"Trung Quốc không thể mua được Su-35 trước năm 2014"

05/12/2012 07:30
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Bài viết tập trung phân tích nguyên nhân Trung Quốc và Nga đạt nhất trí mua bán máy bay Su-35 và triển vọng đàm phán, hợp tác tương lai.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga

Mạng tin tức quốc phòng Mỹ vừa có bài viết cho rằng, Nga sở dĩ có thể sẽ xuất khẩu 24 máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc là vì công nghiệp hàng không Nga thực sự cần có nhiều vốn hơn để duy trì dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu.

Bài báo còn cho biết, Trung Quốc sở dĩ mua máy bay chiến đấu Su-35 rất có thể là do chương trình máy bay chiến đấu J-11B của họ gặp phải khó khăn nghiêm trọng, hơn nữa Trung Quốc cũng đã mắc phải “nút cổ chai” về công nghệ, cần được hỗ trợ, cần có công nghệ hơn hẳn máy bay chiến đấu Su-27/J-11.

Mặc dù còn chưa quyết định, nhưng các nhà phân tích và nguồn tin của công nghiệp quốc phòng Nga đã xác nhận, Bắc Kinh và Moscow đang tiến hành đàm phán về xuất khẩu cho Trung Quốc lô máy bay chiến đấu đa năng Su-35 đầu tiên.

Nếu giao dịch được tiến hành thuận lợi, khả năng máy bay chiến đấu của Trung Quốc sẽ được tăng cường, các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ đối mặt với những thách thức lớn hơn. Động cơ trang bị cho máy bay chiến đấu Su-35 sẽ tạo khả năng siêu cơ động cho Không quân Trung Quốc.

Máy bay Su-35
Máy bay Su-35

Một nhà phân tích quốc phòng Mỹ cho rằng, trở ngại chính của giao dịch Su-35 giữa Trung-Nga đã được khắc phục. Nga đã đồng ý với yêu cầu của Trung Quốc, sẽ giảm số lượng xuất khẩu máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc từ 48 chiếc xuống còn 24 chiếc.

Nhà phân tích thuộc Trung tâm phân tích công nghệ và chiến lược Moscow, ông Vasilii Cashin cho rằng, vào năm 2013, hai nước Trung Quốc và Nga sẽ bắt đầu triển khai đàm phán về giá cả và các điều kiện khác. “Một số nội dung đàm phán sẽ tương đối khó khăn. Tôi cho rằng, hợp đồng này không thể được quyết định trước năm 2014”.

Trong thời gian diễn ra Triển lãm Hàng không Chu Hải vào trung tuần tháng 11/2012, đài truyền hình RT Nga dẫn lời giám đốc điều hành Công ty Máy  bay Liên hợp Nga (United Aircraft Corporation), ông Mikhail Pogosyan đã công nhận, Trung Quốc quan tâm tới máy bay chiến đấu Su-35.

Pogosyan cho biết: “Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm tới loại máy bay chiến đấu này. Nhưng thỏa thuận của chúng tôi là, chỉ khi đạt được thỏa thuận thực sự, mới có thể tiết lộ những thông tin có liên quan”. Ông còn tiết lộ, máy bay chiến đấu Su-35 sẽ xuất hiện ở Triển lãm Hàng không Chu Hải năm 2014.

Vào trung tuần tháng 11/2012, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm Trung Quốc và đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào. Nga có đạt được thỏa thuận xuất khẩu máy bay chiến đấu với Chính phủ Trung Quốc khóa mới hay không còn phải đợi quan sát.

Máy bay chiến đấu J-11B của Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-11B của Trung Quốc

Nga lo ngại, Trung Quốc chỉ mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 là có ý đồ nghiên cứu kỹ thuật đảo ngược đối với loại máy bay chiến đấu này, giống như họ đã nghiên cứu sao chép máy bay chiến đấu Su-27SK của Nga trước đây. Năm 1995, Trung Quốc có được giấy phép sản xuất 200 máy bay chiến đấu Su-27SK và đặt tên lại cho nó là máy bay chiến đấu J-11A.

Nhưng, phía Nga đã hủy chương trình này vào năm 2006, bởi vì họ phát hiện Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu đảo ngược đối với loại máy bay chiến đấu này và đang bí mật sản xuất phiên bản Trung Quốc của loại máy bay chiến đấu này, đó là máy bay chiến đấu J-11B được trang bị thiết bị điện tử hàng không và hệ thống vũ khí của Trung Quốc.

