Duy ý chí, chúng ta sẽ mất nốt nguồn tài nguyên quý giá cuối cùng

23/03/2016 09:32
Xuân Dương
(GDVN) - Điều gì đang hạn chế sự sáng tạo của người Việt? Có phải dân tộc ta kém thông minh hơn các dân tộc khác?

Từ một đất nước “rừng vàng, biển bạc” chúng ta đang biến rừng thành đồi trọc; từ một đất nước xuất khẩu than chúng ta đang phải chuẩn bị nhập khẩu than, đất…; từ một đất nước nhiệt đới gió mùa lắm mưa, nhiều nắng, chúng ta đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng cho đời sống con người và sản xuất nông nghiệp.

Tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt đe dọa an ninh chính trị, an ninh lương thực quốc gia, đó không phải là nhận định cảm tính mà đã được một số vị lãnh đạo, đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, truyền thông… cảnh báo. 

Tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức có phải là nguyên nhân chính khiến đất nước tụt hậu hay chỉ là nguyên nhân phụ? 

Phải chăng nguyên nhân quyết định nằm ở thể chế, ở sự yếu kém của không ít người được ủy quyền hoạch định chính sách?.

Minh chứng cho nhận định này có thể kể đến bài báo “Cải cách thể chế: Nhà nước muốn làm hay không?” đăng trên Vietnamnet.vn ngày 29/4/2014.

Có thể thấy ngay câu hỏi mà tác giả Phạm Huyền nêu trong bài báo không dành cho người lao động bởi lẽ “Nhà nước”, theo quan điểm pháp luật phổ biến là “tổ chức xã hội đặc biệt của quyền lực chính trị, được giai cấp thống trị thành lập nhằm thực hiện quyền lực chính trị của mình”. 

Trả lời câu hỏi này không phải là “Nhà nước” chung chung mà chỉ có thể là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của các nhánh quyền lực: “Đường lối, lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Với điều kiện cụ thể của nước ta thì quyền lãnh đạo tuyệt đối, cao nhất về đường lối đã được quy định trong Hiến pháp.

Duy ý chí, chúng ta sẽ mất nốt nguồn tài nguyên quý giá cuối cùng ảnh 1
Duy ý chí, chúng ta sẽ mất nốt nguồn tài nguyên quý giá cuối cùng (Ảnh: vtc.vn)

Không phải chỉ các chuyên gia mới dành sự phân tích trách nhiệm của các cơ quan Hành pháp, Tư pháp, bản thân Chính phủ cũng đã nhận thấy nhiều bất cập, yếu kém trong chỉ đạo điều hành vĩ mô qua 8 vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội ngày 22/3/2016.   

Xin nêu thêm dẫn chứng về vai trò của cơ quan lập pháp  – Quốc hội: 

Ngày 25/6/2015 Quốc hội biểu quyết tán thành xây dựng sân bay Long Thành sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương.

Trước đó, năm 2009, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 41/2009/QH12 “Về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”.

Quyết định của Quốc hội mở đường cho Chính phủ tiến hành các bước nghiên cứu, thương thảo tìm đối tác và nguồn vốn đầu tư.

Hiện đã xuất hiện quan điểm cho rằng chúng ta sẽ hạn chế việc xây đập thủy điện mà phát triển năng lượng hạt nhân. 

Về phát triển điện hạt nhân, nhiều nhà khoa học, chính khách (nhà văn Nguyên Ngọc, GS. Phạm Duy Hiển, GS. Nguyễn Khắc Nhẫn, GS. Nguyễn Minh Thuyết…) đã lên tiếng phản đối, người viết nằm trong số những người không tán thành quan điểm phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Chính phủ Đức từ bỏ điện hạt nhân: Đẩy lui hiểm họa” là tít một bài viết trên báo Hanoimoi.com.vn ngày 2/7/2011.

Với 513 phiếu thuận, 79 phiếu chống và 8 phiếu trắng, Hạ viện Đức đã thông qua kế hoạch đóng cửa tất cả 17 nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm 2022.

Trong khi không ít nước trên thế giới xem điện hạt nhân là hiểm họa thì chúng ta dường như chưa dành sự quan tâm đúng mức. 

Có thể cử người ra nước ngoài học kinh doanh xổ số, học trồng cây xanh thì tại sao lại không thể cử người sang Đức hỏi họ vì sao 6 năm nữa họ đóng cửa toàn bộ 17 nhà máy điện hạt nhân? 

Nguyên nhân gì khiến người ta cứ thích hỏi ý kiến người muốn bán nhà máy mà không hỏi người muốn phá nhà máy?

Người viết cho rằng, phát triển điện hạt nhân cần được trưng cầu ý dân bởi không ai trong số những người nêu ý tưởng, kể các các đại biểu Quốc hội đã giơ tay biểu quyết, dám khẳng định các nhà máy điên hạt nhân bảo đảm 100% an toàn. 

