Trung Quốc ra sức sản xuất vũ khí để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”

21/04/2013 07:15
Đông Bình
(GDVN) - TQ hiện đại hóa quân đội để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”, tranh đoạt lãnh thổ với láng giềng, thách thức vị thể chủ đạo chiến lược của phương Tây.
Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20 (trong ảnh) và J-31
Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20 (trong ảnh) và J-31

Báo “Pravda” Nga ngày 16/4 cho rằng, theo báo cáo nghiên cứu chuyên đề được công bố gần đây của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, năm 2012, chi tiêu quân sự thế giới đã giảm lần đầu tiên trong 15 năm qua, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước đó, tỷ lệ của Mỹ lần đầu tiên giảm dưới 40% kể từ khi Liên Xô sụp đổ đến nay, chi tiêu quân sự của Nga và Trung Quốc tăng lên.

Số liệu chi tiêu quân sự do cơ quan nghiên cứu Thụy Điển thống kê chủ yếu gồm có chi tiêu duy trì lực lượng vũ trang, chẳng hạn chi tiêu diễn tập quân sự, lương hoặc trợ cấp quân nhân, chi tiêu cho nhân viên trên các phương diện khác, chi phí sử dụng vũ khí trang bị, chi phí mua sắm vũ khí và thiết bị, chi phí xây dựng, nghiên cứu khoa học quân sự và nghiên cứu phát triển vũ khí, chi tiêu hành chính. Về tổng thể, chi tiêu quân sự của các nước trên thế giới tổng cộng là 1.753 tỷ USD, chiếm 2,5% tổng GDP thế giới.

Cơ quan nghiên cứu Thụy Điển còn công bố danh sách 15 quốc gia có ngân sách quân sự cao nhất. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu với 682 tỷ USD, chiếm 2% GDP. Nga đứng thứ ba với 90,7 tỷ USD, chiếm 4,4% GDP. Con số này sử dụng cho Trung Quốc và Nga là con số nhận định, về phía Mỹ là con số thống kê chính thức.

Anh xếp thứ tư với 60,8 tỷ USD, chiếm 2,5%. Nhật Bản xếp thứ năm với 59,3%, chiếm 1% GDP. Tổng chi tiêu quân sự của 5 cường quốc thế giới là 1.060 tỷ USD, chiếm 60% chi tiêu quân sự thế giới.

Máy bay ném bom chiến thuật J-17 đang được Trung Quốc phát triển (hình ảnh do dân mạng tuyên truyền)
Máy bay ném bom chiến thuật J-17 đang được Trung Quốc phát triển (hình ảnh do dân mạng tuyên truyền)

Các nước xếp phía sau từ thứ 6 đến thứ 15 lần lượt là Pháp (58,9 tỷ USD), Ả-rập Xê-út (56,7 tỷ USD), Ấn Độ (46,1 tỷ USD), Đức (45,8 tỷ USD), Italia (34 tỷ USD), Brazil (33,1 tỷ USD), Hàn Quốc (31,7 tỷ USD), Australia (26,2 tỷ USD), Canada (22,5 tỷ USD), Thổ Nhĩ Kỳ (18,2 tỷ USD).

Chi tiêu quân sự của toàn bộ 15 nước đứng đầu thế giới tổng cộng là 1.430 tỷ USD, chiếm 82% chi tiêu quân sự thế giới.

Theo báo Nga, chi tiêu quân sự của Mỹ tiếp tục dẫn trước xa về con số tuyệt đối, hơn nữa vượt tổng chi tiêu quân sự của 10 nước xếp lần lượt phía sau. Mặc dù năm 2012 chi tiêu quân sự Mỹ giảm 6%, nhưng vẫn cao hơn 69% so với chỉ tiêu năm 2001 bắt đầu phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đến nay.

Khác với Mỹ, theo báo cáo, chi tiêu quân sự Trung Quốc và Nga lần lượt chỉ tăng 7,8% và 16%, hơn nữa so với năm 2003, tỷ lệ chi tiêu quân sự hai nước trong GDP duy trì không thay đổi, còn chỉ tiêu tương ứng của Mỹ lại không ngừng tăng lên, đã từ 3,7% tăng lên 4,4%.

Các bước chi tiêu quân sự của Mỹ chậm lại, thậm chí giảm xuống, có liên quan đến suy thoái kinh tế, cắt giảm ngân sách và giảm các hoạt động quân sự ở Afghanistan. Đồng minh của Mỹ trong NATO cũng như vậy. Căn cứ vào dự đoán chuyên gia của viện nghiên cứu Thụy Điển, trong tương lai, tỷ lệ của Mỹ trong chi tiêu quân sự thế giới sẽ tiếp tục giảm xuống, đặc biệt là sau khi quân đội NATO rút khỏi Afghanistan.

Về tỷ lệ chi tiêu quân sự trong GDP, Ả-rập Xê-út cao nhất thế giới, là 8,9%, Mỹ và Nga cùng đứng thứ hai, là 4,4%, chỉ tiêu của các nước còn lại nhỏ hơn nhiều. Trung Quốc có tỷ lệ là 2%, chưa bằng 1/2 của Mỹ, Nga. Tỷ lệ chi tiêu quân sự của Mỹ trong chi tiêu quân sự thế giới đã giảm 32%, Trung Quốc tăng đến 9,5%, Nga 5,2%.

