Giáo dục: "Quyền rơm, vạ đá" (cuối)

12/02/2019 06:21
Xuân Dương
(GDVN) - Tất cả những sự giả dối hiển hiện hàng ngày trong cuộc sống chính là do đánh mất chữ “lễ” trong giáo dục con người.

Bài 1, Bài 2, Bài 3, Bài 4 

Mạch giáo dục truyền thống bị bẻ gãy lần thứ hai rõ nhất là sau năm 1975.

Quan điểm giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn” bị phê phán, bị xem là cổ hủ, cản trở sáng tạo.

Khi không được giáo dục nghiêm túc về “lễ” tức là đạo đức, cách đối nhân xử thế, giáo dục đã cung cấp cho đất nước một đội ngũ cán bộ không biết xấu hổ, không có văn hóa từ chức,…

Nói như một vị nguyên Chủ tịch nước, sản phẩm của giáo dục là “một bầy sâu” đang đục ruỗng cả kinh tế lẫn văn hóa và các giá trị truyền thống.

Vì không cần đến “lễ”, cũng chả cần gì “văn” nên mới hình thành nên một xã hội sính bằng cấp, dung túng sự không trung thực cả trong học sinh lẫn cán bộ, công chức.

Khi không được giáo dục nghiêm túc về “lễ” tức là đạo đức, cách đối nhân xử thế, giáo dục đã cung cấp cho đất nước một đội ngũ cán bộ không biết xấu hổ, không có văn hóa từ chức,…(Ảnh: laodong.com.vn)
Khi không được giáo dục nghiêm túc về “lễ” tức là đạo đức, cách đối nhân xử thế, giáo dục đã cung cấp cho đất nước một đội ngũ cán bộ không biết xấu hổ, không có văn hóa từ chức,…(Ảnh: laodong.com.vn)

Không lâu trước đây, ngày 28/09/2017, báo Laodong.vn có bài: “GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT: Đã từng phát hiện 10.000 bằng giả trong 1 năm”.

Ông Phạm Minh Hạc còn cho rằng: “Cách đây hơn chục năm, đã phát hiện rất nhiều nhưng tôi nghĩ vẫn chưa hết. Con số đó vẫn còn tiếp tục tăng lên…

Để xảy ra điều này là lỗi, là sai lầm của bộ phận tổ chức. Không thể đổ lỗi do sơ suất bởi đây là những lỗi đã quá rõ ràng. Nguyên nhân có thể là do nể nang hoặc do tiêu cực… nên cố tình bỏ qua”. [10]

Không biết xấu hổ nên dù bị phát hiện dùng văn bằng giả, hoặc văn bằng thật, trình độ giả nhưng không ai chịu từ chức.

Dẫu có xếp hạng cuối cùng trong các cuộc bình chọn thì người ta vẫn xem đó là bình thường, chỉ là dịp để “rút kinh nghiệm”,…

Thật hoang đường khi một số ý kiến cho rằng gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là lỗi của người lớn, không phải lỗi của thí sinh.

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại

Những thí sinh làm bài kém bỗng nhiên nhận được điểm cao chót vót mà im lặng chấp nhận chính là kẻ dối trá, bảo vệ hay bênh vực các đối tượng này là đồng lõa với sự dối trá.

Thông tin một số trường học của Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu nghỉ học để giáo viên thi giáo viên giỏi được Tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận “Thông tin nhà trường cho học sinh yếu kém ở nhà là không có căn cứ”.

Thế nhưng cũng chính kết luận của Tổ công tác lại chỉ ra: “Kiểm tra thực tế tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng cho thấy việc phụ huynh phân vân khi có học sinh ở nhà, học sinh được đến lớp là hoàn toàn có thật và cần phải rút kinh nghiệm và chấn chỉnh đối với Ban tổ chức Hội thi”. [11]

Mâu thuẫn trong kết luận kiểm tra của Tổ công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là một trong muôn vàn biểu hiện của sự giả dối.

Hơn 40 người bị gạch tên khỏi danh sách phong giáo sư, phó giáo sư gần đây không thể dùng từ nào khác ngoài sự giả dối.

