Trông cậy gì ở tương lai khi người lớn “Tam bất” như thế?

18/03/2015 07:16
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) -Cho rằng “Trông cậy gì ở tương lai khi thế hệ trẻ dã man như thế” là vội vàng? hãy đặt vấn đề ngược lại “Trông cậy gì ở tương lai khi người lớn Tam bất như thế"

Sự việc một nhóm học sinh trường PTCS Lý Tự Trọng, Trà Vinh cậy đông đánh bạn ngay trong phòng học đã được phân tích dưới nhiều góc độ. Câu hỏi cần đặt ra sau vụ việc không phải chỉ với nhóm học sinh hư hỗn này mà còn với người lớn, từ các bậc phụ huynh đến những quan chức ngành Giáo dục tỉnh Trà Vinh và những cấp cao hơn, tất nhiên không loại trừ cả các cơ quan chức năng có trách nhiệm liên đới.

Về phía phụ huynh, sự quan tâm đến sức khỏe và việc học tập của con cái luôn là ưu tiên hàng đầu vậy mà sau hai tháng con gái kêu đau, mệt cha mẹ vẫn không tìm hiểu nguyên nhân, thiếu sót này tuy đáng trách nhưng có thể thông cảm. Ở miền quê, vùng sâu, vùng xa ít bậc cha mẹ có đủ thời gian và kiến thức trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái, mọi sự gần như phó mặc nhà trường và xã hội. 

Lo cho gia đình đủ ăn, đủ mặc luôn là nỗi lo thường trực với phần lớn gia đình nông dân, công nhân kể cả một số viên chức, giáo viên…, thời gian dành cho con cái chỉ vẻn vẹn một hai tiếng buổi tối trong trạng thái mệt mỏi sau một ngày lao động. Hậu quả tất yếu được thể hiện qua lời thừa nhận của người cha: “Tôi là một người cha thất bại”.

Liệu thực sự đó chỉ là thất bại của người cha, của gia đình hay là thất bại của một nền giáo dục, của cả nền văn hóa?

Có tác giả viết:  “Trông cậy gì ở tương lai khi thế hệ trẻ dã man như thế?”. Có người tỏ ra sửng sốt, thậm chí còn khóc trước chuyện trẻ con đánh nhau? Điều cần làm không phải là khóc mà là dành thời gian tìm hiểu điều gì đang tác động đến tâm lý trẻ thơ, phải chăng những học sinh đánh bạn sinh ra đã mang sẵn gen bạo lực?

Hãy thử tìm hiểu xem món ăn tinh thần hàng ngày của người Việt, cả người lớn lẫn trẻ con là gì? Từ báo giấy đến báo mạng, từ tivi đến băng đĩa chỗ nào cũng thấy “cướp, hiếp, sốc, sex”. Trên trang chủ một báo điện tử, gõ từ khóa tìm kiếm “cậu nhỏ”  nhận được 125 kết quả,  nghĩa là ít nhất báo này đã có khoảng trăm bài viết chỉ về  đề tài “cậu nhỏ”!

Ảnh chụp màn hình ngày 16/3/2015
Ảnh chụp màn hình ngày 16/3/2015

Người đọc nhận thức yếu, đặc biệt là lớp trẻ, tiếp xúc liên tục với “cướp, hiếp, cậu nhỏ” như thế không làm theo mới là chuyện lạ. Hành động yêng hùng của trẻ con bắt nguồn từ chính những bộ phim siêu nhân hàng ngày trình chiếu trên truyền hình, từ những hành động của người lớn mà trẻ con  có thể nhìn tận mắt.

Làm đến Phó Giám đốc sở mà vẫn “uỵch” nhau ngoài quán (Bình Phước), là chiến sĩ công an mà “choảng” nhau ngoài đường (Hưng Yên), là Phó ban Tổ chức Quận ủy mà bị truy tố về tội tổ chức giết người (Cầu Giấy-Hà Nội), làm trái luật nhưng cấp dưới (Thanh tra Hà Tĩnh) vẫn lớn tiếng tố cáo cấp trên (Thanh tra Chính phủ) là “áp đặt, máy móc, không thấu tình đạt lý”… thì chuyện trẻ con kéo bè đánh bạn liệu có nên coi là hiện tượng quá đặc biệt?

Phê phán, phẫn nộ, lý giải  hay lắc đầu trước chuyện trẻ con kéo bè kéo cánh đánh bạn là cách xử sự của từng người nhưng trả lời câu hỏi “tại sao chúng lại đánh bạn” thì chắc chắn trước hết phải thuộc về những người và cơ quan có trách nhiệm.

Vậy những ai là người có trách nhiệm?

Trong phạm vi nhỏ như trường PTCS Lý Tự Trọng đó là giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu nhà trường, tổ chức đoàn, đội và chi bộ Đảng. Để cho những người này ngồi xem xét kỷ luật học sinh liệu có hợp lý khi chính họ cũng là người có lỗi, chính họ là người phải bị kỷ luật trước hết.

Không thể có bất kỳ biện minh nào cho sự thiếu trách nhiệm của những cá nhân liên quan đến vụ viêc tại trường này. Trước khi nghĩ đến chuyện đuổi học trẻ con hãy nghĩ đến chuyện đưa họ ra khỏi ngành, để họ tại vị nghĩa là bắt buộc phụ huynh và học trò vẫn phải gọi họ là thầy cô trong khi họ không xứng đáng được tôn trọng như vậy. 

