Miền núi - “Bia hay Mỏ vàng”?

24/09/2018 07:02
Xuân Dương
(GDVN) - “Miền núi” được dùng làm “bia”, “miền núi” là “mỏ vàng”, một khi bị đem làm “bia” thì chắc phải bị thủng lỗ chỗ, khi là “mỏ vàng” thì bị đào nham nhở...

“Bia đỡ đạn” là cụm từ hay được dùng để chỉ việc người ta dùng thứ công cụ gì đó nhằm chống đỡ những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cái mà người ta cần bảo vệ. 

Trong chiến tranh, dân thường nhiều khi bị các phe tham chiến sử dụng như là “bia đỡ đạn” cho binh lính của họ.

Trong tiếng Việt, “bia” mang nhiều nghĩa khác nhau và cũng được chế từ nhiều loại vật liệu, bia tập bắn hoặc thi đấu thể thao (bắn súng, bắn cung) làm bằng giấy, dành ghi công, tưởng niệm làm bằng gỗ, đá, kim loại,… 

Loại bia dùng trong các bữa “nhậu” làm từ hai nguyên liệu cơ bản là đại mạch và Houblon (Hoa bia).

"Nền giáo dục lớp 1" chỉ như khung trời nhỏ qua cửa sổ, dựa vào đâu mà vĩnh cửu?

Cũng là để ghi danh nhưng có một loại bia không làm từ vật liệu thông thường mà làm từ bộ phận cơ thể người, đó là “Bia miệng”.

Tưởng thế đã là rất phong phú, không ngờ những năm gần đây, một số vị đức cao vọng trọng và lãnh đạo ngành Giáo dục còn sáng tạo ra một loại “bia” đặc biệt, đó là “Bia … miền núi”.

“Bia miền núi” có công dụng tương tự “bia đỡ đạn”, được ví như bảo bối để chống lại “mưa đá” từ truyền thông và người dân mỗi khi hoạt động giáo dục bị đưa ra mổ xẻ, đặc biệt còn được dùng để lách (hay chống lại?) các quy định của pháp luật hiện hành.

Báo “Nhân dân hằng tháng” số ra ngày 19/8/2013 dẫn lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể lại việc cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận sử dụng “Bia miền núi” như sau

“Anh Luận đã bỏ tiền túi đi tàu hỏa lên Lào Cai, thuê xe ôm đi về năm trường tiểu học ở địa phương để tự tìm hiểu chương trình tiếng Việt thực nghiệm đang được giảng dạy ở đây.[1]

Tại sao ông Luận lại bỏ tiền túi lặn lội lên Lào Cai, ông cần “miền núi” để làm gì?

Câu trả lời đã được Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa ra: “Trước đây, quyển sách Tiếng Việt lớp 1 của tôi chỉ được áp dụng ở các tỉnh miền núi”. 

Đánh giá hành động của cựu Bộ trưởng Luận, bài báo nêu câu hỏi: 

Tự bỏ tiền túi ra “vi hành” và thuê luật sư để làm một việc không liên quan đến mình, đó quả là hành động hiếm hoi của một vị Bộ trưởng?

Bài báo viết “bâng quơ” rằng đó là “hành động hiếm hoi của một vị Bộ trưởng”, không khẳng định đúng hay sai, cũng không phê phán hay cổ xúy cho thấy tác giả đã rất thận trọng trước việc làm “trái pháp luật” (chứ không phải lách luật” như một số người nhận định) mà ông cựu Bộ trưởng đã thực hiện.

Miền núi - “Bia hay Mỏ vàng”? ảnh 1Giáo dục - Có hay không sự bất công đến từ chính sách?

Để hiểu vì sao lại nói cựu Bộ trưởng Luận làm trái pháp luật, có thể trích dẫn ngay một đoạn trong bài báo nêu trên:

Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10 năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã quy định cả nước chỉ dùng chung một bộ sách giáo khoa.

Nhưng Bộ trưởng Luận đã dám công nhận bộ sách của tôi làm bộ sách thứ hai, đó là một người dám làm”.

Có phải nhờ “Bia miền núi” đỡ hộ mà ông Luận không bị quy là “vi phạm pháp luật”, không thấy Quốc hội nói gì và cũng không thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật lên tiếng?

Nếu chỉ có thế mà kết luận lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo dùng “Bia miền núi” e là hơi vội vàng nên xin nêu thêm dẫn chứng vừa mới xảy ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: “Với cách in ấn sách (giáo khoa) như hiện nay, học sinh khóa sau không thể dùng được nữa”. [2]

Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết:

Tôi trực tiếp nói với bộ trưởng khóa trước, nhiều đại biểu, cử tri cũng nói nhưng các anh cứ nói đấy không phải sách giáo khoa mà chỉ là sách bài tập, tham khảo.

Rất nhiều sách giáo khoa có nhiều ô trống, ô vuông, đường nối, kéo...”. [3]

Miền núi - “Bia hay Mỏ vàng”? ảnh 2Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (1)

Đáp lại ý kiến của các nhà lập pháp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định: 

Thực tế cho thấy, trong các chuyến công tác lên các tỉnh miền núi như Sơn La, Lai Châu, sách giáo khoa cũ vẫn được học sinh tại đây sử dụng lại”. [4] 

Trong ý kiến của ông Độ, “miền núi” đã được cụ thể hóa bởi tên các tỉnh Sơn La, Lai Châu, giống như Lào Cai thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận!

Tại sao ông Độ lại phải lên tận Sơn La, Lai Châu mà không bay vào Đà Nẵng hay Thành phố Hồ Chí Minh?

