Trung Quốc sẽ có “không quân chiến lược” tác chiến ở Biển Đông

18/12/2013 09:46
Đông Bình
(GDVN) - Quân đội TQ có nhu cầu trên 300 máy bay vận tải Y-20 để xây dựng "không quân chiến lược", có thể tác chiến trái phép ở quần đảo Trường Sa, thậm chí toàn cầu.
Máy bay nguyên mẫu Y-20 thứ hai bay thử lần đầu tiên (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
Máy bay nguyên mẫu Y-20 thứ hai bay thử lần đầu tiên (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)

Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 thứ hai bay thử lần đầu tiên

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 16 tháng 12 năm 2013 có bài viết cho biết, gần đây, chiếc nguyên mẫu thứ hai của máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn thế hệ mới Y-20 do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển đã bay thử lần đầu tiên thành công ở một trung tâm bay thử ở miền tây Trung Quốc, cách lần bay thử đầu tiên của máy bay vận tải Y-20 đầu tiên chưa đến 1 năm.

Điều này cho thấy, các công nghệ quan trọng của máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 đã ngày càng hoàn thiện, và cho thấy công tác nghiên cứu chế tạo nó rất thuận lợi. Hiện nay, chỉ có 1 máy bay nguyên mẫu đang thực hiện nhiệm vụ bay thử, ngoài ra có thể có 1 chiếc máy bay thử cường độ trên mặt đất và 1 chiếc máy bay kiểm tra khả năng hoạt động tối đa.

Bài báo cho rằng, công nghiệp hàng không là sự thể hiện quan trọng về sức mạnh tổng hợp của một quốc gia, còn việc chế tạo máy bay vận tải cỡ lớn là sự tập trung có hiệu quả cao công nghệ hàng không tiên tiến, hoạt động bay thử của máy bay nguyên mẫu là một khâu then chốt xác định khả năng đưa vào hoạt động trong tương lai của máy bay vận tải cỡ lớn.

So với các máy bay khác, do nhiều nguyên nhân như trọng lượng lớn, hành trình xa, yêu cầu độ an toàn cao, áp dụng rộng rãi công nghệ mới và vật liệu mới, làm cho công tác bay thử của máy bay vận tải cỡ lớn trở thành một công trình hệ thống phức tạp và khó khăn hơn, dự kiến trong tương lai sẽ có ít nhất 5 - 7 máy bay mẫu thực hiện nhiệm vụ bay thử định hình.

Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc bay thử
Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc bay thử

Nhìn vào nhu cầu điều động lực lượng vũ trang, tập kết lực lượng và cứu nạn của Quân đội Trung Quốc, Trung Quốc sẽ có nhu cầu số lượng rất lớn đối với máy bay vận tải cỡ lớn Y-20.

Chỉ riêng về vận tải đường không, nếu đầu tư một lữ đoàn bọc thép xe tăng, 2 trung đoàn xe chiến đấu nhảy dù, cộng với 1.500 binh sĩ nhảy dù cùng với xe đột kích, xe chỉ huy và máy bay trực thăng có liên quan, thì ít nhất cần khoảng 250 máy bay vận tải Y-20.

Truyền thông các nước cũng suy đoán, nhu cầu số lượng tối thiểu của Quân đội Trung Quốc đối với máy bay Y-20 là trên 300 chiếc, quy mô to lớn như vậy đủ để 2 nhà máy chế tạo máy bay sản xuất hết công suất trong 10 năm.

Máy bay vận vải cỡ lớn Y-20 và động cơ của nó nếu được đưa vào hoạt động thuận lợi, “không quân chiến lược” Trung Quốc sẽ được hình thành trên thực tế, khả năng cơ động tầm xa và khả năng điều động chiến lược của Quân đội Trung Quốc sẽ được tăng cường.

Trung Quốc sẽ có “không quân chiến lược” tác chiến ở Biển Đông?

Gần đây, tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc cũng có bài viết cho rằng, chu kỳ bay thử của máy bay vận tải cỡ lớn là 2 - 3 năm, do đó, lô máy bay vận tải Y-20 đầu tiên sẽ biên chế vào khoảng năm 2016. Có chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ sản xuất 6 máy bay nguyên mẫu Y-20, ngoài 1 chiếc dùng để kiểm tra cường độ, 5 chiếc khác sẽ bàn giao trước cuối năm 2014.

Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 đang được Trung Quốc phát triển.
Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 đang được Trung Quốc phát triển.

Ngày 26 tháng 1 năm 2013, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển lần đầu tiên bay thử, đánh dấu Trung Quốc trở thành quốc gia thứ tư có thể nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn lớp 200 tấn, sau Mỹ, Nga và Ukraine, cũng có nghĩa là Không quân Trung Quốc chính thức hướng tới “không quân chiến lược”.

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Triệu Trung cho rằng, trong tương lai, Trung Quốc có thể cải tạo máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 thành máy bay ném bom chiến lược, máy bay tiếp dầu và máy bay cảnh báo sớm. Theo Trương Triệu Trung, Trung Quốc có lãnh thổ "rộng", nếu thiếu máy bay ném bom chiến lược sẽ thiếu khả năng đe dọa, uy hiếp.

Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 20 tháng 11 năm 2013 có bài viết cho rằng, máy bay vận tải hạng nặng Y-20 do Tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An – Công nghiệp hàng không Trung Quốc nghiên cứu phát triển và chế tạo, đã tham khảo kết cấu thân máy bay và ngoại hình khí động học của máy bay vận tải IL-76 Nga, tham khảo một phần đặc điểm của máy bay C-17 Mỹ.

Theo bài báo, Trung Quốc hiện nay có nhu cầu rất lớn máy bay tiếp dầu trên không để tăng cường “phạm vi/bán kính tác chiến”. Nếu được tiếp dầu trên không 1 lần, bán kính tác chiến của máy bay ném bom có thể tăng 25-30%; bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu có thể tăng 30-40%; hành trình của máy bay vận tải có thể tăng gấp đôi.

Máy bay vận tải chiến lược Y-20
Máy bay vận tải chiến lược Y-20

Nếu tiến hành tiếp dầu trên không nhiều lần, máy bay tác chiến có thể “bay khắp thế giới, tác chiến toàn cầu”. Ngoài ra, khi được tiếp dầu trên không, có thể triển khai căn cứ của máy bay ném bom và máy bay cường kích cách xa tiền tuyến, giảm khả năng bị tấn công, giảm sức ép cho sân bay tiền tuyến.

Được biết, Không quân Mỹ có thời điểm trang bị tới trên 500 máy bay tiếp dầu trên không; sau khi bước vào thế kỷ mới, một số nước xung quanh Trung Quốc cũng đang mua máy bay tiếp dầu cỡ lớn để nâng cao khả năng tác chiến cho không quân, như Nhật Bản đã mua 4 máy bay tiếp dầu KC-767 của Mỹ, còn Không quân Ấn Độ không chỉ đã có máy bay tiếp dầu IL-78MKI, mà cũng đã đặt mua máy bay tiếp dầu A330MRTT của châu Âu.

Theo bài báo, phạm vi tác chiến của Không quân Trung Quốc bị giới hạn lâu dài ở "lãnh thổ" của họ, không được tăng cường nhiều lắm, do thiếu máy bay tiếp dầu, nhất là khả năng “bảo vệ biển đảo xa xôi” rất hạn chế.

Sau thập niên 1980, để cải thiện khả năng tác chiến ở phía nam, Trung Quốc quyết định phát triển máy bay tiếp dầu trên không và máy bay tiêm kích có khả năng tiếp dầu.

Sau đó, Trung Quốc đã cải tạo máy bay H-6 thành máy bay tiếp dầu HY-6, nhưng lượng dầu mang theo hạn chế. Đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã mua 8 máy bay tiếp dầu trên không IL-78 của Nga – loại máy bay tiếp dầu cỡ lớn được cải tạo trên nền tảng máy bay vận tải cỡ lớn IL-76, trọng lượng cất cánh tối đa là 190 tấn, trọng lượng rỗng khoảng 90 tấn, có thể mang theo 100 tấn dầu, có thể đồng thời tiếp dầu cho 3 máy bay.

