Tướng TQ La Viện lại đe dọa láng giềng trong tranh chấp lãnh thổ

01/01/2013 10:37
Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - La Viện phân tích tình hình 2012, "chức trách" của Hải quân Trung Quốc, "khuyên nhủ các nước không theo Mỹ", nhưng lại liên tiếp đe dọa vũ lực.
Thiếu tướng La Viện, ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, Phó tổng thư ký Hội nghiên cứu khoa học quân sự Trung Quốc
Thiếu tướng La Viện, ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, Phó tổng thư ký Hội nghiên cứu khoa học quân sự Trung Quốc

Tân Hoa xã ngày 29/12/2012 đăng lại bài viết của tờ “Thanh niên Trung Quốc” với nhan đề “Xung đột trên biển bước vào giai đoạn dễ bùng nổ, Trung Quốc sẽ tích cực, chủ động”.

Bài viết cho rằng, năm 2012 tranh chấp ở biển Hoa Đông, biển Đông bắt đầu leo thang và có xu thế gay gắt.

Đồng thời, bài báo của THX đã tiến hành phỏng vấn Thiếu tướng La Viện, ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, phó tổng thư ký Hội nghiên cứu khoa học quân sự Trung Quốc xoay quanh các vấn đề như xu thế tranh chấp biển, chính sách biển của Trung Quốc, vai trò của Hải quân Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.

Để hiểu thêm về những gì đã được La Viện phát biểu trong cuộc phỏng vấn của mình, GDVN xin đăng tải những nội dung chính của bài viết được đăng trên 1 trong những tờ báo chính thống, đa ngôn ngữ của TQ:

Tranh chấp biển với láng giềng sẽ dễ xảy ra hơn

Tướng La Viện cho rằng, trước năm 2012, Trung Quốc luôn “kiềm chế và nhẫn nại tối đa” trong tranh chấp biển, luôn kiên trì phương châm "đàm phán tay đôi", “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”.

Ông này đổ lỗi cho các nước khác có liên quan không thực hiện theo phương châm này, mà trái lại còn “gây tranh chấp”; “cùng nhau khai thác” (theo chủ trương của Trung Quốc) cũng không thực hiện được, mà các nước khác đã “khai thác tài nguyên đơn phương và có tính bài Hoa”, “thậm chí đã có một loạt hành động gây hấn, cố ý làm cho mâu thuẫn tăng mạnh”.- La Viện.

Năm 2012, Trung Quốc đẩy tranh chấp các vùng biển xung quanh lên cao trào
Năm 2012, Trung Quốc đẩy tranh chấp các vùng biển xung quanh lên cao trào

Ông cho rằng, hiện nay vấn đề đảo Senkaku, vấn đề bãi cạn Scarborough đều có xu thế tiếp tục xấu đi. Vì vậy, có thể nói, năm 2012 là năm khủng hoảng cao xung đột trên biển ở xung quanh Trung Quốc, các nước triển khai một cuộc “đọ sức” quyết liệt.

Theo La Viện, năm 2012, các yếu tố gây tranh chấp trên biển, nói chung, có 3 phương diện: "Thứ nhất, các bên tranh chấp đều nhấn mạnh đòi hỏi chủ quyền".

"Thứ hai, các bên đua nhau đưa ra những luật lệ có liên quan". "Thứ ba, các bên còn áp dụng một số hành động mang tính thực chất. Hiện nay, những yếu tố gây khủng hoảng này không hề yếu đi, trái lại có xu thế mạnh lên. Vì vậy, trong năm 2013, giữa các bên tồn tại một số nguy cơ xung đột là nghiêm trọng".

La Viện cho rằng, Trung Quốc có thể tham khảo bài học từ cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines trong vấn đề bãi cạn Scarborough.

Theo ông này, mô hình “bãi cạn Scarborough” (Trung Quốc chủ yếu sử dụng lực lượng chấp pháp, hỗ trợ bằng các biện pháp ngoại giao, hậu thuẫn bằng các thủ đoạn quân sự) làm cho Trung Quốc “biến bị động thành chủ động” trong tranh chấp trên biển, đã có sự hoán đổi giữa tấn công và phòng thủ.

Trung Quốc đưa vào biên chế nhiều tàu công vụ cỡ lớn trong năm qua, nhiều tàu cỡ lớn vốn là tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Trong hình là tàu Ngư chính 206 có lượng giãn nước 5.800 tấn.
Trung Quốc đưa vào biên chế nhiều tàu công vụ cỡ lớn trong năm qua, nhiều tàu cỡ lớn vốn là tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Trong hình là tàu Ngư chính 206 có lượng giãn nước 5.800 tấn.

