Trung Quốc sao chép nhanh UAV của Mỹ gây ngạc nhiên

16/07/2014 07:59
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc giỏi sao chép nhanh chóng công nghệ UAV của Mỹ, nhưng cũng đã có một số tiến bộ về tự chủ sáng tạo - điều này phải dựa vào nhiều yếu tố.
Mô hình "bia bay" không người lái S-400 của Trung Quốc (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Mô hình "bia bay" không người lái S-400 của Trung Quốc (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 15 tháng 7 đưa tin, triển lãm máy bay không người lái "đôi cánh tiên phong" quy mô lớn nhất của Trung Quốc vừa tổ chức ở Bắc Kinh, làm cho máy bay không người lái Trung Quốc tiếp tục trở thành đề tài quan tâm của bên ngoài.

Bài báo dẫn lời chuyên gia Mỹ cho rằng, nguyên nhân chính là chiến lược "đi theo" (sao chép) của Trung Quốc, thông qua tiến hành sao chép sản phẩm cùng loại với Mỹ, đã rút ngắn rất lớn thời gian nghiên cứu chế tạo.

Theo chuyên gia, nước có công nghệ lạc hậu học tập một số thiết kế tiên tiến của nước tiên tiến là biện pháp hiệu quả để có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách, Mỹ và Nga đều từng làm như vậy. Nhưng, muốn tiến hành đuổi kịp và vượt qua, phải tiến hành tự chủ sáng tạo nhiều hơn, đây cũng là vấn đề đối mặt của công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Tờ "Tin tức Quốc phòng" Mỹ cho rằng, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã thành lập được các cơ quan nghiên cứu phát triển máy bay không người lái, các công ty quốc phòng vượt qua truyền thống, đã xây dựng được ngành công nghiệp máy bay không người lái mạnh, phá vỡ giới hạn của doanh nghiệp công nghiệp quân sự truyền thống và thể hiện được khả năng độc đáo.

Mộ hình máy bay không người lái cận âm S-300 Trung Quốc tại triển lãm (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Mộ hình máy bay không người lái cận âm S-300 Trung Quốc tại triển lãm (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)

Nhà nghiên cứu cao cấp Fischer của Trung tâm đánh giá quốc tế và chiến lược cho rằng, Trung Quốc đã đi một con đường vượt khỏi mô hình công ty truyền thống trong nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái, khích lệ các nhà chế tạo tên lửa hành trình, các trường đại học và công ty mô hình hàng không tích cực phát triển máy bay không người lái.

Theo bài báo, hiệu quả của biện pháp này rõ rệt. Kỹ sư Robert Michelson, Viện nghiên cứu công nghệ Georgia là một trong những thành viên của tổ chuyên gia trọng tài trong các cuộc thi lớn máy bay không người lái năm 2011 và năm 2013 của Trung Quốc. 

Năm 2011, cuộc thi máy bay không người lái này đã thể hiện một loại máy bay hỗn hợp cánh cố định và cánh xoay do Đại học công nghiệp Tây Bắc Trung Quốc nghiên cứu chế tạo.

Robert Michelson cho rằng, trước đây, Mỹ từng thử nghiên cứu chế tạo loại máy bay có thể chuyển đổi giữa cánh xoay và cánh cố định trong khi bay, nhưng cuối cùng đã thất bại.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Cơ quan chương trình nghiên cứu cao cấp quốc phòng và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ hợp tác tài trợ cho chương trình "X-Plane" của công ty Sikorsky, muốn thiết kế được một loại máy bay mà cánh xoay cứng của nó có thể được cố định lại khi bay, được sử dụng như cánh cố định. Sau khi bỏ ra chi phí khổng lồ, chương trình này cuối cùng đã không thể thành công, chương trình "X-Plane" đã bị hủy bỏ.

Máy bay không người lái thử nghiệm X-50A Mỹ (nguồn mạng Tin tức Trung Quốc)
Máy bay không người lái thử nghiệm X-50A Mỹ (nguồn mạng Tin tức Trung Quốc)

Năm 2003, dự án chung của nhà máy công ty Boeing và Cơ quan chương trình nghiên cứu cao cấp quốc phòng Mỹ tiếp tục thách thức lĩnh vực này, nhưng 2 máy bay thử nghiệm X-50A đều bị rơi vỡ và kết thúc.

Năm 2011, ông Robert Michelson lại nhìn thấy: Một chiếc máy bay không người lái của Đại học công nghiệp Tây Bắc Trung Quốc đã "thực hiện hoàn hảo chuyển đổi từ cất cánh thẳng đứng đến chạy tốc độ cao rồi sau đó bay" và đã tiến hành vài lần.

