Nhân đạo... nửa mùa

07/04/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Không ít ý kiến cho rằng, nhân đạo với Khá “bảnh”, Tuyền “thánh chửi” hay những người gian lận điểm trong kỳ thi quốc gia 2018 là “nhân đạo dở hơi”...

Vì sao những nhân vật xăm trổ đầy mình, vào tù ra tội như Tuyền “thánh chửi”, Khá “bảnh” lại thu hút được khá nhiều người hâm mộ trên mạng xã hội như vậy?

Phải chăng đó là sự phá cách đến mức cuồng loạn của một bộ phận người trẻ mất phương hướng, không biết thần tượng ai, thần tượng cái gì hay cũng còn nguyên nhân từ những khiếm khuyết của thể chế kinh tế, chính trị và một phần lỗi đến từ chính truyền thông?

Khá “bảnh” đã nhiều lần bị bắt vào tù, ra tù vẫn chứng nào tật ấy, bản tính ngông cuồng, coi thường kỷ cương của Khá đã được cổ nhân đúc kết: “Núi sông dễ đổi, bản tính khó dời”.

Bản tính khó dời như con khỉ đá Tôn Ngộ Không thì phải có vòng kim cô gắn trên đầu.

Trong khi đó Khá “bảnh” là kẻ có lai lịch bất hảo, khi còn vị thành niên đã bị đưa vào trại giáo dưỡng vì việc gây gổ đánh người, bị bắt mới ra tù vào năm 2017 vì tội đánh người gây thương tích,…  Lần bị bắt mới nhất vẫn tỏ ra cợt nhả, xem chuyện vào tù là bình thường.

Trước mặt công an Khá khóc, xin lỗi nhưng có chắc sau mấy lần ngồi tù, lần này Khá sẽ hoàn lương hay tiếp tục nhờn luật. Nói đúng hơn, những chế tài đã áp dụng với loại người như Khá liệu đã đủ sức răn đe?

Khá “bảnh” bị bắt không mang lại niềm vui mà là nhiều tiếng thở dài.

Vì sao Khá "bảnh" lại thu hút sự quan tâm của nhiều người trên mạng xã hội đến vậy? Ảnh: VTV
Vì sao Khá "bảnh" lại thu hút sự quan tâm của nhiều người trên mạng xã hội đến vậy? Ảnh: VTV

Nói đến “giang hồ mạng”, không thể không nói đến vai trò của Youtube, một trang web thành lập năm 2005 và chỉ một năm sau, Google đã mua lại trang web này với giá 1,65 tỷ đô la.

Một thống kê cho thấy những người truy cập trang web này 44% là nữ giới, 56% nam giới, và độ tuổi từ 12 đến 28 chiếm ưu thế. [1]

Với bản tính lì lợm cộng thêm chút yêng hùng của kẻ mới tí tuổi đầu đã vào tù ra tội, chuyện Khá trở thành thần tượng cho lứa tuổi học trò là hiện tượng đáng báo động.

Đây thực sự là mối nguy hại cho xã hội đương đại và cho cả tương lai nếu không kịp thời chấn chỉnh.

Phải chăng việc để hình ảnh kẻ bất hảo này “chiếm sóng” mạng xã hội là một trong những nhân tố tạo “cảm hứng” cho sự gia tăng bạo lực học đường ở không ít địa phương như Trà Vinh, Hưng Yên, Nghệ An,…?

Người viết cho rằng cần phải đặt hiện tượng “giang hồ mạng” trong cách nhìn tổng thể, trong tình trạng được Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:

“Dân giảm lòng tin với Đảng vì nhiều cán bộ thoái hóa” (Thanhtra.com.vn 28/05/2016).

Bảo vệ con khỏi nội dung độc hại trên Internet

Không ít ý kiến cho rằng, nhân đạo với Khá “bảnh”, Tuyền “thánh chửi” hay những người gian lận điểm trong kỳ thi quốc gia 2018 là “nhân đạo dở hơi”, nhân đạo với thiểu số nhưng mang lại hệ lụy cho đa số.

Và đến đây, không thể không nêu câu hỏi: “Đâu là “ngưỡng” nhân đạo với kẻ phạm tội  ở lứa tuổi thanh thiếu niên” mà dư luận không nên và luật pháp không được phép du di thêm?

Khoảng 400 clip “bẩn” của Khá từ văng tục đến mô tả hành động bạo lực, kích động bạo lực,… thu hút lượng người xem chủ yếu là lứa tuổi học sinh cho thấy sự tò mò, nông nổi của lớp trẻ nhưng cũng phần nào chứng tỏ sự thờ ơ của người lớn và cơ quan quản lý.

Nếu clip đốt xe máy được tới triệu lượt theo dõi và thu về khá nhiều tiền biết đâu kẻ côn đồ này lần sau sẽ đốt những thứ “hoành tráng” hơn để tiếp tục kiếm tiền.

