Học hàm Công bộc vạn tuế!

28/07/2015 12:28
Xuân Dương
(GDVN) - Giáo dục có hầu hết lãnh đạo bộ đều là nhà giáo, các nhà khoa học có tên tuổi, có phải vì quá “lỗi lạc” nên 1 + 1 không nhất thiết bằng 2 mà có thể bằng 10?

Sau kỳ thi quốc gia thấy bên Giáo dục bị nhận hơi nhiều “cà chua”, chợt nhớ đến một câu trong bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn: “giận thì giận mà thương thì thương”.

Điều đáng nói là khá nhiều “cà chua” lại đến từ các “nhân viên cấp dưới” và các bậc “hưu bối” của ngành. 

Về chuyện không công bố kết quả thi, Vietnamnet.vn ngày 23/7/2015 dẫn “tiết lộ” của ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ:

Sự vi phạm càng nghiêm trọng hơn khi "sự không cho phép" chỉ được truyền đạt bằng "khẩu dụ" chớ không bằng văn bản có tính pháp lý”!

Cũng bài báo này còn dẫn ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết: “Công bố kết quả bằng cách nói thầm vào tai từng thí sinh chắc chắn không nhận được sự đồng tình của xã hội”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ:

Tôi không đánh giá về mặt tư duy của lãnh đạo Bộ hiện tại, nhưng trước đây minh bạch, bây giờ lại làm chặt chẽ thì Bộ chỉ tự làm mình vất vả thôi”. [1]

Việc công bố kết quả kỳ thi quốc gia 2015, sau khi trì hoãn rốt cục cũng được “nhỏ giọt” cho xã hội “nếm thử” qua phổ điểm các môn thi.

Vấn đề là vì sao phổ điểm mỗi lần công bố lại có “tí chút” điều chỉnh và đến bao giờ thì toàn bộ dữ liệu sẽ được công bố?

Học hàm Công bộc vạn tuế! ảnh 1
Bất kỳ sự dối trá nào cũng để lại dấu vết của sự giả dối (Ảnh: Ngọc Diệp/ dantri.com.vn)

Một cán bộ Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT cho biết cục này không được tham gia vào quy trình xử lý dữ liệu mà là một đơn vị bên khác thực hiện. 

Có thể vì Bộ GD&ĐT không có các cở sở về truyền dẫn và kho lưu trữ dung lượng lớn nhưng việc xử lý thông tin đâu phải chỉ là công việc của mấy cái máy?

Phần mềm xử lý dữ liệu đâu có do mấy cái máy nghĩ ra, vậy sao phải đi thuê ngoài? Phải chăng bên quân đội bảo mật tốt hơn bên dân sự? 

Hay đây là một cách “xã hội hóa”, một tiêu chí để thể hiện “đổi mới toàn diện giáo dục” mà tân lãnh đạo Cục Khảo thí muốn công bố với quốc dân, đồng bào?

Giáo dục có một đặc điểm là hầu hết lãnh đạo bộ đều là nhà giáo, là các nhà khoa học có tên tuổi, có phải vì quá “lỗi lạc” nên 1 + 1 không nhất thiết bằng 2 mà có thể bằng 10? 

Trộm nghĩ, có lẽ các “nhà khoa học” của Bộ GD&ĐT đã lường trước, nếu có gì trục trặc mà dư luận lên tiếng thì có thể san bớt một phần trách nhiệm cho “xã hội hóa”, do “xã hội hóa” chứ không hoàn toàn do Bộ?

Không công bố rồi công bố, công bố rồi sửa, sửa rồi lại sửa tiếp, trong cái mớ bòng bong ấy người dân liệu có thể tự trả lời câu hỏi, ngành Giáo dục đúng ở chỗ nào, chưa đúng ở chỗ nào, vì sao phải như vậy?

Không nằm trong chăn thì không thể biết chăn có rận, vậy nên tìm câu trả lời có lẽ tốt nhất là quay lại ý kiến của ông Trần Xuân Nhĩ: “Tôi không đánh giá về mặt tư duy của lãnh đạo Bộ hiện tại…”.

Không đánh giá nhưng câu nói của ông Nhĩ thực ra là đã đánh giá rồi, chẳng qua chỉ là “vuốt mặt nể mũi” mà thôi.

