Trải lòng của một thiếu nữ Hà thành bỏ nhà đi bụi

10/11/2011 06:15
Theo Phunutoday
Tôi là một cô gái Hà thành chính gốc. Tôi không hiểu thế nào là chính gốc nhưng tôi biết tôi mang trong mình dòng máu của người Hà Nội.

Tuổi thơ dữ dội và nguồn cơn dạt nhà

Nói đến tuổi thơ có lẽ tuổi thơ tôi là đau buồn nhất. Tôi sinh ra trong một gia đình có đủ cả bố và mẹ nhưng bố mẹ tôi đều có con trai riêng. Họ đến với nhau theo kiểu rổ rá cạp lại nên mọi thứ đều phức tạp và rối ren ngay cả đến hạnh phúc gia đình cũng vậy.

Tôi là con chung của hai người nhưng tình thương mà tôi có được thì chỉ là sự lạnh lùng của bố và sự bất cẩn của mẹ. Ngay từ ngày đi học mầm non tôi đã phải tự mình đi về nhà. Trường chỉ cách nhà tôi 300 mét nhưng hiếm khi mẹ đi đón tôi. Bố mẹ tôi chỉ chăm sóc cho con riêng của họ vì sợ con của họ bị tủi thân.

Nhiều lần, hai ông anh đánh nhau. Bố mẹ tôi là người giữa nên cũng bỏ mặc  theo kiểu ai mạnh người đó thắng. Tôi chán ngán cuộc sống của gia đình mình đến phát ngán. Tôi đi học nhưng chưa một lần được bố mẹ cầm sách vở xem tôi học hành ra sao, ngay cả đến họp phụ huynh mẹ tôi cũng phó mặc cho bà ngoại đã ngoài 80 tuổi của tôi đi họp.

Bố mẹ tôi nghỉ việc ở cơ quan chuyển sang làm kinh doanh ngoài chợ. Cuộc sống kinh doanh ngoài chợ khiến cho họ trở nên thực dụng và chua chát hơn. Nếu anh em tôi mà làm sai điều gì mẹ tôi không ngần ngại chửi chúng tôi nhưng những câu nói mẹ tôi buông ngoài chợ.

Tôi thấy ghét bố mẹ mình kinh khủng
Tôi thấy ghét bố mẹ mình kinh khủng
Bố mẹ tôi đua nhau kiếm tiền mà quên mất phía sau gia đình mình là 3 đứa con. Con ai mạnh người đó thắng. Không lâu sau, con riêng của bố mẹ tôi được mẹ đẻ của anh về đưa đi vào thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hi vọng bố sẽ quan tâm tới mình hơn nhưng tôi không ngờ tình cảm bố con bố dành cho tôi không có.

Khi phát hiện ra bố tôi ngoại tình với một cô hàng xóm. Mẹ càng ghét tôi và bỏ mặc tôi hơn vì mẹ nói “bố con nhà mày là bất hạnh của tao”. Bữa cơm gia đình tôi không bao giờ có đủ người. Con trai riêng của mẹ tôi được mẹ đùm bọc và che chở. Mẹ tôi thường dấm dúi tiền cho anh ấy. Anh còn học giỏi nên mẹ cưng nhiều còn tôi học kém càng bị miệt thị.

Tôi chán ghét cảnh nhà mình. Tôi ước ao mình lớn nhanh để có thể tự lập thoát khỏi cuộc sống buồn chán này. Năm 14 tuổi, tôi bắt đầu bỏ nhà đi chơi. Bố mẹ bận bịu buôn bán nên cũng chẳng ai để ý đến tôi. Cũng từ đó tôi trở thành đứa con gái dạt nhà. Tôi cứ đi chơi bạt mạng, hết tiền tôi lại về nhà lấy của bố mẹ. Bố tôi cũng chẳng biết mình có bao nhiêu tiền nên tôi lấy họ cũng chẳng biết.

Bi kịch gái dạt nhà

14 tuổi, tôi đã được nếm trải đắng cay ngọt bùi ở đời trong đó có cả vị đắng của tình yêu. Tôi không nhớ mình đã ngủ với bao nhiêu người. Tôi chỉ nhớ người đàn ông đầu tiền của tôi là một người đã có vợ, ông ta trả trinh tiết của tôi bằng một cái điện thoại.
Năm 16 tuổi, tôi về nhà đòi bố mẹ cho tôi cưới chồng. Nghe tin tôi đòi lấy chồng bố mẹ tôi đã choáng và ai cũng chửi tôi là hư hỏng và họ đổ lỗi cho nhau không biết tôi là con của ai.

Thấy cái bụng của tôi đã lùm lùm nên mẹ tôi cũng đồng ý cho tôi đi lấy chồng. Chồng của tôi cũng là một kẻ dạt nhà như tôi. Sau khi lấy nhau, chúng tôi chuyển về nhà mẹ tôi sống. Con gái của chúng tôi ra đời trong sự hững hờ tất cả mọi người.

Thấy chán cảnh vợ đẻ nên chồng tôi đã bỏ nhà đi chơi tiếp. Còn tôi, nghĩ đến đứa con là nghiệp chướng của mình nên tôi đã mang con tôi đến cổng bệnh viện để bỏ và tôi tiếp tục cuộc sống dạt nhà. Không lâu sau, biết tôi bỏ con ở bệnh viện nên bố mẹ tôi đến xin lại cháu về còn tôi và chồng cứ sống tháng ngày nay ở đây, mai ở đó.

Hết tiền tiêu, tôi lao vào sàn nhảy, vũ trường để làm gái bán rượu. Từ bán rượu tôi đã chuyển hẳn sang làm gái “bán hoa”. Hai năm làm trong vũ trường tôi giàu lên nhanh chóng. Tôi ở một nơi cách bố mẹ tôi chỉ 5 cây số nhưng không bao giờ họ nhìn thấy tôi. Không bao giờ họ nhớ đến tôi. Với họ, tôi là cái nợ.

Sống buông thả nên tôi đã đánh mất chính tương lai của mình
Sống buông thả nên tôi đã đánh mất chính tương lai của mình
Ban ngày tôi ngủ, ban đêm tôi lại đi làm kiếm tiền. Thật lạ, tôi quên mất rằng mình đang có một đứa con gái. Con gái của tôi có khi giờ cũng biết nói. Một lần, tôi bị công an bắt và đưa lên Ba Vì. Tôi đã gọi điện về cầu cứu bố mẹ. Hai năm chưa một lần tôi bấm số điện thoại gọi về cho họ nhưng khi tôi gọi thì tôi bấm không sai một số nào.

Bố mẹ tôi mang tiền đi bảo lãnh tôi về. Sau hai năm rời nhà và bỏ con. Nhìn thấy đứa trẻ tôi mới thấy mình yêu con như thế nào. Tôi bị bố mẹ tôi giam lỏng ở nhà. Không có tiền tiêu, không được đi chơi hàng đêm đôi chân tôi thấy thèm. Tôi lại trốn đi đến khi nào nhớ con tôi lại trở về nhà.

Một lần, tôi vừa bước vào trong nhà tôi đã gặp bố mẹ tôi mặt rầu rĩ đang ngồi chờ tôi. Thấy tôi bố tôi quay mặt đi còn mẹ tôi khóc và bà lại chửi tôi. “Mày ở đâu ra mà làm khổ tao thế này. Bây giờ tao lại phải nuôi thêm đứa si đa nữa à”. Vừa nghe đến hai từ si đa, tôi đã đoán ra được điều gì vì tôi biết tôi có thể mắc bệnh này bất cứ khi nào.

Trong lần bị công an “càn”, họ đã lấy máu của tôi đi thử và bây giờ có kết quả chính xác họ đã gửi thông báo về gia đình. Cầm bản án căn bệnh thế kỷ trên tay, tôi thấy hận gia đình mình. Tôi đã nằm khóc vì đâu tôi phải khổ. Biết bao nhiêu từ giá như, giá như… giá như  gia đình tôi không phân biệt tôi, họ quan tâm tôi hơn có lẽ tôi sẽ giống như những cô gái Hà thành khác. Ở cái tuổi 19, tôi nuôi con 3 tuổi và ôm cái án tử trước mắt.

Ghi theo lời kể của nhân vật
Theo Phunutoday