Muốn có Triết lý giáo dục, thực sự rất đơn giản

28/11/2018 07:25
Xuân Dương
(GDVN) - Hoàn thiện quá trình “dạy ai, dạy cái gì, dạy như thế nào” tự khắc sẽ hình thành “Triết lý giáo dục” chứ không phải chỉ với một đề tài cấp quốc gia...

Xem bài 1 ở đây

Không thể phủ nhận giáo dục đại học Việt Nam đã đào tạo ra một đội ngũ cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo khá đông đảo nhưng cũng phải thừa nhận một bộ phận không nhỏ những người tốt nghiệp đại học không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. 

Có lẽ cũng nên kể đến “thành tích” đặc biệt của giáo dục là trang bị cho đội ngũ quan chức cấp cao học vị tiến sĩ, thạc sĩ còn với quan chức cấp xã, huyện là bằng đại học tại chức.

Dư luận không sai khi cho rằng phần lớn trong số đó rất ít khi sử dụng các kiến thức chuyên môn ghi trong văn bằng trong quá trình lãnh đạo, hay ban hành quyết sách.

Bộ phận gọi là tinh hoa của đất nước (được ngầm hiểu là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ,…) không ít người là thành viên các Viện Hàn lâm, các Hội đồng khoa học, Hội đồng chức danh, Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước,… và cũng không ít người, không ít hội đồng đã khiến người dân thất vọng. 

Hoàn thiện quá trình “dạy ai, dạy cái gì, dạy như thế nào” tự khắc sẽ hình thành “Triết lý giáo dục”. Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại
Hoàn thiện quá trình “dạy ai, dạy cái gì, dạy như thế nào” tự khắc sẽ hình thành “Triết lý giáo dục”. Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại

Nếu phải dẫn chứng thì có thể kể đến “Lò ấp tiến sĩ” ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Hội đồng chức danh giáo sư năm 2018, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng,…

Người viết cảm thấy lo ngại nếu một số vị “hội đồng” ấy lại được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mời tham gia “Đề tài cấp quốc gia xây dựng Triết lý giáo dục Việt Nam”.

Nói cách khác, với “lượng” như thế, cứ hoàn thành nghiên cứu, cứ công bố “Triết lý giáo dục Việt Nam” thì có giúp cho giáo dục ngay lập tức “biến chất” trở thành một “Nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” hay vẫn phải chờ vài chục năm nữa?

Nếu thời điểm chưa thích hợp thì việc mà giáo dục cần làm thời điểm này là gì?

Đó là hãy tập trung trả lời câu hỏi: “Dạy ai, dạy cái gì và dạy như thế nào”.

Thứ nhất: Dạy ai?

Muốn có Triết lý giáo dục, thực sự rất đơn giản ảnh 2Triết lý giáo dục sẽ giúp tạo ra ai, cái gì?

Có thể có người cho rằng đây là câu hỏi ngây thơ đến mức ngô nghê, nhưng nếu không trả lời được câu hỏi này thì vấn đề không còn là ngô nghê mà có thể tồi tệ hơn nhiều.

Với khẩu hiệu “Học, học nữa, học mãi”, với chủ trương xây dựng một xã hội học tập, học suốt đời, đối tượng học sẽ là hơn 90 triệu người Việt và trong một tương lai rất gần con số đó sẽ là trên 100 triệu người.

Tuy nhiên người học chủ yếu vẫn là thế hệ trẻ, những người từ độ tuổi 25 trở xuống.

Giáo dục chỉ có thể dạy những người muốn học và có khả năng học, khả năng học ở đây là nói về lĩnh vực tâm sinh lý chứ không phải tài chính.

Có những đối tượng chỉ có thể “giáo dục”, rất khó “dạy”, công nhận thực trạng này để có phương hướng xử lý chứ không nên sợ làm mất tính “nhân văn” của nền giáo dục.

Dạy dỗ thế hệ trẻ là công việc liên tục, lâu dài, với tình hình hiện tại hai đối tượng phải ngay được dạy dỗ nghiêm chỉnh là nhà giáo và cán bộ lãnh đạo. 

Nếu không đào tạo lại đội ngũ nhà giáo, nếu không dạy dỗ lại đội ngũ lãnh đạo các cấp thì người Việt sẽ chỉ là nhân công làm thuê cho tư bản nước ngoài ngay trên quê hương mình. 

Trong một thời gian dài, việc đào tạo nhà giáo và cán bộ bị buông lỏng, nếu không nói là sai lầm nghiêm trọng trong tuyển chọn giáo sinh ngành Sư phạm.

Đội ngũ giáo viên hiện tại vừa thừa, vừa thiếu, kiến thức chuyên môn của một bộ phận nhà giáo tương đối yếu đặc biệt là kiến thức ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhiều người được học về lý luận chính trị và quản lý nhà nước theo hình thức vừa học vừa làm.

Hậu quả là không ít lãnh đạo cấp bộ, tỉnh không nắm chắc pháp luật, không đủ năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh trong phạm vi quản lý của mình. 

Nhiều quan chức bị xử lý kỷ luật nội bộ hoặc phải ra tòa cho thấy chất lượng giáo dục cả về chuyên môn lẫn đạo đức chưa đạt yêu cầu.

Đối tượng tiếp theo cần phải dành sự quan tâm đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học.