Nếu dư luận xã hội, trong đó có Báo điện tử Giáo dục Việt Nam không quyết liệt, liệu Bộ GD&ĐT có công bố phổ điểm cụm thi Đại học, và đến bao giờ thì công bố nốt các thông tin mà dư luận quan tâm?

Học hàm Công bộc vạn tuế! ảnh 2

Nhân dân sẽ dựa vào đâu để tin tỉ lệ điểm số mà Bộ Giáo dục vừa công bố?

(GDVN) - Chưa kể, học sinh cũng chưa đủ dữ liệu để đăng ký vào các trường đại học, dù mình đã vượt qua tốt nghiệp với điểm số không thấp...

Cho xem thông tin để học sinh biết mình, biết người, biết điểm cao để lựa chọn nơi học phù hợp, biết điểm thấp để mà xấu hổ, mà tiếp tục phấn đấu. 

Chẳng lẽ Bộ GD&ĐT sợ học sinh bị điểm kém sẽ xấu hổ, dễ dẫn tới hành động thiếu suy nghĩ nên Bộ “xấu hổ” thay các em?

Nếu quả vậy thì phải đánh giá việc làm của Bộ là nhân văn chứ sao lại tặng nhiều “cà chua” thế? 

Dưới góc độ thuần túy về Công nghệ thông tin, xin nêu một ý kiến. Kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 có 1.005.654 thí sinh dự thi, thông tin về thí sinh gồm họ tên, ngày sinh, số báo danh, địa chỉ, khối thi, cụm thi, điểm môn thi… cứ cho là khoảng 20 tiêu chí. 

Không cần phải là nhà khoa học cao siêu gì, những người biết sử dụng Bảng tính Excel trong phần mềm Microsoft Office 2007 đều biết một trang tính (Sheet) của Excel có 1.048.576 dòng, 16.384 cột. 

Vậy chỉ cần một góc bé tẹo chừng 1/8.000 của một Sheet là thừa sức ghi đầy đủ thông tin thí sinh. Tạo ra một trang tính, tạo đường dẫn đến nơi lưu trữ rồi đưa lên mạng, ai muốn xem thì xem, ai muốn tải xuống thì tải, hà cớ gì phải giấu? 

Nếu đi sâu một chút về lĩnh vực quản trị dữ liệu, các cơ sở dữ liệu (data base) dù xây dựng bằng hệ quản trị cơ sở dữ liệu nào cũng dễ dàng chuyển sang Excel, sinh viên ngành Công nghệ Phần mềm ai cũng làm được.

Nêu lên để thấy, vì một lý do nào đó, dường như Bộ GD&ĐT không muốn (hay không dám?) công bố dữ liệu kỳ thi chứ không phải là khó khăn về mặt chuyên môn.

Không dám minh bạch, không dám nói thật nghĩa là dối trá. Phải chăng “dối trá” đã trở thành đặc điểm gắn liền với giáo dục ở tất cả các cấp độ, từ khá nhiều học trò tới một bộ phận thầy cô, từ một số nhân viên bình thường đến không ít quan chức lãnh đạo?  

Nhận định trên hoàn toàn không quá đáng nếu điểm qua hàng loạt ý kiến của truyền thông: “Giáo dục đang bị chính ‘thói dối trá’ chi phối” (vnexpress.net 6/6/2012); “Sự dối trá và chuyện nực cười của ngành giáo dục”, (anninhthudo.vn 10/6/2012); “Học sinh chửi bậy trong bài văn: Hậu quả của thói dối trá học đường!” (Nguoiduatin.vn 8/1/2013); “Xin đừng gieo vào đầu con trẻ sự dối trá!” (motthegioi.vn 23/3/2014); “Chúng ta đang dạy con trẻ dối trá” (tuoitre.vn 14/5/2015);…

Người viết đã cố tình sắp xếp các bài viết nêu trên theo thứ tự thời gian và cũng chỉ lấy trong khoảng 4-5 năm, nghĩa là một nhiệm kỳ của quan chức.

 “Bất kỳ sự dối trá nào cũng để lại dấu vết của sự giả dối”, phải chăng điều này hoàn toàn sai nếu “đánh giá về mặt tư duy” một số người chịu trách nhiệm trước nhân dân về giáo dục?

