Tình hình xuất khẩu vũ khí trang bị của một số nước

04/11/2014 07:32
Đông Bình (
(GDVN) - Báo chí Trung Quốc gần đây đã đăng nhiều bài viết về tình hình xuất khẩu vũ khí trang bị của các nước, trong đó có Nga, Đức, Trung Quốc, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ...

Nga: Kim ngạch xuất khẩu vũ khí năm 2014 đạt 9,8 tỷ USD

Tờ "Jane's Defence Weekly" ngày 28 tháng 10 dẫn hãng tin RIA Novosti Nga đưa tin, tại Triển lãm trang bị hải quân quốc tế châu Âu năm 2014, Phó cục trưởng Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga, Anatoly Punchuk cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, kim ngạch xuất khẩu vũ khí Nga đã đạt 9,8 tỷ USD.

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga

Khi tuyên bố kim ngạch xuất khẩu vũ khí Nga vào năm 2013, Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang nga dự đoán, kim ngạch xuất khẩu vũ khí năm 2014 vẫn sẽ duy trì mức 15,7 tỷ USD của năm 2013. Do Nga bị ảnh hưởng bởi các cuộc trừng phạt quốc tế và giá dầu, dự đoán này bị nghi ngờ, nhưng sự sụt giá của đồng rúp cuối cùng sẽ thúc đẩy xuất khẩu.

Căn cứ vào số liệu do Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (TsAMTO), từ năm 2006 đến nay, kim ngạch xuất khẩu liên quan quốc phòng của Nga duy trì tăng trưởng vững chắc. Năm 2006, Nga xuất khẩu vũ khí trị giá 6,5 tỷ USD, trong vài năm sau, số lượng đã tăng lên lần lượt là 7,5 tỷ USD, 8,35 tỷ USD, 8,5 tỷ USD, 10,5 tỷ USD, 13,2 tỷ USD, 15,16 tỷ USD và 15,7 tỷ USD.

Gần đây, mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc cho biết, cơ quan phụ trách xuất khẩu quốc phòng Liên bang Nga đã sửa đổi quy định mới về giao dịch xuất khẩu linh kiện vũ khí của Chính phủ, cho phép, trong tương lai, khi các nhà cung ứng linh kiện vũ khí Nga xuất khẩu sản phẩm, sẽ không nhất thiết phải tiếp tục trải qua quá trình phê chuẩn xuất khẩu dài vài tháng, quy định về miễn trừ cấp phép xuất khẩu đã đơn giản hoá trình tự xuất khẩu linh kiện vũ khí do Nga chế tạo và thiết bị sản xuất liên quan.

Để triển khai thương mại lâu dài, các doanh nghiệp Nga chỉ tiến hành đăng ký nhà cung ứng quốc tế với cơ quan phụ trách xuất khẩu Nga, doanh nghiệp được đăng ký trong danh sách sẽ có quyền xuất khẩu miễn giấy phép. Nếu Tổng thống Nga phê chuẩn xuất khẩu một số sản phẩm nào đó cho một số nước nào đó, sẽ áp dụng trình tự xuất khẩu đơn giản hóa. Loại cơ chế này là một biện pháp khuyến khích đối với giới công nghiệp. Quy định mới sẽ rút ngắn thời gian ký kết hợp đồng và nhận được giấy phép xuất cảnh. Nhưng, xuất khẩu thành phẩm vũ khí vẫn cần tiến hành xét duyệt cấp phép.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Lada/Amur Nga
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Lada/Amur Nga

Quyết định này sẽ cho phép Nga có thể đưa ra phản hồi nhanh hơn đối với nhu cầu linh kiện và sản phẩm đồng bộ của khách hàng nước ngoài. Hiện nay, Nga có hợp tác kỹ thuật quân sự với hơn 70 quốc gia, nhưng có lúc không thể cung cấp linh kiện nhanh chóng như các đối thủ cạnh tranh. Rút ngắn thời gian xin phép và thực hiện hợp đồng sẽ có lợi cho củng cố vị thế của Nga trên thị trường thương mại vũ khí quốc tế.

