"Trung - Nhật tranh bá ở châu Á có thể tái diễn chiến tranh Nha phiến"

25/01/2013 08:30
Đông Bình
(GDVN) - Nếu cuộc cạnh tranh bá chủ châu Á giữa Trung-Nhật không được kiểm soát hiệu quả thì sẽ tái diễn chiến tranh Nha phiến trước đây.
Tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung-Nhật ngày càng căng thẳng, leo thang
Tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung-Nhật ngày càng căng thẳng, leo thang

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, trong tình hình mâu thuẫn Trung-Nhật liên tục leo thang, Hàn Quốc có sự lựa chọn như thế nào trở thành vấn đề luôn được các phương tiện truyền thông và chuyên gia Hàn Quốc tính toán.

Tờ “JoongAng Ilbo” Hàn Quốc ngày 22/1 dẫn lời các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, Hàn Quốc cần tận dụng tối đa điều kiện địa-chính trị khi đứng giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Điều này có nghĩa là cần trở thành bạn của cả hai nước Trung Quốc và Nhật Bản, phát huy vai trò trọng tài và môi giới “can ngăn tranh chấp, thúc đẩy quan hệ hữu nghị” vì hòa bình và an ninh của Đông Bắc Á, thực hiện chiến lược “song song” trong quan hệ với hai nước Trung Quốc và Nhật Bản.

Bài báo cho rằng, trong quá trình bầu cử năm 2012, Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công khai cam kết sẽ nâng cấp Lực lượng Phòng vệ lên thành “quân đội chính quy”. Đây là do Nhật Bản dựa vào “làn gió” hữu khuynh hóa (do kinh tế suy thoái lâu dài) để xây dựng sức mạnh quân sự quy mô lớn. Mà xu hướng trở thành nước lớn về quân sự của Nhật Bản rất có khả năng là nhằm ứng phó tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trong vấn đề đảo Senkaku.

Biên đội máy bay chiến đấu JH-7 của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc
Biên đội máy bay chiến đấu JH-7 của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc

Một chuyên gia của Viện nghiên cứu quốc phòng Hàn Quốc cho rằng: “Vị thế dẫn đầu châu Á được Nhật Bản luôn duy trì sau Minh Trị duy tân bị Trung Quốc cướp đi, do đó Nhật Bản luôn có cảm giác thất bại và tìm cách phát triển thành cường quốc quân sự. Trong khi đó, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng đang phát triển thành nước lớn về quân sự. Vì vậy, chúng tôi lo ngại, cuộc cạnh tranh bá chủ châu Á của hai nước Trung Quốc và Nhật Bản nếu không được kiểm soát có hiệu quả thì sẽ phát triển thành cuộc chiến tranh Nha phiến Trung-Nhật phiên bản thế kỷ 21”.

Bài báo dẫn kiến nghị của Snead, nhà nghiên cứu cấp cao của Hiệp hội Ngoại giao Mỹ cho rằng “Hàn Quốc cần tích cực giải quyết hòa bình mâu thuẫn Trung-Nhật, làm cho hợp tác ba nước được thể chế hóa”. Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản mặc dù hết sức căng thẳng, nhưng đều tương đối hữu nghị với Hàn Quốc.

Ông Kim Woo-sang, Chủ tịch Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc cho biết: “Quan hệ giữa Hàn Quốc với hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đều không tồi, vì vậy có thể phát huy vai trò ‘đối tác trung tâm’ giữa hai nước”, “thông qua hợp tác kinh tế với Trung Quốc, lấy quan hệ hữu nghị truyền thống với Nhật Bản làm nền tảng, Hàn Quốc có thể phát huy vai trò điều tiết của người trung gian”.

Máy bay chiến đấu F-2A của Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu F-2A của Nhật Bản.
Đông Bình