Lò ấp tiến sĩ, thạc sĩ” tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội là mảnh đất ươm mầm giả dối.

Sự dối trá dù che đậy bằng bất kỳ hình thức nào cuối cùng cũng bị lộ. Đáng tiếc không ít trường hợp cả những người/cơ quan mang trọng trách cũng không thật thà ngay cả khi làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.

Tất cả những sự giả dối hiển hiện hàng ngày trong cuộc sống chính là do đánh mất chữ “lễ” trong giáo dục con người. Thói dối trá của một người khiến gia đình xấu hổ, thói dối trá của một thế hệ khiến cả quốc gia xấu hổ.

Giáo dục: "Quyền rơm, vạ đá" (cuối) ảnh 2Mùa … đạo văn

Xen giữa hai nhát cắt lớn nêu trên khiến Giáo dục đứng không vững là những cú “vung tay” vào chỗ hiểm mà một số người lãnh đạo thực hiện trong quá trình thực thi công vụ.

Cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng “Đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn", “Nhà giáo và học trò là hành khách trên đoàn tàu giáo dục”,…  

Quan điểm coi cả thày lẫn trò đều là “hành khách” liệu có đồng nghĩa với việc họ chỉ là những thực thể thụ động, không có bất kỳ tác động nào tới việc “đoàn tàu giáo dục” chạy nhanh hay chậm, đổi hướng hay không đổi hướng?

Nói một cách hình tượng, khi cả thày và trò đều cùng trên đoàn tàu, thò cổ ra ngoài cửa sổ có nguy cơ mất mạng thì những hành khách bước chân xuống sân ga cuối cùng có còn đủ sức lực bước tiếp?

Nói cụ thể, cả thày và trò đều không được phép sáng tạo, đều phải theo một khuôn mẫu định sẵn: Thày dạy theo sách giáo khoa, trò chép bài theo những gì thày cô viết trên bảng.

Nền giáo dục của chúng ta đang biến học sinh thành những “Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên” (Random access memory), mất điện là mất hết, rời khỏi mái trường là chữ trả thày.

Mang theo hành trang “cấm sáng tạo” từ phổ thông lên đại học rồi trở thành cán bộ, công chức, người ta sợ đủ thứ, sợ không dám cho tư nhân thử nghiệm tàu ngầm, máy bay, sợ người dưới quyền sáng tạo hơn mình, sợ đồng nghiệp thăng tiến nhanh hơn và kết quả cuối cùng mà đội ngũ cán bộ công chức “dám nghĩ, dám làm” là “hành là chính”!

Thứ hai: Triết lý giáo dục

Giáo dục: "Quyền rơm, vạ đá" (cuối) ảnh 3Triết lý giáo dục Việt Nam phải đề cao pháp trị và sự tử tế

Cách mạng tháng 8/1945 đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến đã làm thay đổi thể chế chính trị và kinh tế đất nước.

Cuộc cải cách ruộng đất được tiến hành một cách máy móc, dập khuôn đã dẫn tới những sai lầm đáng tiếc.

Đảng, Nhà nước đã tổng kết, Hồ Chủ tịch đã xin lỗi quốc dân đồng bào nhưng ít người cho rằng việc vội vàng bác bỏ những triết lý giáo dục được đúc rút qua nhiều thế hệ cũng mang lại hậu quả nặng nề không kém so với cải cách ruộng đất.

Bác bỏ truyền thống nhưng chưa kịp xây dựng triết lý giáo dục mới, hậu quả là hơn nửa thế kỷ chúng ta vận hành một nền giáo dục không có triết lý, nói chính xác là cho đến năm 2019 này vẫn chưa tìm ra “Triết lý giáo dục Việt Nam”.

Vì chưa tìm ta Triết lý giáo dục, những người lãnh đạo ngành đành phải vai đeo bị, tay cầm gậy dò dẫm, cóp nhặt những gì nhìn thấy trên con đường “quá độ”. Tinh hoa của nhân loại dường như nằm ở hành tinh khác mà chúng ta chỉ có tàu hỏa chứ chưa có tàu vũ trụ.

