Vận tải cơ Y-20 và nghi án sao chép công nghệ của Nga, Mỹ

20/01/2013 08:36
Việt Dũng
(GDVN) - Dự đoán, lô máy bay Y-20 đầu tiên có khả năng sử dụng động cơ D-30KP2 do Nga chế tạo (trang bị trên máy bay Tupolev Tu-154 và Ilyushin Il-76D).

Cấu tạo và các thông số kỹ thuật của Y-20

Theo các nguồn tin của Trung Quốc và các nước, hiện nay Trung Quốc đã lắp ráp được 2 máy bay vận tải mẫu hạng nặng Y-20. Loại máy bay này lắp 4 động cơ phản lực có đường kính nhỏ, tỷ lệ đẩy/tải trọng thấp.

Dự đoán, lô máy bay Y-20 đầu tiên có khả năng sử dụng động cơ D-30KP2 do Nga chế tạo (trang bị trên máy bay Tupolev Tu-154 và Ilyushin Il-76D). Nhưng, cũng không loại trừ khả năng nó sẽ được trang bị động cơ PS-90 tiên tiến hơn của Nga.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang cố gắng đầu tư phát triển động cơ hàng không. Có chuyên gia cho rằng, trong tương lai, dự kiến, Y-20 sẽ chuyển sang sử dụng động cơ WS-20 nội địa có tỷ lệ đẩy/tải trọng lớn hơn.

Máy bay Y-20 có 2 cánh thiết kế cao, cánh đuôi hình chữ T. Theo tạp chí “Wired” Mỹ, Y-20 có kích thước nhỏ hơn Boeing C-17 một chút, lớn hơn Airbus A-400M một chút.

Y-20 ứng dụng rộng rãi vật liệu tổng hợp, nó ngắn và mập hơn so với IL-76, có khoang vận tải cao hơn, rộng hơn để mang theo xe tăng hiện đại và nhiều vũ khí hạng nặng khác.

Y-20
Y-20
Theo báo “Phượng Hoàng”, Hồng Kông, Y-20 có trọng tải hiệu quả là 60 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa là 200-220 tấn, lớn hơn so với công bố của Trung Quốc.

Kích thước của Y-20 được cho là đủ rộng để chứa các vũ khí trang bị lớn nhất của Quân đội Trung Quốc như xe tăng Type 99 nặng 55 tấn.

Hành trình của Y-20 là 4.000 km, có thể bao trùm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, nếu bay ra đại dương, nó có thể vươn tới Guam – Mỹ.

Y-20 được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, đó là một hệ thống tích hợp, kết hợp radar khí tượng, truyền thông, định vị và hoa tiêu tự động trong cùng một hệ thống.

Nhưng, Y-20 còn thua xa C-17A của Mỹ do thiết kế khí động học tương đối bảo thủ, hệ thống cần nâng vẫn rất lạc hậu. Y-20 không sử dụng công nghệ tiên tiến kiểu cánh quạt hình bông hoa ở cánh. Nó bị nghi ngờ về độ tin cậy, có khả năng phải bảo dưỡng nhiều hơn.

Ngày 27/12/2012, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân thừa nhận, Trung Quốc đang phát triển máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 để hiện đại hóa quân đội, cải thiện khả năng vận tải trên không, đáp ứng nhu cầu cứu trợ thảm họa và viện trợ nhân đạo trong các tình huống khẩn cấp.

Ông Dương Vũ Quân nói: “Chúng tôi đang tự phát triển loại máy bay vận tải cỡ lớn để tăng cường khả năng vận tải hàng không”. “Quá trình nghiên cứu và phát triển loại máy bay này đang tiến triển theo kế hoạch”, “công nghệ của nó rất phức tạp”.

Vệ tinh Mỹ chụp ảnh căn cứ Diêm Lương, miền trung Trung Quốc.
Vệ tinh Mỹ chụp ảnh căn cứ Diêm Lương, miền trung Trung Quốc.
Những bức ảnh chụp từ vệ tinh ngày 25/12/2012 do công ty Geo Eye (sở hữu 2 vệ tinh Geo Eye 1 và IKONOS) cung cấp cho thấy, Y-20 đã đậu tại nhà kho sân bay thử nghiệm Diêm Lương.

Bên cạnh máy bay này cũng có nhiều loại máy bay vận tải chủ lực khác như Y-8 và máy bay tiếp dầu cho máy bay ném bom H-6. Ngày 1/1/2013, chiếc Y-20 đã rời nhà kho và đưa ra đường băng. Những động thái này được Mỹ theo dõi chặt chẽ.

Được biết, Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD cho chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải cỡ lớn Y-20. Dự đoán, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 sẽ được đưa vào hoạt động trong vòng 5 năm nữa.

Theo phân loại, máy bay vận tải cỡ lớn thường chỉ những máy bay vận tải có trọng lượng cất cánh tối đa lớn hơn 100 tấn và nhỏ hơn 200 tấn.