Trên thế giới, nhiều thảm họa đã xảy ra với các nhà máy điện hạt nhân. Thảm họa xảy ra tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Ukraine) ngày 26/4/1986 đã khiến hơn 4.000 người chết vì nhiễm xạ. 

Bungari mặc dù cách Chernobyl rất xa nhưng toàn bộ hoa quả của nước này xuất sang Tây Âu đã bị trả lại vì nhiễm xạ, lượng hoa quả này sau đó được bán ở Tiệp Khắc với giá rất rẻ. 

Thảm họa do động đất sóng thần gây ra cho nhà máy điện nguyên tử Fukushima – Nhật Bản đã khiến các tàu chiến hạm đội 7 Mỹ phải chạy trốn phóng xạ dù ở cách nhà máy tới 160 km.

Ngoài nguyên nhân an toàn còn nguyên nhân nào khác để phản đối điện hạt nhân? 

Xin nêu một số lý lẽ: 

Ngày 18/1/2016 nhà máy điện gió Bạc Liêu khánh thành, chính thức phát điện hòa vào điện lưới quốc gia. Công suất nhà máy là 99,2 MW, tổng mức đầu tư xây nhà máy là 5.217 tỷ đồng (khoảng 230 triệu USD). 

Nếu đầu tư 10 tỷ USD chúng ta có thể xây dựng 43 nhà máy điện gió như Bạc Liêu, nghĩa là có được công suất khoảng 4.300 MW, lớn hơn công suất dự kiến của điện hạt nhân Ninh Thuận. 

Con số 10 tỷ USD nêu trên là dựa vào Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội, theo đó tổng mức đầu tư điện Ninh Thuận dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm cuối năm 2008). 

Hiện đã có 45 dự án điện gió đăng ký triển khai, tổng công suất 4.822 MW, lớn hơn công suất dự kiến của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (khoảng 4.000 MW).

Vậy tại sao không đi theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo mà lại là điện hạt nhân?

Thay vì đầu tư khoảng 10 tỷ đô la cho nhà máy điện hạt nhân, nếu chúng ta đầu tư cho điện gió, điện mặt trời hoặc điện thủy triều thì chắc chắn con cháu chúng ta sẽ không nơm nớp quả bom hạt nhân có thể nổ bất kỳ lúc nào. 

Nếu biết chuyện Hạm đội 7 phải “bỏ chạy” trước sự cố hạt nhân Fukushima – Nhật Bản thì không thể không đặt vấn đề: 

Nhà máy điện Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dĩnh, huyện Thuận Nam cách Cam Ranh khoảng 40 km đường chim bay, nhà máy thứ 2 đặt tại huyện Ninh Hải chỉ cách Cam Ranh chừng hơn 20 km đường chim bay (con số này có thể chưa chính xác vì theo tỷ lệ xích trên bản đồ Google Maps).  

Một sự cố xảy ra tại một trong hai nhà máy điện hạt nhân này có thể vô hiệu hóa quân cảng chiến lược quan trọng nhất đất nước, hoặc ít nhất cũng bắt buộc các chiến hạm ở Cam Ranh phải đi nơi khác tránh phóng xạ (như hạm đội 7 Mỹ).

Nếu có kẻ lợi dụng lúc đó gây chiến cướp đảo ngoài Trường Sa thì Hải quân phải làm thế nào? 

Những vị đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết 41/2009/QH12 có thể trả lời câu hỏi này?

Về phía các cơ quan Chính phủ, xin nêu một số dẫn chứng:

Số tiền bỏ vào nhà máy thép Thái Nguyên (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên  thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam) là hơn 8.000 tỷ, sau gần 10 năm xây dựng (từ 2007) cho đến nay nhà máy này vẫn “đắp chiếu” chưa biết khi nào mới xây xong. 

Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đang kêu cứu vì sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, khả năng âm vốn và nguy cơ đóng cửa đã hiện hữu. [1]

Nhận xét về cụm công nghiệp bô xít Tây Nguyên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói:

Cứ đi vay để đầu tư, đi vay để chi tiêu, đi vay để trả nợ thì chết! Bô xít quý thế này đáng lẽ đánh thuế 40%, đằng này 20% cũng kêu lỗ, mà lỗ thật. Nên đòi xuống 10%, xuống 5%, thậm chí xuống nữa, thế này thì không ổn”. [2]

Lọc dầu Dung Quất lại 'kêu cứu', Bộ Tài chính có nhượng bộ?” là tiêu đề bài báo đăng tải trên một số báo ngày 23/2/2016.

