Lịch sử, nỗi xấu hổ của người có học

21/10/2015 07:12
Xuân Dương
(GDVN) - Nếu người múc từng gàu lịch sử đổ đi/ Đất nước sẽ không còn quá khứ/ Dân thành mồ côi/ Bởi Cha Hùng, Mẹ Âu vắng bóng trên đời...

Trong một chương trình giải trí, người dẫn nêu tên ba cây cầu trong đó có cầu Như Nguyệt, câu hỏi đặt ra là trong ba cây cầu đó, cầu nào ở miền Bắc? Người chơi không trả lời được phải nhờ trợ giúp.

Người có một chút kiến thức lịch sử bậc phổ thông trung học, có một chút nhanh nhạy trong suy đoán chắc chắn sẽ trả lời được câu hỏi mà không cần trợ giúp.

Học Lịch sử, người Việt không thể không biết danh tướng Lý Thường Kiệt. Biết tên tuổi Lý Thường Kiệt không thể không biết chiến công hiển hách của quân dân triều Lý đại phá quân Tống xâm lược tại phòng tuyến sông Như Nguyệt hơn 900 năm trước (1077).

Sông Như Nguyệt còn có tên là sông Cầu, sông Nguyệt Đức, đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Với kiến thức đó có thể đoán cầu Như Nguyệt phải liên quan đến sông Như Nguyệt và đương nhiên phải ở miền Bắc.

Nói cho công bằng, dốt Lịch sử không phải lỗi của thế hệ trẻ.

Bài viết này, tác giả Xuân Dương gửi lời cảm ơn tới độc giả Nguyễn Thanh Quảng, một chiến sỹ cảnh sát PCCC tại Đà Nẵng đã có nhiều lời động viên, chia sẻ, đồng cảm với các bài viết của ông.

Bài viết này, tác giả Xuân Dương viết dựa trên một gợi ý, đề nghị của độc giả Nguyễn Thanh Quảng.

Chợt nhớ số phận long đong của bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” (đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy, quay phim Lưu Hà, âm nhạc Văn Vượng).

Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh người nghệ sĩ mù ngồi chơi đàn ghi ta, và Hà Nội hiện lên không phải trong ánh mắt của người tinh anh mà là người nghệ sĩ trời không cho đôi mắt sáng.

“Hà Nội trong mắt ai” đưa con người đương đại đến với những ký ức sâu thẳm về lịch sử mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Đó là Hà Nội với những cái tên bất tử như Tô Hiến Thành, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm,  Quang Trung Nguyễn Huệ,…

Đó là Hà Nội của các danh thắng chùa Trấn Quốc, Đền Quán Thánh, của tranh phố Phái…

Làm nên bộ phim không chỉ những hình ảnh Thủ đô chính xác đến từng nét nhỏ nhất, như chiếc cọc cắm giữa ô Quan Chưởng mà còn là lời bình khiến không ít người… động lòng.

Bộ phim ra đời năm 1983 (như dòng kết ghi trong phim) nhưng sau khi giới thiệu không nơi nào chiếu.

Năm 1987, sau khi có ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng [1], [2] bộ phim mới đến được với quần chúng, lại nhờ có ý kiến của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mà phần 2 của bộ phim với tên gọi “Người tử tế” được ra đời.

Một năm sau tại liên hoan phim Đà Nẵng tháng 3-1988, phim nhận giải Bông Sen Vàng duy nhất cho thể loại phim tài liệu, các tác giả phim cũng được giải biên kịch, đạo diễn, quay phim hay nhất.

Lịch sử, nỗi xấu hổ của người có học ảnh 1
Phần đầu bài viết “Nhớ một thời Hà Nội trong mắt ai”

Báo điển tử Hà Nội mới số ra ngày 10/7/2007 có bài Nhớ một thời “Hà Nội trong mắt ai” của tác giả Trần Ngọc Kha, tuy nhiên phần đầu của bài báo không thể truy cập được.

Tìm mãi, may mắn có được phần đầu trên Vietbao.vn ngày 3/7/2007, cuối bài có chú dẫn “Theo_Hà Nội mới”.

Bài báo có đoạn: “Nói về triều vua Lê Thánh Tông: trong 38 năm vị vua này cầm quyền, đất nước thịnh trị. Vua đã cho xây dựng bộ luật Hồng Đức, thành lập hội Tao Đàn, viết Đại Việt sử ký toàn thư, dựng bia Văn Miếu...

