Vasily Kashin: Tình hình rối ren ở Ucraine mở ra cơ hội cho Trung Quốc

04/03/2015 10:18
Lê Cường
(GDVN) - Với sự vắng mặt răn đe quân sự Mỹ, Trung Quốc đã và đang tìm cách bành trướng quân sự.
Xuồng cao tốc của Hải quân Việt Nam trên Biển Đông (ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Xuồng cao tốc của Hải quân Việt Nam trên Biển Đông (ảnh minh hoạ, nguồn Internet)

Vasily Kashin – chuyên gia phân tích tại Trung tâm phân tích Công nghệ và Chiến lược trụ sở ở Moscow gần đây có bình luận cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ucraine đem lại cho Trung Quốc một cơ hội để mở rộng ảnh hưởng kinh tế, quân sự.

Theo nhà phân tích người Nga, vì hiện nay cả Ucraine và các đồng minh phương Tây của mình đều không thoả mãn với thoả thuận ngừng bắn Minsk lần hai mới thống nhất được vào tháng trước.

Đó cũng là lúc mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ ở khu vực vẫn đang tồn tại một cách rõ ràng. Ucraine buộc phải ký kết thoả thuận Minsk lần hai dưới áp lực của Nga bởi vì lực lượng quân đội của chính quyền Kiev đã bị quân đội của Nhà nước tự xưng Donetsk và Lugansk đánh cho đại bại ngay từ đầu năm 2015.

Đây cũng có thể được xem là cơ hội để Mỹ có thể cung cấp các khoản viện trợ cho Ucraine – theo Vasily Kashin.

Tháng 11 năm ngoái, Washington đã cung cấp cho Ucraine 118 triệu USD viện trợ quân sự cùng khoản tiền bổ sung trị giá 320 triệu USD cho mục đích hỗ trợ khôi phục kinh tế và viện trợ nhân đạo.

Mỹ cũng đã hứa hẹn cho Kiev vay 1 tỷ USD. Theo Vasily Kashin, nếu không có tiền để mua thêm vũ khí trang bị Ucraine cùng lắm chỉ có thể nhận được các máy bay quân sự miễn phí từ chính quyền Mỹ.

Cùng lúc phải đối phó với tình hình khủng hoảng ở miền Đông Ucraine thì hiện nay, việc lực lượng Nhà nước khủng bố Hồi giáo tự xưng IS ở Iraq và Syria đang trỗi dậy mạnh mẽ cũng khiến cho sự tập trung của Hoa Kỳ bị phân tán.

Vasily Kashin đặc biệt nhấn mạnh đến chiến lược xoay trục sang Thái Bình Dương của chính quyền Obama. Chắc chắn nó sẽ bị ảnh hưởng lớn từ hai cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay.

Vasily Kashin nhận định rằng chiến lược hướng Đông của Mũ có thể đã và sẽ tiếp tục bị cân nhắc nếu Washington quyết định vẫn xúc tiến việc can dự của mình ở Đông Âu.

Theo vị chuyên gia Nga, trong bối cảnh này, Trung Quốc gần như có thể đã nắm được cơ hội thứ hai nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế, quân sự và chính trị của mình trên quy mô toàn cầu.

Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố trước đây đã ban tặng cho Trung Quốc cơ hội chiến lược đầu tiên để thực hiện các chương trình cải cách và hiện đại hoá quân sự và Bắc Kinh đã thu được thành công.

Cụm từ "Great Leap Forward" có nghĩa là “Nắm bắt thời cơ lớn để tiến lên” theo Vasily Kashin có lẽ là dễ diễn tả nhất đối với những gì Trung Quốc đã tận dụng được trong thập kỷ hiện đại hoá quân sự mà Bắc Kinh đã trải qua.

Trong khi đó, Trung Quốc đã tận dụng được khoảng thời gian hoà bình (hay còn được nói đến là giấu mình chờ thời) để phát triển kinh tế. Nay, với khả năng to lớn về tiền, Bắc Kinh có thể dễ dàng đạt được sự ảnh hưởng của mình trong cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc không còn nghi ngờ gì nữa sẽ tận dụng cơ hội chiến lược thứ hai mà Nga  và IS đã tạo ra nhằm thực hiện nốt việc cải cách chính trị và giải quyết các vấn đề đối nội - Vasily Kashin nhận định.

Vì Bắc Kinh có thể nhận ra rằng cơ hội chiến lược thứ hai này có thể sẽ không kéo dài hơn 1 thập kỷ nên Bắc Kinh buộc phải tìm cách tái thiết lại vai trò của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên quy mô toàn cầu.

Với sự vắng mặt răn đe quân sự Mỹ, Trung Quốc đã và đang tìm cách bành trướng quân sự.

Tóm lại, bài phân tích của Vasily Kashin ngắn gọn nhưng khá sâu sắc và có giá trị nghiên cứu cao.

Việc Nga sáp nhập Crimea, trước đó vốn là phần lãnh thổ của Ucraine cũng đã mở ra cho Trung Quốc một tư duy khác, vốn có thể nguy hiểm cho tất cả các quốc gia láng giềng với Bắc Kinh.

Trung Quốc nhận ra rằng, nếu có sức mạnh, đặc biệt là khả năng răn đe, hành động vũ lực cỡ siêu cường việc biến phần lãnh thổ của nước khác thành lãnh thổ của nước mình đã trở nên khả thi hơn bao giờ hết bất chấp việc nó có thể tạp ra các hệ luỵ vô cùng nguy hiểm, đó chính là thay đổi trật tự thế giới vốn đã được thiết lập ra bởi các cơ chế, quy định ràng buộc lẫn nhau.

Lê Cường