"Luật kiểm soát xuất khẩu" mới của Nga cũng có hiệu lực vào tháng 6 năm 2014, quy định mới về miễn cấp phép xuất khẩu chính là để phát huy tốt hơn vai trò của luật này.

Trung Quốc vươn lên top 5 thế giới về xuất khẩu vũ khí

Theo mạng tin tức quân sự Nga ngày 30 tháng 9, vũ khí và trang bị quân sự không phải là hàng tiêu dùng hằng ngày, việc sản xuất không chỉ cần có hạ tầng cơ sở cần thiết, mà còn phải có nền tảng khoa học công nghệ và giáo dục, cần có ý chí, công tác chính trị và chiến lược nghiêm túc.

Hiện nay, Trung Quốc đứng trong top 5 nước lớn sản xuất trang bị quân sự trên thế giới, vị trí trong bảng xếp hạng nước lớn xuất khẩu vũ khí thế giới của Trung Quốc sẽ rất lâu dài.

Khi phân tích Trung Quốc nhanh chóng nổi lên trên "chiến trường mới" xuất khẩu vũ khí, chuyên gia quân sự Nga Vasilii Sychyov cho rằng, sự thay đổi về vị thế từ nước nhập khẩu sang nước xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trên thị trường vũ khí thế giới bắt đầu từ mấy năm trước.

Ngay từ năm 2012 khi công bố báo cáo thường lệ, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cũng đã chỉ ra, Trung Quốc bắt đầu nhanh chóng rời khỏi vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng nước lớn nhập khẩu vũ khí và trang bị quân sự, chuyển sang cung ứng sản phẩm quốc phòng của mình cho nước ngoài.

Máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long/JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất
Máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long/JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất

Căn cứ vào số liệu mang tính tổng kết từ năm 2003 - 2007, Trung Quốc đã mua 14,09 tỷ USD sản phẩm quân sự, trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Nhưng, đến giai đoạn năm 2008 - 2012, Trung Quốc lùi xuống vị trí thứ hai, kim ngạch nhập khẩu vũ khí hầu như giảm một nửa, chỉ là 7,5 tỷ USD (dựa vào so giá và kết hợp nhân tố vật giá, con số nói trên lần lượt là 24,75 tỷ USD và 13,2 tỷ USD).

Quy mô nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm mạnh có thể là do các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của nước này vài năm qua đã có bước nhảy về chất. Hiện nay, đối với Trung Quốc, chiến lược chính chế tạo trang bị quân sự của họ về cơ bản chính là sao chép sản phẩm của nước ngoài, chủ yếu là vũ khí do Nga nghiên cứu phát triển.

Việc thực hiện thành công chiến lược này trong nhiều năm qua đã làm cho các doanh nghiệp Trung Quốc tích lũy được kinh nghiệm nhất định, từ đó có thể sản xuất được vũ khí và trang bị quân sự có chất lượng “tương đối cao”, giá cả rẻ hơn nhiều, rất phù hơp với các nước đang phát triển có ngân sách quốc phòng không ổn định lắm. Mặc dù đã có phương pháp nghiên cứu phát triển đảo ngược tinh vi, nhưng Trung Quốc tạm thời vẫn chưa nắm được toàn bộ một loạt công nghệ quan trọng, trước hết là công nghệ sản xuất động cơ hàng không tin cậy và mạnh.

Trong thời gian từ năm 2003 - 2007, tổng kim ngạch sản phẩm quân sự cung ứng xuất khẩu cho nước ngoài của Trung Quốc là 2,5 tỷ USD (tính theo giá năm 2012 là 4,4 tỷ USD). Trong khi đó, các nước Mỹ, Nga và Đức lần lượt xuất khẩu vũ khí và trang bị quân sự đạt 34,9 tỷ USD, 27,6 tỷ USD và 10,8 tỷ USD. Về quy mô cung ứng quân sự thị trường thế giới, Trung Quốc đứng thứ 8, đứng sau Italia và Hà Lan.

