Mùa thu - mùa thay lá

29/08/2015 05:00
Xuân Dương
(GDVN) - Lá vàng sợ mùa thu, nhưng cả rừng sồi vẫn rụng lá để sang xuân lại đâm chồi nảy lộc, không như tàu lá chuối, rũ xuống ôm lấy thân cây và không xanh trở lại.

Mùa thu đẹp bởi lá vàng nhưng “lá vàng sợ mùa thu” lại là câu nói hình tượng được nhiều người dẫn giải. Các nước ở Bắc bán cầu như châu Âu, Nga, phía bắc Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… mùa thu đến khi những cánh rừng vàng rực dưới nắng nhạt, chỉ một cơn gió nhẹ, lá vàng  như cánh bướm lao xao xung quanh người đi dạo. 

Bước chân trên thảm lá khô, nhìn rừng cây trơ trụi mới hiểu ý nghĩa của sự sinh sôi, hủy diệt. Cộng hòa Séc, một quốc gia Trung Âu, chẳng biết từ bao giờ người ta đặt tên tháng 11 là “Tháng lá rụng” (Listopad).

Việt Nam không có tháng lá rụng dù cũng có những loại cây thay lá cuối thu như cây bàng, phượng vĩ,… Lá vàng sẽ rụng, hoa tàn thì cánh rơi, đó là lẽ thường trên đời, nhưng cũng có những lẽ không thường, hoa cúc tàn mà cánh không rơi, lá chuối héo mà không rụng. 
 
Mùa thu với người Việt còn một điều đặc biệt, ấy là sự sụp đổ của vương triều phong kiến cuối cùng và sự ra đời của nền cộng hòa, dân chủ 70 năm trước.

Lịch sử hào hùng, thắng lợi vẻ vang, truyền thống oanh liệt,…” là những từ mà chúng ta thường nghe, nghe nhiều thuộc lòng bởi sự xuất hiện thường xuyên trong các bài viết nhân dịp kỷ niệm những sự kiện trọng đại của đất nước.

Năm nay là năm đặc biệt, ở vào tuổi 70 như Đỗ Phủ đã nói “thất thập cổ lai hy”, cũng là lúc các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học và truyền thông có dịp nhìn lại chặng đường đã qua, có dịp thể hiện những suy nghĩ đa dạng đến gai góc của mình.

Từ góc độ các nhà khoa học, Vietnamnet.vn tổng kết qua bài: “Gặm nhấm quá khứ không phải con đường trị quốc”. [1]

Ở góc độ lãnh đạo, TS.Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng “Quyền lực làm tha hóa con người nhanh nhất, nhanh không thể tưởng nổi…”.  [2]

Báo Dân Trí thì đặt câu hỏi “Liệu có khai trừ đảng được ai không?” [3]

Tác giả Tô Văn Trường thì đặt vấn đề “Mẫu lãnh đạo rất cần cho Việt Nam lúc này” là gì? [4]

Với người lao động trong doanh nghiệp, vấn đề dành được sự quan tâm là chế độ tiền lương, chẳng thế mà đã có bài báo “Triệu người được tăng lương: Bộ ngành cãi nhau gay gắt”. [5].

Với người nông dân chỉ cần một câu nói của chủ tịch Quốc hội cũng phần nào thể hiện tình trạng họ đang chịu đựng: “Một con gà thu 14 loại phí, trời đất ơi!" [6]

Điểm qua vài nét để thấy vấn đề mà người Việt quan tâm thật đa dạng, không chỉ là cơm áo, gạo tiền mà cao hơn, quan trọng hơn, ấy là thực trạng, tương lai và vận mệnh dân tộc.

Xuất phát từ quan điểm “con người là yếu tố quyết định”, có thể thấy mọi bất cập đều xuất phát từ yếu tố con người, hai mảng quan trọng nhất liên quan đến “chất lượng con người Việt Nam” là Giáo dục và công tác tổ chức cán bộ.

Giáo dục được xem là gốc, còn công tác cán bộ được xem là ngọn. 

Mùa thu - mùa thay lá ảnh 1
Ảnh: Ngọc Diệp/Dân trí

Về Giáo dục, vì đã có quá nhiều ý kiến tranh luận gần đây nên bài viết này không đề cập đến. 