Máy bay vận tải hạng nặng Y-20 Trung Quốc
Máy bay vận tải hạng nặng Y-20 Trung Quốc

Nếu tính đến hoạt động 1.500 km, thì khả năng tiếp dầu của nó có thể đạt khoảng 70 tấn; nếu tính mỗi máy bay Su-30MKK nhận 5 tấn dầu thì nó có thể tiếp dầu cho 14 máy bay tiêm kích ném bom Su-30MKK, hiệu suất gấp 8 lần HY-6, cải thiện có hiệu quả khả năng tác chiến tầm xa cho Không quân Trung Quốc.

Theo bài báo, nếu phát triển máy bay vận tải Y-20 thành công, Không quân Trung Quốc trước tiên sẽ cải tạo Y-20 thành máy bay tiếp dầu YY-20, chứ không phải máy bay cảnh báo sớm và máy bay tác chiến điện tử.

Lượng dầu mang theo tối đa của YY-20 sẽ khoảng 110 tấn, có thể tiếp dầu cho 18 máy bay Su-30MKK (mỗi chiếc 5 tấn dầu), tức là mỗi chiếc YY-20 sẽ hỗ trợ tác chiến cho 4 biên đội máy bay Su-30MKK. Như vậy, 2 máy bay tiếp dầu YY-20 có thể hỗ trợ cho 1 trung đoàn Su-30MKK, JH-7 tác chiến ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Được tiếp dầu, các máy bay chiến đấu sẽ tăng cường khả năng mang theo tên lửa chống hạm tấn công tầm xa, cải thiện khả năng tấn công “bão hòa”, giảm sức ép chỉ huy.

Ngoài ra, còn có thể tăng cường khả năng hoạt động trên không và khả năng tác chiến  trái phép cho máy bay chiến đấu hạng trung như J-10 ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đảo Senkaku (do Nhật Bản kiểm soát).

Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20
Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20

Tân Hoa xã ngày 16 tháng 8 năm 2013 cũng cho rằng, đối với Không quân Trung Quốc, máy bay vận tải Y-20 hoàn toàn không thua kém sự ra đời của máy bay chiến đấu tàng hình J-20, nó là một loại máy bay không thể thiếu để xây dựng một lực lượng không quân chiến lược.

Bởi vì, nếu Y-20 được biên chế sẽ tăng cường rất lớn khả năng điều động tầm xa, khả năng tiếp tế hậu cần nhanh chóng trong thời chiến cho Không quân Trung Quốc. Nếu Y-20 được biên chế, Quân đội Trung Quốc có thể thực sự thực hiện được cái mà truyền thông TQ vẫn kêu gào là “lợi ích quốc gia ở đâu, quân đội có thể bảo vệ tới đó”.

Biên chế máy bay tiếp dầu được cải tạo trên nền tảng máy bay Y-20 cũng tăng cường rất lớn khả năng tấn công tầm xa cho Không quân Trung Quốc, như tiếp dầu cho máy bay ném bom và máy bay chiến đấu hạng nặng.

Máy bay vận tải Y-20
Máy bay vận tải Y-20
Không quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện tiếp dầu trên không
Không quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện tiếp dầu trên không
Máy bay chiến đấu hạng trung J-10 huấn luyện tiếp dầu trên không
Máy bay chiến đấu hạng trung J-10 huấn luyện tiếp dầu trên không
Máy bay tiếp dầu HY-6 không thể tiếp dầu cho máy bay dòng Su, phải mua máy bay tiếp dầu IL-78 của Nga
Máy bay tiếp dầu HY-6 không thể tiếp dầu cho máy bay dòng Su, phải mua máy bay tiếp dầu IL-78 của Nga
Máy bay chiến đấu J-8II tiếp dầu trên không
Máy bay chiến đấu J-8II tiếp dầu trên không
Máy bay tiếp dầu IL-78 do Nga chế tạo
Máy bay tiếp dầu IL-78 do Nga chế tạo
Máy bay chiến đấu J-10 tiếp dầu trên không
Máy bay chiến đấu J-10 tiếp dầu trên không
Máy bay chiến đấu ném bom JH-7 Phi Báo Trung Quốc
Máy bay chiến đấu ném bom JH-7 Phi Báo Trung Quốc
Máy bay chiến đấu Su-30MKK2 lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu Su-30MKK2 lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc
Đông Bình