“Trung Quốc xây dựng cường quốc biển, biến láng giềng thành lệ thuộc”

16/01/2013 14:17
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Đây là quan điểm của học giả Trung Quốc, theo đó "Trung Quốc cần sở hữu 6-8 tàu sân bay" tung hoành ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương...
Sở hữu tàu sân bay Liêu Ninh được cho là cột mốc trong phát triển hải quân của Trung Quốc
Sở hữu tàu sân bay Liêu Ninh được cho là cột mốc trong phát triển hải quân của Trung Quốc

Tân Hoa xã vừa đăng bài viết của Trương Kiến Cương, Chủ nhiệm Viện nghiên cứu chiến lược chính trị biển, Đại học Biển Quảng Đông Trung Quốc cho rằng, báo cáo Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định xây dựng cường quốc biển là chiến lược phát triển quốc gia, đây là một yêu cầu thời đại và tiến trình tất yếu của lịch sử Trung Quốc.

Theo Trương Kiến Cương, cường quốc biển là tổng hòa của sức mạnh kinh tế và lực lượng vũ trang trên biển, có thể tham khảo những nước có thực lực tổng hợp mạnh trên các phương diện như khai thác biển, sử dụng biển, bảo vệ biển, quản lý kiểm soát biển, ví dụ có thể tham khảo Mỹ và Nhật Bản hiện nay. Theo đó, Trương Kiến Cương nhấn mạnh một số khả năng cần có của Trung Quốc như sau:

Trước hết, trở thành cường quốc biển cần có một lực lượng hải quân mạnh. Hải quân Trung Quốc tương xứng với cường quốc biển cần được bắt đầu từ việc TQ cho là “bảo vệ biển Hoa Đông, biển Đông, bảo vệ quyền lợi biển” của Trung Quốc (gồm cả bảo vệ những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc đối với “đường lưỡi bò”).

Đến khi đó, Hải quân Trung Quốc sẽ thực hiện 4 “sứ mệnh chiến lược”: Một là bảo vệ thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, bảo vệ quyền lợi biển quốc gia, mở rộng chiều sâu phòng thủ của khu vực duyên hải đông nam Trung Quốc. Hai là bảo đảm sự thông suốt cho tuyến đường hàng hải rất quan trọng với nền kinh tế quốc dân của Trung Quốc, bảo vệ  tàu thương mại Trung Quốc. Ba là bảo vệ lợi ích thương mại và đầu tư ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở nước ngoài. Bốn là làm nhiệm vụ “bảo vệ hòa bình thế giới” và an ninh biển.

Sát thủ tàu sân bay - tên lửa đạn đạo DF-21D của Lực lượng Tên lửa Chiến lược, Quân đội Trung Quốc.
Sát thủ tàu sân bay - tên lửa đạn đạo DF-21D của Lực lượng Tên lửa Chiến lược, Quân đội Trung Quốc.

Đến khi đó, Hải quân Trung Quốc đã tạo được cục diện phòng thủ biển “ngũ vị nhất thể” gồm các lực lượng trên mặt đất-trên biển-trên không-vũ trụ-không gian mạng; đã xây dựng được hạm đội tầm xa mạnh, vươn ra đại dương, bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài.

Để làm được điều đó, ít nhất cần sở hữu 6-8 tàu sân bay, trong đó 2-4 chiếc tiến hành tuần tra trực ban ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, 2 chiếc đóng vai trò huấn luyện, tiếp tế, 2 chiếc được duy tu bảo dưỡng.

Hải quân Trung Quốc sẽ có thể thực hiện chiến lược chủ động phòng thủ và phòng thủ biển xa, tích cực mở rộng vùng đệm chiến lược ra bên ngoài, tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc không chỉ có thể tấn công  trên biển, mà còn có thể tấn công “đánh đòn phủ đầu” đối với những đối tường mà  Trương Kiến Cương cho là “nước xâm lược” trên đại dương.

Khi đó, lực lượng hải quân mạnh này đã được thừa nhận “có thể tác chiến, đánh thắng” trong thực tiễn chiến tranh cục bộ. Thông qua xây dựng hiện đại hóa hải quân giải quyết mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống theo quan điểm của Trung Quốc.

Thứ hai, trở thành cường quốc biển, tổng sản lượng kinh tế biển phải chiếm 1/3 – 1/2 GDP. Diện tích biển do Trung Quốc chủ trương là “trên 3 triệu km2” (trong đó có vùng biển “đường lưỡi bò” liếm sát bờ biển của các nước Đông Nam Á), chiếm 1/3 diện tích lãnh thổ Trung Quốc, nhưng kinh tế biển hiện nay chỉ chiếm 10% GDP. Trong khi đó, hiện nay, kinh tế bờ biển và kinh tế biển của Mỹ đã chiếm 75% tỷ lệ việc làm và 51% GDP của Mỹ.

