Vệ tinh của Nhật theo dõi từng mét đất của TQ, Nga, Triều Tiên

07/02/2013 07:12
Đông Bình
(GDVN) - Vệ tinh chụp ảnh của Nhật Bản đã có khả năng chụp các mục tiêu có đường kính 0,6 m trên mặt đất... dùng để theo dõi CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Nga.
Tên lửa đẩy H-2A của Nhật Bản dùng để phóng vệ tinh
Tên lửa đẩy H-2A của Nhật Bản dùng để phóng vệ tinh

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa cho biết, tháng 1/2013, Nhật Bản đã sử dụng một quả tên lửa đẩy đồng thời phóng 1 vệ tinh radar và 1 vệ tinh chụp ảnh quang học.

Ngày 4/2, trang mạng quân sự Strategy Page Mỹ đã có bài viết giới thiệu về quá trình phóng vệ tinh của Nhật Bản gần 10 năm qua.

Báo Trung Quốc tuyên truyền cho rằng, nói theo luật một cách nghiêm túc, Nhật Bản phóng nhiều vệ tinh quân sự đều đã vi phạm luật cấm Nhật Bản tiến hành nghiên cứu quân sự hóa trong vũ trụ được đưa ra vào năm 1969.

Theo bài báo, tháng 5/2012, Nhật Bản đã phóng 4 vệ tinh, trong đó có 2 vệ tinh lưỡng dụng – tức dùng cho cả lĩnh vực quân sự và dân sự. 17 tháng trước, Nhật Bản đã phóng 1 vệ tinh do thám, chụp ảnh/quay phim quang học, thay thế cho vệ tinh gián điệp radar thất bại năm 2010. Tất cả những vệ tinh nêu trên đều được phóng bằng tên lửa đẩy H-2A do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo.

6 năm trước, Nhật Bản phóng vệ tinh gián điệp thứ tư, 7 năm trước phóng vệ tinh gián điệp thứ ba. Hai vệ tinh gián điệp đầu tiên được phóng năm 2003. Vệ tinh gián điệp phóng năm 2006 là chiếc thứ hai trong số 3 vệ tinh trinh sát, chụp ảnh/quay phim quang học của Nhật Bản, máy chụp ảnh/quay phim của nó đủ để chụp ảnh, quay phim các mục tiêu có đường kính 1 m trên mặt đất.

Vệ tinh chụp ảnh/quay phim mới nhất của Nhật Bản đã có thể chụp được vật thể đường kính 0,6 m trên mặt đất. Mặc dù vệ tinh gián điệp tốt nhất của Mỹ có thể theo dõi các mục tiêu nhỏ hơn, nhưng đối với Nhật Bản, khả năng chụp ảnh 0,6-1 m đã đủ mạnh.

Hai vệ tinh do thám của Nhật Bản.
Hai vệ tinh do thám của Nhật Bản.

Trang mạng Strategy Page cho rằng, về pháp lý, tất cả những vệ tinh nói trên của Nhật Bản đều đã vi phạm luật pháp năm 1969 – luật cưỡng chế yêu cầu Nhật Bản chỉ có thể tiến hành nghiên cứu mục tiêu phi quân sự đối với vũ trụ. Để lách luật, về công nghệ, những vệ tinh này đều là phi quân sự, cũng hoàn toàn không do phía quân đội kiểm soát.

Trước đây, Nhật Bản luôn kiềm chế không phóng vệ tinh quân sự, mãi đến năm 1998 CHDCND Triều Tiên phóng 1 quả tên lửa đạn đạo, làm cho Nhật Bản quyết định phóng 8 vệ tinh do thám/trinh sát vào quỹ đạo trong năm 2006 để theo dõi các động thái nghiên cứu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên.

Nhật Bản phụ thuộc lâu dài vào vệ tinh quay phim/chụp ảnh và các tư liệu vệ tinh do Mỹ cung cấp, nhưng những công nghệ như nghe trộm điện tử trên không và các hình ảnh vệ tinh có độ nét cao về CHDCND Triều Tiên thì Nhật Bản chỉ có thể dựa vào chính mình.

Được biết, những vệ tinh gián điệp này của Nhật Bản đồng thời cũng được sử dụng để theo dõi các động thái nghiên cứu phát triển quân sự của Trung Quốc và Nga.

Ngày 12/12/2012, CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa Unha-3 tại Trung tâm Vũ trụ Sohae tỉnh Bắc Pyongan
Ngày 12/12/2012, CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa Unha-3 tại Trung tâm Vũ trụ Sohae tỉnh Bắc Pyongan

Trong các vệ tinh được nêu trên, vệ tinh chụp ảnh quang học nặng khoảng 1 tấn, vệ tinh do thám/trinh sát radar khoảng 1,3 tấn.

Về thiết kế và chế tạo những vệ tinh này, Mỹ đã hỗ trợ rất nhiều công nghệ cho Nhật Bản. Nguồn vốn đầu tư cho các chương trình vệ tinh của Nhật Bản đã lên tới 3 tỷ USD, trong đó phần lớn được sử dụng để nghiên cứu tên lửa cỡ lớn có độ tin cậy mạnh, có thể dùng để phóng vệ tinh.

Vụ phóng vệ tinh vào tháng 1/2013 là lần thứ 16 liên tiếp Nhật Bản phóng thành công vệ tinh bằng tên lửa H-2A do Nhật Bản tự thiết kế và chế tạo.

Tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc tạo ra mối đe dọa lớn đối với Nhật Bản. Hình ảnh do dân mạng Trung Quốc vẽ.
Tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc tạo ra mối đe dọa lớn đối với Nhật Bản. Hình ảnh do dân mạng Trung Quốc vẽ.
Đông Bình