Tàu hộ vệ F-22P Trung Quốc xuất khẩu cho Pakistan
Tàu hộ vệ F-22P Trung Quốc xuất khẩu cho Pakistan

Nhưng trong 5 năm kế tiếp, vị trí của quốc gia châu Á tăng lên rõ rệt, trong bảng xếp hạng của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Trung Quốc đã vươn lên vị trí top 5, trong giai đoạn 2008 - 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu quân sự của Trung Quốc đã đạt 6,5 tỷ USD (tính theo giá năm 2012 là 11,4 tỷ USD).

Điều thú vị là, do bán thuận lợi sản phẩm quốc phòng trên thị trường thế giới, Trung Quốc đã vượt Anh, đứng vào top 5 nước lớn xuất khẩu vũ khí thế giới. Trên thực tế, Anh đã đứng ở top 5 nước lớn xuất khẩu vũ khí thế giới hơn 60 năm, trong 5 năm trước còn đứng ở top 5 với tổng kim ngạch xuất khẩu là 4,9 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2008 - 2012, Trung Quốc tổng cộng cung ứng xuất khẩu vũ khí và trang bị quân sự cho 37 quốc gia trên thế giới, trong đó có Algeria, Argentina, Bolivia, Campuchia, Chad, Ghana, Iran, Rwanda và Zambia. Thiết bị bay (máy bay, tên lửa...), xe bọc thép và tàu chiến do Trung Quốc sản xuất có nhu cầu lớn nhất ở nước ngoài. Về tổng thể, kim ngạch xuất khẩu 3 loại vũ khí trang bị nêu trên của Trung Quốc là 5,2 tỷ USD (tính giá năm 2012 là 9,2 tỷ USD).

Khách hàng của hệ thống công nghiệp quân sự Trung Quốc chủ yếu mua máy bay tiêm kích F-7MG (phiên bản sao chép cải tiến của MiG-21 Liên Xô cũ) và máy bay tiêm kích JF-17 Thunder, máy bay huấn luyện chiến đấu K-8, máy bay trực thăng Z-9 (phiên bản lắp ráp của AS365/AS565 châu Âu), máy bay vận tải Y-12, xe tăng T-59 (sản phẩm sao chép của T-54A Nga) và T-90, cùng với xe bọc thép WZ-501, ZFB-05 và WZ-551.

Máy bay huấn luyện K-8W Trung Quốc xuất khẩu cho Venezuela
Máy bay huấn luyện K-8W Trung Quốc xuất khẩu cho Venezuela

Quy mô xuất khẩu sản phẩm quốc phòng của Trung Quốc tăng lên không chỉ do giá cả thấp, mà còn do Chính phủ Trung Quốc đã tham khảo một số phương pháp mở cửa thị trường bên ngoài của các nước lớn xuất khẩu vũ khí thế giới, bao gồm dịch vụ kèm theo. Vì vậy, trong vài năm qua, Trung Quốc luôn tích cực phát triển trung tâm dịch vụ sau bán hàng và mạng lưới nâng cấp hiện đại hóa ở châu Phi và Mỹ Latinh. 5 năm gần đây, Nga cũng đi con đường tương tự, xây dựng trung tâm dịch vụ tương tự, nỗ lực thu hút tối đa các khách hàng khu vực, giữ các khách hàng cũ.

Nhân tố ngăn chặn chủ yếu cản trở Trung Quốc tiến quân ra thị trường vũ khí thế giới với tốc độ nhanh hơn là Chính phủ nước này đang tìm cách thực hiện kế hoạch đổi mới vũ khí trang bị cho quân đội của họ. Theo kế hoạch này, chính phủ Trung Quốc hàng năm đầu tư vốn lớn phát triển quân đội (chi tiêu quân sự năm 2013 đạt 114 tỷ USD), nghiên cứu chế tạo và mua sắm trang bị quân sự mới, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, máy bay trực thăng, tàu chiến, xe tăng, hệ thống tên lửa phòng không.

