Cách mạng màu và màu cách mạng

10/09/2015 05:00
Xuân Dương
(GDVN) - Không để đất nước rơi vào vòng xoáy bạo lực, khủng bố, bị lệ thuộc vào nước ngoài, không bị chia rẽ nhân tâm, đó chính là điều kiện đủ.

Từ thế kỷ 18 đến nay, nhân loại đã chứng kiến nhiều cuộc cách mạng: cách mạng công nghiệp Anh, cách mạng tư sản Pháp, cách mạng vô sản Nga, cách mạng khoa học – kỹ thuật,… những cuộc cách mạng này không thuộc nhóm có tên là  “Cách mạng màu”. 

Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, khi Chiến tranh lạnh được coi là kết thúc, từ những năm 80 của thế kỷ trước xuất hiện “Cách mạng Nhung” tại Tiệp Khắc năm 1989, “Cách mạng Hoa Hồng” tại Gruzia năm 2003, “Cách mạng Cam” tại Ukraine năm 2004 , “Cách mạng Hoa Tulip” tại Kyrgyzstan năm 2005, “Cách mạng Xanh” tại Kuwait năm 2005,… Những cuộc “cách mạng” có màu sắc sặc sỡ này được gọi chung là “Cách mạng màu”. 

Còn nhiều loại  “Cách mạng” khác như “Cách mạng cây Tuyết Tùng”  xảy ra năm 2005 tại Lebanon, “Cách mạng cây dù” ở Hồng Kông năm 2014, “Cách mạng áo” tại Thái Lan và gần đây nhất tại Malaysia đang diễn ra… “Cách mạng nằm”.

Biểu tình nằm ở Malaysia năm 2015 đòi thủ tướng đương nhiệm từ chức
Biểu tình nằm ở Malaysia năm 2015 đòi thủ tướng đương nhiệm từ chức

Sự bội thực những cuộc gọi là “Cách mạng” ấy khiến bầu chính trị toàn cầu nóng lên từng ngày, nhiều chính khách phải ra đi và cũng không ít người vẫn cố níu kéo quyền lực.

Cùng với sự nóng lên của bầu chính trị là sự nóng lên của Trái Đất bởi sự tiêu thụ khủng khiếp nguồn năng lượng hóa thạch. 

Nhiệt độ tăng khiến băng tan chảy ở các địa cực, tầng ozon bị xuyên thủng khiến tấm màng bảo vệ địa cầu không còn là rào chắn hữu hiệu bảo vệ sự sống, ô nhiễm khí quyển khiến bệnh tật tràn lan, bề mặt trái đất bị sa mạc hóa bởi các thành phố và công trình giao thông khiến địa bàn sống của sinh vật giảm đi đáng kể, dầu và khí đốt bị hút triền miên khiến đất sụt xuống thành các “hố tử thần”… 

Có thể thấy, đây đều là hậu quả tiêu cực đi kèm những mặt tích cực của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật mà loài người đang tiến hành. Sự cộng hưởng giữa cái nóng tự nhiên với cái nóng của xã hội là hạn hán, lụt lội, là bom rơi đạn nổ và dòng người tha hương tìm cuộc sống mới.

Nguyên nhân của các thảm họa nêu trên đều “...do con người ...”.

Nói thế để thấy không loài sinh vật nào trên hành tinh này thông minh hơn con người nhưng cũng chẳng có loài nào ngu xuẩn hơn con người bởi nhân loại đang từng ngày, từng giờ  “chung tay” hủy hoại môi trường sống của chính mình.

Những cuộc cách mạng từ bạo lực đến bất bạo lực, từ sặc sỡ sắc màu đến rền vang tiếng súng có phải là phương tiện  duy nhất với mỗi quốc gia, dân tộc nhằm biến đổi xã hội? 

Sẽ không có câu trả lời chính xác nếu tách rời các yếu tố nội tại của quốc gia, dân tộc đó.