Phải chăng “tư duy” của họ cũng nằm trong cái mạch chủ đạo “đúng quy trình” mà họ không thể (hay không muốn?) thoát ra?

Có câu “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, phải chăng không ít tiến sĩ, nhà giáo khi bước chân vào chốn công quyền cũng là lúc họ chấp nhận cởi áo cà sa để khoác vào người chiếc áo giấy? 

Có một sự thật rất đáng tiếc khi một số tiến sĩ khoa học trở thành nhà quản lý,  đất nước mất một nhà khoa học được đào tạo bài bản và nhận được một nhà quản lý không giỏi. 

Thế giới phương Tây có câu thành ngữ “mọi con đường đều dẫn tới thành Rom”, ở ta câu thành ngữ này được chuyển đổi một cách “sáng tạo” là “mọi con đường đều dẫn tới chiếc ghế”. 

Học hàm Công bộc vạn tuế! ảnh 3

GS Nguyễn Minh Thuyết: Điểm thi có phải bí mật quốc gia đâu mà giấu?

(GDVN) - GS Nguyễn Minh Thuyết: "Đến ngẫu hứng, bất ngờ như bóng đá cũng không thể thay đổi luật chơi vào phút cuối như chuyện công bố điểm thi tốt nghiệp năm nay".

Ghế tạo ra chức, chức tạo ra quyền, quyền tạo ra “vinh quang”, thế nên dù có là “nhà khoa học giỏi” mà về quê, còn lâu mới được “kính thưa, kính … GỬI”. 

Vứt bỏ danh hiệu nhà giáo, nhà khoa học, vứt bỏ học hàm giáo sư để nhận “học hàm Công bộc” được xem là thức thời, mà đã thế thì việc vứt bỏ cả áo cà sa có gì đáng tiếc, miễn là chiếc áo giấy sẽ mặc đủ độ bền trong vòng 5-10 năm!

Thói dối trá tràn lan chốn học đường là hệ quả tất yếu bắt nguồn từ thói dối trá mà một bộ phận người mang “học hàm Công bộc” đang thực hiện.

Nói theo ông Trần Xuân Nhĩ, với “tư duy của lãnh đạo Bộ” như thế, với “quy trình” như thế, không chỉ Giáo dục mà còn không ít nơi khác nữa, nền văn hóa - giáo dục đất nước sẽ như thế nào? 

Phải chăng một số quan chức Giáo dục hiện nay, không muốn lặp lại tình cảnh “hai không” mấy năm trước, khi mà tỷ lệ tốt nghiệp tạo nên một cú sốc cho toàn xã hội? 

Một nhà giáo chân chính, một nhà khoa học chân chính sẽ không sợ khi thừa nhận, rằng giáo dục không phải là một ốc đảo trong xã hội, thực trạng giáo dục hiện nay là hậu quả của những bất cập tổng thể kéo dài nhiều thập niên, bất kỳ ai đảm nhận cương vị người đứng đầu cũng không thể đảo ngược một sớm một chiều. 

Cần nhớ rằng biết mà không nói cũng mang tội “dối trá”, con đường mang tên “Dối trá” luôn đưa người ta đến sự cô đơn khủng khiếp lúc xế chiều.

Không công khai minh bạch thông tin có thể đánh lừa được những người nhẹ dạ, nhưng đánh lừa chính lương tâm mình liệu có nên chăng?

Hay một số người đứng mũi chịu sào ngành Giáo dục vẫn có một “niềm tin mãnh liệt” rằng việc làm của mình là “đúng quy trình”, là mang lại lợi ích cho xã hội?

Với cung cách này, trong vài ba năm tới thế hệ trẻ chưa thể hy vọng sẽ được đào tạo bởi những sự đột phá ngoài “quy trình”.

Học xong ra trường, dù là cử nhân, kỹ sư hay tiến sĩ cũng khó mà từ chối chiếc “áo giấy” của “quy trình”, vậy nên trong tương lai, sẽ còn bao nhiêu người dõng dạc hô to “học hàm Công bộc vạn tuế”?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/252104/quan-diem-thi-bang-cach--noi-tham-.html

Xuân Dương