Theo La Viện, "trước đó là do đối phương “ra tay”, sau đó Trung Quốc “tiếp chiêu”, hiện nay chuyển sang Trung Quốc “chủ động ra tay”, đối phương “bị động ứng phó”. Hơn nữa, qua đó, Trung Quốc cũng đã khẳng định cái gọi là “giới hạn” không được vượt qua, nếu vượt qua Trung Quốc sẽ nắm lấy cơ hội".

La Viện cho rằng, mô hình bãi cạn Scarborough hàm chứa nhiều phương diện về chính trị, kinh tế, quân sự và pháp lý, có thể gọi là “gây sức ép tổng hợp” và “đã đạt được một số thành quả”.

Theo ông ta, tuy mô hình này hoàn toàn không giải quyết cuối cùng vấn đề, nhưng Trung Quốc “từng bước đã nắm được quyền chủ động trong cuộc đấu”, vì vậy có thể “tham khảo cho các cuộc tranh chấp khác”, “ít nhất là khẳng định nguyên tắc, giới hạn” do Trung Quốc tự đặt ra. Một khi “giới hạn” do Trung Quốc đặt ra “bị khiêu khích” thì Trung Quốc “sẽ áp dụng biện pháp đáp trả mạnh mẽ”.

“Trung Quốc phải sẵn sàng sử dụng vũ lực”

Khi được hỏi về việc Trung Quốc sẽ “xuất chiêu” thế nào trong việc ứng phó với tranh chấp trên biển, tướng La Viện dẫn tư tưởng cách “thắng địch” của “Binh pháp Tôn Tử” là: “thượng sách là dùng mưu lực, kế đó là dùng ngoại giao, kế nữa là dùng binh, hạ sách là tấn công thành trì”. Ông ta nói rằng, “tấn công thành trì” là biện pháp bất đắc dĩ, nhưng không thể thiếu.

Năm 2012, Quân đội Trung Quốc ra sức tập trận răn đe vũ lực.
Năm 2012, Quân đội Trung Quốc ra sức tập trận răn đe vũ lực.

Theo La Viện, trước khi đi đến bước đi “tấn công thành trì” phải “dùng trí tuệ và mưu lược chính trị, thông qua các loại thủ đoạn như thương lượng ngoại giao, sử dụng thủ đoạn kinh tế và chiếm trước lợi thế về pháp lý để giải quyết các cuộc xung đột xảy ra.

"Song, tất cả những thủ đoạn này phải lấy sức mạnh quốc gia làm hậu thuẫn, vì vậy chuẩn bị quân sự là không thể thay thế, có sẵn sàng thì mới không còn lo sợ” - La Viện.

Về việc “Báo cáo bảo đảm an ninh Trung Quốc” năm 2012 do Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản công bố dự đoán Hải quân Trung Quốc có khả năng can thiệp vào tranh chấp trên biển trong tương lai, La Viện cho rằng, Hải quân Trung Quốc đương nhiên phải “bảo vệ chủ quyền và an ninh lãnh hải” (do Trung Quốc tự ý chủ trương), và coi đây là “chức trách”, nếu không thì làm gì có hải quân.

La Viện cho rằng, việc sử dụng thủ đoạn nào tùy thuộc vào sự cân nhắc tổng hợp về đại cục quốc gia và lợi ích tổng thể, nhưng dù áp dụng thủ đoạn nào thì Hải quân luôn là “hậu thuẫn mạnh mẽ”.

Diễn tập đột kích đảo với sự hỗ trợ của không quân TQ
Diễn tập đột kích đảo với sự hỗ trợ của không quân TQ

Về những hoạt động hải quân và việc biên chế tàu sân bay của Trung Quốc trong năm qua gây lo ngại, La Viện cho rằng, trước đây các nước phương Tây luôn yêu cầu Trung Quốc minh bạch quân sự, hòa nhập với quốc tế, “hiện nay Hải quân Trung Quốc đã dựa vào một số nguyên tắc hành động của quốc tế, đến thăm hữu nghị một số nước, tổ chức diễn tập liên hợp bình thường, đến một số vùng biển huấn luyện bình thường thì chẳng có tội tình gì”.

Ông này khẳng định, những hoạt động đó là “tiếp cận với quốc tế, minh bạch quân sự và các nước khác không có quyền nói ra nói vào”. La Viện thậm chí còn viện dẫn “các hành động khiêu khích quân sự của tàu chiến nước khác tại các vùng biển xung quanh Trung Quốc, thậm chí tiếp cận do thám”.

La Viện cho rằng, sức mạnh quốc gia của TQ được tăng cường và lợi ích được mở rộng thì Hải quân Trung Quốc chắc chắn phải “vươn ra thế giới”, “chẳng nước nào có thể ngăn chặn được”. Ông này cũng lớn tiếng yêu cầu các nước có liên quan phải “điều chỉnh thái độ, tiếp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc, thích ứng với thực tế tăng trưởng sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc”.