Tàu lặn Giao Long lớp trên 7.000 m của Trung Quốc được cho là có nhiều khả năng như thăm dò dầu khí, tài nguyên khoáng sản, cắt - lắp cáp biển...
Tàu lặn Giao Long lớp trên 7.000 m của Trung Quốc được cho là có nhiều khả năng như thăm dò dầu khí, tài nguyên khoáng sản, cắt - lắp cáp biển...

Khi Trung Quốc trở thành cường quốc biển, kinh tế biển cần phải thực hiện mô hình phát triển thống nhất giữa biển, bờ biển và đất liền, thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển với tầm nhìn của một nước có lãnh thổ rộng lớn.

Theo chuyên gia này, những ngành nghề liên quan đến biển TQ có thể tham khảo, học hỏi mô hình của Nhật Bản. Mức độ phụ thuộc của Nhật Bản vào kinh tế biển có thể được mô tả bằng từ “tột cùng” hay hết mức. Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Nhật Bản có diện tích đạt hơn 4,5 triệu km2, gấp 12 lần diện tích lãnh thổ của họ.

Từ thập niên 1960 đến nay, Chính phủ Nhật Bản đưa trọng tâm phát triển kinh tế từ công nghiệp hóa chất từng bước chuyển sang phát triển các ngành nghề biển, nhanh chóng hình thành cơ cấu kinh tế biển hiện đại với trụ cột là khai thác tài nguyên sinh vật biển, giao thông vận tải biển, công trình biển. Ngoài ra, một số đô thị duyên hải của Trung Quốc cũng có thể học hỏi phần nào mô hình của Singapore chủ yếu lấy cảng biển, vận tải biển để phát triển.

Thứ ba, trở thành cường quốc biển cần có khả năng khai thác biển và khoa học công nghệ biển rất mạnh. Khai thác biển chủ yếu là muốn nói tới khai thác tài nguyên biển và khai thác công nghệ biển. Gồm có công nghiệp tàu thủy và giao thông, chế tạo và lắp đặt dây cáp thông tin đáy biển, thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, thực phẩm biển và dược phẩm sinh học; ngọt hóa nước biển, sử dụng các công trình phát điện từ gió, sóng, thủy triều biển; quản lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và dự báo thiên tai trên biển; đồng thời còn gồm có các thông tin về biển như thủy triều đỏ (tảo nở hoa), bão, gió lốc, sóng thần do động đất gây ra, nạn sâu bệnh trên biển.

Giàn khoan nước sâu "Dầu khí Hải dương 981" rất muốn móc dầu từ biển Đông.
Giàn khoan nước sâu "Dầu khí Hải dương 981" rất muốn móc dầu từ biển Đông.

Đến khi đó, khả năng khai thác biển nêu trên sẽ có bước tiến dài ở Trung Quốc, các ngành dầu khí biển, công nghiệp cảng biển, ngành hậu cần (logistic) hiện đại, ngành du lịch ven biển lấy khoa học công nghệ làm trụ cột sẽ trở thành chủ thể phát triển kinh tế biển. Thu nhập từ du lịch, nghỉ ngơi ở ven biển của Mỹ đạt 30 tỷ USD, chiếm 49% thu nhập du lịch cả nước.

Đến khi đó, giàn khoan dầu khí nước sâu “Dầu khí hải dương 981” đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế chế tạo sẽ có trên 30 chiếc, hoạt động tập trung ở biển Đông và vùng biển đảo Senkaku, hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển xung quanh và ở vùng biển quốc tế của Trung Quốc sẽ trở nên “bình thường, thường xuyên”.

Thứ tư, trở thành cường quốc biển, cần có khả năng quản lý, kiểm soát biển rất mạnh. Đến khi đó, quản lý biển của Trung Quốc đạt trình độ mới, lực lượng quản lý biển “9 con rồng chế ngự biển khơi” hiện nay sẽ được hợp nhất, xây dựng cơ chế “tìm cảnh sát khi có sự vụ trên biển”, thành lập lực lượng “110 trên biển”, tức là Lực lượng bảo vệ bờ biển, hoàn thành chức trách trên 3 phương diện: giám sát, kiểm tra việc khai thác và sử dụng tài nguyên biển; giám sát, kiểm tra việc bảo vệ môi trường và cứu nạn trên biển; chấp pháp ...

Tàu Hải giám 83 Trung Quốc, có lượng giãn nước 3.980 tấn, hoạt động trên biển Đông.
Tàu Hải giám 83 Trung Quốc, có lượng giãn nước 3.980 tấn, hoạt động trên biển Đông.