Đánh giá về hiện trạng tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, xin điểm qua một vài bài báo:

Tình hình tham nhũng phổ biến và ngày càng nghiêm trọng” (Vietbao.vn - 11/6/2005).

Tham nhũng vẫn nghiêm trọng và ngày càng tinh vi”  (Dantri.com.vn – 30/9/2010).

Tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp” (Nld.com.vn 13/6/2015).

Ba bài viết, mỗi bài cách nhau 5 năm, nghĩa là 10 năm trôi qua, tình hình chưa có gì cải thiện, nói cách khác dù đã có nhiều chủ trương, quyết sách chúng ta vẫn chưa giành được chiến thắng đáng kể nào trong trận chiến chống tham nhũng. 

Mười năm cho một trận chiến chống giặc nội xâm không phải là quá ngắn, liệu đã đến lúc cần dũng cảm nhìn nhận, đánh giá từ phương châm chiến lược đến biện pháp thực hiện một cách khách quan, khoa học?

Trả lời câu hỏi đâu là nguyên nhân khiến Việt Nam bị đánh giá là “quốc gia không chịu phát triển” không phải là trách nhiệm của người dân mà của lãnh đạo, của những nhà hoạch định chính sách. 

Hàng chục năm, cả hệ thống chính trị theo đuổi mục tiêu chống tham nhũng nhưng vẫn chưa thành công, tại chủ trương hay tại phương pháp?

Về chủ trương, đường lối, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" (NQ4) không những chỉ ra thực trạng mà còn các giải pháp. 

Đó là “Sự dũng cảm và quyết tâm chính trị của Đảng” như tiêu đề bài viết trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 18/1/2015.  Tuy vậy những gì diễn ra sau khi có NQ4 cho thấy kỳ vọng của người dân vẫn còn rất xa vời. 

Vậy thì phải đặt câu hỏi về phương pháp.

TS Vũ Ngọc Hoàng nhận định trong bài viết đăng trên tạp chí Cộng sản,  “Hậu quả thứ hai do “nhóm lợi ích” gây ra là nhất định sẽ chệch hướng khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính (và cũng xa lạ với chủ nghĩa tư bản hiện đại)đất nước đi theo một con đường khác, sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, đó là con đường không có tiền đồ và rất nguy hiểm, không có tự do và dân chủ vì bị “nhóm lợi ích” độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn”. [7]

Muốn trở thành thành viên của “nhóm lợi ích” độc quyền về kinh tế và chính trị” đương nhiên phải có chức, có quyền, muốn có chức, có quyền, nói như dân gian là “phải chạy”.

Hãy nhìn ra ngoài, hãy nhìn vào nước Mỹ, “chạy” chức Tổng thống hoặc Thượng nghị sĩ mất từ vài chục đến vài trăm triệu USD. Những người không có tiền hoặc không được các tập đoàn tư bản tài trợ không bao giờ có thể đắc cử. 

Việc “chạy” chức ấy được thực hiện công khai qua “quỹ vận động tranh cử”, cứ mỗi mùa bầu cử, việc đầu tiên mà ứng viên và ban tham mưu phải lo là đi kiếm tiền, là vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân. Quan trọng là sau khi đắc cử, người ta thực hiện lời hứa như thế nào?

Chống nạn chạy chức, chạy quyền không thành công, ít ra là cho đến lúc này là bởi vì chúng ta vẫn “chống” theo kiểu cũ nghĩa là chống cái không nhìn thấy, không nhận dạng được. 

Dư luận từng biết đến các phát ngôn chạy chức, nhẹ thì cỡ trên trăm triệu, nhiều thì cỡ triệu USD (như nội dung bài phỏng vấn ông Trần Quốc Thuận – nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mà Tienphong.vn đăng tải ngày 02/04/2006 [8]). Tuy nhiên không ai đưa ra được bằng chứng chứng minh cho ý kiến của mình.

Ảnh chụp màn hình ngày 26/8/2015 Báo Tienphong.vn
Ảnh chụp màn hình ngày 26/8/2015 Báo Tienphong.vn

Tại sao chúng ta không đặt vấn đề khác đi? 

Liệu có nên cho phép công khai “chạy” chức, từ vận động hành lang đến vận động công khai, hay như ý kiến đang được Quốc hội thảo luận về quyền tự ứng cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, liệu có nên quá chú trọng vào việc người ta “chạy” hết bao nhiêu tiền?

