Thực hư hai dự án siêu tăng thế hệ mới T-99, T-95 của Nga

28/08/2012 06:58
Trịnh Tuân (Nguồn: SP)
(GDVN) - Báo chí nước ngoài cho biết rằng, để đối phó với Trung Quốc, Nga đang phát triển dự án xe tăng chiến đấu thế hệ mới Armata mà phương Tây gọi là T-99. Vậy thực hư dự án này thế nào?

Vài ngày trước đây, Defense Update đăng tải một bài viết nói về dòng xe tăng chiến đấu chủ lực Armata do công ty Uralvagonzavod của Nga phát triển mà phương Tây gọi là Т-99 rằng nó ít có tính cách mạng về mặt công nghệ so với dự án tăng bất thành Object 195 (Т-95).

Bài viết cho biết Т-99 có trọng lượng nhỏ hơn nên sẽ cơ động hơn và không đắt tiền như người tiền nhiệm T-95, dự án xe tăng chứa đựng nhiều tham vọng hơn.

Xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới của Nga Object 195.
Xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới của Nga Object 195.

Có nguồn tin cho rằng, trước đây, nguyên mẫu đầu tiên của xe tăng mới T-99 dự kiến sẽ được giới thiệu vào năm 2015, sau đó hoàn thành các đợt kiểm tra và đến năm 2015 thì đưa vào phục vụ khoảng 2.300 chiếc.

Báo chí phương Tây bình luận, việc Nga chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới không phải nhằm chống lại NATO mà thực tế là để trang bị cho các đơn vị đóng ở các khu vực biên giới tiếp giáp với các quốc gia đạo Hồi và khu vực biên giới giáp Trung Quốc ở phía Đông bởi Trung Quốc có thể là đối thủ tiềm tàng của Nga tại khu vực này trong tương lai không xa.

Vậy, thực hư của dự án xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới Armata của Nga ra sao? Armata có phải là dự án siêu tăng T-99 hay không? Nó có liên quan gì đến dự án xe tăng Object 195 mà phương Tây gọi là T-95? Tương lai của những dự án này và lực lượng tăng thiết giáp của Nga sẽ như thế nào?

Dự án tăng Armata mà phương Tây gọi là T-99.
Dự án tăng Armata mà phương Tây gọi là T-99.

Liên quan đến những bàn cãi trên đây về chương trình xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới của Nga, phóng viên tờ báo SP đã có cuộc phỏng vấn với một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xe bọc thép đồng thời là tổng biên tập của Tạp chí Kho vũ khí quốc gia, đại tá Victor Murakhovski để làm rõ thực hư những vấn đề nêu ra ở trên.

Dưới đây là toàn bộ cuộc phỏng vấn:

SP: Trước hết, tại sao Bộ Quốc phòng lại không sản xuất hàng loạt các xe tăng thế hệ mới Object 195?

Victor Murakhovski: Xe tăng này đã gần như đã hoàn thành các bài kiểm tra tuy nhiên nó không được chấp nhận bởi vì, một mặt, Bộ Quốc phòng trong quá trình nghiên cứu phát triển đã thay đổi các yêu cầu đối với xe tăng thế hệ mới.

Mặt khác, các ngành công nghiệp không sẵn sàng để sản xuất hàng loạt loại xe tăng này. Phải mất nhiều năm để thực hiện áp dụng công nghệ mới và bắt đầu sản xuất các bộ phận quan trọng của Object 195.

Object 195.
Object 195.

SP: Điều đó có nghĩa là yêu cầu đã thay đổi?

Victor Murakhovski: Nội dung của dự án nghiên cứu và phát triển là bí mật, vì vậy tôi chỉ có thể trả lời một cách chung chung. Ví dụ, các yêu cầu mới về khả năng bảo vệ của xe tăng khỏi đạn bom, đạn, mìn và các thiết bị nổ tự chế, cũng như các loại vũ khí chống tăng, vv.

SP: Một số chuyên gia cho rằng Armata đơn giản hơn và kém tiên tiến hơn so với Object 195. Điều này có đúng không, thưa ông?

Victor Murakhovski: Armata kế thừa tất cả những thành tựu của Object 195. Nguyên tắc bố trí, các thiết bị và hệ hống gần như tương tự với Object 195, nhưng có mức độ tích hợp công nghệ cao hơn. Tuy nhiên có một số điểm khác biệt cần lưu ý.

Bộ Quốc phòng đã quyết định không trang bị loại pháo chính có cỡ nòng lớn (152 mm) cho loại xe tăng này như dự kiến ban đầu liên quan đến nhiều vấn đề. Vào thời điểm đó, nó không quá quan trọng. Vì vậy, Bộ quốc phòng quyết định giữ lại pháo 125 mm (giống như của T-80/90).

Nói chung, trong cách bố trí các khoang, hệ thống điều khiển hỏa lực, động cơ, hệ thống treo, giáp bảo vệ của Armata kế thừa đầy đủ những thành công ở Object 195. Vì vậy, tôi thấy không có cơ sở để kết luận rằng Armata kém hơn Object 195.