Hiện nay, hai lực lượng Hải giám và Ngư chính Trung Quốc chỉ có chưa đến 500 tàu công vụ, tàu có lượng giãn nước trên 1.000 tấn cũng chưa tới 50 chiếc. Đến khi đó, lực lượng “110 trên biển” của Trung Quốc sẽ có 60 tàu chấp pháp lớp 3.000 tấn trở lên như tàu Hải giám 83 và Ngư chính 206, 900 tàu lớp khoảng 1.000 tấn, đạt mức cứ 3.000 km2 biển được trang bị 1 tàu chấp pháp lớp khoảng 1.000 tấn.

Đến khi đó, ngư dân Trung Quốc sẽ được "bảo vệ" khi hoạt động làm ăn ở vùng biển do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đội tàu vận tải và công trình cũng không phải sợ cướp biển hoặc chính quyền nước khác gây khó dễ - Tân Hoa xã trích dẫn lời Trương Kiến Cương.

Thứ năm, theo Trương Kiến Cương, trở thành cường quốc biển, cần có ý thức biển và văn hóa biển của toàn dân. Khi đó, văn hóa biển “biển đem lại tri thức, biển đem lại giàu có, biển làm giàu cho TQ” sẽ thấm sâu vào lòng người trong toàn xã hội. Văn hóa, giáo dục biển của Trung Quốc không chỉ đi vào các môn học lịch sử, địa lý ở trường học, mà còn đi vào môn ngôn ngữ, văn học và toán học.

Đến khi đó, TQ mong muốn là: "mỗi học sinh Trung Quốc đều biết một sự thực là, ở đại dương, nếu bạn chiếm được một hòn đảo có thể sinh sống, cho dù chỉ có vài chục m2, căn cứ vào quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, bạn có thể vạch ra vùng đặc quyền kinh tế 430 km2, lớn hơn diện tích của 4 tỉnh Chiết Giang, sẽ không còn chú ý vào mảnh đất màu vàng hiện nay trong phát triển kinh tế".

Tàu khảo sát khoa học Trung Quốc
Tàu khảo sát khoa học Trung Quốc

Thứ sáu, trở thành cường quốc biển, cần “thiết kế tầm cao nhất” về chiến lược biển mang tính toàn cầu. Thế hệ hiện nay phải quản tốt và dùng tốt “gia sản tổ tiên” về biển, đồng thời phải khai thác và sử dụng tốt tài sản này. Trung Quốc phải coi trọng hơn xây dựng trạm Trường Thành, trạm Trung Sơn và trạm Côn Luân ở Nam Cực, coi trọng sự tan băng ở Bắc Băng Dương, coi trọng khảo sát khoa học và vị trí chiến lược của Bắc Băng Dương.

Thứ bảy, trở thành cường quốc biển, cần hoàn thành “đại nghiệp thống nhất Tổ quốc”, giải quyết tranh chấp biển đảo. Đến khi đó, tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển với các nước láng giềng, đặc biệt là các vấn đề tranh chấp ở các vùng biển như đảo Senkaku, quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đã được “giải quyết cơ bản”, “những vùng biển có tranh chấp nghiêm trọng đã được xác định là ‘khu vực khai thác chung’ lấy Trung Quốc làm chính” - Trương Kiến Cương lập luận vấn đề.

Trương Kiến Cương tiếp tụchùng hồn cho rằng: Đến khi đó, các nước như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam “sẽ không còn gây sóng gió”, mà “quen và sử dụng vòng cung thịnh vượng kinh tế Đại Trung Hoa để phát triển mình, phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, lệ thuộc vào Trung Quốc về chính trị”.

Tàu hộ vệ Liễu Châu 054A của Hạm đội Nam Hải vừa được biên chế.
Tàu hộ vệ Liễu Châu 054A của Hạm đội Nam Hải vừa được biên chế.

Ông nay tuyên truyền: “Trung Quốc sẽ thực hiện cường quốc biển chứ không phải là bá quyền biển. Đây là cam kết nghiêm túc của Trung Quốc. Trung Quốc còn đi bao xa để trở thành cường quốc biển? Dự đoán, đến năm 2030-2035, Trung Quốc có thể thực hiện được mục tiêu này”.

Tháng 12/2012, Ủy ban Tình báo Quốc gia Mỹ công bố báo cáo “Xu thế toàn cầu 2030: Triển vọng thế giới” dự đoán, thời đại bá quyền sẽ kết thúc vào năm 2030, đón nhận một thế giới dân chủ đa cực. Theo đó, tác giả bài viết cho rằng, điều này cho thấy, Trung Quốc tiếp tục dùng thời gian khoảng 20 năm để hoàn thành mộng “cường quốc biển”.

Học giả Trương Kiến Cương đề xuất dùng chiến thuật "cờ vây" để khai thác biển Đông.
Học giả Trương Kiến Cương đề xuất dùng chiến thuật "cờ vây" để khai thác biển Đông.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". 
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)