Trung Quốc tranh bán 20 máy bay cho Bolivia, đã bán Kiêu Long cho Argentina

01/05/2015 09:19
Đông Bình
(GDVN) - Bolivia mua để bảo vệ không phận, ngăn chặn máy bay lạ; Argentina đã mua Kiêu Long của Trung Quốc, nhưng không có tên lửa chống hạm, có thể do Anh phản đối.
Máy bay huấn luyện K-8 của Không quân Bolivia, do Trung Quốc sản xuất
Máy bay huấn luyện K-8 của Không quân Bolivia, do Trung Quốc sản xuất

Trung Quốc, Nga tranh đơn đặt hàng 20 máy bay chiến đấu ở Bolivia

Mạng tin tức tổng hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 29 tháng 4 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia Ferreira gần đây cho biết, để bổ sung radar giám sát tình hình trên không mới mua của Pháp, Bolivia có kế hoạch mua 20 máy bay tác chiến và nhiều nhất 40.000 súng trường trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa quân đội.

Bộ trưởng Ferreira không nói ra tổng kim ngạch của kế hoạch mua sắm này, chỉ cho  biết, Tổng thống đề nghị lãnh đạo Bộ Quốc phòng thực hiện những chương trình này trong phạm vi ngân sách đã cấp phát. Căn cứ vào dự đoán của chuyên gia Bolivia, tổng trị giá của 2 chương trình mua sắm mới nhất nêu trên có thể ít nhất là 140 triệu USD.

Căn cứ vào thông tin do Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia tiết lộ, hiện nay, Không quân Bolivia trang bị máy bay T-33 (đóng ở khu vực La Paz) và máy bay K-8 (đóng ở khu vực Cochabamba), nhưng chúng không thể thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ không phận nước này.

Quân đội Bolivia cần 2 đại đội, mỗi đại đội 10 chiếc, tổng cộng 20 máy bay tiêm kích. Mục đích mua sắm là ngăn chặn những máy bay lạ bay qua lãnh thổ Bolivia, 90% hoạt động bay này là để buôn bán ma túy, vận chuyển vũ khí và buôn lậu.

Máy bay huấn luyện K-8W của Venezuela, mua của Trung Quốc
Máy bay huấn luyện K-8W của Venezuela, mua của Trung Quốc

Cho đến nay, Bộ Quốc phòng Bolivia đã nhận được 5 đề nghị tiếp thị, ngoài ra còn có phương án mua sắm máy bay khác. Các công ty của Pháp, Brazil, Trung Quốc, Nga và Argentina đều đang tiếp thị sản phẩm của mình.

Căn cứ vào đánh giá của nhà phân tích quốc phòng Samuel, Không quân Bolivia sẽ đặt trọng điểm vào mua sắm máy bay huấn luyện-chiến đấu. Ông cho rằng, bất kể là Mỹ hay châu Âu đều sẽ không bán máy bay tiêm kích cho Bolivia.

Máy bay tiêm kích MiG-21 do Nga chế tạo hoặc máy bay tiêm kích cũ do Trung Quốc sản xuất có đơn giá không thấp hơn 5 triệu USD. Vì vậy, cho dù là máy bay chiến đấu rẻ nhất cũng sẽ chi đến 100 triệu USD.

Đồng thời, Argentina có thể giới thiệu máy bay huấn luyện chiến đấu Pampa. Brazil có thể giới thiệu máy bay Super Tucano, trong đó, máy bay Super Tucano đã chứng minh nó có khả năng rất tốt trong các hoạt động tấn công các nhóm vũ trang phi pháp Colombia.

Ngoài ra, từ năm 1979 đến nay, Quân đội Bolivia chưa từng mua sắm vũ khí hạng nhẹ mới. Nhà lãnh đạo quân sự nước này dự định mua khoảng 40.000 súng trường hiện đại, trong đó 1/4 sẽ đưa vào dự trữ trong kho, số súng ống còn lại trang bị cho bộ đội. Xét tới giá cả súng trường thế hệ mới nhất khoảng 1.000 USD, tổng trị giá mua sắm vũ khí này có thể lên tới 40 triệu USD.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FC-1 Kiêu Long (JF-17 Thunder) do Trung Quốc-Pakistan hợp tác phát triển
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FC-1 Kiêu Long (JF-17 Thunder) do Trung Quốc-Pakistan hợp tác phát triển

Trung Quốc bán máy bay chiến đấu Kiêu Long cho Argentina không kèm theo tên lửa chống hạm

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 22 tháng 4 dẫn mạng tin tức tổng hợp công nghiệp quân sự Nga cùng ngày đưa tin, Không quân Argentina đã mua máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Kiêu Long của Trung Quốc, nhưng không kèm theo tên lửa chống hạm.

Trước đó có tin cho hay, Argentina có kế hoạch mua 12 - 24 máy bay chiến đấu Kiêu Long hoặc J-10 của Trung Quốc. Trong khi đó, Argentina cho biết, không cần tên lửa chống hạm có thể là bị "khuất phục" trước Chính phủ Anh. Anh luôn quan ngại hợp đồng này có thể đe dọa quần đảo Mavinas do họ kiểm soát. Hiện nay còn chưa rõ Trung Quốc hay Argentina đã tiến hành nhượng bộ.

Kết luận của Không quân Argentina là, máy bay chiến đấu Kiêu Long Block2 thích hợp với nhu cầu của họ hơn so với máy bay chiến đấu Mirage-2000 Pháp, Mirage F-1 Tây Ban Nha và Kfir của Israel. Được biết, có thể sẽ trang bị hệ thống tiếp dầu cho loại máy bay chiến đấu này.

Đồng thời, Argentina dự tính, những máy bay chiến đấu này sẽ trang bị thiết bị điện tử hàng không và vũ khí trang bị do Israel sản xuất. Có nguồn tin tiết lộ, thời gian thanh toán tiền mua máy bay chiến đấu là 10 - 15 năm, cứ nửa năm trả 1 lần.

Bài viết còn cho hay, Trung Quốc sẽ còn cung cấp máy bay chiến đấu Kiêu Long cho Không quân Ecuador.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FC-1 Kiêu Long (JF-17 Thunder) do Trung Quốc-Pakistan hợp tác phát triển
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FC-1 Kiêu Long (JF-17 Thunder) do Trung Quốc-Pakistan hợp tác phát triển
Đông Bình