Abrams của Mỹ và Object 195.
Abrams của Mỹ và Object 195.

SP: Vài tháng trước, một kỹ sư của nhà máy Uralvagonzavod trong một cuộc phỏng vấn với SP đã nói rằng Object 195 không được sản xuất loạt và dự án Object 195 đã thất bại?

Victor Murakhovski:  Dự án Object 195 được bắt đầu sau sự sụp đổ của Liên Xô. Vì vậy, trên thực tế một số công nghệ cũng như dây chuyền sản xuất phải được tổ chức lại. Object 195 không thất bại, mà nó được xây dựng lại. Trong những năm 90 vệc chế tạo Object 195 được thực hiện song song với T-90A.

SP: Báo chí phương Tây gọi Armata là T-99. Nó có đúng là như vậy không thưa ông?

Victor Murakhovski: Không, cũng giống như T-95 chưa bao giờ là tên gọi chính thức của Object 195. Ký hiệu chỉ được sử dụng chỉ sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định đưa nó vào hoạt động. Trước đó, nó được gọi với cái tên Object. T-99 là một phát minh của các tác giả phương Tây (cười).

Thiết kế xe tăng thế hệ mới Armata.
Thiết kế xe tăng thế hệ mới Armata.

SP: Cách đây không lâu, nhiều thảo luận về chủ đề mua các mẫu tăng bánh hơi nước ngoài hoặc phát triển xe tăng mới trên cơ sở các xe bọc thép bánh hơi. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Victor Murakhovski: Chúng tôi đã đưa về Kubinka một số mẫu xe tăng bánh hơi của Ý hệ thống vũ khí khá mạnh mẽ. Trong thời Xô Viết, việc phát triển xe tăng trên khung gầm xe bánh hơi cũng đã được thực hiện.

Đặc biệt, chúng ta đã thử nghiệm gắn pháo xe tăng trên khung gầm xe bọc thép BTR-70 Zhalo. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cuộc chiến tranh được dự đoán là sẽ kéo dài với phạm vi ngày càng mở rộng, do đó nó đã không được ghi nhận.

Bây giờ, tình thế đã hoàn toàn khác trước. Bộ Quốc phòng đã nhìn thấy mối đe dọa chính trong các cuộc chiến tranh và xung đột ở biên giới đòi hỏi Quân đội phải có tính cơ động cao. Do đó, ý tưởng về các lữ đoàn xe tăng bánh hơi đã được đưa ra.

Tuy nhiên, trên chiến trường khốc liệt dưới sức mạnh hỏa lực của đối phương, chúng có thể bị tiêu diệt do khả năng bảo vệ của chúng kém hơn so với các xe tăng truyền thống.

Siêu tăng T-90S.
Siêu tăng T-90S.

SP: Sự phân phối các lữ đoàn xe tăng bánh hơi này có phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên của chúng ta không thưa ông?

Victor Murakhovski: Tất cả phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên từng khu vực. Nga là một quốc gia rộng lớn vì vậy mà các điều kiện khí hậu cũng khác nhau. Ví dụ, ở các khu vực phía Tây, Nam và Trung Á xe tăng bánh lốp có thể hoạt động tốt.

Nhưng đối với vùng Viễn Đông thì loại xe này lại không phù hợp. Cũng như ở khu vực Tây Bắc vậy. Cần phải có các xe bánh xích. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Bộ quốc phòng đã nghiên cứu rất kỹ và sẽ có sự phân phối đúng hướng.

SP: Báo chí gần đây đưa tin rằng Quân đội sẽ giảm số lượng xe bọc thép lên đến 2.000 chiếc. Theo quan điểm của ông, điều này có hợp lý không?

Victor Murakhovski: Đầu tiên, tôi không biết con số 2.000 xe tăng ở đâu ra. Thứ hai, trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ rằng như thế cũng là đủ rồi.

Tại thời điểm này, chúng ta có khoảng 40 lữ đoàn trang bị xe tăng, số lượng như vậy là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, trong những năm tới, nó vẫn sẽ là đối tượng được xem xét và sửa đổi bởi thực tế rằng chúng ta sẽ đưa vào hoạt động 3 loại lữ đoàn tăng thiết giáp: hạng nặng, hạng trung và hạng nhẹ.

Siêu tăng T-90S.
Siêu tăng T-90S.

Vì vậy, bây giờ việc công bố số lượng các xe tăng cần thiết là khá khó khăn. Lữ đoàn hạng nặng và trung sẽ có các xe tăng chiến đấu chủ lực, còn lữ đoàn hạng nhẹ thì không. Tuy nhiên, tôi thấy tất cả những điều này đều phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Đức, Pháp, Anh cũng đã cắt giảm xe tăng trong lực lượng vũ trang của họ và một số nước khác đã loại bỏ chúng hoàn toàn. Chỉ có các quốc gia mà tình hình địa chính trị buộc họ phải duy trì cơ cấu tổ chức của các lực lượng mặt đất như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ thì lực lượng tăng thiết giáp vẫn còn.

SP: Cảm ơn ông!

Trịnh Tuân (Nguồn: SP)