Gian lận điểm thi, kiến nghị gửi Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng

15/04/2019 06:40
Xuân Dương
(GDVN) - Liệu chúng ta có nên học người Mỹ, những kẻ dùng tiền hoặc quyền lực chạy chọt cho con cháu vào đại học sẽ bị phạt tù từ 9 tháng đến 20 năm?

Gần 50 người, trong đó có các ngôi sao Hollywood, luật sư, doanh nhân nổi tiếng… đã tham gia đường dây gian lận đầu vào các trường đại học danh giá Hoa Kỳ như Yale và Stanford vừa bị cảnh sát phát hiện.

Tổng chưởng lý thành phố Boston, Andrew Lelling phát biểu:

Cứ mỗi sinh viên được nhập học bằng con đường gian lận này thì lại có một sinh viên trung thực, xuất sắc bị từ chối”. [1]

Theo CNN (Cable News Network - mạng truyền hình cáp Hoa Kỳ), 13 phụ huynh giàu có đã thừa nhận việc hối lộ để có suất cho con tại các trường đại học danh tiếng của Mỹ.  

Các phụ huynh này đối diện khung hình phạt lên đến 20 năm tù. Ngoài mức án tù, họ còn bị phạt hàng chục nghìn USD và quản chế sau ra tù.

Tùy theo sự thành khẩn khai nhận, phía công tố liên bang có thể xem xét giảm án, khi đó các phụ huynh này có thể chỉ đối diện mức án từ 9 tháng đến vài năm tù. [2]

Việc dùng tiền chạy cho con em vào học các đại học nổi tiếng ở Mỹ về bản chất không khác gì vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Việt Nam.

Vụ gian lận thi cử tại Sơn La gây xôn xao dư luận, nhiều cán bộ bị khởi tố. Ảnh: Laodong.vn
Vụ gian lận thi cử tại Sơn La gây xôn xao dư luận, nhiều cán bộ bị khởi tố. Ảnh: Laodong.vn

Sự khác nhau là ở chỗ nước Mỹ phạt rất nặng những phụ huynh chạy chọt bất kể là người nổi tiếng, doanh nhân hay quan chức.

Tại Việt Nam, các vụ khởi tố liên quan đến gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đều mới tập trung vào những cán bộ thuộc các Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, chưa thấy động tĩnh gì liên quan đến những người dùng tiền, dùng quyền lực chạy điểm hoặc cán bộ chỉ đạo cấp cao hơn.

Thông tin mới nhất cho thấy Hà Giang mới khởi tố thêm 03 người gồm hai Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là Triệu Thị Chính, Phạm Văn Khuông, người thứ ba là Lê Thị Dung - cán bộ Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang.

Cả ba bị cho là phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. [3]

Tháng 7/2018, nhà chức trách Hà Giang đã khởi tố vụ án hình sự với các đối tượng Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và Vũ Trọng Lương (Phó trưởng phòng) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tại Hòa Bình, ba đối tượng bị khởi tố là Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên hiệu phó Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy), Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng Phòng) và Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên) Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.

Trong việc can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm, bị can Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng. [4]

Gian lận điểm thi, kiến nghị gửi Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng ảnh 2Cổ nhân “tính sổ” thế nào với gian lận thi cử?

Tại Sơn La, cơ quan chức năng đã khởi tố 8 người, trong đó 06 người thuộc biên chế Sở Giáo dục và Đào tạo: Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở, Lò Văn Huynh - Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Nguyễn Thanh Nhàn - Phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Cầm Thị Bun Sọn - Phó trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng, Đặng Hữu Thủy - Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tô Hiệu.

Hai người còn lại là Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá) và Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá) đều là cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La.

Những người này bị khởi tố với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. [5]

Tổng cộng tại ba tỉnh đến thời điểm hiện tại có 16 người bị khởi tố, những người này đều là cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, điều hành kỳ thi.

Trong ba tỉnh, tại Hòa Bình thì cán bộ cấp cao nhất bị khởi tố là Trưởng phòng, Hà Giang và Sơn La có ba Phó Giám đốc Sở Giáo dục bị khởi tố.

