Trung-Mỹ bắt đầu chạy đua chế tạo vũ khí tấn công nhanh toàn cầu

09/09/2014 11:32
Bình Nguyên
(GDVN) - Điều mà Hoa Kỳ quan ngại từ thử nghiệm của Trung Quốc đó chính là Bắc Kinh có thể sử dụng WU-14 để bắn đầu đạn hạt nhân tấn công khu vực Bắc Mỹ.

Thời báo Tài chính có trụ sở tại thành phố New Delhi của Ấn Độ vừa có bài phân tích cho biết hiện Trung Quốc và Mỹ dường như đã chính thức bước vào một cuộc đua chế tạo và phát triển vũ khí tấn công nhanh toàn cầu và bằng chứng là việc cả hai nước này vừa đều thử nghiệm vũ khí siêu siêu thanh.

Tờ Thời báo Tài chính cho biết dấu hiệu cho thấy hai cường quốc Mỹ - Trung đã bắt đầu triển khai chạy đua chế tạo vũ khí tấn công nhanh toàn cầu đó là sự kiện Bắc Kinh tiến hành thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa siêu siêu thanh WU-14 vào ngày 7/8 vừa qua.

Ngay sau khi Trung Quốc thử nghiệm hệ thống vũ khí WU-14 không lâu thì hôm 25/8, quân đội Hoa Kỳ cũng đã tiến hành phóng thử nghiệm vũ khí tấn công nhanh toàn cầu.

Tuy cả hai cuộc thử nghiệm của Bắc Kinh và Washington đều thất bại nhưng nó đã hình thành nên một cuộc cạnh tranh đầy nguy hiểm. Cả Trung Quốc và Mỹ đều có tham vọng sở hữu một loại vũ khí có thể tấn công bất cứ nơi nào trên quy mô toàn cầu với tốc độ nhanh hơn nhiều lần các loại vũ khí siêu thanh đã từng được chế tạo.

Mục đích cuối cùng của Mỹ và cả Trung Quốc là sở hữu loại tên lửa có tốc độ bắn nhanh hơn tốc độ âm thanh 5 lần cùng tầm bắn khoảng vài ngàn dặm.

Theo James Acton – một chuyên gia nghiên cứu chiến lược, vũ khí siêu siêu thanh không phải là một loại vũ trang mới, chúng chính là những tên lửa đạn đạo được gia tốc bằng các phương tiện phóng mới, nhanh hơn.

Đặc điểm khác nhau cơ bản giữa loại vũ khí mà Trung Quốc và Hoa Kỳ đang thử nghiệm phụ thuộc vào lớp tên lửa được sử dụng. Thuật ngữ chuyên môn gọi là “các vũ khí nâng – lượn”.

Theo cách giải thích của James Acton, vũ khí nâng – lượn được phóng lên không trung bằng các tên lửa giống như tên lửa đạn đạo. Sau khi được đưa lên độ cao cao hơn bầu khí quyển, đầu đạn tên lửa được điều khiển bay ngược trở lại khí quyền ở tốc độ nhanh nhất có thể và hướng đến các mục tiêu dưới mặt đất.

Khi lao về phía mục tiêu, tốc độ đầu đạn có thể đạt vận tốc siêu nhanh nhờ cơ chế bay góc phẳng. Chính yếu tố này tạo ra sự khó khăn cho các hệ thống phòng không của đối phương bố trí ở dưới mặt đất.

Lora Saalman – một chuyên gia khác chuyên nghiên cứu về các vấn đề Trung Quốc cho biết điều mà Hoa Kỳ quan ngại từ thử nghiệm của Trung Quốc đó chính là Bắc Kinh có thể sử dụng WU-14 để bắn đầu đạn hạt nhân tấn công khu vực Bắc Mỹ.

Trước đó, Hoa Kỳ đã thử nghiệm vũ khí siêu thanh có khả năng tấn công nhanh toàn cầu thành công lần đầu tiên vào năm 2011. Tên lửa được bắn đi xa khoảng 2.300 dặm trong khoảng thời gian chỉ nửa giờ đồng hồ.

Bên cạnh Trung Quốc, nhiều khả năng Nga cũng đang âm thầm nghiên cứu loại vũ khí để tạo sức mạnh răn đe, đối kháng.

Bình Nguyên