Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng Đường lưỡi bò phi pháp

03/02/2013 07:00
Việt Dũng
(GDVN) - Tình hình biển Đông hiện đã có nhiều thay đổi, chuyển mạnh sang tranh quyền kiểm soát, quản lý, quốc tế hóa tranh chấp, dễ va chạm hơn...
Ngày 24/7/2012, Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 24/7/2012, Trung Quốc  thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trang báo điện tử Trung Quốc - Tân Hoa xã cách đây không lâu đã có bài viết cho rằng, khi năm 2012 qua đi, khi nhìn lại tình hình an ninh trên biển ở xung quanh Trung Quốc, đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo xảy ra ở bãi cạn Scarborough trên biển Đông và đảo Senkaku trên biển Hoa Đông, người ta vẫn cảm thấy còn mới mẻ.

Đồng thời, Tân Hoa xã cho rằng, họ cảm thấy “hoan hỉ, phấn chấn” với một số thủ đoạn đòi hỏi quyền lợi biển (bất hợp pháp) của Trung Quốc như lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa” và vẽ ra “đường cơ sở lãnh hải ở đảo Senkaku”…

Tàu Hải giám 75 Trung Quốc, lượng giãn nước 1.290 tấn, trang bị năm 2010, hoạt động trên biển Đông.
Tàu Hải giám 75 Trung Quốc, lượng giãn nước 1.290 tấn, trang bị năm 2010, hoạt động trên biển Đông.

Nói đến bản chất vấn đề biển Đông, Tân Hoa xã tuyên truyền rằng, tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough tuy xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines, nhưng lại là hình ảnh thu nhỏ của vấn đề biển Đông, nên có thể thông qua nó để hiểu bản chất vấn đề biển Đông.

Đó là một loạt vấn đề như sự quy thuộc chủ quyền các hòn đảo trên biển Đông, phân định ranh giới các vùng biển và tranh giành tài nguyên biển. Các bên tranh chấp gồm có Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei, được gọi là “6 nước 7 bên”.

Chưa rõ lấy chứng cứ lịch sử và pháp lý ở đâu ra, Tân Hoa xã đã tưởng tượng theo giấc mơ của một bộ phận người Trung Quốc có “tham vọng” cho rằng “Trung Quốc thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và vùng biển lân cận là sự thực lịch sử lâu dài, được cộng đồng quốc tế công nhận” (?), trong một thời gian dài sau Chiến tranh thế giới thứ hai trở về trước là “không tồn tại vấn đề biển Đông”, các nước xung quanh biển Đông cũng không hề “dị nghị” (?).

Tham vọng đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc bao trọng gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
Tham vọng đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc bao trọng gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Tân Hoa xã tự cho rằng, các hiệp ước quốc tế công nhận chủ quyền biển Đông của Trung Quốc gồm có “Tuyên bố Cairo”, “Tuyên bố Potsdam”, “Hòa ước Nhật-Đài” và “Hòa ước về Nhật Bản” San Francisco. Tuy nhiên, tính cho đến nay, chưa có bất kỳ văn bản nào đề cập rằng các hiệp ước này đã “công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam ) nhưng Tân Hoa xã nặn ra.

Theo bài viết "nhào nặn" này tuyên truyền, vào thập niên 50, 60 của thế kỷ 20, triển vọng tàng trữ tài nguyên dầu khí ở biển Đông được phát hiện. Vào thập niên 1950, “Ủy ban kế hoạch địa chất bờ biển và duyên hải Đông Á và Đông Nam Á” đã tiến hành thăm dò, khảo sát vật lý địa cầu và địa chất ở vùng biển Trường Sa.

Năm 1968, báo cáo của “Ủy ban phối hợp khảo sát tài nguyên khoáng sản vùng biển ngoài đảo châu Á” - thuộc Ủy ban Kinh tế Viễn Đông và châu Á của Liên Hợp Quốc tiếp tục công bố triển vọng tàng trữ dầu mỏ ở biển Đông.

Tân Hoa xã xuyên tạc lịch sử cho rằng: Sau đó, các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia “đã dùng biện pháp quân sự để chiếm đóng các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa, tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên quy mô lớn ở vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa và đưa ra đòi hỏi chủ quyền, từ đó tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa mới xảy ra và ngày càng gay gắt”.