Năng lực sản xuất của phần lớn doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc tạm thời dùng để thỏa mãn nhu cầu của Quân đội Trung Quốc. Nhưng có thể suy đoán, cùng với việc đáp ứng nhu cầu của Quân đội Trung Quốc, ngày càng nhiều vũ khí trang bị Trung Quốc cung ứng cho thị trường nước ngoài, do đó, vị trí trong top 5 sẽ còn thay đổi lớn.

Kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Đức và Israel giảm

Theo mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 17 tháng 10, căn cứ vào báo cáo của nội các Đức, kim ngạch xuất khẩu vũ khí được Chính phủ Đức phê chuẩn trong nửa đầu năm 2014 đã giảm khoảng 700 triệu Euro (khoảng 892 triệu USD), tổng cộng không đến 2,23 tỷ Euro. Chủ tịch SDP Gabriel đã bị công kích về số liệu.

Xe tăng chiến đấu Leopard-2A7 Đức
Xe tăng chiến đấu Leopard-2A7 Đức

Trong cuộc bầu cử năm 2013, Bộ trưởng Năng lượng và Kinh tế đồng thời kiêm nhiệm Chủ tịch Đảng Xã hội Dân chủ Gabriel từng tuyên bố, muốn ngăn chặn xuất khẩu vũ khí của Đức, đặc biệt là xuất khẩu đối với những quốc gia bất ổn không thuộc NATO hoặc EU.

Phe đối lập Đảng Xanh và Đảng Dân chủ cánh tả Đức đã phê phán ông Gabriel, cho rằng ông này không tuân thủ cam kết. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu vũ khí giảm 700 triệu Euro, nhưng tỉ lệ vũ khí hạng nặng xuất khẩu cho các nước không thuộc NATO và EU trái lại tăng từ 51% lên 63,5%.

Ông Gabriel cho biết, sẽ tăng độ minh bạch trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Số liệu công bố chính thức hiện nay có tốc độ nhanh hơn so với công bố trước đây. Trước đây, Chính phủ Đức chỉ công bố sách phê chuẩn vũ khí thường niên của năm trước/1 cuốn.

Ông Gabriel đồng thời cho biết, trong chương trình xuất khẩu vũ khí lớn nhất cho quốc gia không thuộc NATO và EU - bán tàu ngầm cho Israel đã được Chính phủ Đức phê chuẩn trong nhiều năm trước, không nên trở thành lý do của vấn đề. Sự thực chứng minh, về cơ bản, những vũ khí trang bị hải quân này không thể được dùng để cho nhà nước trấn áp phe đối lập, cũng không thể dùng cho nội chiến. Báo cáo Chính phủ Đức chỉ ra, trang bị hải quân không thể được dùng cho trấn áp trong nước hoặc xâm phạm nhân quyền.

Căn cứ vào pháp luật Đức, xuất khẩu vũ khí khu vực tư nhân cần được chính phủ phê chuẩn; Ủy ban đặc biệt gồm ông Gabriel, Thủ tướng Merkel và các thành viên khác đã đưa ra quyết định này.

Báo cáo này đồng thời đã chỉ ra vấn đề cắt giảm xuất khẩu những "vũ khí cỡ nhỏ" (về nghĩa rộng là chỉ: bất cứ vũ khí nào có thể vận chuyển và thao tác bằng một cá nhân), nhưng không liệt kê từng loại trong báo cáo chính phủ như vũ khí cỡ lớn.

Kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Đức năm 2013 là 5,8 tỷ Euro, tăng 24% so với năm 2012.

Về tình hình xuất khẩu vũ khí của Israel, trang mạng đài truyền hình bán đảo Qatar ngày 8 tháng 10 dẫn lời quan chức Israel cho biết, do ảnh hưởng từ việc Mỹ và đồng minh giảm đóng quân ở Afghanistan, xuất khẩu vũ khí của Israel năm 2013 đã giảm 13%. Đồng thời, để phản đối hành vi tư hữu hóa rất nhiều tổ chức công, Hiệp hội công đoàn Israel đã phát động bãi công trong nhiều cơ quan (công nghiệp quân sự, quản lý sân bay, công ty đường sắt, cơ quan điện lực) để đe dọa.

