Công chức “nguệch ngoạc” và con lạy ngài “Tượng ướt không sờ”

18/05/2015 06:00
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Toàn cấp vụ trưởng, giám đốc sở, mà thi vấn đáp không nắm được các nội dung quản lý nhà nước của ngành mình. Tôi thấy họ nếu có tự trọng thì không nên đi thi".

Đánh giá trình độ cán bộ, công chức cấp cao hiện nay, tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu nhận xét: "Trình độ cán bộ nói thật là không lên mà đi xuống.

"Tôi đi chấm thi chuyên viên cao cấp đã 5 năm nay, chấm phúc tra thấy họ thực sự không biết xấu hổ, làm bài nguệch ngoạc vài câu mà cũng yêu cầu phúc tra.

Toàn cấp vụ trưởng, giám đốc sở, mà thi vấn đáp không nắm được các nội dung quản lý nhà nước của ngành mình. Tôi thấy họ nếu có tự trọng thì không nên đi thi". [1]

Người xưa có câu “dụng nhân như dụng mộc”, dùng người vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Khúc gỗ bình thường như gỗ mít để mãi chỉ có thể làm củi, qua tay nghệ nhân thành pho tượng được đặt ở nơi trang trọng, được người đời xì xụp khấn vái.

Có điều trước khi đặt lên bệ người xưa còn phải làm hai việc quan trọng là yểm vàng trong tượng và “hô thần nhập tượng”.

(Tranh minh họa: Ngọc Diệp)
(Tranh minh họa: Ngọc Diệp)

Ngày nay, gọt đẽo qua loa, sơn cho chút xanh đỏ là vội vã đặt lên bệ, thế là tượng rởm, ruột không có vàng thì không thể thành tượng quý, “thần” không nhập thì làm sao linh thiêng?

Người viết được anh bạn lái xe chuyên chở người đi lễ kể cho câu chuyện cười ra nước mắt:

“Ở một di tích nọ người ta sơn lại tượng, vì sơn chưa khô nên ban quản lý di tích đặt trước pho tượng tấm biển ghi “Tượng ướt, không sờ mó”. Một cô ăn mặc nom rất “cành vàng lá ngọc” xì xụp khấn vái: “con trăm lạy, nghìn lạy ngài “Tượng ướt không sờ”, xin ngài phù hộ cho con béo thêm ba cân, cao thêm guốc nữa…”.

Nghĩ mãi mới hiểu “guốc” của cô ấy là “guốc cao gót” cỡ 15-20 phân gì đó.

Năm 2001 sau đợt kiểm tra của Bộ giáo dục và Đào tạo, cả nước có khoảng hơn vạn cán bộ, công chức dùng bằng rởm, số liệu này không được công bố rộng rãi và ít ai biết những người này bị kỷ luật thế nào?. [2]

Từ đó đến nay, 15 năm đã qua, cái sự “rởm” về trình độ của hơn vạn con người kia, ai dám nói là không tăng lên với số lượng không thể ước đoán. Nhận định như vậy có phải hơi chủ quan không?

Xin thưa không hề chủ quan, con hơn cha là nhà có phúc, cha dùng bằng rởm phổ thông cấp hai, cấp ba thì ai cấm con dùng bằng rởm đại học, cháu dùng bằng rởm thạc sĩ, tiến sĩ… Khi mà dân số tăng như những năm qua thì cái sự “rởm” của bằng cấp, vốn đã gắn bó máu thịt với hàng vạn con người không lẽ lại tăng theo cấp số cộng?

Có hai sự “rởm” cần phân biệt, thứ nhất là bằng rởm mua trên thị trường, thứ hai là bằng thật được các cơ sở giáo dục đào tạo cấp nhưng kiến thức là “rởm”.

Loại thứ nhất thường rơi vào công chức, viên chức cấp cơ sở, loại thứ hai rơi vào quan chức cấp cao, có trường hợp là quan chức cỡ đầu tỉnh, cấp thứ trưởng…

Có thể tin tưởng là ông Quyền có đầy đủ dẫn chứng trước khi phát biểu trước UB Thường vụ Quốc hội, rằng “nếu có tự trọng thì không nên đi thi”.

Người viết cũng cho rằng, những vị đang ngấp nghé “chuyên viên cao cấp” mà ông Quyền biết chính xác họ tên, địa chỉ ấy nếu có, dù chỉ là một tí xíu tự trọng thì nhất định họ sẽ không đi thi và cũng sẽ không đề nghị phúc tra những bài thi chỉ “nguệch ngoạc mấy chữ”.

Gần đây dư luận được biết thêm vài trường hợp khá “cao cấp”, ấy là ông Hoàng Xuân Quế, ĐH Kinh tế Quốc dân bị thu bằng tiến sĩ, ông Huỳnh Ngọc Tục - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai bị thu bằng “Cao cấp Lý luận Chính trị”.

Tháng 4/2014 Thanh tra Bộ  VH-TT&DL đã có văn bản kết luận ông Trần Đình Sơn, hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Lạt, sử dụng bằng thạc sĩ không được nhà nước công nhận.