Cho đến tận hôm nay, những người được giao trọng trách lãnh đạo lĩnh vực văn hóa - giáo dục, những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tham gia đề tài đi tìm “Triết lý giáo dục Việt Nam” vẫn cho rằng không thể diễn giải “Triết lý giáo dục” chỉ bằng một câu nói súc tích.

Thậm chí có ý kiến coi Nghị quyết 29-NQ/TW chính là “Triết lý giáo dục” của Việt Nam!

Chỉ một điều này thôi đã cho thấy đội ngũ gọi là “tinh hoa”, là “nguyên khí” của đất nước thực chất là thế nào.

Nghị quyết 29-NQ/TW đánh giá những thành tựu của giáo dục “Trước hết bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc; sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của mỗi gia đình và toàn xã hội; sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sự ổn định về chính trị cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Giáo dục: "Quyền rơm, vạ đá" (cuối) ảnh 4Lượng đổi thì Chất đổi, Triết lý giáo dục cũng vậy thôi

Nhận định thành tựu của giáo dục “Trước hết bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc…” cho thấy Trung ương đã thẳng thắn thừa nhận chúng ta chưa có một chiến lược dài hơi, một triết lý giáo dục khoa học kết hợp truyền thống với tinh hoa nhân loại.

Vậy “Truyền thống hiếu học của dân tộc” trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có còn phát huy tác dụng như là yếu tố “Trước hết”?

Nhìn thái độ học tập của một bộ phận học sinh, sinh viên hiện nay, nhìn cách kiếm tấm bằng tiến sĩ của không ít quan chức, liệu có thể yên tâm rằng người Việt thế kỷ 21 vẫn giữ được “Truyền thống hiếu học”?

Mọi quốc gia giáo dục đều có nhiệm vụ giống nhau là đào tạo nhân lực và nhân tài. Nhân tài chỉ chiếm một phần nhỏ, nhân lực chiếm số đông.

Vậy vì sao giáo dục Việt Nam mấy chục năm qua không tập trung nhân, tài, vật lực cho đào tạo nhân lực, đào tạo nên đội ngũ lao động tay nghề cao mà cứ khuyến khích học sinh phải thi đỗ đại học?

Kiến thức của nhân loại là vô hạn nhưng cuộc sống mỗi con người là hữu hạn, nhiệm vụ của giáo dục là dạy cho người bình thường những gì mà họ có thể tiếp thu để tìm một việc làm nuôi sống bản thân và gia đình.

Những người kiệt xuất, nhân tài cần sự giáo dục đặc biệt để trở thành người đứng đầu.

Làm được việc đó nghĩa là giáo dục đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Giáo dục phải chăng chính là “Cầu nối kiến thức và cuộc sống”?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://avnuc.vn/quan-niem-sai-lam-ve-dia-phuong-chu-quan-thuc-trang-va-kien-nghi/

[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/20-ngan-sach-chi-cho-nganh-giao-duc-da-di-dau-394945.html

[3] http://enternews.vn/phan-bo-ngan-sach-nam-2018-chi-thuong-xuyen-gan-gap-3-chi-dau-tu-phat-trien-122843.html

[4] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/ngan-sach-danh-cho-giao-duc-duoc-su-dung-ra-sao-831947.vov

[5] https://news.zing.vn/kien-nghi-lam-ro-hieu-qua-su-dung-20-ngan-sach-cho-giao-duc-post887048.html

[6]https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/dau-vao-su-pham-thap-chat-luong-giao-duc-se-ve-dau-658693.vov

[7] http://hoilhpn.org.vn/images_upload/files_260.pdf

[8]https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a

[9] http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/de-gia-dinh-la-te-bao-cua-xa-hoi-429576.html

[10] https://laodong.vn/giao-duc/gs-pham-minh-hac--nguyen-bo-truong-bo-gddt-da-tung-phat-hien-10000-bang-gia-trong-1-nam-566972.ldo

[11] https://www.tienphong.vn/giao-duc/giao-vien-thi-day-gioi-thay-co-con-dien-day-hoc-sinh-the-nao-1367568.tpo

Xuân Dương