Thế giới ngày nay biến đổi rất nhanh trên cả hai phương diện: vật thể và phi vật thể. Tự nhiên bị biến đổi, hiểu biết của loài người thay đổi, cấu trúc xã hội thay đổi, sự đối đầu giữa các thế lực chính trị thay đổi, quan hệ bạn – thù thay đổi…

Cách mạng màu và màu cách mạng ảnh 2

Làm chủ cuộc chơi khi nước lớn “đi đêm”

(GDVN) - Nói ra để cho ai đó hiểu rằng đừng có làm liều bởi người Việt dù bị ăn cắp mất nỏ thần nhưng chưa bao giờ đánh mất lòng yêu nước.

Trong ma trận biến ảo thật giả lẫn lộn, đây đó vang lên những lời kêu gọi cách mạng.

Nói đến cách mạng, không ít người lo sợ, không phải vì họ không muốn thay thế cái cũ, cái lạc hậu bởi cái mới, cái tiến bộ mà họ sợ cảnh nồi da nấu thịt, sợ sự đổ nát gây ra cho đất nước và những tổn thất sinh mạng con người. 

Đương nhiên cũng có không ít cá nhân, thế lực sợ mất quyền kiểm soát chính trường, mất địa vị độc tôn vốn mang lại cho họ quá nhiều quyền lực và bổng lộc.

Có phải cứ cách mạng là đập phá tận gốc cái cũ, xây dựng nên cái hoàn toàn mới? Hiểu cách mạng như thế không phải là cách hiểu đúng.

Các thế lực bảo thủ luôn muốn kìm hãm, hoặc ít nhất là muốn làm chậm quá trình cải cách, các lực lượng cấp trên thì lại muốn đẩy nhanh tiến trình cải tổ, còn người dân, dù tâm lý chung là mong muốn đổi mới song vẫn có lúc lưỡng lự không biết nên ngả theo phe nào. 

Đây chính là thời điểm các thế lực, yêu nước hay cực đoan, nội tại hay ngoại bang lợi dụng để tạo nên “cú hích cách mạng”. Nắm bắt tâm lý lưỡng lự, lo sợ của một bộ phận chính khách và cư dân, người ta tạo ra một biến tướng của “Cách mạng bạo lực” là “Cách mạng màu”. 

Mô hình “Cách mạng Nhung” ở Tiệp Khắc năm 1989 dẫn tới Đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo, nhà nước liên bang tan rã đã khuyến khích không ít quốc gia háo hức, xem đó là hình mẫu lý tưởng. 

Mười năm sau khi những con sóng “Cách mạng Cam” lắng dịu, ngày 20/2/2014 những cuộc biểu tình trở thành bạo lực trên quảng trường Maidan, Kiev – thủ đô Ukraine, đã cướp đi sinh mạng hơn 100 người biểu tình và 20 cảnh sát. Tổng thống Yanukovich bị Quốc hội phế truất, Ukraine có một chính phủ mới thân phương Tây. 

Người dân Ukraine cứ tưởng rằng thành công của “Cách mạng Maidan” lật đổ chính phủ của Tổng thống Viktor Fedorovych Yanukovych sẽ mang lại cho họ cơm no áo ấm, thực tế đã hoàn toàn ngược lại. 

Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, chiến sự bùng nổ tại miền Đông Ukraine giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai khiến gần 8.000 dân thường và binh lính thiệt mạng (Los Angeles Times - theo số liệu của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc).

Trong khi cách mạng ở Ukraine chưa hề mang lại điều gì tốt đẹp cho người dân và đất nước này thì Nato và người Mỹ đã có điều kiện mang vũ khi áp sát biên giới Liên bang Nga.  

Lá chắn tên lửa đạn đạo dựng nên ở đông Âu chỉ mang lại lợi ích cho các nước tây Âu và Mỹ bởi nếu chiến tranh nổ ra, người Nga không cần tên lửa đạn đạo để đối phó với đông Âu.