Không phải là thạc sĩ đương nhiên theo luật không thể làm hiệu trưởng trường cao đẳng, thế nhưng hơn một năm sau ngày Thanh tra Bộ  VH-TT&DL kết luận, ngày 8/5/2015 một bạn đọc gửi tới tòa soạn báo GDVN bức thư, xin trích nguyên văn một phần nội dung(trích nguyên văn, kể cả phần lỗi chính tả):

“Kính gửi nhà báo Xuân Dương: Tôi là người đả tố cáo ông Trân Đình Sơn Hiệu trưởng Trường Cao đằng Nghề Du lịch Đà Lạt cố tình sử dụng bằng thâc sĩ PUT dởm nhiều lần.

Vả đả sử dụng học vị Ths bất hợp pháp này ký lên văn bằng của HS, SV dến nay hậu quả này không thể khắc phục được. Vây mà ông ta vẫn không bị xủ lý. Còn tôi người quyết liệt dấu tranh tố cáo dể đưa ra ánh sánh vụ việc thì đang bị trả thù trù dập…”

Ảnh chụp màn hình thư gửi báo GDVN
 Ảnh chụp màn hình thư gửi báo GDVN

Chuyện dùng bằng thạc sĩ “rởm” để ngồi ghế hiệu trưởng trường cao đẳng, không hiểu Bộ VH-TT&DL và chính quyền địa phương có biết quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng trường cao đẳng ghi tại điểm b khoản 2 điều 20 Luật Giáo dục Đại học?

Cảm phục các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của ông Nguyễn Đình Quyền, song cũng phải nói thật, với những tư liệu chính xác có trong tay, sao ông không dẫn chứng cho bà con được mở mang tầm mắt, sao ông lại để cho bà con cũng phải “mơ màng” về người thật, việc thật như vậy?  

Không ngần ngại để lại bút tích, trưng ra sự dốt nát của mình là bởi không ít vụ trưởng, giám đốc sở…  kiến thức chuyên môn không quan trọng, người khác cần chứ họ không cần, khi nào cần đã có thư ký, đã có cấp dưới làm thay miễn là họ biết đọc lên bổng xuống trầm đúng lúc, đúng chỗ.

Điều quan trọng hơn là khi sai thì còn có thư ký hay văn thư giơ đầu chịu báng, thế nên những ai muốn được làm thư ký, trợ lý thì tiêu chuẩn đầu tiên là phải “cứng đầu”!

Cái được của các kỳ thi nâng ngạch chuyên viên dĩ nhiên là nâng cao trình độ công chức, song nhờ ý kiến của ông Quyền người dân mới vỡ ra, rằng cái được rõ nhất không phải là nâng cao trình độ mà là phát hiện ra một loại công chức mang tên “nguệch ngoạc”.

Công chức “nguệch ngoạc” và con lạy ngài “Tượng ướt không sờ” ảnh 3

Cái mà ai cũng biết nhưng ít người thấy

(GDVN) - Sự tồn tại của trí thức "rởm cao cấp" một phần là do cá nhân không được dạy dỗ đến nơi đến chốn về đạo làm người, phần khác còn do sự thiếu trách nhiệm.

Như trao đổi của ông Quyền với phóng viên Tuoitre.vn, [3] thi chuyên viên cao cấp là phải có bằng “Cao cấp chính trị”.

Vậy tại sao lại có chuyện làm bài “nguệch ngoạc”? Người đi thi là “rởm”, là thi nhầm hay trình độ không thật? Trình độ không thật làm sao lấy được bằng cao cấp?

Cổ nhân có câu “cờ ngoài, bài trong”, cuộc chơi trên bàn cờ công chức người trong cuộc không thấy chứ mấy bác chầu rìa thì có thể nói vanh vách nước nọ, nước kia.

Cái “nguệch ngoạc” của thi chuyên viên có nguồn gốc từ cái “nguệch ngoạc” trước đó, mà cái “nguệch ngoạc” trước đó lại bắt nguồn từ … lúc nào không biết!

Có người tâm sự không muốn viết chữ “tiến sĩ” trước tên mình vì sợ bị “nhầm”! Có người còn muốn lấy lại học vị “phó tiến sĩ” vì lẽ ngày xưa, phó tiến sĩ đều được đào tạo ở nước ngoài, dẫu không phải là không có người dốt song dẫu sao cũng vẫn ít “dốt” hơn khối tiến sĩ đào tạo trong nước ngày nay.

Tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ “hoạch định chính sách” đòi hỏi họ phải là “chuyên viên cao cấp”. Dẫu có viết bài nguệch ngoạc thì cùng lắm là “bút sa gà biến”, là lần sau thi lại, mà thi lại mãi chẳng lẽ không đỗ?

Như ông Quyền thổ lộ, ông mới chỉ tham gia chấm chuyên viên có mấy năm, và cũng chỉ là một trong nhiều thành viên chấm, vậy mấy chục năm từ trước đến nay và những “ông chấm” khác thế nào?