Cho đến nay, những án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xử lý tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế trong các ngành Ngân hàng, Dầu khí, Giao thông, Đất đai,…

Một số vụ bên Công an hoặc vụ khởi tố hai nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cũng liên quan đến kinh tế (vụ mua bán AVG).

Nếu quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” được xem là nền tảng quan trọng nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc thì vụ gian lận điểm thi 2018 liên quan đến nhiều người, trải trên địa bàn nhiều tỉnh có nên xem là vụ án trọng điểm tầm quốc gia không thể không xử lý?

Những gì mà cơ quan chức năng thực hiện cho đến nay khiến không ít người nghĩ rằng khả năng bỏ lọt tội phạm, khả năng “gãi từ vai trở xuống” là có thể.

Phải lập tức cho ra khỏi ngành những thầy cô có con gian lận điểm thi

Người dân có một số câu hỏi rất mong cơ quan hữu quan sớm công khai câu trả lời:

Thứ nhất, cho rằng một số bị can tại các địa phương “trục lợi” hoặc “hưởng lợi bất chính” chứ không phải “đưa, nhận hối lộ” có phải là một kiểu lách luật vì như thế có thể bỏ qua những người đưa tiền cho các bị can?

Theo cách hiểu thông thường, một khi có kẻ “trục lợi” hoặc “thu lợi bất chính” thì những người đưa tiền cho kẻ đó (có thể) là nạn nhân chứ không phải đồng phạm!

Vì là nạn nhân họ chỉ có thể là nhân chứng trước tòa, nghĩa là không thể truy tố những người này như là tội phạm?

Thứ hai, ba bị can ở Hà Giang “trục lợi” cái gì, tiền bạc, quà biếu hay chức vụ, vị trí công tác,…?

Đối với trường hợp bị can Đỗ Mạnh Tuấn nhận 550 triệu đồng, người này nhận tiền của ai, trực tiếp hay qua môi giới, có cần truy cứu trách nhiệm hình sự kẻ đưa tiền không?

Thứ ba, trước khi vụ việc bị phát hiện, lãnh đạo ngành giáo dục các tỉnh nêu trên và một số lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đều khẳng định kỳ thi nghiêm túc, trung thực,…

Theo nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, vậy các “cá nhân phụ trách” có phải là trưởng, phó Ban chỉ đạo cấp tỉnh và cấp quốc gia?

Nếu những người này phải chịu trách nhiệm thì với quy mô vụ án, đó là trách nhiệm hình sự hay chỉ cần họ “rút kinh nghiệm” là kết thúc vụ việc?

Thứ tư, có hay không tham nhũng chính sách khi ban hành quy chế thi?

Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia 2015 ban hành kèm theo Thông tư 02/2015/TT-BGDĐT đã được áp dụng trong hai năm 2015 và 2016.

Điều 9 trong quy chế này “Lập danh sách thí sinh dự thi và sắp xếp phòng thi” không quy định thí sinh tự do bố trí phòng (cụm) thi riêng.

Tuy nhiên không hiểu vì sao năm 2017, tại mục a, khoản 2, điều 9 Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT lại ghi:

Thí sinh tự do được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số Điểm thi do Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo quyết định. Thí sinh giáo dục thường xuyên được bố trí phòng thi riêng khi dự thi bài thi khoa học xã hội”.

Không công khai gian lận điểm thi là thiếu công bằng với Bí thư Triệu Tài Vinh

Từ quy định này, khoảng 100 chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2 Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Bắc được bố trí thi riêng tại điểm thi Trường trung học phổ thông Chu Văn An, tỉnh Lạng Sơn.

Tại điểm thi Trường trung học phổ thông Ngô Quyền – tỉnh Thái Nguyên có hơn 300 thí sinh tự do trong đó có 100 thí sinh là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn cảnh sát cơ động số 3 của Trung đoàn Cảnh sát cơ động khu vực Đông Bắc, Bộ Công an.

Việc bố trí thi riêng này khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về điểm số cao bất thường của một số chiến sĩ cảnh sát cơ động. Báo Laodong.vn đặt câu hỏi: “Điểm thi bất thường ở Lạng Sơn: Các chiến sĩ cảnh sát cơ động đã ôn trúng tủ?”.

