Về sự kiện TQ bỏ phiếu trắng "giải quyết chính trị" ở Ukraine

16/03/2014 08:54
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc bỏ phiếu trống tại Hội đồng Bảo an LHQ, nói cần giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine, và tuyên bố chính sách ngoại giao "hòa bình" của TQ.
Đại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lưu Kết Nhất (ảnh tư liệu)
Đại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lưu Kết Nhất (ảnh tư liệu)

Ngày 15 tháng 3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành biểu quyết đối với dự thảo nghị quyết có liên quan đến vấn đề Ukraine do Mỹ đưa tin, bị Nga phủ quyết, nghị quyết này không được thông qua. Kết quả bỏ phiếu là 13 phiếu tán thành, 1 phiếu phủ quyết, 1 phiếu trắng. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng.

Sau khi kết thúc bỏ phiếu, đại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lưu Kết Nhất phát biểu cho biết, Trung Quốc giữ thái độ "công bằng, khách quan" trong vấn đề Ukraine. "Chúng tôi sẽ tiếp tục thuyết phục đàm phán, tiếp tục phát huy vai trò mang tính xây dựng để giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine".

Theo đó, Lưu Kết Nhất đưa ra 3 kiến nghị như sau: Thứ nhất, nhanh chóng thiết lập cơ chế phối hợp quốc tế của các bên, bàn thảo con đường giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine.

Thứ hai, trong thời gian này, các bên đều không áp dụng hành động tiếp tục làm xấu đi tình hình. Thứ ba, các tổ chức tài chính quốc tế cần đi vào thảo luận nghiên cứu và hỗ trợ Ukraine bảo vệ sự ổn định kinh tế và tài chính.

Lưu Kết Nhất còn cho biết, Trung Quốc "luôn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước" (?-PV). Đây là phương châm ngoại giao cơ bản được Trung Quốc "luôn kiên trì" (?-PV). Đồng thời, Trung Quốc cho rằng, sự “can thiệp của bên ngoài” cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến xung đột đường phố ở Ukraine và đất nước rơi vào khủng hoảng.

Đại diện Nga tại Liên hợp quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết về Ukraine do Mỹ đưa ra
Đại diện Nga tại Liên hợp quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết về Ukraine do Mỹ đưa ra

"Thỏa thuận 21/2" không thể được thực hiện càng làm cho Ukraine rơi sâu vào bất ổn, các lĩnh vực kinh tế-xã hội bị phá hoại nghiêm trọng. Trung Quốc "phê phán và phản đối tất cả các hành vi bạo lực cực đoan".

Lưu Kết Nhất cho rằng, then chốt để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là, trong khuôn khổ luật pháp và trật tự, thông qua đối thoại và đàm phán, nhanh chóng giải quyết bất đồng liên quan, quan tâm đầy đủ đến lợi ích hợp pháp của các dân tộc, nhân dân các khu vực.

Các bên đều cần xuất phát từ bảo vệ đại cục hòa bình, ổn định khu vực, cân nhắc bảo vệ lợi ích căn bản của nhân dân các dân tộc Ukraine, duy trì bình tĩnh, kiềm chế, tránh để tình hình tiếp tục căng thẳng, leo thang, đồng thời kiên trì phương hướng lớn "giải quyết chính trị", nhanh chóng tìm được biện pháp và con đường cụ thể.

Trước đó, thông qua nhiều phát biểu của các quan chức cấp cao Trung Quốc, Trung Quốc luôn khẳng định cần “giải quyết chính trị” cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tại Liên hợp quốc ngày 15 tháng 3, trước khi biểu quyết, đại diện Nga tại Liên hợp quốc Churkin cho biết, Nga đã nhiều lần cho biết sẽ phủ quyết dự thảo nghị quyết này, bởi vì Nga không đồng ý nội dung cơ bản của nghị quyết này, Nga sẽ tôn trọng ý nguyện của nhân dân Crimea trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16 tháng 3.

Người dân Crimea ủng hộ gia nhập Liên bang Nga
Người dân Crimea ủng hộ gia nhập Liên bang Nga

Khi phát biểu, đại diện các nước Mỹ, Anh, Pháp tại Liên hợp quốc lên án Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết này, họ còn cho biết không thừa nhận cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày 16 tháng 3 của Crimea.

Được biết, dự thảo này cho biết, cuộc trưng cầu dân ý của Crimea tổ chức vào ngày 16 tháng 3 là "vô hiệu", "không thể tạo thành bất cứ cơ sở nào làm thay đổi hiện trạng của Crimea".

Theo phóng viên bài báo, hiện nay ở thành phố duyên hải Sevastopol luôn yên tĩnh. Nhưng toàn bộ cộng đồng quốc tế rất quan tâm đến cuộc trưng cầu dân ý này. Hiện nay các quan sát viên quốc tế đăng ký theo dõi cuộc trưng cầu dân ý có tổng cộng 70 người, lần lượt đến từ 23 nước gồm Nga, Mỹ, Pháp, Đức.

Cuộc trưng cầu dân ý này sẽ xoay quanh 2 vấn đề: Thứ nhất, phải chăng tán thành Crimea gia nhập Liên bang Nga với tư cách chủ thể Liên bang. Thứ hai, phải chăng tán thành khôi phục Hiến pháp Crimea năm 1992. Một cuộc điều tra cho biết, hơn 90% người dân Crimea ủng hộ gia nhập Liên bang Nga với tư cách chủ thể Liên bang.

Nga tuyên bố tôn trọng ý nguyện của nhân dân Crimea - phần lãnh thổ trước đây Liên Xô trao tặng Ukraine và có đa số người dân tộc Nga sinh sống.
Nga tuyên bố tôn trọng ý nguyện của nhân dân Crimea - phần lãnh thổ trước đây Liên Xô trao tặng Ukraine và có đa số người dân tộc Nga sinh sống.
Việt Dũng