Tên lửa phòng không Arrow-2 Israel
Tên lửa phòng không Arrow-2 Israel

Bộ Tài chính Israel muốn tư hữu hóa các cơ quan, tổ chức công để kích thích hiệu suất, giảm nợ công, chống tham nhũng. Quyết định này sẽ đem lại thu nhập 15 tỷ shekel (khoảng 4,07 tỷ USD) cho tài chính công trong 3 năm tới.

Bộ Quốc phòng Israel cho biết, so với tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí 7,47 tỷ USD năm 2012, con số này năm 2013 giảm xuống 6,54 tỷ USD. Bộ Quốc phòng Israel cho hay, thu nhập xuất khẩu vũ khí giảm xuống là do ngân sách quốc phòng của các nước giảm đi và xu thế tất yếu giảm chương trình chi tiêu quốc phòng lớn của các thị trường chính như Mỹ và châu Âu.

Bộ Quốc phòng Israel cho biết thêm: "Quân đội Mỹ và đồng minh rút quân khỏi Iraq và Afghanistan sẽ tiếp tục làm cho lượng lớn nhu cầu hệ thống phòng thủ giảm xuống". Người phụ trách quân đội cho biết, lượng xuất khẩu vũ khí những năm gần đây của Israel giảm xuống từng năm, nhưng lần giảm này là "chưa từng có trong lịch sử".

Các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Israel (trong đó có rất nhiều doanh nghiệp nhà nước) có gần 80% sản phẩm dùng cho xuất khẩu, phần thu nhập này cũng sẽ bù vào ngân sách quân sự hàng năm của Israel, kim ngạch này khoảng 1,8 tỷ USD.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở rộng xuất khẩu vũ khí

Gần đây, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu công nghiệp quốc phòng và hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Latif Aral Alis cho biết, tổng giá trị sản xuất của công nghiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt 4,7 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hiện nay khoảng 1,5 tỷ USD, gấp đôi năm 2008. Dự kiến đến năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 15 lần, đạt 25 tỷ USD.

Theo ông Latif Aral Alis, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng vươn lên thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 6 thế giới trong 10 năm tới, đứng vào top 10 nước chế tạo vũ khí lớn thế giới.

Hiện nay, khách hàng lớn nhất của vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO Mỹ, 37% xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Mỹ, thứ hai là Italia, rồi Tây Ban Nha, Malaysia và Ukraine với tỷ lệ khoảng 4 - 5%.

Máy bay không người lái Anka Thổ Nhĩ Kỳ
Máy bay không người lái Anka Thổ Nhĩ Kỳ

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Đức, Anh và Turkmenistan cũng là khách hàng cũ của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực phát triển thị trường mới, đặc biệt là khu vực Nam Mỹ và châu Phi. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thiết lập cơ quan ngoại giao chuyên trách mua bán vũ khí ở 2 đại lục này, những cơ quan này đã có mặt ở Mỹ, Brussels, Saudi Arabia và Kazakhstan.

Sản phẩm chủ yếu của công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ gồm có xe bọc thép, máy bay không người lái, pháo, máy bay huấn luyện và tên lửa, hệ thống thông tin và hệ thống nhận biết địch-ta.

Mục đích ra sức phát triển công nghệ công nghiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhằm giảm lệ thuộc vào nhập khẩu. Hiện nay, công nghiệp vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp ứng 54% nhu cầu của quân đội nước này.

Theo số liệu chính thức, hiện nay, công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tới 2,7 tỷ USD cho nghiên cứu phát triển, gấp 20 lần năm 2003. Tuy nhiên, cách làm của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây va chạm với các đồng minh NATO, nhất là kế hoạch mua hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2013, một trong những mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ là được chuyển nhượng công nghệ hoặc liên hợp sản xuất.