Máy bay vận tải có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 100 tấn được gọi là máy bay vận tải hạng trung, điển hình là dòng máy bay vận tải C-130 của Mỹ, dòng An-22 của Nga và dòng Y-8, Y-9 của Trung Quốc.

Còn máy bay vận tải có trọng lượng cất cánh tối đa lớn hơn 200 tấn được gọi là máy bay vận tải siêu lớn, điển hình là máy bay vận tải C-5 Galaxy của Mỹ và máy bay vận tải An-124 của Nga.

Máy bay vận tải An-124 Ruslan Nga
Máy bay vận tải An-124 Ruslan Nga

Sao chép công nghệ nước ngoài?

Theo các nguồn tin, nhìn vào những hình ảnh được đăng tải trên mạng, ngoại hình của Y-20 rất giống với máy bay cùng loại là C-17 của Không quân Mỹ. Dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ về khả năng Trung Quốc lại sao chép công nghệ của nước ngoài.

Cũng có chuyên gia cho rằng, phần đầu của Y-20 của Trung Quốc rất giống máy bay Antonov An-70 của Nga. Trung-Nga đã nhiều lần gặp phải trở ngại do vấn đề sao chép công nghệ bất hợp pháp từ phía Trung Quốc, gây lo ngại cho Nga, kể cả khả năng Nga bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc trong tương lai.

Những gián điệp công nghệ của Trung Quốc thường gây lo ngại cho Mỹ, thậm chí đã có nhiều vụ xảy ra. Năm 2010, kỹ sư Boeing gốc Hoa là Đồng Phan Dũng đã bị tòa án Mỹ xử phạt tù 15 năm vì tội cung cấp 300 nghìn trang tài liệu về công nghệ vũ trụ của Mỹ cho Trung Quốc, thậm chí cũng bị cáo buộc ăn cắp thông tin về máy bay vận tải C-17.

Mặc dù Y-20 có thể sao chép C-17, nhưng giới phân tích quân sự Mỹ cho rằng, tính năng của Y-20 còn kém xa so với C-17 của Mỹ và các máy bay vận tải quân sự hạng nặng của Nga, châu Âu. Bởi vì, khả năng cơ động tầm xa của máy bay vận tải tùy thuộc vào động cơ của nó.

Y-20 Trung Quốc được cho là rất giống máy bay vận tải chiến lược C-17 của Không quân Mỹ.
Y-20 Trung Quốc được cho là rất giống máy bay vận tải chiến lược C-17 của Không quân Mỹ.

Một trong những nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc chế tạo là do năm 2008 ở Tứ Xuyên, Trung Quốc đã xảy ra một trận động đất lớn, khiến cho hàng chục nghìn người bị thiệt mạng và gây hậu quả kinh tế-xã hội vô cùng nghiêm trọng.

Khi đó, Không quân Trung Quốc đã phải triển khai một số máy bay vận tải (IL-76) để làm công tác cứu trợ, làm bộc lộ rõ năng lực hạn chế của họ.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, Trung Quốc nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải hặng nặng Y-20 còn phục vụ cho nhiều tham vọng to lớn của họ, nhất là điều động lực lượng tầm xa tới các khu vực tranh chấp, xung đột có khả năng xảy ra trong tương lai, đặc biệt Trung Quốc đã và đang tiến hành tranh chấp lãnh thổ trên đất liền, trên biển với hầu hết các nước láng giềng của họ.

Thậm chí, có chuyên gia cho rằng, Trung Quốc nghiên cứu phát triển Y-20 còn nhằm thực hiện tham vọng quân sự toàn cầu.

Có chuyên gia đánh giá, phạm vi hoạt động rộng lớn của Y-20 sẽ tăng cường khả năng vận tải đường không chiến lược cho Quân đội Trung Quốc.

Khi sở hữu một biên đội 100 máy bay vận tải hạng nặng Y-20 trong tương lai, Trung Quốc sẽ có khả năng điều động lực lượng quân sự mạnh nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời có thể nhanh chóng vận chuyển các lực lượng của họ tới châu Âu và châu Phi.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải sản xuất tới 300 máy bay Y-20 mới có thể sánh ngang với khả năng vận tải đường không chiến lược của Mỹ.

Máy bay vận tải hạng nặng Y-20 Trung Quốc có phần đầu được cho là giống máy bay vận tải An-70 do Nga và Ukraine cùng nghiên cứu phát triển.
Máy bay vận tải hạng nặng Y-20 Trung Quốc có phần đầu được cho là giống máy bay vận tải An-70 do Nga và Ukraine cùng nghiên cứu phát triển.

Nhưng, các quan điểm khác lại nghi ngờ về các điểm yếu trong lĩnh vực hàng không của Trung Quốc thì cho rằng, máy bay vận tải Y-20 chỉ có tính năng hạng hai, Y-20 chưa đủ khả năng tạo ra mối đe dọa đối với ưu thế vận tải đường không của Mỹ, châu Âu và Nga.

Việt Dũng