loại tên lửa cũ này đã lạc hậu so với nhu cầu thời đại, dễ bị đánh chặn.

Trong khi đó, Đông Phong-26C có tầm bắn ngắn hơn một chút so với Đông Phong-4, nhưng có khả năng đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa, khi được dẫn đường đầu cuối radar có độ chính xác bắn trúng đạt 50 m.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21C Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21C Trung Quốc
Đông Bình