Trung Quốc đã cải tạo 11 tàu chiến thành tàu hải giám tranh biển đảo

30/01/2013 07:50
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc quyết tân trang lại tàu chiến thành tàu dân sự để tranh đoạt bằng được chủ quyền ở biển Đông, quyết giữ “lưỡi bò bành trướng”.
Tàu khu trục tên lửa Nam Ninh type 051 của Hạm đội Nam Hải, đã nghỉ hưu, chuẩn bị cải tạo thành tàu hải giám, hoạt động trên biển Đông.
Tàu khu trục tên lửa Nam Ninh type 051 của Hạm đội Nam Hải, đã nghỉ hưu, chuẩn bị cải tạo thành tàu hải giám, hoạt động trên biển Đông.

Trang mạng “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết cho biết, ngày 21/1, tàu chiến Nam Ninh đã lộ diện tại bến cảng ở sông Châu Giang. Đây là một trong những chiếc tàu chiến từng nằm trong biên chế của Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc.

Theo các nguồn tin chính thức, năm 2012, chiếc tàu khu trục tên lửa (từng đại diện cho lực lượng xương sống của Hải quân Trung Quốc) này đã chính thức nghỉ hưu, sắp được cải tạo, gia nhập đội tàu hải giám. Trước đây, con tàu này từng là át chủ bài của Hải quân Trung Quốc.

Cựu phó thuyền trưởng của con tàu này - Mã Kim Tài cho biết, tàu Nam Ninh là tàu khu trục tên lửa Type 051 thế hệ thứ nhất do Trung Quốcchế tạo, bắt đầu được chế tạo từ thập niên 70 của thế kỷ trước, hạ thủy năm 1975, năm 1979 chính thức biên chế cho hải quân, số hiệu là 162, dài 132,4 m, chỗ rộng nhất 12,8 m, tốc độ tối đa 36 hải lý/giờ, có thể mang theo hơn 300 người.

Ông cho biết thêm, vũ khí tác chiến của tàu này gồm có tên lửa chống hạm tiên tiến nhất của Trung Quốc, pháo tấn công đối hải, đối không, bom/ngư lôi săn ngầm, từng là một trong những tàu chiến chủ yếu của lực lượng tác chiến – Hải quân Trung Quốc.

Tuy tàu Nam Ninh là tàu khu trục, nhưng nó cũng có điểm hạn chế do trình độ khoa học công nghệ trước đây còn thấp, nó từng phục vụ cho Hạm đội Nam Hải, là hình ảnh thu nhỏ của xây dựng hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc.

Do sự thúc đẩy của cải cách mở cửa và tiến bộ của khoa học công nghệ, Hải quân Trung Quốc cũng phát triển nhanh chóng. Hiện nay, tàu khu trục tên lửa Type 051 đã nghỉ hưu toàn bộ, đang từng bước thay thế bằng tàu chiến tiên tiến hơn.

Tàu khu trục Nam Ninh
Tàu khu trục Nam Ninh

Lý Mậu Nguyên, cựu chính ủy tàu Nam Ninh cho biết, bắt đầu từ thập niên 1980, tàu Nam Ninh từng thực hiện rất nhiều nhiệm vụ chiến lược, chiến thuật cấp quốc gia của TQ, từng bị đối phương coi là mục tiêu tác chiến chủ yếu.

Tàu Nam Ninh từng thực hiện nhiệm vụ cảnh giới cho việc Trung Quốc lần đầu tiên phóng tên lửa đẩy ra Thái Bình Dương, làm nhiệm vụ huấn luyện biển xa ở Tây Thái Bình Dương, tuần tra cảnh giới (phi pháp) ở trạm 882 - vùng biển Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đã tham gia 28 cuộc diễn tập quan trọng. Mấy năm trước, trong một cuộc diễn tập của Hạm đội Nam Hải, ông Hổ Cẩm Đào – Chủ tịch Trung Quốc đã lên thăm con tàu này.

Con tàu này lấy tên thành phố Nam Ninh nên được thành phố này rất quan tâm, đồng thời binh lính, sĩ quan của con tàu này cũng nhiều lần tham gia các hoạt động giao lưu ở thành phố này.

Ông Mai Văn, chính ủy tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc, từng là chính ủy tàu khu trục tên lửa Nam Ninh.
Ông Mai Văn, chính ủy tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc, từng là chính ủy tàu khu trục tên lửa Nam Ninh.

Các cựu sĩ quan con tàu này cho biết, đầu thập niên 1980, Hải quân Trung Quốc khôi phục quy định đặt tên tàu chiến bằng tên các thành phố cấp địa khu trở lên. Lấy tên địa phương, Trung Quốc khẳng định, mỗi con tàu chiến của họ đều đại diện cho một phần lãnh thổ để khẳng định với thế giới bên ngoài, đồng thời để cho các binh sĩ coi tàu chiến này như là “quê hương thứ hai”.

Được biết, con tàu này hiện vẫn chưa được cải tạo, vẫn đang đậu ở bến cảng và còn nguyên vẹn vũ khí trang bị, trông vẫn chưa cũ. Chưa ai được phép lên tham quan con tàu này, trừ những nhà chức trách.

Theo thông lệ của Quân đội, khi tàu chiến nghỉ hưu thì tên tàu cũng sẽ không còn nữa, tức là con tàu này có thể không còn mang tên Nam Ninh trong tương lai. Hiện nay Trung Quốc vẫn chưa công bố kế hoạch cải tạo con tàu này cho bên ngoài biết.

Nhiều nguồn tin cho biết, trong thời gian tới, tàu Nam Ninh chắc chắn sẽ được cải tạo thành tàu hải giám và bàn giao cho Tổng đội Nam Hải của Hải giám Trung Quốc. Theo nguồn tin từ phân cục Nam Hải của Cục hải dương quốc gia đóng tại Quảng Châu, một khi tàu Nam Ninh được bàn giao cho lực lượng hải giám, nó sẽ làm nhiệm vụ của tàu hải giám.

Các nguồn tin cho biết, một chiếc tàu khu trục khác của Hạm đội Nam Hải mang tên Nam Kinh cũng được biên chế cho lực lượng hải giám Trung Quốc
Các nguồn tin cho biết, một chiếc tàu khu trục khác của Hạm đội Nam Hải mang tên Nam Kinh cũng được biên chế cho lực lượng hải giám Trung Quốc

Những năm gần đây, Trung Quốc tập trung trang bị mới các tàu hải giám, trong đó có một số tàu được chế tạo mới, một số được cải tạo từ tàu chiến.

Trung Quốc đã có 11 chiếc tàu chiến hải quân được cải tạo thành tàu hải giám, được dư luận cho là tàu quân sự đội lốt dân sự, đang gây lo ngại cho các nước láng giềng, nhất là trong thời điểm Trung Quốc ngày càng tìm cách tranh đoạt bằng được đảo Senkaku với Nhật Bản và tham vọng hiện thực hóa “đường lưỡi bò” bất hợp pháp.


Tàu Ngư chính 206 có lượng giãn nước 5.800 tấn, từng là tàu chiến của Hải quân Trung Quốc
Tàu Ngư chính 206 có lượng giãn nước 5.800 tấn, từng là tàu chiến của Hải quân Trung Quốc
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình