Các cơ quan còn bận suy nghĩ, dân tiếp tục ngồi tù, Quốc hội ơi!

30/10/2015 13:30
Thanh Xuân
(GDVN) - Các cơ quan tố tụng trả lời thế nào khi bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã bị tạm giam hơn 20 tháng mà vụ án vẫn chưa kết thúc xét xử?

Gần đây Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết đang được các cơ quan tố tụng TP.Hồ Chí Minh xử lý. 

Công văn, kiến nghị đã gửi đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát tối cao đã có ý kiến trả lời xong Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa thể kết thúc xét xử vụ án, bị cáo tiếp tục phải ngồi tù đến nay đã gần 700 ngày để chờ các cơ quan tư pháp ... suy nghĩ. Tại sao lại như vậy?

Bài viết này không bàn chuyện bị cáo Tuyết có tội hay vô tội, mà muốn tìm hiểu các cơ quan tư pháp đang hành xử thế nào với sinh mạng, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Về phía Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Theo quy định của Luật Báo chí hiện hành, sau khi nhận được kiến nghị của cơ quan báo chí  “Viện kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết”. 

Khoản 2 điều 25 Luật Tố tụng hình sự quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức và công dân tham gia tố tụng hình sự; phải trả lời kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm cho tổ chức đã báo tin, người đã tố giác tội phạm biết

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nếu Luật báo chí sửa đổi được thông qua thì thời hạn cho phép Viện Kiểm sát thụ lý giải quyết đơn thư tối đa chỉ là 30 ngày.

Các cơ quan còn bận suy nghĩ, dân tiếp tục ngồi tù, Quốc hội ơi! ảnh 1
Các cơ quan tư pháp đang hành xử thế nào với sinh mạng chính trị của công dân. (Ảnh website Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Vậy vì sao Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh chưa trả lời cho báo chí cách giải quyết mặc dù có những kiến nghị gửi tới viện này đã gần một năm nay?

Hành động này của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh không còn là “có dấu hiệu” mà rõ ràng là hành vi vi phạm Luật Báo chí và Luật Tố tụng hình sự.

Một khi đã phạm luật thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, vấn đề là cơ quan nào có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can với cơ quan kiểm sát? 

Có thể một số cán bộ, công chức Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho rằng trên địa bàn thành phố không cơ quan nào đủ quyền khởi tố cơ quan mình về việc làm trái quy định pháp luật nên họ cứ mặc nhiên vi phạm?  

Được biết sau khi có kiến nghị của báo chí, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã có công văn trả lời, công văn nêu rõ “vụ việc có những tình tiết phức tạp, một số nội dung chưa được làm rõ”.
 
Cần lưu ý rằng “một số nội dung chưa được làm rõ” không phải là lỗi của bị cáo mà là trách nhiệm của cơ quan điều tra, kiểm sát. 

Và cũng cần hiểu rằng, luật đã quy định khi quyết định kết thúc quá trình điều tra, Viện kiểm sát ra Cáo trạng truy tố bị can ra trước tòa thì cơ quan tố tụng phải làm rõ được các tình tiết buộc tội.

Trong khi Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh không thay đổi quan điểm, Tòa án tiếp tục trả hồ sơ thì bị cáo tiếp tục ngồi tù, việc này có tước bỏ quyền hiến định của công dân? 

Thiết nghĩ Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố và các tổ chức đoàn thể khác cần có tiếng nói để tình trạng đùn đẩy hồ sơ vụ việc sớm chấm dứt.

Người không am hiểu nhiều về pháp luật (trừ những người thần kinh không bình thường) cũng dễ dàng nhận thấy trong số hơn 50 tài liệu mà Viện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh sử dụng để khởi tố bị can Nguyễn Thị Bạch Tuyết về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có tới 25 phiếu chuyển tiền và 1 bản cam kết được ngành Công an giám định là “chữ ký và con dấu đều là thật”, vậy thì người ký và đóng dấu trên các tài liệu này phải là đồng phạm trong vụ việc chứ không thể vô can. 
Trong số 25 phiếu còn lại vì nhiều lý do như tài liệu gửi đi giám định là tài liệu phô tô, tài liệu mờ nhòe ... cơ quan công an không thể giám định được.

Không có tài liệu nào trong số hơn 50 tài liệu này được cơ quan giám định kết luận là tài liệu giả như trong Kết luận điều tra kết luận là "tài liệu giả".

Vậy thì căn cứ vào đâu mà Viện kiểm sát lại khẳng định "tội trạng" cho bà Tuyết? Đây chẳng phải là hành vi lạm quyền, cố ý truy tố người không có tội thì là hành vi gì?

