Trả lại tên cho liệt sĩ phải xem là nhiệm vụ quốc gia không thể chậm trễ

27/07/2015 07:38
Xuân Dương
(GDVN) - Nhiệm vụ của những người đang sống hôm nay là bằng mọi cách không để các thế hệ mai sau không biết tên những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong lòng mỗi người dân Việt, nỗi đau chiến tranh chưa bao giờ nguôi ngoai, hàng năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 có thể xem là ngày Quốc giỗ các liệt sĩ đã ngã xuống để dân tộc có cuộc sống hôm nay, để đất nước có vị thế hôm nay.

Cuộc chiến thống nhất quốc gia kết thúc năm 1975, nhưng chiến tranh biên giới mà quân dân Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược không phải kết thúc vào tháng 3 năm 1979. 

Báo chí nước ngoài viết: “Trong tháng 4 và tháng 5/1984, Trung Quốc đã mở nhiều chiến dịch dọc biên giới từ Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đến Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh và chiếm nhiều điểm cao mà trước đó Việt Nam nắm giữ…

Trong đó trận đánh nhằm giành lại Núi Đất (Trung Quốc gọi là Lão Sơn) ngày 12/7/1984 được cho là một trong các trận đánh đẫm máu và khốc liệt nhất ở Á châu nhiều thập niên trở lại đây
”. [1]

Để bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, để giúp người dân Khơ me thoát nạn diệt chủng do Polpot với sự hậu thuẫn của nước ngoài gây ra, hàng vạn chiến sĩ quân đội Việt Nam đã hy sinh trên đất nước Campuchia.

Trận đánh đẫm máu nhất lịch sử châu Á cuối thế kỷ 20 (ngày 12/7/1984) ở Vị Xuyên chưa phải là trận cuối cùng mà người Việt buộc phải cầm súng phải chống lại kẻ thù phương bắc. 

Bốn năm sau, sáng 14/3/1988, hơn 60 chiến sĩ Hải quân nhân dân tay không cầm cờ tổ quốc đã bị pháo và súng kẻ thù sát hại khi kết thành bức tường người bảo vệ đá Gạc Ma ngoài Trường Sa.

Không chỉ người lính, nhiều ngư dân cũng đổ máu  hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa, trên ngư trường truyền thống nơi Biển Đông.

Từ các trận chiến đấu ấy, thi hài nhiều người con ưu tú của dân tộc vẫn còn nằm lại nơi mảnh đất mà Trung Quốc đang chiếm đóng.

Cựu chiến binh Vị Xuyên: “Các anh hãy uống hớp rượu này với chúng tôi, như chúng ta đã cùng chia nhau mỗi người một nút biđông rượu vào cái tết bộ đội năm nào. Uống hớp rượu này để các anh bớt lạnh khi đông về, để ấm lòng dẫu vẫn xa quê hương…” (Ảnh: laodong.com.vn)
Cựu chiến binh Vị Xuyên: “Các anh hãy uống hớp rượu này với chúng tôi, như chúng ta đã cùng chia nhau mỗi người một nút biđông rượu vào cái tết bộ đội năm nào. Uống hớp rượu này để các anh bớt lạnh khi đông về, để ấm lòng dẫu vẫn xa quê hương…” (Ảnh: laodong.com.vn)

Với lính Pháp, lính Nhật, lính Mỹ, chiến tranh với Việt Nam có thể sẽ không trở lại, hay ít nhất trong nhiều thập niên tới sẽ không trở lại.

Với lính Trung Quốc chiến tranh là món ăn họ được nhồi nhét hàng ngày, đặc biệt là chiến tranh xâm lược Việt Nam. 

“Thực đơn” của họ không phải chỉ được kê bởi các cơ quan tuyên truyền như Nhân Dân Nhật báo hay Thời báo Hoàn Cầu mà còn của các chính khách, các tướng lĩnh và mạng lưới truyền thông vào loại hùng hậu nhất thế giới. 

Một trang mạng của người Hoa ở Hồng Kông viết: “Trận chiến giữa chúng ta và Việt Nam rất khó đoán, nhưng không đánh không được”. [2]

Thời Ân Hoằng cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc nói việc nước này lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) ở Biển Đông là để “đuổi Philippines và Việt Nam ra khỏi quần đảo Trường Sa”. [3]

Bài trên Thời báo Hoàn cầu trích ý kiến của Long Tao, chuyên gia của Trung tâm An ninh Phi truyền thống và Phát triển Hòa bình của Đại học Triết Giang:

Chúng ta cần thu hẹp phạm vi tấn công và tập trung vào những nước đang ra vẻ ta đây nhất hiện nay, Philippines và Việt Nam”. [4]

Những lời kêu gào chiến tranh vang lên từ Trung Quốc nhiều đến mức không thể thống kê hết, lẽ nào giới cầm quyền Bắc Kinh lại không nhận thức được cái giá phải trả cho chiến tranh?