Người Việt ngày nay tuổi thọ được nâng cao nhưng tầm vóc thấp bé, thể lực yếu ớt, đó là hậu quả của quá trình chăm sóc, dạy dỗ từ khi trẻ bắt đầu đến lớp.

“Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam”

Miễn học phí trẻ 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở ngân sách phải chi thêm 4.730 tỷ đồng, nên chăng vẫn tiến hành thu học phí nhưng dành số tiền 4.730 tỷ đồng cho chương trình sữa học đường mà không bắt phụ huynh phải chi tiền để tránh tình trạng có cháu bé phải ngồi nhìn bạn uống sữa?

Thứ hai, dạy cái gì?

Người Việt nói rất hay, văn bản viết rất chuẩn, học sinh thi quốc tế đạt nhiều giải thưởng nhưng những chủng loại sản phẩm công nghiệp nào đã được doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hoàn chỉnh từ A đến Z? 

Nền giáo dục Việt Nam ngày nay đang trong giai đoạn dạy những gì mà thày cô được đào tạo (trong khuôn khổ quy định) chứ chưa phải là dạy cái mà xã hội cần.

Nếu phải nói cụ thể thì giáo viên chỉ được phép dạy những gì mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép.

Giáo dục phải hướng tới dạy những kiến thức để người lao động có thể có việc làm nuôi sống bản thân và gia đình.

Dạy làm sao trẻ em tốt nghiệp trung học cơ sở đã có thể làm việc chứ không phải chờ học xong trung học phổ thông, rồi học nghề rồi mới đi làm. 

Nói theo cách của người phương Tây là phải dạy cho trẻ em biết “Không có bữa trưa nào là miễn phí”, không lao động thì đói, đừng cầu xin sự bố thí của người khác.

Điều mà từ lâu những nhà giáo dục tâm huyết mong mỏi là giáo dục phải dạy cho thế hệ trẻ sự trung thực, biết làm việc theo nhóm, dạy cho người Việt biết xấu hổ. 

Dạy cho nông dân biết trồng rau sạch, nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm sạch, dạy cho người buôn bán không buôn hàng cấm, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

Tiếp theo là dạy cho công dân - đặc biệt là lực lượng thực thi và bảo vệ pháp luật - biết tôn trọng pháp luật.

Nếu biết tôn trọng pháp luật thì chính quyền thành phố Cần Thơ đã không thu giữ và có ý định sung công kim cương và đá quý cất trong tủ của người dân rồi bắt buộc phải trả lại.

Nếu công dân biết tôn trọng pháp luật, biết xấu hổ thì Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã không phải xử tù mấy vị tướng công an, thành phố Đà Nẵng không phải đề nghị khai trừ nguyên Ủy viên Trung ương và Trung ương không phải khai trừ cả nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.

Thứ ba, dạy như thế nào?

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục?

Dạy như thế nào liên quan đến mục tiêu của giáo dục, người viết cho rằng mục tiêu của giáo dục phải hướng tới “Phát triển toàn diện mỗi cá nhân; Hình thành tình yêu gia đình, đồng bào, tổ quốc ở người học và tinh thần dân chủ khai phóng ở đội ngũ quản trị quốc gia”.

Để người Việt phát triển toàn diện, cấp tiểu học chỉ cần dạy trẻ đọc thông, viết thạo, không nói ngọng, biết các phép tính đơn giản. 

Cả hai cấp mầm non và tiểu học phải tập trung giáo dục thể chất, giáo dục ý thức tập thể, ý thức lao động chứ không đặt nặng kiến thức khoa học.

Trung học cơ sở và trung học phổ thông bên cạnh kiến thức văn hóa cần tập trung giáo dục nâng cao ý thức lao động, ý thức công dân, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là khả năng tự học, tự nghiên cứu.

Bậc đại học là kỹ năng nghề, hướng tới kỹ năng sáng tạo. 

Khuyến khích sáng tạo là một trong những tiêu chí của nền giáo dục khai phóng. Giữ gìn bản sắc dân tộc không có nghĩa là bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa.

Có một nhận xét hơi buồn cười nhưng đúng là “Chỉ những người “điếc” không sợ súng mới dám sáng tạo”.

Tàu ngầm, máy bay, ôtô điện, máy nông nhiệp, xe bọc thép và nhiều sản phẩm lại do các bác nông dân chế tạo chứ không phải giáo sư, tiến sĩ.

Phải chăng vì những người không “điếc” dự cảm được nhiều gian truân trên con đường sáng tạo nên nản hay do năng lực tập trung cho chuyện “điếc” nên không còn thời gian phát minh, sáng chế?

“Học mót” là tài năng bẩm sinh của người Việt, vấn đề là dạy cách “học mót” theo kiểu nước láng giềng để dân giàu, nước mạnh chứ không phải để lo “cơm ba bát, áo ba manh” theo kiểu cổ điển.

Hoàn thiện quá trình “dạy ai, dạy cái gì, dạy như thế nào” tự khắc sẽ hình thành “Triết lý giáo dục” chứ không phải chỉ với một đề tài cấp quốc gia là có “triết lý”.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Da-co-nhom-nghien-cuu-triet-ly-giao-duc-de-tai-cap-quoc-gia-de-duoc-dong-thuan-post192777.gd

[2] http://giaoduc.net.vn/gdvn-post193092.gd

[3] https://vtc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-triet-ly-giao-duc-cua-viet-nam-la-gi-thua-bo-truong-d404341.html

Xuân Dương