Ấn Độ muốn trở thành nước sản xuất lớn vũ khí

Gần đây, truyền thông Ấn Đô cho biết, Chính phủ Ấn Độ đã phê chuẩn chương trình mua sắm quốc phòng trị giá 13,1 tỷ USD, muốn qua đó để nâng cấp trang bị quân sự hiện có và chấn hưng công nghiệp quốc phòng trong nước.

Tàu hộ vệ lớp Shivalik do Ấn Độ tự chế tạo
Tàu hộ vệ lớp Shivalik do Ấn Độ tự chế tạo

Trong một hội nghị bàn về mua sắm quốc phòng có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley, hội nghị đã nghiên cứu nhiều chương trình, trong đó có mua 6 tàu ngầm nội địa, trị giá 500 tỷ rupee (khoảng 8,18 tỷ USD).

Hội nghị phê chuẩn mua hơn 8.000 quả tên lửa chống tăng Spike và trên 300 thiết bị bắn của Israel, trị giá hợp đồng khoảng 32 tỷ rupee (525 triệu USD).

Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Jaitley nói: "An ninh quốc gia là mối quan tâm cao nhất của Chính phủ". "Tất cả những trở ngại trong quá trình mua sắm đều cần nhanh chóng giải quyết, tránh gây trở ngại cho mua sắm vũ khí".

Những năm gần đây, Ấn Độ là khách hàng lớn của thị trường vũ khí quốc tế, các nước lớn xuất khẩu vũ khí phương Tây đều muốn tranh phần. Trong quá trình Ấn Độ mua tên lửa chống tăng lần này, quan chức Mỹ từng ra sức thuyết phục Ấn Độ mua tên lửa chống tăng vác vai Javelin của Công ty Lockheed Martin và Công ty Raytheon. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đích thân thuyết phục Ấn Độ mua vũ khí Mỹ khi Thủ tướng Narendra Modi thăm Mỹ vào tháng 9 vừa qua.

Về truyền thống, Ấn Độ là người mua vũ khí của Liên Xô/Nga, nhưng những năm gần đây đã tăng mua vũ khí do Mỹ chế tạo. Năm 2013, Ấn Độ đã trở thành khách hàng hàng đầu của vũ khí Mỹ.

Sau khi lên cầm quyền, ông Narendra Modi đã đề xuất tiếp tục cải thiện trang bị quân đội. Mỹ hy vọng thu lợi, nhưng Ấn Độ không có ý định chỉ mua vũ khí trang bị của Mỹ, mà quan tâm hơn tới hợp tác nghiên cứu phát triển, mong muốn được chuyển nhượng công nghệ.

Tân Thủ tướng Narendra Modi hy vọng làm thay đổi tình hình lệ thuộc nghiêm trọng vào nhập khẩu vũ khí trang bị của Quân đội Ấn Độ, thu hút vốn và công nghệ của nước ngoài cho công nghiệp quốc phòng, đưa Ấn Độ trở thành nước lớn sản xuất vũ khí. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định nới lỏng hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Tên lửa BrahMos do Ấn-Nga hợp tác chế tạo
Tên lửa BrahMos do Ấn-Nga hợp tác chế tạo

Điều này đã được Bộ Công thương Ấn Độ thông báo vào ngày 26 tháng 6 năm 2014, theo đó Ấn Độ sẽ tiến hành đơn giản hóa quy trình cấp phép sản xuất nhiều loại sản phẩm quốc phòng để thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Thông báo đã đưa ra quy định về chế độ cấp phép sản xuất đối với xe tăng, xe bọc thép, máy bay quân sự, tàu vũ trụ, vũ khí đạn dược cùng các linh kiện.

Ấn Độ nhấn mạnh, đơn giản hóa quy định sẽ đem lại cơ hội cho công nghiệp quốc phòng nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp các doanh nghiệp này tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm quốc phòng toàn cầu, thúc đẩy chế tạo các sản phẩm lưỡng dụng (quân dụng-dân dụng).

Chính quyết định mới của Ấn Độ cũng có lợi cho lao động giá rẻ của nước này, tiến hành nghiên cứu chế tạo sản phẩm quốc phòng và phát triển công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế.

Đông Bình (