Báo Nga cho rằng, Quân đội Nga và Trung Quốc đứng trước nhiệm vụ đổi mới vũ khí trang bị cho quân đội nước mình, vì vậy Nga và Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự ít nhiều có nguyên nhân khách quan. Tỷ lệ vũ khí trang bị hiện đại hóa của Nga đến cuối năm 2014 sẽ đạt 53%.

Căn cứ vào kế hoạch đổi mới vũ khí trang bị quốc gia trước năm 2020 của Nga, nhiệm vụ tương ứng là làm cho tỷ lệ vũ khí trang bị thế hệ mới tăng lên 70%, kinh phí cho nhiệm vụ này là 20.000 tỷ rúp, tương đương 689 tỷ USD.

Căn cứ vào dự đoán năm 2008 của Ủy ban tình báo quốc gia Mỹ, Trung Quốc đến năm 2025 sẽ có hệ thống công nghiệp quốc phòng mạnh. Đây là một kế hoạch lâu dài, là một phần của “giấc mơ Trung Quốc”, thực chất là để “bảo vệ lợi ích quốc gia, thách thức vị thế chủ đạo chiến lược của phương Tây ở châu Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines ở biển Hoa Đông và biển Đông. Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch vĩ mô để hoàn thiện lực lượng chiến lược, gồm tăng cường sức mạnh lực lượng tàu ngầm hạt nhân, nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom chiến lược. Trong 10 năm tới muốn có khả năng sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và tàu sân bay theo nhu cầu của họ, kể cả các sản phẩm hợp tác nghiên cứu phát triển với Nga.

Trung Quốc phát triển nhiều loại máy bay không người lái, trong hình là máy bay vũ trang không người lái Dực Long
Trung Quốc phát triển nhiều loại máy bay không người lái, trong hình là máy bay vũ trang không người lái Dực Long

Căn cứ vào số liệu dự báo của tổ chức Global Insight Mỹ, ngân sách quân sự của Trung Quốc từ năm 2011 đến năm 2015 sẽ tăng gấp đôi, vượt tổng số chi tiêu quốc phòng của tất cả các nước khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng, chi tiêu quân sự của Trung Quốc rõ ràng còn lâu mới đạt được như Mỹ, dù cho tỷ lệ chi tiêu quân sự Mỹ-Trung đã từ 7:1 năm 2003 giảm xuống 4:1 năm 2012.

Chuyên gia cơ quan nghiên cứu Thụy Điển Freeman cho rằng, đồng thời, khoảng cách chất lượng giữa quân đội hai nước Mỹ-Trung vẫn rất lớn, lớn tới mức người ta khó có thể tin được. Chẳng hạn Mỹ sở hữu 11 tàu sân bay, còn Trung Quốc chỉ có 1 tàu sân bay, hơn nữa còn là tàu huấn luyện và vừa mới được biên chế. Trung Quốc cần thời gian, đồng thời với tăng chỉ tiêu số lượng, phải cố gắng đạt được thay đổi về chất lượng.

Lực lượng vũ trang Mỹ và NATO đã sớm nhiều lần tham gia các cuộc xung đột quân sự cụ thể, không cần tiến hành đổi mới vũ khí trang bị. Đối với họ, mối đe dọa Liên Xô đã trở thành quá khứ, mối đe dọa từ Nga cơ bản không tồn tại, còn mối đe dọa từ Trung Quốc vừa xuất hiện ở đường chân trời

Vì vậy, Mỹ có kế hoạch năm 2013 tiếp tục cắt giảm ngân sách quân sự, chuẩn bị giảm 87 tỷ USD. Có kế hoạch đến năm 2017 cắt giảm 259 tỷ USD, trong 10 năm tới cắt giảm tổng cộng 487 tỷ USD. Mỹ có kế hoạch tập trung xây dựng một lực lượng vũ trang tinh gọn hơn, trang bị hoàn hảo hơn.

Tàu đổ bộ Type 071 Tỉnh Cương Sơn, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.
Tàu đổ bộ Type 071 Tỉnh Cương Sơn, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.

Mỹ giảm chi tiêu quân sự còn có nguyên nhân khác, chẳng hạn quy mô nhập khẩu vũ khí trang bị tiên tiến của Mỹ từ các nước trên thế giới giảm xuống, chẳng hạn máy bay chiến đấu tấn công liên hợp JSF do hãng Lockheed Martin sản xuất, các giao dịch từng có liên quan đến Italia, Canada, Hà Lan.

Hiện nay rất nhiều nước sửa phương án ngân sách, tiết kiệm chặt chẽ vốn ngân sách, mua sắm vũ khí trang bị rẻ hơn một chút. Trong 37 quốc gia châu Âu, có 20 quốc gia cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự, chỉ có Đức và Ukraine là ngoại lệ.

Trong xu thế có tính chất thế giới khác, có thể phát hiện, chi tiêu quân sự của các nước khu vực Trung Đông đang tiếp tục tăng lên, bình quân tăng 8,4%, trong đó Oman tăng cao tới 51%, Ả-rập Xê-út tăng 12%, Qatar tăng 10%. Ở khu vực châu Á, do Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh quân sự, các nước láng giềng cũng tới tấp mua sắm vũ khí trang bị tiên tiến, đua nhau tiến hành hiện đại hóa quân sự.












Đông Bình