Đôi điều cảm nhận về Đề án quy hoạch và Dự thảo sửa đổi Luật Báo chí

19/07/2015 07:54
Xuân Dương
(GDVN) - Quy hoạch báo chí không chỉ tác động đến người làm báo và cơ quan báo chí mà còn tác động trực tiếp tới người đọc, người xem, người nghe, tức là toàn xã hội.

Ngày 10/7/2015 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về dự án Luật Báo chí sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Cùng với việc sửa đổi Luật Báo chí, “Đề án quy hoạch báo chí” cũng đã gần kết thúc thảo luận, ít thì một vài tháng, nhiều thì… chưa biết, làng báo dù muốn hay không cũng sẽ có một cuộc cải tổ khi Đề án được công bố. 

Vì chưa công bố và vì Đề án cũng không tham khảo rộng rãi ý kiến nên giới làm báo chỉ có thể dự đoán, rằng sẽ có người đi, người ở, sẽ có tờ báo bị giải thể, sáp nhập hoặc làm mới, sẽ có niềm vui, nỗi buồn và biết đâu cũng có thể có cả sự ấm ức!

Kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, một số báo giới thiệu với bạn đọc quà tặng, lẵng hoa của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ… gửi chúc mừng cán bộ nhân viên của mình.

Trong khi đó trên mạng xã hội tràn ngập chia sẻ, vui có, buồn có và cả chưa giữ được bình tĩnh cũng có... 

Ẩn phía sau hoa và nụ cười, sau những lời chúc tụng nhiệt tình, hình như giới làm báo đang nín thở chờ đợi.

Vấn đề liên quan trực tiếp đến báo chí nhưng người lao động trong ngành cụ thể là phóng viên, nhà báo… hình như ít được tham khảo ý kiến, điều này dường như chưa phù hợp với quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm chủ”? 

Đôi điều cảm nhận về Đề án quy hoạch và Dự thảo sửa đổi Luật Báo chí ảnh 1
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu (Ảnh chụp màn hình)

Về Đề án quy hoạch báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: “Chính phủ yêu cầu Bộ TT&TT trên cơ sở đề án trình với Bộ Chính trị với TƯ làm việc với từng cơ quan. Nội dung, yêu cầu sắp xếp, giải pháp lộ trình. 

Từ đó tổng hợp Thủ tướng phê duyệt khi đã có sự đồng thuận và cùng nhau chung sức làm. Chúng ta có khoảng 18 nghìn phóng viên, 35 nghìn người làm trong lĩnh vực báo chí.

Không thể quy hoạch mà đẩy họ ra đường, không có việc làm. Quy hoạch đảm bảo hiệu quả nhưng vẫn phải ổn định”. [1]

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh chụp màn hình)
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh chụp màn hình)

Đánh giá thực trạng báo chí nước nhà hiện nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu: 

Việt Nam cũng chắc chắn là một nước rất tự do báo chí vì có rất nhiều báo của nhiều cơ quan, từ Trung ương đến địa phương, từ các Bộ, ngành tới các Hiệp hội, ở nhiều nước, đến cấp Bộ cũng không hề có báo”. [2]

Theo Bộ trưởng Son, không nước nào có nhiều cơ quan báo chí như Việt Nam, với 838 cơ quan báo chí ở đủ các loại hình, Việt Nam rất tự do báo chí, vậy nên cái sự “tâm tư” (nếu có) của giới làm báo về “Đề án quy hoạch báo chí” là không có cơ sở.

Như Dantri.com.vn giải thích “Đề án quy hoạch báo chí” là một văn bản cá biệt và đó “không phải văn bản quy phạm pháp luật” [2] nên việc tổ chức lấy ý kiến chỉ dừng ở cấp Bộ, ngành kết hợp với một số “Hội thảo khoa học tổ chức cả trong Nam ngoài Bắc” chứ không đưa ra cho báo giới tham khảo, góp ý. 