Biên chế tàu sân bay cho Hải quân và tăng cường huấn luyện, diễn tập biên đội tàu chiến ở biển xa
Biên chế tàu sân bay cho Hải quân và tăng cường huấn luyện, diễn tập biên đội tàu chiến ở biển xa

La Viện khuyên nước khác đừng “theo Mỹ”!

Về những tín hiệu được truyền đi từ sự “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ, theo đó có khả năng tăng rủi ro trong tranh chấp trên biển với Trung Quốc, La Viện cho rằng, Mỹ thực ra đưa ra một tín hiệu đó là sẽ làm “chỗ dựa” cho các nước có liên quan để họ có thể đối phó với Trung Quốc.

Theo đó, La Viện “khuyên” các nước có liên quan không được tính toán sai lầm, vì Mỹ là nước theo “chủ nghĩa thực dụng”, sẽ không “làm bia đỡ đạn” cho bất cứ ai. “Điều Mỹ thực sự muốn không phải là giúp đỡ đồng minh, đối tác, mà là muốn làm lãnh đạo, chủ đạo các vấn đề của châu Á-Thái Bình Dương”.

Ông này giải thích “Mỹ muốn các nước xung quanh Trung Quốc bị cột vào chiến xa của họ, biến các nước này thành bàn đạp để Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương”.

Về những chuyển biến chính sách an ninh biển của Trung Quốc trong thời gian qua, nhất là trong tranh chấp bãi cạn Scarborough với Philippines và tranh chấp đảo Senkaku với Nhật Bản, "chuyên gia" La Viện cho rằng, Trung Quốc luôn kiên trì thực hiện chính sách “giấu mình chờ thời, tích cực chủ động”, cho đó là một sự “tính toán tổng thể”, “giấu mình” hay “chủ động” tùy thuộc vào tình hình, chúng hỗ trợ lẫn nhau, là một thể thống nhất và không thiên về giải pháp nào mang tính phiến diện. Khi cần chủ động thì sẽ chủ động.

Năm 2012, Mỹ đẩy mạnh, đẩy nhanh các bước trở lại châu Á-Thái Bình Dương
Năm 2012, Mỹ đẩy mạnh, đẩy nhanh các bước trở lại châu Á-Thái Bình Dương

Về tính chất mối đe dọa trên hướng biển, La Viện cho rằng, Trung Quốc hiện đang đối mặt với các “mối đe dọa đa dạng” như trên đất liền, trên biển, trên không, trong không gian vũ trụ, điện tử. Ông dẫn lời Trịnh Hòa cho rằng “của cải của Trung Quốc đến từ biển, mối đe dọa cũng đến từ biển”. Nhìn vào tình hình năm 2012, an ninh biển là vấn đề trọng điểm mà Trung Quốc rất quan tâm hiện nay.

Về các biện pháp cân bằng giữa “bảo vệ chủ quyền biển” và “khai thác tài nguyên biển”, La Viện cho rằng, “quyền lợi biển của Trung Quốc cần được quản lý tổng hợp”. “Tuy tầm nhìn của chúng ta thường tập trung vào sự ‘tồn tại chủ quyền’ của các hòn đảo, nhưng sự ‘tồn tại chủ quyền’ này không nên là một khẩu hiệu trống rỗng, phải được thực hiện bằng các hành động cụ thể, phải thông qua 6 ‘hiện diện’ - đó là hiện diện hành chính, hiện diện pháp lý, hiện diện quân sự, hiện diện chấp pháp, hiện diện kinh tế và hiện diện dư luận”.

Về “hiện diện kinh tế”, La Viện cho rằng, Trung Quốc phải tiến hành các hoạt động như khai thác dầu khí, khai thác tài nguyên du lịch, văn hóa, đưa “khai thác” vào sự tính toán tổng hợp. Về “hiện diện pháp lý”, La Viện cao giọng cho rằng, “đường cơ sở lãnh hải” của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) cũng cần phải được công bố như của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Năm 2013, Trung Quốc sẽ sử dụng tàu Cảnh sát biển để cản trở hoạt động bình thường của các nước trên biển Đông.
Năm 2013, Trung Quốc sẽ sử dụng tàu Cảnh sát biển để cản trở hoạt động bình thường của các nước trên biển Đông.

Về “hiện diện chấp pháp”, La Viện tiếp tục đề nghị thành lập “Lực lượng bảo vệ bờ biển” để “thống nhất sử dụng các lực lượng chấp pháp trên biển” của Trung Quốc, hình thành một lực lượng “nắm đấm” thống nhất. Bởi vì, theo ông ta, nếu không làm như vậy thì Trung Quốc sớm muộn sẽ “ăn quả đắng” khi đối mặt với hoạt động “chấp pháp có vũ trang” của đối phương, khi đó gọi là “mất bò mới lo làm chuồng”.

Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)