Phải chăng học tập, phát huy kinh nghiệm của cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và các tiền bối, dựa vào miền núi, lấy miền núi làm điểm tựa thì “khó khăn nào cũng vượt qua” kể cả ý kiến truy vấn của các vị lãnh đạo cấp hàm tương đương bộ trưởng, thứ trưởng bên Quốc hội?

Thí điểm sách thì “miền núi” được chọn; muốn làm trái luật thì Bộ trưởng tìm lên “miền núi”, chống đỡ dư luận cũng lại dùng “miền núi”, vậy có phải đích thị “miền núi” đã và đang được dùng làm “bia” để các vị chức sắc giáo dục tận dụng vừa để chiềng ra trước bàn dân thiên hạ việc “lặn lội” của mình, vừa để che chắn khi hữu sự?

“Miền núi” còn có những tác dụng gì với không ít vị làm việc theo kiểu “hai mang”, vừa trong ngành Giáo dục nhưng lại không do giáo dục quản?

Xin thưa “miền núi” còn là mỏ vàng cho không ít người có chức, có quyền ngày ngày đào bới.

Báo Nld.com.vn đưa tin: “Bà Phạm Thị Hà, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian đương chức đã cắt xén, “ăn chặn” cả tỉ đồng của học sinh dân tộc thiểu số”. [5]

Báo Thanhnien.vn trong bài: “Lạm thu ở trường mầm non nghèo nhất huyện” viết: 

Dù ở địa phương có gần 2/3 hộ dân nghèo nhưng các phụ huynh của Trường mầm non Bình Chuẩn (xã Bình Chuẩn, huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An) vẫn phải đóng các khoản ngoài quy định, trong đó một số khoản thu có dấu hiệu bị bớt xén”. [6]

“Miền núi” được dùng làm “bia”, “miền núi” là “mỏ vàng”, một khi bị đem làm “bia” thì chắc phải bị thủng lỗ chỗ, khi là “mỏ vàng” thì bị đào nham nhở, vậy “miền núi” còn lại gì nếu chỉ xem xét trong phạm vi giáo dục?

Có ba điều người viết luôn trăn trở về giáo dục miền núi: “Trường lớp, học sinh và giáo viên”, hãy xem báo chí đề cập từng vấn đề thế nào.

Về học sinh, báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam viết: “Nhiều học sinh ở bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà, Điện Biên) phải chui túi nilon nhờ người lớn đưa qua suối lũ, băng rừng hơn 5h đồng hồ tới trường”. [7]

Một lớp học tại khu Lót, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa (Ảnh Tạp chí giao thông vận tải)
Một lớp học tại khu Lót, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa (Ảnh Tạp chí giao thông vận tải)

Về trường lớp, xin mời cùng “chiêm ngưỡng” một lớp học tại khu Lót, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa (Ảnh Tạp chí giao thông vận tải)

Bữa ăn của học sinh miền núi khỏi phải nói vì hình ảnh tràn ngập mạng xã hội, vậy còn thày cô giáo miền núi thì sao?

Báo Dantri.com.vn đã đăng loạt hình ảnh về cuộc sống thày cô giáo “cắm bản” với tâm sự của cô Hoàng Thị Trưởng, Hiệu trưởng Trường mầm non Phong Dụ Thượng (xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái):

Đường đến trường khó thì một tuần chúng em đi một lần, kể ra còn chịu được.

Chúng em chỉ mong ước có một cái nhà công vụ tử tế để giáo viên an tâm hơn cho việc dạy học của mình, chứ thuê nhà dân ở sâu trong rừng núi chúng em cũng sợ lắm”. [8]

Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh viết: “Khi hỏi về việc chưa trả nhà ở công vụ của mình, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình cho biết: “Nhà để đó, có việc ra Hà Nội thì tôi ghé qua”. 

Bài báo cho biết khu nhà công vụ liên quan đến đương sự là ở 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. [9]

Miền núi từng là căn cứ cách mạng, từng là “Thủ đô gió ngàn”, những đạo quân sau chiến thắng Điện Biên đã trở về giải phóng thủ đô, vậy bao giờ miền núi mới không còn bị tận dụng như phép màu có thể biến hóa tùy ý nhằm biện minh cho việc làm của quý vị lãnh đạo?

Đồng bào, thày cô giáo và nhất là trẻ em miền núi không nói không phải là không biết nói, chỉ có điều quá lạm dụng “miền núi” căn bệnh giáo dục sẽ trở nên kinh niên, hết phương cứu chữa.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.nhandan.com.vn/hangthang/khoahoc-giaoduc/item/21018502-thuc-nghiem-la-%E2%80%9Cloi-thua%E2%80%9D-cua-toi-voi-con-tre.html

[2] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ba-cau-hoi-gui-toi-thay-bo-truong-631750.ldo

[3] http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/lang-phi-sach-giao-khoa-bo-gdanddt-can-lam-ro_t114c8n138895

[4] http://infonet.vn/sach-giao-khoa-dung-mot-lan-bo-gddt-noi-khong-phu-huynh-noi-co-post274901.info

[5] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/hieu-truong-cat-xen-an-chan-ca-ti-dong-cua-hoc-sinh-dan-toc-20150321114530542.htm

[6] https://thanhnien.vn/giao-duc/lam-thu-o-truong-mam-non-ngheo-nhat-huyen-911966.html

[7] https://vov.vn/tin-24h/chui-tui-nilon-vuot-suoi-lu-den-truong-nguoi-trong-cuoc-noi-gi-809014.vov

[8] https://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/son-da-ga-voi-cung-duong-cam-ban-day-hoc-cua-giao-vien-vung-cao-2017091915381465.htm

[9] http://plo.vn/thoi-su/vi-sao-cac-cu-ve-huu-khong-tra-lai-nha-cong-vu-454316.html

Xuân Dương