Đề án quy hoạch báo chí là văn bản do Chính phủ ban hành nên không phải là luật, nhưng lại không thuộc vào hàng “văn bản quy phạm pháp luật” nên không cần tuân theo Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đây có lẽ là một nét mới mà truyền thông cần tìm hiểu.

Về điều này có lẽ ngoài giới làm báo thì còn cần thêm ý kiến của các Luật sư, những người chuyên nghiên cứu về Luật, và có lẽ Quốc hội nên sớm xem xét ban hành “Luật xử lý các văn bản cá biệt” để phù hợp với tình hình thực tế.

Dù là “văn bản cá biệt” nhưng khi Chính phủ đã công bố thì các đối tượng chịu tác động bắt buộc phải thi hành, nghĩa là phải xem đó là văn bản quy phạm pháp luật.

Đây là điều, nếu không phải là chưa có tiền lệ thì cũng là rất đặc biệt nên sự thận trọng của Bộ Chính trị và Chính phủ là hết sức cần thiết.

Bộ, ngành và cơ quan chủ quản báo chí hẳn là đã có sự thông suốt về Đề án, vậy 35.000 người làm báo và hơn 800 cơ quan báo chí đã thông suốt chưa?

Câu hỏi này chưa thể có câu trả lời cho đến khi quy hoạch được công bố. Có một vài điều có thể thấy trước:

Thứ nhất, quy hoạch báo chí không chỉ tác động đến người làm báo và cơ quan báo chí mà còn tác động trực tiếp tới người đọc, người xem, người nghe, tức là toàn xã hội.

Một cơ quan báo chí do một đơn vị quản lý (chủ quản) dù muốn hay không cũng sẽ phải đặt việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị đó lên hàng đầu. 

Và lấy gì đảm bảo rằng một khi có “đơn vị chủ quản” thì cơ quan báo chí đó sẽ mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực trong “đơn vị chủ quản” của mình?

Vả lại nếu hai hay nhiều “đơn vị chủ quản” báo chí lại nằm trong một “đơn vị chủ quản” khác thì liệu có tình trạng “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”?

Thực tế gần đây cho thấy có tờ báo địa phương đã gần như im lặng trước chuyện xảy ra tại địa phương mình khi truyền thông cả nước rầm rộ lên tiếng, nhưng lại sốt sắng chuyện của địa phương khác cách xa mấy trăm cây số đến mức bị địa phương kia phản ứng.

Thứ hai, quy hoạch báo chí xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, từ đòi hỏi của người dân hay từ nhu cầu quản lý? 

Có thể tìm câu trả lời trong chính Đề án mà Tuoitre.vn “tiết lộ”: “Đề án nêu rõ bên cạnh những thành tích đạt được, báo chí cũng có rất nhiều nhiều khuyết điểm, yếu kém.

Nhiều cơ quan báo chí chưa làm đúng tôn chỉ mục đích; chưa thể hiện được vai trò là tiếng nói của Đảng, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp; chưa bảo đảm thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân
”. [3]

Nhận định trong đề án là thuộc về phía cơ quan soạn thảo, trong khi đó Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Vũ Ngọc Hoàng cho rằng báo chí: “sợ viết sai, nói sai, sợ bị định kiến, sợ đụng chạm, sợ bị đánh giá, bị quy chụp quan điểm” và “một số cơ quan báo chí, nhà báo bắt đầu sợ nhiều đề tài nhạy cảm, dẫn đến không tìm hiểu, không nghiên cứu, không viết, không phản ánh”. [4]

Báo chí chưa bảo đảm thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân (trích Dự thảo đề án)
Báo chí chưa bảo đảm thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân (trích Dự thảo đề án)

Người viết đồng ý với nhận định báo chí “chưa bảo đảm thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân”. Bởi lẽ để làm tốt vai trò này báo chí không thể “sợ viết sai, nói sai, sợ bị định kiến, sợ đụng chạm, sợ bị đánh giá, bị quy chụp quan điểm…”. 