Xin không bàn luận về khả năng “ôn trúng tủ” của các chiến sĩ cảnh sát cơ động, nhưng không thể không nêu câu hỏi bộ phận nào quyết định đã sửa quy chế để hợp pháp hóa việc một số đối tượng được ngồi riêng khi thi?

Năm 2019 này sẽ không cho phép bố trí thi riêng đối với thí sinh tự do, vậy phải chăng việc ban hành quy chế tuyển sinh 2017 đã được chuẩn bị riêng cho thí sinh tự do năm 2017 và 2018?

Riêng số thí sinh được nâng điểm tại Hòa Bình, các trường thuộc Bộ Công an đã rà soát và trả về địa phương 28 người, vậy số “ôn trúng tủ” được bố trí thi riêng tại Lạng Sơn và Thái Nguyên có nên tìm hiểu hay chấp nhận “một chút dị nghị” để học viên yên tâm học tập?

Tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình 16 bị can đã bị khởi tố liên quan đến 222 thí sinh (được nâng điểm) nghĩa là liên quan đến khoảng 222 phụ huynh.

Vậy nếu chỉ khởi tố 16 người này mà không mở rộng vụ án, liệu có tình trạng để lọt tội phạm? Nói cách khác, đã có người hưởng lợi bất chính thì chắc chắn phải có người đưa tiền, vậy họ là những ai?

Bản thân thí sinh khó có điều kiện gặp gỡ và tác động trực tiếp đến cán bộ Ban chỉ đạo cấp tỉnh mà chỉ có thể là người lớn trong gia đình.

Cũng có thể xảy ra trường hợp cán bộ cấp dưới nịnh cấp trên bằng cách tự động liên hệ xin nâng điểm cho con cháu lãnh đạo nhưng chắc chắn không thể xảy ra chuyện một thí sinh được nâng điểm nhưng không có liên hệ với bất kỳ phụ huynh nào trên địa bàn.

Nếu công khai danh tính thí sinh còn có chút vương vấn thì công khai danh tính cha mẹ thí sinh “vướng” ở chỗ nào?

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiều lần khẳng định chống tham nhũng phải công khai, minh bạch, không có vùng cấm, vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình có phải đang tạo vùng cấm đối với dư luận trong việc công bố danh tính người vi phạm?

Đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 29, tập trung vào chương trình, sách giáo khoa và đào tạo nhà giáo là “xây”, xử lý tiêu cực là “chống”.

“Xây” tốt mà không “chống” thì chỉ như người đi bằng một chân. Mong muốn của người dân là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa những bê bối trong kỳ thi 2018 thành một vụ án trọng điểm.

Cần phải thấy tham nhũng trong giáo dục nguy hại hơn các tham những khác vì nó tấn công trực diện vào “Quốc sách hàng đầu”, làm tha hóa cả một lớp người chứ không phải vài cá nhân. Hậu quả sẽ kéo dài nhiều thế hệ chứ không chỉ trước mắt.

Liệu chúng ta có nên học người Mỹ, những kẻ dùng tiền hoặc quyền lực chạy chọt cho con cháu vào đại học sẽ bị phạt tù từ 9 tháng đến 20 năm?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://nhandan.com.vn/thegioi/item/39482402-my-triet-pha-duong-day-gian-lan-dau-vao-cac-dai-hoc-danh-tieng.html

[2]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/du-hoc/13-phu-huynh-giau-co-doi-dien-an-20-nam-tu-vi-chay-truong-cho-con-520751.html

[3] https://plo.vn/thoi-su/gian-lan-diem-thi-khoi-to-2-pho-giam-doc-so-va-1-cong-an-826461.html

[4] https://baovephapluat.vn/cong-to-kiem-sat-tu-phap/theo-dong/nong-ket-thuc-dieu-tra-vu-an-gian-lan-diem-thi-tai-hoa-binh-nhieu-thong-tin-rung-dong-66436.html

[5] https://laodong.vn/phap-luat/vu-gian-lan-diem-thi-o-son-la-khoi-to-cuu-can-bo-cong-an-tinh-657600.ldo

Xuân Dương