Theo bài báo, chuyến đi Trung Quốc năm 2013 của Michelson đã khiến ông tiếp tục ngạc nhiên. Bởi vì, Trung Quốc đã giải quyết được vấn đề sử dụng điện cao áp gây ảnh hưởng đến mặt cánh máy bay không người lái, trước đó còn chưa có ai làm như vậy trên máy bay không người lái. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử máy bay không người lái sử dụng điện cao áp để giảm lực cản, nâng cao lực nâng.

Sao chép máy bay không người lái Mỹ

Mặc dù Trung Quốc đạt được thành quả rõ rệt về thiết kế máy bay không người lái, nhưng tờ "Tin tức Quốc phòng" Mỹ cho rằng, phần lớn máy bay không người lái Trung Quốc là đang đi theo, sao chép máy bay không người lái kiểu Mỹ.

Máy bay do không người lái Tường Long Trung Quốc
Máy bay do không người lái Tường Long Trung Quốc

Robert Michelson cho rằng, Trung Quốc đang chế tạo sản phẩm cùng loại có ngoại hình rất tương tự máy bay không người lái Mỹ, bao gồm Global Hawk của công ty Northrop Grumman, RQ-170 Sentinel của công ty Lockheed Martin và Predator của hãng General Atomics.

Năm 2011, sau khi Iran tóm được máy bay không người lái RQ-170 hoàn chỉnh, trang mạng Trung Quốc đã xuất hiện hình ảnh sản phẩm sao chép, cho thấy Trung Quốc đang sao chép công nghệ này.

Bài báo dẫn lời Fischer cho rằng: "Bất cứ chương trình máy bay không người lái chủ yếu nào của Mỹ rất có thể sớm muộn có một hàng nhái hoặc gần như hàng nhái của Trung Quốc, điều này đã trở thành một quy luật".

Chẳng hạn Công ty công nghiệp máy bay Thành Đô Trung Quốc đang phát triển một loại máy bay không người lái tốc độ siêu thanh, sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scamjet), thiết kế dựa trên máy bay siêu thanh X-43 của Mỹ; máy bay không người lái Dực long Trung Quốc cũng rất giống dòng máy bay không người lái Predator/Reaper của Mỹ.

Máy bay chiến lược không người lái mới của Trung Quốc.
Máy bay chiến lược không người lái mới của Trung Quốc.

Còn có một loại máy bay không người lái tên là Tường Long đang nghiên cứu phát triển, thiết kế tương tự máy bay không người lái chiến lược Global Hawk có thể do thám thời gian dài của Mỹ. Bài báo còn suy đoán, máy bay không người lái Tường Long có thể mang theo tên lửa hành trình chống hạm và bộ cảm biến do thám.

Ngoài tờ "Tin tức Quốc phòng", trước đây cũng có không ít truyền thông phương Tây cho rằng Trung Quốc nhái công nghệ máy bay không người lái của Mỹ. Một chuyên gia hàng không Trung Quốc cho rằng, không loại trừ nhân viên kỹ thuật hàng không Trung Quốc tham khảo công nghệ hoàn thiện, tiên tiến của phương Tây khi thiết kế máy bay không người lái. Chiến lược "đi theo" này là con đường có hiệu quả để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách của bên có công nghệ tương đối lạc hậu.

Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, từ động cơ đến bố cục khí động học của máy bay, trên thực tế ban đầu Mỹ đều sao chép công nghệ của Đức. Liên Xô không chỉ học tập công nghệ của Đức và Mỹ, mà còn từng học thiết kế động cơ của Anh. Vì vậy, sự phát triển mạnh công nghệ máy bay không người lái những năm gần đây của Trung Quốc cũng không thể phủ nhận tồn tại nhân tố học theo này.

Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc
Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc

Nhưng, chỉ thực hiện chiến lược “đi theo” này sẽ chỉ có thể rập khuôn theo người khác, đi sau người khác. Muốn vượt qua được người khác thì phải tự chủ sáng tạo. Theo bài báo, hiện nay, Trung Quốc đã bước đầu tiến hành tự chủ sáng tạo có hiệu quả trong lĩnh vực máy bay không người lái, như máy bay không người lái Tường Long, loại máy bay không người lái đầu tiên trên thế giới đưa công nghệ cánh nối vào thực tế.

Ngoài ra, nâng cao khả năng sáng tạo cần có sự nỗ lực chung của cả hệ thống công nghiệp và hệ thống giáo dục, xây dựng được ý thức và khả năng sáng tạo cho nhân viên kỹ thuật công nghiệp của Trung Quốc.

Đông Bình