Theo Tân Hoa xã, giữa các bên tranh chấp Đông Nam Á có mâu thuẫn và bất đồng, nhưng mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước này là nổi cộm nhất. Hiện nay, các nước xung quanh biển Đông đang gia tăng đòi hỏi chủ quyền và mức độ quản lý, kiểm soát đối với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam), xu thế tranh chấp quần đảo Trường Sa từ “tranh chấp chủ trương” chuyển sang “tranh chấp quản lý” rõ rệt hơn.

Tàu Hải tuần 31 - tàu tuần tra cỡ lớn, có lượng giãn nước 3.000 tấn, ngày 8/11/2012 đã dẫn đầu một biên đội tuần tra trên biển Đông, dưới sự hợp tác của 4 tỉnh gồm Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến.
Tàu Hải tuần 31 - tàu tuần tra cỡ lớn, có lượng giãn nước 3.000 tấn, ngày 8/11/2012 đã dẫn đầu một biên đội tuần tra trên biển Đông, dưới sự hợp tác của 4 tỉnh gồm Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến.

Thực ra, Tân Hoa xã đã cố tình lờ đi rằng, chính các pho lịch sử, các tấm bản đồ của chính Trung Quốc đã khẳng định về mặt lịch sử và pháp lý, rằng, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, chứ không hề có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như các quần đảo khác trên biển Đông.

Sợ đa  phương hoá, quốc tế hoá

Tân Hoa xã tỏ ra lo ngại về một xu thế lớn và mới ở biển Đông, cho rằng: “Các thế lực bên ngoài cũng thừa cơ can thiệp để giành lấy lợi ích cho họ, đã làm cho cạnh tranh địa-chính trị, đa phương hóa, quốc tế hóa biển Đông thêm trầm trọng hơn. Tranh chấp chủ quyền đảo, đá ở biển Đông từng bước diễn biến thành ‘vấn đề biển Đông’ kết hợp thống nhất 4 yếu tố gồm tranh chấp chủ quyền đảo đá, tranh chấp phân định ranh giới biển, tranh chấp tài nguyên biển và đấu đá địa-chiến lược, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường an ninh xung quanh của Trung Quốc”.

Theo quan điểm đó, Tân Hoa xã đổ lỗi hoàn toàn cho Philippines rằng, nước này đã bị lợi ích thúc đẩy, “chiếm đoạt đảo đá và vùng biển của Trung Quốc”, đồng thời coi các hành động của Trung Quốc là “bảo vệ quyền lợi biển hợp pháp”.

Trung Quốc muốn tàu sân bay Liêu Ninh có khả năng tác chiến
Trung Quốc muốn tàu sân bay Liêu Ninh có khả năng tác chiến
Tháng 6/2012, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, một hành động bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước khác ven biển Đông.

“Thành phố” này đưa toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam với đầy đủ bằng chứng lịch sử và thực tế) và vùng biển xung quanh thuộc chủ quyền của Việt Nam vào phạm vi “quản lý”, trụ sở chính quyền đặt ở đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa – quần đảo mà Trung Quốc đã xâm chiếm bằng vũ lực năm 1974.

Ngoài ra, tháng 7/2012, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cũng thêm một lần nữa công khai về hành vi xâm phạm chủ quyền nước khác của Trung Quốc: “Quân đội Trung Quốc đã thiết lập chế độ tuần tra sẵn sàng chiến đấu bình thường ở vùng biển quản lý (biển Đông)”.

Thêm một lần nữa, dư luận lại tỏ ra lo ngại với thái độ và hành động ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trên biển Đông, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang ra sức thúc đẩy xây dựng cường quốc biển, muốn biến Hải Nam – tỉnh phụ trách cái gọi là “thành phố Tam Sa” – thành tỉnh mạnh về biển; Trung ương để cho địa phương đưa ra và thực thi những quy định mới bất hợp pháp gây thiệt hại cho lợi ích của các nước khác trên biển Đông.

Điều này thực sự trái ngược với những tuyên bố chính thức của Trung Quốc, rằng để cho “sự phát triển của Trung Quốc có lợi cho sự phát triển chung của các nước”, rằng “Trung Quốc quyết không bành trướng, không xưng bá”.
Việt Dũng