Song song với sự cho phép “công khai chạy” này là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, trước hết là luật sau đó là cơ quan giám sát, cơ quan này phải độc lập với các tổ chức chính trị, xã hội và cơ quan quyền lực nhà nước, không loại trừ tham khảo ý kiến các tổ chức quốc tế có uy tín.
 
Nếu có chức mà không hoàn thành nhiệm vụ hoặc sử dụng quyền mà chức vụ mang lại nhằm làm giàu bất chính thì bãi chức và xử lý hình sự ngay lập tức.  

Khi “vòng kim cô bãi chức” luôn treo lơ lửng trên đầu người có chức quyền thì kẻ dùng tiền hoặc rất nhiều tiền để chạy chức (nếu có) sẽ chẳng dại gì mà “chạy” bởi “lợi nhuận” sinh ra từ chức đã “chạy” được chưa chắc đã đủ bù khoản tiền bỏ ra.  

Khi không sinh ra lợi thì tự khắc người ta sẽ “gật gù” với lời tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Thớt có tanh tao ruồi đậu đến / Ang không mật mỡ kiến bò chi”.

Đến đây thì lại phát sinh vấn đề, liệu với “rất nhiều tiền” người ta có thể vô hiệu hóa “vòng kim cô bãi chức” hay không? Câu trả lời nằm ở luật pháp và ý nguyện của dân chúng.

Đất nước cần sự đổi mới quyết liệt chứ không phải “chỉ gãi từ vai trở xuống”, càng không thể để những kẻ cực đoan kích động bạo lực, sử dụng màu cam hay màu hồng.

Người Việt hiểu quá rõ cái giá mà người dân Ukraina, Thái Lan,… phải trả do những “bồng bột chính trị” mang lại.

Mùa thu - mùa thay lá ảnh 3

"Tội phạm tham nhũng cứ bắt, nhốt hết vào lồng cho vợ con nuôi"

(GDVN) - Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng…

Đổi mới quyết liệt phải bắt đầu bằng việc chọn ra những người dám đổi mới, có đủ trí tuệ, quyết tâm và quyền lực để thực hiện mục tiêu đổi mới, những người chỉ có một mục tiêu mang lại lợi ích cho dân cho nước chứ không quan tâm đến đời sau gọi mình là minh quân hay bạo chúa.

Bảy mươi năm trước, sự biến động của thế giới và mùa thu cách mạng đã đưa lịch sử dân tộc sang trang mới.

Ngày nay, đất nước và dân tộc cũng đang sống trong một thế giới đầy biến động, biết tận dụng thời cơ để đưa đất nước cất cánh là trọng trách của người cầm lái. 

Thời thế tạo anh hùng, đây là thời cơ cho những người dám khẳng định bản thân, dũng cảm nhận trách nhiệm trước lịch sử.

Trên chặng đường dài, những người mở lối chặt cây, phá đá sẽ có lúc gối mỏi, chân run, trao trách nhiệm cho thế hệ sau cũng là hành động dũng cảm cần được ghi nhận.

Lá vàng sợ mùa thu, nhưng cả rừng sồi vẫn rụng lá để sang xuân cây lại đâm chồi nảy lộc, không như tàu lá chuối, rũ xuống ôm lấy thân cây để rồi cả cây và lá chẳng bao giờ có thể xanh trở lại.

Tự nhiên là thế và con người cần phải học cách sống với tự nhiên, thuận theo tự nhiên chứ không thể cưỡng bức tự nhiên sống theo cách của mình.

Tài liệu tham khảo:

[1],[2] http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/tham-vong-quyen-luc-va-su-tha-hoa-595496.html

[3] http://dantri.com.vn/blog/lieu-co-khai-tru-dang-duoc-ai-khong-20150817050200083.htm

[4] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/255851/mau-lanh-dao-rat-can-cho-viet-nam-luc-nay.html

[5] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/258296/trieu-nguoi-duoc-tang-luong-bo-nganh-cai-nhau-gay-gat.html

[6] http://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/mot-con-ga-thu-14-loai-phi-troi-dat-oi-18228.html

[7]http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2015/33662/Loi-ich-nhom-va-Chu-nghia-tu-ban-than-huu-canh.aspx

Xuân Dương