Những công trình đầu tư thua lỗ nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh kinh tế bởi còn đó hàng loạt ngân hàng bị bán với giá 0 đồng, không ít “Vinalines, Vinashin”… đang đợi đến ngày “ra mắt” công chúng.

Sự cảnh báo về điện hạt nhân đã có, quyết định khai tử điện hạt nhân của các nước khoa học kỹ thuật hơn ta rất nhiều cũng đã có, vấn đề là ai nghe và nghe như thế nào?

Sự cảnh báo của các nhà khoa học về tình trạng nhiễm mặn đồng bằng sông Mê Kông không phải bây giờ mới có, nhưng một cơ quan nhà nước -  Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam - lại cho rằng đó không phải là lỗi của các đập thủy điện thượng nguồn?

Có phải ngẫu nhiên khi kết luận của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam lại trùng hợp với ý kiến từ phía Trung Quốc, rằng hạn hán phía hạ lưu Mê Kông là do thời tiết năm nay ít mưa chứ không phải do Trung Quốc tích nước? 

Những vấn đề quốc gia hệ trọng được nhân dân ủy thác cho đội ngũ cán bộ, nhưng có phải tất cả đều là những người ưu tú nhất về năng lực?

Trang tin điện tử Đài tiếng nói Việt Nam (vov.vn) ngày 18/3/2016 có bài: “Đào tạo kỹ sư, cử nhân có vấn đề”.

Bài báo trích dẫn ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “việc đào tạo, chất lượng kỹ sư, cử nhân của Việt Nam ‘có vấn đề’ ”. [3]

Nhận định tưởng chừng “đơn sơ” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại cho thấy một sự thật mà không phải ai cũng biết, cũng dám nói. Đó là cả phía cơ quan đào tạo lẫn người được đào tạo đều “có vấn đề” theo nghĩa chất lượng kém, không đạt chuẩn. 

Ông Đam mới chỉ nói đến “kỹ sư, cử nhân”, điều đáng tiếc là nhận định của vị Phó Thủ tướng cũng hoàn toàn chính xác với bộ phận không hề nhỏ thạc sĩ, tiến sĩ. 

Nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho thấy hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã, đang và có thể cả trong tương lai gần vẫn cung cấp cho đất nước một đội ngũ cán bộ kém chất lượng  về năng lực, kiến thức chuyên môn, và trong chừng mực nào đó, còn cả ý thức phục vụ cộng đồng.

Một nền giáo dục đại học “có vấn đề” ít ra là trong 40 năm kể từ năm 1975, vậy có phải  chúng ta đang xây dựng đất nước bằng trình độ phổ thông chứ không phải đại học.

Ngay cả trình độ phổ thông liệu thể nói là hoàn toàn yên tâm nếu biết rằng bởi chỉ một đợt thanh tra vào năm 2001 đã phát hiện 10.000 người dùng bằng giả. [4]

Ngoại trừ một số người được đào tạo tại nước ngoài, đào tạo cơ bản, một bộ phận không nhỏ những người được đào tạo theo kiểu “có vấn đề”  đang nắm trong tay quyền hoạch định chính sách, vậy đất nước sẽ tiến tới tương lai như thế nào?

Điều gì đang hạn chế sự sáng tạo của người Việt? Có phải dân tộc ta kém thông minh hơn các dân tộc khác? Có phải tài nguyên thiên nhiên của chúng ta nghèo hơn các đất nước khác?

Dù đã quá muộn song vẫn phải nói, rằng đừng bao giờ đổ lỗi cho khách quan mà phải xem lại chính bản thân mình. Khi nhân loại bước vào kỷ nguyên “Kinh tế tri thức” mà chúng ta vẫn xây dựng tổ quốc bằng trình độ “phổ thông trung học hay thấp hơn” thì sự tụt hậu không thể không xảy ra.

Lỗi không do thiên nhiên, lỗi không do người dân, lỗi cũng không từ trên Trời rơi xuống, vậy nên nhận ra sai lầm dù rất quan trọng song sửa chữa sai lầm mới mang tính quyết định.

Tài nguyên thiên nhiên có thể bị cạn kiệt, nếu không biết trân trọng nguồn chất xám của các nhà khoa học chân chính, không biết phát huy sáng tạo của người dân, nếu cứ duy ý chí, chúng ta sẽ mất nốt nguồn tài nguyên quý giá cuối cùng.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20151116/nha-may-8100-ti-thanh-dong-sat-gi/1003558.html

[2]http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/295074/chu-tich-nuoc-boxit-tay-nguyen-khong-thu-thue-lay-gi-cho-ngan-sach.html

[3] http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-dao-tao-ky-su-cu-nhan-co-van-de-490606.vov

[4] http://www.nguoiduatin.vn/cach-chuc-kho-tan-diet-duoc-nan-bang-cap-gia-a39115.html

Xuân Dương