Bao nhiêu ông “nguệch ngoạc” đã trót lọt chui qua lỗ kim, đã thành người đủ trình độ “hoạch định chính sách”?

Công chức “nguệch ngoạc” và con lạy ngài “Tượng ướt không sờ” ảnh 4

Quốc gia đội sổ và… báo cáo Thủ tướng

(GDVN) - Đất nước chỉ có một Thủ tướng nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng?

Nếu (nói nếu tức chỉ là giả thiết-tức là chưa dám khẳng định…) đội ngũ “hoạch định chính sách” bao gồm cả người tài, người không tài nhưng “trong sạch” và người dốt, không có cả lòng tự trọng lẫn liêm sỉ, nếu quả thật như thế liệu quốc gia có thể thoát vị trí đội sổ, liệu quốc gia có đủ dũng khí và tiềm lực để mà cất cánh bay lên?

Dân quê, dựa theo phát biểu của ông Nguyễn Đình Quyền mà “nguệch ngoạc” câu thơ sau: “Người nguệch lỗi tại đề thi, hôm nay ông ngoạc, mai thì ông nghênh”.

Một khi cơ chế đã chấp nhận hàng vạn người dùng bằng rởm trong bộ máy, một khi cái sự “rởm” của bằng cấp đã được chuyển hóa thành chức vụ, quyền lực, đã thành nếp sống thường nhật của không ít người đang chễm chệ những vị trí khá cao thì việc khắc phục không phụ thuộc vào ý chí của người dân mà vào chính sự thay đổi của cơ chế.

Vì sao cơ sự lại đến nỗi này?

Nói theo cách nói dân gian, vì chúng ta đưa vào chùa quá nhiều tượng chưa được nhập thần, hơn thế trong tượng lại chẳng có tí vàng nào yểm sẵn. Thế nên dù có đặt trên bệ, đó vẫn chỉ là khúc củi không hơn không kém.

Nhiều cây sẽ tạo nên rừng, rừng xanh sẽ là vành nôi cho sự sống sinh sôi nảy nở. Nhiều củi chẳng tạo nên cái gì mà còn có nguy cơ gây cháy, củi chất đống càng cao thì lửa càng bắt nhanh, điều này tiền nhân đã dạy, chẳng lẽ hậu thế không biết?

Thời xa xưa vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi khai lý lịch, ai cũng ngại khi khai thành phần bản thân là trí thức.

Lý lịch trong sạch nghĩa là không thuộc một trong bốn thành phần “trí, phú, địa, hào”. Những “trí thật” vì tự ái cũng có, vì bị xếp vào hàng “không kiên định” cũng có, thế là đương nhiên đứng ở bên đường.

Tham gia đoàn thể, tổ chức, đương nhiên phải thuộc thành phần cơ bản, lý lịch phải trong sạch. Việc đó kéo dài mấy mươi năm khiến cho đội ngũ lãnh đạo cơ sở đa phần là những người trong sạch.

Bỗng một ngày nhân loại tỉnh ngộ, người ta bảo nền kinh tế ngày nay là nền kinh tế tri thức, đại diện cho phương thức sản xuất mới, tiên tiến chính là tầng lớp trí thức.

Tại nhiều quốc gia Âu, Mỹ và châu Á, công cuộc “trí thức hóa” được triển khai một cách bài bản, khoa học, họ vừa tự đào tạo vừa thu hút nhân tài nước ngoài.

Trong trào lưu chung của thế giới, chúng ta cũng vội vã theo họ, cũng vội vã “trí thức hóa” đội ngũ cán bộ mà phần lớn xuất thân từ nông dân của mình, thế nên mới có chuyện hàng vạn người sử dụng bằng “rởm” mà không bị xử lý.

Giáo sư Hoàng Tụy trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên Vietnamnet.vn ngày 5/3/2014 nói: “Dẫn chứng là có một ngành quan trọng còn ra hẳn thông tư cho các cán bộ trong ngành có bằng giả cần làm thủ tục để “hợp thức hóa” ! (thông tư này hồi đó đã đăng công khai trên báo)”.

Phát biểu của ông Quyền được nhiều người đồng tình, cũng được báo chí hưởng ứng, nhưng liệu sẽ có tác dụng ra sao khi cả nhân loại vẫn phải sống và chuyển động cùng trái đất, còn chúng ta bên trong vòm trời như các dân tộc khác, lại còn phải sống và song hành cùng “nguệch ngoạc”?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/236505/-thi-chuyen-vien-cao-cap-ma-lam-bai-nguech-ngoac-.html

[2]http://baobaovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/phong-su-xa-hoi/201309/lay-lan-can-benh-bang-gia-te-nan-lam-bang-hoai-xa-hoi-2268814/

[3] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150512/cham-phuc-tra-thay-co-nguoi-truot-rat-xung-dang/746178.html

XUÂN DƯƠNG