Trong bài viết “Đúng “Quy trình” và bỏ lọt tội phạm” [1], tác giả đã trích ý kiến trên các báo Laodong.com.vn, Tienphong.vn, Dantri.com.vn, Petrotimes.vn, ngôn từ sử dụng trong các bài viết có thể khác nhau song nội dung đều cho thấy có gì đó không rõ ràng, không minh bạch trong quá trình tố tụng, có bài còn cho rằng ông Yee Lip Chee (quốc tịch Malaysia) người ký tên đóng dấu trên 26 tài liệu phải được xem là đồng phạm và phải bị khởi tố.

Các cơ quan còn bận suy nghĩ, dân tiếp tục ngồi tù, Quốc hội ơi! ảnh 2

Viện KSND Tối cao yêu cầu làm rõ căn cứ truy tố bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết

(GDVN) - “Vụ việc có những tình tiết phức tạp, một số nội dung chưa được làm rõ” là nhận định của Viện trưởng Viện KSND tối cao trong vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết.

Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm được nhiều tờ báo và luật sư chỉ ra từ nhiều tháng trước, vì sao Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh không khởi tố với người nước ngoài này?

Vì sao cơ quan chức năng chỉ ra lệnh bắt tạm giam chính công dân nước mình mà để nghi phạm người nước ngoài tự do rời khỏi Việt Nam?

Ý thức dân tộc, nhiệm vụ bảo vệ công dân ở đâu đối với những người, cơ quan có trách nhiệm điều tra, khởi tố ở TP. Hồ Chí Minh trong vụ việc này?

Không chỉ im lặng không trả lời ý kiến của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh còn bỏ qua ý kiến của một số luật sư và nhiều tờ báo khác, liệu đây có phải là tình tiết tăng nặng đối với hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân lãnh đạo và công chức Viện này.

Liệu có ai đó cho rằng, đồng lương họ hưởng từ tiền thuế do dân đóng góp là “trách nhiệm công dân” của người dân, còn họ có những “trách nhiệm” khác với “công dân bình thường”?

Về phía Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Sau khi trả hồ sơ với lý do “không đủ chứng cứ đưa vụ án ra xét xử” và nhận được câu trả lời, rằng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh “giữ nguyên quan điểm” tố tụng, thì hoặc là phải tiến hành xét xử hoặc phải tự tổ chức điều tra theo quy định tại mục b, khoản 3 điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2014: 

Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”.

Một số quy định trong luật này còn nói rõ, Tòa án có quyền:

Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm;

Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng
”.

Các cơ quan còn bận suy nghĩ, dân tiếp tục ngồi tù, Quốc hội ơi! ảnh 3

Tiếp tục trả hồ sơ cho "sếp Hải", xem xét khởi tố Yee Lip Chee ngay tại Tòa

(GDVN) - Sau nhiều lần trả lại hồ sơ, mới đây, ngày 7/10, Tòa án nhân dân TP.HCM lại thông báo tiếp tục trả hồ sơ vụ án cho VKS để "làm rõ căn cứ truy tố" bà Tuyết.


Một khi Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhất quyết không thay đổi cáo trạng, một khi nhận thấy có nhiều vấn đề chưa rõ ràng, “không đủ chứng cứ đưa vụ án ra xét xử”, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh cần sử dụng các quyền mà luật pháp quy định, trong đó có quy định Tòa án có quyền khởi tố, có quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ…

Vấn đề là ở chỗ trong khi các cơ quan tố tụng đùn đẩy trách nhiệm thì người dân tiếp tục ngồi tù mà không biết khi nào vụ án mới được xét xử. 

Trong trường hợp cần thời gian, vì sao cơ quan tố tụng không cho phép nghi phạm được bảo lãnh tại ngoại? Báo Vietnamnet.vn ngày 8/5/2012 dẫn ý kiến luật sư cho biết: “Thời hạn tạm giam tối đa trong giai đoạn điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 16 tháng”. [2]

Các cơ quan tố tụng trả lời thế nào khi bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã bị tạm giam hơn 20 tháng mà vụ án vẫn chưa kết thúc xét xử?

Nếu Tòa nhận thấy vụ án không chỉ là “không đủ chứng cứ đưa vụ án ra xét xử” mà còn là “không đủ chứng cứ để buộc tội” thì cần phải mở phiên tòa và tuyên bị cáo vô tội.

Một khi chính cơ quan bảo vệ pháp luật lại có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì ai sẽ bảo vệ người dân? Câu hỏi này xin gửi tới đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh và các vị đại biểu đang tham dự kỳ họp Quốc hội hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Dung-Quy-trinh-va-bo-lot-toi-pham-post162232.gd

[2] http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap-luat/70651/tam-giam-bao-nhieu-lau-thi-du-.html

Thanh Xuân