Một trong những nguyên nhân lý giải vì sao báo chí “chưa bảo đảm thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân” được GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu trong Hội nghị tham vấn (đã dẫn): 

"Về cơ sở pháp lý thực ra việc thừa nhận báo chí tư nhân không chỉ phù hợp với Hiến pháp mà còn phù hợp với quy định của Luật báo chí hiện hành, bởi báo chí là diễn đàn của nhân dân.

Chúng ta không nên sợ, tại sao các nước đã làm không làm sao cả còn chúng ta lại tránh né? Đây là điều tất yếu của xã hội mà chúng ta không né tránh mãi được
". [5]

Đôi điều cảm nhận về Đề án quy hoạch và Dự thảo sửa đổi Luật Báo chí ảnh 4
Có nên thừa nhận báo chí tư nhân (Ảnh chụp màn hình)

Giải quyết vấn đề từ gốc, nghĩa là cần hoàn thành sửa Luật Báo chí trước, sau đó mới tiến hành sắp xếp lại cơ cấu theo “Đề án quy hoạch báo chí”. 

Một Đề án do Chính phủ ban hành không thể không dựa vào luật, không thể nằm ngoài hệ thống văn bản pháp luật quốc gia, thế nên khi Luật Báo chí còn đang được bàn thảo thì không nên vội vã quy hoạch báo chí.

Mặt khác, “Đề án quy hoạch báo chí” không phải chỉ tập trung vào việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí mà còn cần những chủ trương đồng bộ khuyến khích các nhà báo, các cơ quan báo chí không còn “bốn sợ, bốn không” [6] thì báo chí mới có thể trở thành “diễn đàn của nhân dân”. 

Một vấn đề khá tế nhị, đó là Dự thảo Luật Báo chí quy định “Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng”, nhưng không bắt buộc các cơ sở báo chí bãi bỏ kiểm duyệt. Đơn giản là vì cơ sở nào cũng “sợ bị đánh giá, bị quy chụp quan điểm”. 

Một khi “bị quy chụp quan điểm” là phải chuẩn bị đối diện mức phạt bốn năm chục triệu cho một bài báo chưa kể các hệ lụy kèm theo. 

Vấn đề đáng nói không phải là bị phạt bao nhiêu tiền mà ở sự khác nhau giữa chuyện bị phạt do bị “quy chụp quan điểm” hay bị phạt do “sai quan điểm”.

Về điểm này có lẽ các nhà quản lý hiểu rõ hơn ai hết.

Có thể thấy bất cập không xuất phát chỉ từ một phía cơ quan quản lý hay giới báo chí. Có không ít người làm báo, xem đó là nghề kiếm sống chứ không phải là trách nhiệm công dân như cụ Nguyễn Đình Chiểu từng dạy “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. 

Chính vì chỉ xem đó là nghề kiếm sống như tất cả các nghề khác nên mới xuất hiện tình trạng “báo chí cũng có rất nhiều nhiều khuyết điểm, yếu kém”, mới xuất hiện tình trạng nhà báo tìm cách moi tiền doanh nghiệp, thuê côn đồ hành hung đồng nghiệp…

Tài liệu tham khảo:

[1] http://phapluattp.vn/thoi-su/thu-tuong-nguyen-tan-dung-noi-ve-quy-hoach-bao-chi-563902.html

[2] http://dantri.com.vn/xa-hoi/de-an-quy-hoach-bao-chi-da-duoc-lam-rat-ky-1064576.htm

[3] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150321/thong-qua-de-an-quy-hoach-bao-chi/723626.html

[4] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Bao-chi-thoi-bon-so-bon-khong-post159357.gd

[5] http://laodong.com.vn/chinh-tri/co-nen-thua-nhan-bao-chi-tu-nhan-352192.bld

[6] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Bao-chi-thoi-bon-so-bon-khong-post159357.gd

Xuân Dương