Lẽ nào những tướng lĩnh Trung Quốc từng chỉ huy quân lính xâm lược Việt Nam không biết tổn thất mà họ nhận được cao như thế nào? 

Một khi người ta kêu gọi chiến tranh thì dù không muốn, chúng ta vẫn phải chuẩn bị đáp trả. Lịch sử phải chăng đang lặp lại? Tỉnh táo một chút sẽ thấy sự giống nhau giữa thời điểm 1979 với năm 2015 này. 

Trước năm 1979, để chuẩn bị chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam, đã có thế lực bên ngoài vũ trang và cố vấn cho bè lũ Polpot gây chiến tranh biên giới phía Tây Nam, khi quân đội Việt Nam tiêu diệt bọn diệt chủng thì cũng là lúc họ có cớ phát động chiến tranh xâm lược. 

Ngày nay, vẫn chiêu bài cũ, vẫn là tiền của, cố vấn nước ngoài tràn ngập khắp lãnh thổ Campuchia, vẫn là chiêu bài gây rối trên biên giới hai nước nhưng mục đích của "thế lực bên ngoài" không chỉ là biên giới phía bắc mà chủ yếu là Biển Đông. 

Nếu nghĩ rằng Hiệp định biên giới đã ký với Trung Quốc sẽ được tôn trọng thì thật ngây thơ, năm 2009 Hoàn Cầu Thời báo kêu gọi: “Vấn đề Biển Đông, vì sao Quân Giải phóng không chọn phương thức giải quyết trên bộ?”. [5]”

Vậy thì khi nào họ sẽ lặp lại chiêu bài “phản kích tự vệ”? Và nếu điều đó xảy ra, bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam sẽ nằm lại nơi chiến trường?

Phải chăng đó là khi họ đã chuẩn bị xong thùng thuốc súng ở biên giới Tây Nam nước ta? Hay là khi họ đã thỏa thuận được với các nước lớn để phân chia thị phần như năm 1972? 

Hay là sau khi cuộc viếng thăm Hoa Kỳ dự kiến vào tháng 9 năm nay đạt được thống nhất? Hay là khi họ cần giải tỏa nỗi bất bình dâng cao trong dân chúng, đặc biệt là tầng lớp giàu có khi nền kinh tế phát triển chậm lại và dòng người giàu có đang ùn ùn chạy ra nước ngoài? 

 “Kết quả khảo sát năm 2012 của Ngân hàng Trung Quốc và tạp chí Hồ Nhuận, ấn phẩm chuyên phân tích, xếp hạng về giới nhà giàu nước này, cho thấy 60% trong số khoảng 960.000 người có tài sản trên 1,6 triệu USD đang tính đường ra nước ngoài sinh sống”. [6]

Trả lại tên cho liệt sĩ phải xem là nhiệm vụ quốc gia không thể chậm trễ ảnh 2
Người Trung Quốc chờ làm thủ tục di dân diện EB5 tại Mỹ (Ảnh: The Wall Street Journal)

Có ý kiến cho rằng khi Trung Quốc mạnh về quân sự và kinh tế họ sẽ không ngần ngại phát động chiến tranh với láng giềng, điều này không hoàn toàn đúng. Khi cần đối phó với khủng hoảng mất niềm tin trong nước, chiến tranh cũng là phương thức người ta sẵn sàng sử dụng. 

Thật không may là tình hình Trung Quốc hiện nay hội tụ đủ cả hai yếu tố, vừa giàu mạnh, vừa mất niềm tin, vậy nên không còn là quá sớm để nhắc lại một lần nữa câu hỏi: “Ở đâu và khi nào họ sẽ lặp lại chiêu bài phản kích tự vệ?”. 

Trong cái rủi có cái may, năm 1979 chúng ta dù có chính nghĩa vẫn bị phần lớn thế giới cô lập, ngày nay loài người đã nhận thức được rất rõ tham vọng của giới cầm quyền Trung Quốc, dù họ chỉ có thể ủng hộ chúng ta bằng lời nói, điều đó cũng tốt hơn nhiều so với sự im lặng.

Dù tình hình biên giới phía Tây Nam có không ổn định, song điều đó không có nghĩa là những kẻ cực đoan ở Campuchia đủ sức mạnh để hành động như Polpot. 

Trả lại tên cho liệt sĩ phải xem là nhiệm vụ quốc gia không thể chậm trễ ảnh 3

Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở trận Điện Biên Phủ

(GDVN) - Pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đều có mặt ở tuyến xuất phát xung phong. Quyết định hoãn trận đánh sẽ tác động tới tinh thần bộ đội như thế nào?

Đa số người có trách nhiệm ở Campuchia ngày nay, dù rất cần tiền của "nước ngoài" nhưng vẫn chưa mất đi tỉnh táo để nhận thức, rằng khuấy rối bầu không khí hòa bình, hữu nghị giữa hai dân tộc, hậu thuẫn cho chủ nghĩa bành trướng chỉ làm đất nước họ trở nên cô độc hơn trong ASEAN, trên trường quốc tế và đó là nguy cơ làm cho hồn ma Polpot sống dậy.

