Trang bị hiện có của các nước châu Á không địch nổi Trung Quốc?

26/02/2012 19:54
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy tiêu thụ máy bay chiến đấu, trong khi các mối đe dọa an ninh tại châu Á đang tăng lên.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Công ty Lockheed Martin nghiên cứu phát triển, sản xuất.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Công ty Lockheed Martin nghiên cứu phát triển, sản xuất.

Hãng Kyodo, Nhật Bản ngày 23/2 có bài viết cho rằng, trong tình hình các nước Âu-Mỹ cắt giảm chi tiêu quân sự do xu thế phát triển kinh tế suy yếu, các ông trùm công nghiệp quốc phòng quốc tế đã chuyển trọng điểm cạnh tranh mặt hàng máy bay chiến đấu trên thị trường châu Á – nơi vẫn đang tiếp tục phát triển.

Các nước châu Á đối mặt với Trung Quốc, nước đang đẩy nhanh các bước nghiên cứu phát triển trang bị quân sự, và tình hình bán đảo Triều Tiên có nhiều biến số mới, nên họ tới tấp tìm cách tăng cường sức mạnh chiến đấu.

Điều này thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường công nghiệp quốc phòng tiếp tục ấm lên.

Bài viết cho rằng, triển lãm hàng không lớn nhất châu Á tại Singapore vừa mới tổ chức vào trung tuần tháng 2/2012.

Có tới gần 900 doanh nghiệp của khoảng 50 quốc gia đã tham gia triển lãm với hy vọng giành được đơn đặt hàng lớn, điều này đã xác lập kỷ lục mới trong lịch sử.

Trong các giám đốc cao cấp của các công ty phương Tây, có một số người mặc quân phục đã gây sự chú ý đặc biệt.

Máy bay ném bom chiến đấu tàng hình F-15SE của Công ty Boeing Mỹ.
Máy bay ném bom chiến đấu tàng hình F-15SE của Công ty Boeing Mỹ.

Theo giới thiệu của nhà tổ chức triển lãm, triển lãm hàng không lần này còn thu hút quan chức quốc phòng của khoảng 80 nước, “đã trở thành hội chợ lựa chọn vũ khí trang bị”.

Tại triển lãm đã trưng bày các “hàng hóa chính” của các công ty lớn, trong đó bao gồm mô hình máy bay chiến đấu tàng hình F-35 kiểu mới của Công ty Lockheed Martin Mỹ.

Máy bay chiến đấu này được xác định là máy bay chiến đấu chủ lực thế hệ mới của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản. Còn máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga cũng đã tiến hành bay thử tại hiện trường.

Người phát ngôn Công ty Boeing Mỹ cho biết: “Sức mạnh kinh tế và mối đe dọa quân sự đều đang tăng lên ở châu Á”. Boeing dự kiến, trong 10 năm tới, có khoảng 50% kim ngạch mua sắm vũ khí thế giới sẽ đến từ châu Á.

Bài viết cho rằng, đối với những nước đang bắt đầu lựa chọn máy bay thế hệ tiếp theo, các công ty cũng đang âm thầm tăng cường các “đợt tấn công” marketing, tranh giành thị phần.

Hàn Quốc có kế hoạch xác định kiểu máy bay mới trong năm nay. Hiện nay, ngoài F-35, còn có 2 loại máy bay tham gia cạnh tranh:

một là máy bay ném bom chiến đấu F-15SE của công ty Boeing đã được nâng cấp tính năng tàng hình trên nền tảng của máy bay chiến đấu F-15E;

hai là máy bay Typhoon do 4 nước châu Âu cùng nghiên cứu phát triển trong đó có Công ty Hệ thống Hàng không vũ trụ Anh (BAE Systems).

Máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga.
Máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga.

Công ty Boeing và Công ty Máy bay chiến đấu châu Âu (Eurofighter), vốn bị thất bại trong cạnh tranh giành đơn đặt hàng máy bay mới của Nhật Bản trước đây, nay chú trọng giới thiệu các con số về bay thử và dịch vụ, làm nổi bật sự khác biệt với máy bay chiến đấu F-35, loại máy bay có công tác nghiên cứu phát triển đang bị trì trệ.

Đài Loan và Singapore cũng rất quan tâm tới máy bay chiến đấu F-35, nhưng lo ngại giá cả quá cao. Do Bộ Quốc phòng Mỹ tạm hoãn mua sắm một phần, giá bán cuối cùng F-35 cho Nhật Bản dự kiến sẽ cao gấp đôi so với 65 triệu USD như dự định ban đầu.

Australia cũng cho biết, sẽ đổi lại thời gian biểu mua máy bay chiến đấu. Italia, nước tham gia công tác nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu, có kế hoạch cắt giảm kinh phí quốc phòng, đang thương thảo giảm lớn số lượng mua sắm.

Trong bối cảnh này, việc có giành được thắng lợi trong cạnh tranh máy bay ở các nước châu Á hay không, rất có thể trở thành nhân tố quan trọng chi phối việc nghiên cứu phát triển máy bay F-35.

Máy bay chiến đấu Typhoon của châu Âu.
Máy bay chiến đấu Typhoon của châu Âu.

Tại cuộc triển lãm, Công ty Lockheed Martin đã cố gắng xóa tan sự nghi ngờ của mọi người đối với giá cả của F-35. Công ty này giới thiệu cho biết, Israel đã quyết định mua, cho rằng với việc số lượng mua tăng lên, giá cả của F-35 trong tương lai sẽ được kiểm soát có hiệu quả.

Phó Giám đốc công ty này là George Standridge nhấn mạnh: “Bằng tính cơ động và công nghệ mũi nhọn, F-35 đã làm đổi mới nhận thức về máy bay chiến đấu, là người thay đổi quy tắc trò chơi. Mong mọi người xem xét, ứng phó với mối đe dọa hiện nay thì cái gì mới là cần thiết”.

Bài viết còn cho biết, các ông trùm công nghiệp quốc phòng quốc tế rất quan tâm đến thị trường châu Á, trong khi việc Trung Quốc hoạt động ngày càng tích cực hơn ở biển Đông và CHDCND Triều Tiên có triển vọng ngày càng khó đoán sau sự qua đời của nhà lãnh đạo Kim Jong-il, sẽ là “lực đẩy” cho trào lưu lớn này.

Đặc biệt là Trung Quốc, nước có kinh phí quốc phòng tăng mạnh, nước này đang thúc đẩy chế tạo tàu sân bay và nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tàng hình J-20.

Trung Quốc đang đẩy nhanh nghiên cứu phát triển, chế tạo tàu sân bay, phát triển hải quân tầm xa.
Trung Quốc đang đẩy nhanh nghiên cứu phát triển, chế tạo tàu sân bay, phát triển hải quân tầm xa.

Chuyên gia tờ “Tuần san Quốc phòng châu Á” cho rằng: “Trang bị hiện nay không đủ để đối phó với Trung Quốc, đây chính là từ quảng cáo tốt nhất của các ông trùm công nghiệp quốc phòng trong việc thúc đẩy tiêu thụ tới các nước”.

Ông còn chỉ ra, tuyên truyền quá mức “mối đe dọa” có thể sẽ làm cho cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á tiếp tục nóng lên.

Đông Bình (Theo báo Phương Đông)