Cũng có người suy đoán, Trung Quốc chỉ muốn có được động cơ của máy bay chiến đấu Su-35, để cung cấp cho máy bay chiến đấu tàng hình J-20 hai chỗ ngồi sử dụng. Máy bay chiến đấu Su-35 và máy bay chiến đấu T-50 đã trang bị động cơ 117S do hãng Saturn-Lyulka nghiên cứu chế tạo.

Động cơ này là phiên bản phái sinh của động cơ AL-31FN. Trung Quốc đã nhập khẩu động cơ AL-31FN của Nga để sử dụng cho máy bay chiến đấu J-10 một chỗ ngồi.

Chuyên gia Mỹ này cho rằng, nếu cứ 4 máy bay chiến đấu Trung Quốc yêu cầu cung cấp 1 động cơ dự phòng, mà trên thực tế những động cơ dự phòng này không hề được sử dụng thực sự, thì đây chính là một tín hiệu mang tính cảnh báo.

Động cơ 117S trang bị cho máy bay chiến đấu Su-35 Nga
Động cơ 117S trang bị cho máy bay chiến đấu Su-35 Nga

Tuy nhiên, mặc dù lo ngại đi vào vết xe đổ của máy bay chiến đấu J-11, nhưng công nghiệp hàng không Nga thực sự cần nhiều tiền hơn, duy trì dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu của họ.

Chuyên gia phân tích quốc phòng này của Mỹ cho rằng, nếu dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu được duy trì, trong khi máy bay chiến đấu T-50 không thể sản xuất hàng loạt đúng hạn, thì Nga sẽ cần đến chúng (máy bay chiến đấu Su-27/MiG-29).

Máy bay chiến đấu T-50 là máy bay nguyên mẫu của máy bay chiến đấu PAK/FA, nhằm thay thế cho máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29 của Không quân Nga.

Sự chậm trễ và những vấn đề gặp phải của máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 Mỹ khiến người ta không thể không cảnh giác đến những rủi ro có thể xảy ra trong chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Cashin cho rằng, vấn đề Trung Quốc có mua hơn 24 máy bay chiến đấu Su-35 hay không rất phức tạp. Vấn đề quan trọng ở chỗ Trung Quốc có thể tận dụng công nghệ của máy bay chiến đấu Su-35, hoàn thiện máy bay chiến đấu dòng J-11B của họ hay không.

Nếu giữa hai loại máy bay chiến đấu này có sự khác biệt rất lớn, thì Trung Quốc sẽ không thể nhanh chóng hấp thu được công nghệ mới. Trung Quốc có khả năng sẽ đánh giá trước về máy bay chiến đấu Su-35, sau đó tiếp tục mua thêm máy bay chiến đấu này.

Máy bay chiến đấu J-11BS Trung Quốc bay thử
Máy bay chiến đấu J-11BS Trung Quốc bay thử

Lô máy bay chiến đấu Su-27SK đầu tiên Trung Quốc mua năm 1992 chỉ có 26 chiếc. “Nếu họ thích nó, nếu chương trình J-11B phát triển không thuận lợi, thì họ sẽ mua nhiều hơn”, hoặc mua giấy phép sản xuất chế tạo máy bay chiến đấu Su-35 tại Trung Quốc.

Theo các nguồn tin từ Mỹ, chương trình máy bay J-11B của Trung Quốc gặp khó khăn nghiêm trọng; Trung Quốc đã mất đi rất nhiều máy bay do sự cố. Hơn nữa, họ vẫn còn gặp phải “nút cổ chai” về công nghệ, muốn được giúp đỡ, có được công nghệ hơn hẳn máy bay chiến đấu Su-27/J-11.

Trước đây, chưa có nước nào mua máy bay chiến đấu Su-35, cho dù Brazil, Ấn Độ và Hàn Quốc từng xem xét mua loại máy bay chiến đấu này. Trung Quốc từng thể hiện sự quan tâm đối với máy bay chiến đấu hải quân Su-33 và máy bay chiến đấu Su-35, nhưng vấn đề có liên quan đến bản quyền sở hữu trí tuệ gây tổn thất cho nhà sản xuất vũ khí Nga trong chương trình xuất khẩu Su-27 hiện vẫn còn tồn tại.

Máy bay chiến đấu hải quân J-15 cũng được cho là sao chép Su-33 của Nga
Máy bay chiến đấu hải quân J-15 cũng được cho là sao chép Su-33 của Nga
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)