Thời báo Hoàn Cầu từng đe dọa: “Việt Nam, Philippines đừng đánh giá thấp dũng khí và năng lực của Trung Quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Nhật, kháng Mỹ viện Triều, tự vệ chống Ấn Độ xâm lược, Trung Quốc đều giành phần thắng”. [2]

Người Việt không bao giờ đánh giá thấp “dũng khí và năng lực của Trung Quốc”, vậy nên những cái đầu nóng như Thời báo Hoàn Cầu cũng đừng bao giờ đánh giá thấp “dũng khí và năng lực của Việt Nam”. 

Người Việt có thể ít tên lửa, máy bay, tàu ngầm… nhưng chưa bao giờ thiếu dũng khí, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hy sinh chỉ để nói cho kẻ xâm lược biết một điều: “Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn, cũng phải giữ cho được tự do, độc lập”.

Kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 năm nay, bên cạnh niềm xót thương vô hạn của cả dân tộc dành cho các chiến sĩ đã ngã xuống, còn một niềm khắc khoải đến đau lòng của bao ông bố, bà mẹ, người vợ, anh em, con cháu các liệt sĩ, trong đó có người viết, khi phải đọc dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”.

Như thông tin từ ông Đào Ngọc Lợi, Cục phó Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện còn hơn nửa triệu liệt sĩ chưa xác minh được thông tin mặc dù đã có hai đề án quy hoạch xác định thông tin liệt sĩ từ nay đến năm 2020. [7]

Xét nghiệm ADN chỉ có thể khi hài cốt các liệt sĩ chưa trở về cát bụi, để lâu vài chục năm nữa, có muốn cũng chưa chắc đã làm được. 

Liệu số tiền để “trả lại tên cho anh” có nhiều bằng khoản lỗ, nợ 10.000 tỷ của Vinashinlines hay bằng 18.000 tỷ mà nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng sử dụng cho cá nhân? [8]

Trả lại tên cho liệt sĩ phải xem là nhiệm vụ quốc gia không thể chậm trễ ảnh 4
Nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng rút 18.000 tỷ sử dụng cá nhân (Ảnh chụp màn hình 25/7/2015)

Với 300.000 liệt sĩ đã quy tập nhưng thiếu thông tin, trong khi cả nước chỉ có 5 đơn vị giám định ADN tham gia quá trình này, tại sao lại như vậy? Ngân sách có thể không đủ nhưng tiền dân không thiếu, vấn đề là chủ trương và ý thức của người chịu trách nhiệm. 

Nếu Nhà nước kêu gọi, chưa nói toàn dân, chỉ gia đình, thân nhân của 300.000 liệt sĩ quyên góp cũng có thể có hàng ngàn tỷ đồng cho công việc này.

Trả lại tên cho liệt sĩ phải xem là nhiệm vụ quốc gia không thể chậm trễ ảnh 5

"Xương máu của chúng tôi được đền đáp thế này sao?"

(GDVN) - Trước chủ trương NĐ không nhận con thương binh, liệt sỹ học dân lập thi công chức hành chính, nhiều thương binh quê ở NĐ thất vọng.

Liệu đã đến lúc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Công an, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan Nhà nước cần phải xem việc trả lại tên cho liệt sĩ là nhiệm vụ cấp quốc gia không thể chậm trễ?

Liệu có nên thành lập Ủy ban quốc gia tìm kiếm thông tin liệt sĩ thay vì nhiều cơ quan riêng lẻ như hiện nay?

Chiến tranh chống xâm lược chưa thể nói là chấm dứt trên dải đất hình chữ S đầy đau thương và anh dũng này, nhiệm vụ của những người đang sống hôm nay là bằng mọi cách không để các thế hệ mai sau không biết tên những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Đừng viện dẫn bất cứ lý do gì để trì làm chậm quá trình trả lại tên cho các liệt sĩ.

Tài liệu tham khảo: 

[1http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/07/150713_laoshan_anniversary

[2] http://vtc.vn/bao-chi-trung-quoc-dang-hieu-chien-the-nao.311.341525.htm

[3] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Thoi-An-Hoang-Trung-Quoc-xay-dao-de-ngan-My-duoi-Viet-Nam-Philippines-post160353.gd

[4]http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2011/09/110930_china_threatening_comments.shtml

[5http://www.bbc.com/vietnamese/world/2009/12/091203_manghoancau_biendong.shtml

[6] http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi/nha-giau-trung-quoc-tim-duong-ly-huong-475303.html

[7] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/con-hon-nua-trieu-liet-si-chua-xac-minh-duoc-thong-tin-3253460.html

[8] http://vtc.vn/he-lo-giat-minh-nguyen-chu-tich-ngan-hang-xay-dung-rut-18000-ty-su-dung-ca-nhan.1.564216.htm

Xuân Dương