Có hai lý do khiến cho “giang hồ mạng” tồn tại và phát triển:

Thứ nhất, một số thanh thiếu niên trở nên hư hỏng vì thiếu sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội hoặc giáo dục một cách nửa vời, không đến nơi đến chốn.

Thứ hai, Youtube trở thành công cụ kiếm tiền một cách dễ dàng qua việc đăng các clip nhảm nhí nhưng chưa bị xử phạt cho thấy lỗ hổng quản lý của pháp luật Việt Nam.

Không phải Google gỡ bỏ các clip này là xong chuyện, cần phải có chế tài xử phạt định chế này vì đã góp phần cổ xúy bạo lực, phát tán sự độc hại cho giới trẻ.

Khi các biện pháp cách ly ngắn hạn với Khá “bảnh”, Tuyền “thánh chửi” không mang lại hiệu quả, cần phải dùng các biện pháp mạnh mẽ hơn, không thể để đến mức không ít thanh thiếu niên tung hô, xin chụp ảnh chung, xin chữ ký,… những đối tượng giang hồ chính hiệu này mới tiến hành bắt giữ?

Sự ích kỷ, thực dụng của người lớn đang làm hỏng con trẻ

Giới trẻ bị lạc lối là lỗi của người lớn, nói thế không sai song “Người lớn” ở đây là ai?

Nhà nước không hề thiếu công cụ quản lý cả về luật pháp lẫn kỹ thuật.

Thông tin từ một vị lãnh đạo bộ cho hay cơ quan chức năng của Việt Nam đã xây dựng một trung tâm quốc gia giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, có thể đọc, phân tích, đánh giá, phân loại 100 triệu tin mỗi ngày.

Như vậy không có chuyện cơ quan chức năng không biết được những thông tin nhảm nhí, dung tục, kích động bạo lực mà một số đối tượng được liệt vào nhóm “Giang hồ mạng” như Khá “bảnh”, Tuyền “thánh chửi” vung vãi trên mạng xã hội.

Nhóm bạn bè cùng Khá “bảnh” dừng xe dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc bị phạt hơn 5 triệu đồng, trong khi đoàn siêu xe xuyên Việt “Car & Passion” chạy đua trên đường cao tốc bất chấp biển báo tốc độ và làn đường được xử lý thế nào không thấy công bố?

“Dạy con từ thủa còn thơ” là nhiệm vụ của cha mẹ, nhà trường và xã hội. Thực trạng bạo lực học đường xảy ra trong hệ thống trường phổ thông cho thấy cả ba đối tượng liên quan đến việc “dạy con” đều chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Chừng nào còn xuất hiện trên truyền thông quan điểm chống lại “Tiên học lễ hậu học văn” thì chừng đó đạo đức học đường còn bị xem nhẹ.

Tiếc rằng không ít tiếng nói từ những người trong ngành giáo dục lại vẫn biện minh cho quan điểm đó là “nét nhân văn” của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa chống lại “sự cổ hủ” của nền giáo dục truyền thống.

Và chừng nào sự nhảm nhí, bậy bạ lại giúp mỗi tháng kiếm được hàng trăm triệu đồng thì chừng đó con em chúng ta sẽ còn bị mê hoặc, bị biến thành giá thể cho mầm độc phát triển.

Út TrọcVũ Nhôm đều chưa học hết cấp 3, nhưng đều trở thành trung tá, thượng tá trong lực lượng vũ trang. Nhờ “anh em xã hội” mà Út Trọc có bằng đại học, phải chăng đó là “hình tượng lý tưởng” cho không ít thanh thiếu niên trong đó có nhóm “giang hồ mạng”?

Chuyện gian lận điểm thi năm 2018 tại ba tỉnh miền núi cho thấy một “triết lý”: “Cái gì bằng năng lực bản thân, bằng cách hợp pháp không đạt được được thì nhờ “anh em xã hội” sẽ làm được, miễn là trả tiền sòng phẳng”.

Người trẻ: bạn đang "nghịch" gì với đời mình?

Con số 550 triệu đồng mà đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông-Trung học cơ sở Lạc Thủy khai nhận tại cơ quan điều tra để sửa điểm 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh cho thấy đây là tội đưa và nhận hối lộ nhưng những kẻ đưa hối lộ cho đến nay vì sao vẫn chưa bị khởi tố?

Để những kẻ ngổ ngáo, vô học biến thành thần tượng cho giới trẻ chỉ là một trong các lỗi hệ thống bởi không ít người trước khi vào tù lại là nhân vật đức cao vọng trọng, luôn đi dạy người khác đạo đức và lối sống.

Một khi nhân nghĩa không cảm hóa được cái ác thì phải trừng phạt, trừng phạt mấy trăm kẻ gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018 chính là nhân đạo với số đông còn lại.

Nhân đạo nửa mùa chỉ làm cho cái xấu sinh sôi nhiều thêm./.

Xuân Dương