Vị thế Nga vững vàng trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu

09/03/2013 09:16
Theo Tiếng Nói Nước Nga
(GDVN) - Theo dự đoán của Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí toàn cầu, trong tám năm tới Nga tự tin duy trì vị trí thứ hai trên thế giới sau Mỹ về tổng khối lượng xuất khẩu vũ khí.
Sản phẩm số 1 của Nga là máy bay tiêm kích Su-30. Dù Mỹ vượt trước Nga về tổng khối lượng xuất khẩu kỹ thuật hàng không, nhưng máy bay chiến đấu của Nga về mọi mặt không kém hơn so với Mỹ. Chuyên viên Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí "Quốc phòng" Nga, nói: “Máy bay Su-30 là loại sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Ở Nga sản xuất các phiên bản khác nhau - Su-30 MKI dành cho Ấn Độ, cho các nước khác chúng tôi cung cấp những phiên bản khác. Máy bay MiG cũng có nhu cầu trên thị trường thế giới, chẳng hạn, Ấn Độ mua phiên bản hải quân MiG-29KOB”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Đại tướng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam - Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Hà Nội đầu tháng 3/2013
Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Đại tướng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam - Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Hà Nội đầu tháng 3/2013

Trong danh sách các loại sản phẩm quân sự có nhu cầu trên thế giới, các hệ thống phòng không chiếm vị trí thứ hai. Khách hàng nước ngoài cũng rất quan tâm đến các loại kỹ thuật quân sự sản xuất tại Nga dành cho lục quân, đặc biệt là xe tăng.

Hiện nay, Ấn Độ đứng thứ nhất về khối lượng mua vũ khí của Nga. Mấy năm gần đây, các đợt cung cấp kỹ thuật quân sự của Nga cho Việt Nam gia tăng đáng kể. Nga sẽ giúp nước này thành lập hạm đội tàu ngầm. Năm nay, nhà máy đóng tàu "Admiralteisky” của Nga sẽ cung cấp hai trong số sáu tàu ngầm dành cho lực lượng hải quân Việt Nam.

Tuy nhiên, sự hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực hải quân không chỉ giới hạn ở mức sáu tàu ngầm. Trong cuộc đàm đạo với phóng viên đài "Tiếng nói nước Nga", chuyên viên Igor Korotchenko cho biết: “Việt Nam mua của Nga tàu lớp "Gepard", đây là loại tàu tấn công đa mục đích.

Theo giấy phép của Nga, ở Việt Nam xây dựng tàu hộ vệ tên lửa. Phải nói thêm rằng, Nga và Việt Nam thành lập xí nghiệp liên doanh sản xuất tên lửa chống tàu "Uran" theo giấy phép của Nga”.

Trong tương lai gần, Nga và Việt Nam sẽ ký thỏa thuận về điều kiện các tàu chiến Nga ghé vào hải cảng Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thông báo về điều đó theo kết quả chuyến đi Việt Nam.

Việc xuất khẩu vũ khí Nga đang phải đối mặt với một số khó khăn. Ví dụ, vẫn chưa rõ Nga đã bị mất thị trường vũ khí Libya trong thời gian bao lâu. Hiện nay, các công ty quốc phòng của Anh, Ý và Pháp đang vội vàng tiếp cận thị trường này. Sau khi nhà lãnh đạo Venezuela Hugo Chavez qua đời, chưa rõ số phận các hợp đồng vũ khí mà Nga đã ký kết với quốc gia này, mà Nga đang cung cấp các máy bay trực thăng, xe tăng và tên lửa pháo binh cho Venezuela.

Song, tình hình trên thị trường vũ khí thay đổi thường xuyên. Ở những nước khác nhau thay đổi chính phủ, thay đổi ưu tiên chính sách đối ngoại. Ví dụ, không ai có thể dự đoán rằng, sau rất nhiều năm quân đội Mỹ và các đồng minh hiện diện ở Iraq, quốc gia này bất ngờ ký hợp đồng lớn với Nga về cung cấp vũ khí.

Mới đây, Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari đã khẳng định rằng, mùa hè năm nay sẽ bắt đầu thực hiện hợp đồng về cung cấp máy bay trực thăng tấn công và hệ thống phòng không của Nga cho Baghdad.


Theo Tiếng Nói Nước Nga