Những cuộc xuống đường của phe áo vàng, áo đỏ ở Thái Lan khiến chính phủ dân sự của anh em nhà Thaksin mất quyền kiểm soát, tạo cớ cho phe quân sự đảo chính.

Và phải chăng vụ khủng bố đẫm máu xảy ra ở thủ đô Bangkok ngày 17/8/2015 làm ít nhất 20 người chết và 130 người bị thương chỉ là một trong những hậu quả của sự bất ổn chính trị tại quốc gia này?

Cách mạng màu” hay “Mùa xuân Ả rập” khiến nhiều người ảo tưởng một cuộc sống đẹp như hoa Hồng, hoa Tulip nhưng rồi cũng khiến người ta tỉnh ngộ khi nhận ra “màu” của phần lớn cuộc cách mạng kiểu này thật sự lại là màu đỏ, màu của máu tuôn, màu của lửa cháy.

Cách mạng màu và màu cách mạng ảnh 3

Trung Quốc đang mắc "bệnh hòa bình" hay ngứa ngáy chiến tranh?

(GDVN) - Trung Quốc đang "ngứa ngáy chiến tranh" và những hành động leo thang gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông dễ bùng phát leo thang thành xung đột.

Nói thế không có nghĩa là cổ xúy cho quan điểm, rằng các dân tộc hãy cam chịu số phận đã an bài, hãy bằng lòng với thực tại.

Cùng với định nghĩa “hạnh phúc là đấu tranh” thì cũng còn định nghĩa “hạnh phúc là đạt được điều mà mình mong ước”. 

Dù cách hiểu về hạnh phúc khác nhau song có điều không bao giờ sai, ấy là hạnh phúc không bao giờ có được bằng sự cầu xin, bằng sự ban ơn.

Mưu cầu hạnh phúc cho bản thân hay gia đình bằng cách trông chờ vào sự mủi lòng của người khác không phải là phương cách hoàn hảo đối với con người có trí tuệ và tự trọng.

Không nên phê phán nhưng cũng không nên khuyến khích việc cầm biển đứng đường cầu xin sự giúp đỡ của người qua lại như đã xảy ra vừa qua.

Cách mạng không đồng nghĩa với bạo lực, khái niệm “bạo lực cách mạng” được sử dụng không khỏi khiến nhiều người lo ngại.

Sự đổi mới toàn diện, triệt để về tư duy quản lý xã hội, điều hành đất nước dẫn tới những thay đổi thể chế cũng chính là cách mạng, câu khẩu hiệu “Tổ quốc hay là chết” trong chiến tranh có thể thay thế bởi “Đổi mới hay là chết” trong hòa bình. 

Dòng chảy lịch sử không thể đảo ngược, con người có thể tác động khiến nó chậm hơn hay nhanh hơn. Sự tác động ấy phải đến cả từ phía người dân và chính khách, mong muốn của quần chúng cần lao bao giờ cũng chính đáng trong khi giới chính khách không phải lúc nào cũng vui vẻ với những thay đổi bất lợi cho mình.  

Các dân tộc sinh ra đều có quyền bình đẳng”, điều đó có nghĩa là các dân tộc phải được quyền tự quyết vận mệnh của mình.

Mọi sự can thiệp từ bên ngoài, dù bằng súng hay bằng hoa đều là thô bạo, đều chỉ nhằm phục vụ lợi ích của kẻ can thiệp. 

Muốn phát triển, một đội ngũ lãnh đạo tài giỏi, liêm khiết, không tham gia vào các “nhóm lợi ích”, biết nắm thời cơ và có đủ dũng khí đối mặt thách thức mới là điều kiện cần.

Không để đất nước rơi vào vòng xoáy bạo lực, khủng bố, bị lệ thuộc vào nước ngoài,  không bị chia rẽ nhân tâm, đó chính là điều kiện đủ.

Người Việt cần hai điều đó chứ không cần hoa Hồng hay hoa Tulip.

Xuân Dương