Hiếm có vị vua nào làm được nhiều việc lớn như thế. Vậy mà khi điện Huy Văn, nơi bà Ngô Thị Ngọc Giao sinh ra vua Lê Thánh Tông, bị xiêu vẹo rồi đổ nát, người ta đã dọn đi để lấy chỗ làm trụ sở UBND phường! Lẽ nào điều đó không đáng nói hay sao”?

Bộ phim bị cấm chiếu bởi một quy định bất thành văn suốt năm năm chỉ vì, theo Trần Ngọc Kha, ekip làm phim đã “nhân chuyện xưa nói việc nay”, mượn lịch sử để bình phẩm hiện tại.

Lịch sử, nỗi xấu hổ của người có học ảnh 2

Sử không còn…Tổ quốc có còn không?

Đập bỏ điện Huy Văn, vậy lấy lịch sử nào cho con cháu đời sau học tập?

Người lớn ứng xử với di tích điện Huy Văn như vậy,  không thể trách mấy cháu thanh niên tham dự các chương trình truyền hình giải trí kém về Lịch sử.

Sẵn sàng phá bỏ một di tích lịch sử tâm linh, phải chăng chỉ có thể là cách ứng xử của người có quyền thích hoặc không thích Lịch sử.

Lịch sử, nỗi xấu hổ của người có học ảnh 3
Phần đầu bài viết “Nhớ một thời Hà Nội trong mắt ai”

Cái kết có hậu của bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” và ekip làm phim dường như lại trái với số phận của Lịch sử học, nền tảng làm nên thành công của bộ phim này.

Bộ Giáo dục vẫn quyết Lịch sử là môn tự chọn

Chuyện mấy chục năm trước, liệu có phải đang được những người có quyền ở Bộ GD&ĐT lặp lại trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể khi quy định Lịch sử là môn học tự chọn?

Học sinh được tự chọn hay những người đang ngồi nghiên cứu chính sách ở Bộ GD&ĐT tự cho mình cái quyền ban phát cho Lịch sử một chút ơn huệ, Lịch sử liệu có đang bị biến thành hành khất cắp nón đi xin?

Chẳng lẽ môn học Lịch sử, mà đại diện là những thày cô giáo, những nhà nghiên cứu phải viết đơn xin tồn tại,  như chủ nhân các công trình sai phép nộp phạt để tồn tại nhan nhản khắp nơi?

Văn học dân gian Việt Nam có câu thơ rất hay:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.

Còn ngày nay:

Nếu người múc từng gàu lịch sử đổ đi

Đất nước sẽ không còn quá khứ

Dân thành mồ côi

Bởi Cha Hùng, Mẹ Âu vắng bóng trên đời

Nếu người xúc từng gàu lịch sử đổ đi

Sẽ chỉ còn cành đa cái kiến

Và mo cơm, quả cà ngon như quốc yến…

Nếu người có óc mà thiếu tim

Lịch sử thành kẻ ăn xin

Dọc đường...

Và ai đó đang dửng dưng với Lịch sử nên biết:

Trong im lặng, ta nghe rõ nhịp đập của trái tim

Của những chiều sâu tâm hồn và cuộc sống

Khi chỉ có mình ta trong căn phòng rộng

Khi lũ chuột ăn đêm dập dình trên mái tranh [3]

Trí óc ta như cuốn sổ lật nhanh

Những sự kiện của một ngày

Của một tháng

Của một năm

Của hàng thế kỷ

Bởi Lịch sử không sinh ra từ chữ ký

Mà từ xương máu tiền nhân

Bởi những kẻ vong ân

Nơi vĩnh hằng chẳng bao giờ cỏ mọc.

Hỡi những kẻ cứ tưởng mình có học

Đừng ngửa mặt nhổ nước bọt lên trời [3].

Tài liệu tham khảo:

[1] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/136992/nh7899%3B-m7897%3Bt-th7901%3Bi-ha-n7897%3Bi-trong-m7855%3Bt-ai-ti7871%3Bp

[2] http://vietbao.vn/Van-hoa/Nho-mot-thoi-Ha-Noi-trong-mat-ai/410136128/181/

[3] Mượn ý câu nói mà người viết không biết ai là tác giả.

Xuân Dương