Nên nhớ sự thiếu trách nhiệm của một số cá nhân tại trường Lý Tự Trọng, Trà Vinh không chỉ khiến một học sinh bị đánh đập dã man mà còn tiềm ẩn nguy cơ nhiều học sinh khác cũng có thể bị xâm phạm thân thể tương tự.

Một bài báo nhắc đến chuyện “Tiên học lễ, hậu học văn”, tác giả đã liên tưởng vấn đề bạo lực học đường với chuyện dạy thêm, học thêm và cho rằng nếu không chú ý đến “dạy và học làm người” thì thật đáng lo ngại.

Chợt nhớ mấy chục năm trước, khi một nhà giáo đáng kính mà con cái gần như toàn là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đặt vấn đề “Tiên học lễ, hậu học văn” thì chính trên tờ báo (giấy) này đã có bài đả kích kịch liệt, rằng đó là quan điểm cổ hủ, muốn kéo đất nước quay lại thời phong kiến…

Ở tầm cao hơn, đó là các cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục, an ninh… Một câu hỏi không khó trả lời nhưng chưa bao giờ được trả lời là vì sao những vấn đề “nhạy cảm” mang tính phản biện xã hội được quản lý rất chặt chẽ còn những phim ảnh, tin, bài cướp, hiếp, đâm chém thì thoải mái đăng tải? Phải chăng việc cấm, hay chí ít là hạn chế tối đa các ấn phẩm độc hại ấy vi phạm quyền tự do báo chí hay còn là vì bát cơm manh áo của người ta nên chưa thể?

Đặt chuyện trẻ con đánh bạn trong bối cảnh đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng để thấy đó chỉ là một vài nét chấm phá trong bức tranh tổng thể. 

Một bài viết của PGS. TS Đoàn Thế Hanh trên Tạp chỉ Cộng sản có đoạn: “những yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Ai cũng thấy rõ tình trạng yếu kém trong quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội ở nước ta hiện nay đều do năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ; do tình trạng pháp luật chưa đủ, chất lượng chưa cao, thi hành chưa nghiêm ở cả người duy trì và người chấp hành pháp luật”. [1]

Tình trạng mà bài báo nêu lên có thể gói gọn trong cụm từ “tam bất”: bất tri, bất lực, bất tâm.

“Bất tri” là nói về một số người thuộc vào đội ngũ được gọi là “nguyên khí quốc gia”, một đội ngũ được xem là rất hùng hậu về số lượng, thuộc diện đứng đầu Đông Nam Á nhưng thành tựu thì thuộc hàng áp chót. Sự nguy hiểm không chỉ ở chỗ không ít người chen ngang vào hàng ngũ trí thức với hành trang là quyền lực và sự giàu có mà còn ở chỗ họ nắm quyền chỉ bảo người khác.

Một “quan tiến sĩ” chuyên nghiên cứu về văn hóa Thủ đô biện luận, rằng cướp ở lễ hội Gióng (Sóc Sơn-Hà Nội) là “cướp có văn hóa”, “cướp” ấy xuất phát từ truyền thống lễ hội địa phương. Lập luận này khiến người ta phải đặt câu hỏi, rằng nếu ai đó hay ở đâu đó đã có “truyền thống nói dối”, thì việc tiếp tục công khai nói dối có phải cũng là hành động “nói dối có văn hóa”?

Nếu quả như thế thì trong kho tàng ngôn ngữ Việt sẽ xuất hiện hàng loạt cụm từ mới như “tham nhũng có văn hóa”, “ích kỷ có văn hóa”,  “kèn cựa có văn hóa”, “vô nguyên tắc có văn hóa”…, bởi vì  cái “bộ phận không nhỏ” (được đề cập trong Nghị quyết 12 Hội nghị TƯ4 khóa XI) vốn có truyền thống là “…ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” [2]. Trí thức hùng biện được như thế chắc hẳn cũng phải là phải là “trí thức có văn hóa”!

“Bất lực” với mỗi cá nhân là khả năng đề kháng kém trước bệnh tật, trước các thói hư tật xấu ngoài xã hội, ở tầm cao hơn là khả năng bảo vệ và thực thi pháp luật. Như bài báo nêu trên, tình trạng yếu kém trong quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội “đều do năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ; do tình trạng pháp luật chưa đủ, chất lượng chưa cao, thi hành chưa nghiêm…”. Một khi luật vừa “chưa đủ” vừa “chất lượng chưa cao” lại kèm theo “thi hành chưa nghiêm” thì luật pháp mất đi khả năng răn đe, nó dễ làm cho người vi phạm nhờn luật.

Làm đến Phó Giám đốc sở, cỡ “tứ thập nhi bất hoặc” mà còn cầm cốc bia choảng vào đầu Phó giám đốc cỡ “ngũ thập tri thiên mệnh” thì riêng chuyện làm “người lớn” đã không xứng đáng chứ đừng nói là làm lãnh đạo cấp sở. Không biết hành động của hai vị Phó giám đốc nọ có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín đội ngũ cán bộ tỉnh Bình Phước hay không mà một chỉ bị giáng chức, người kia chỉ bị cảnh cáo?

Lái xe chỉ cần độ cồn trong máu vượt ngưỡng là có thể tịch thu bằng lái, nghiêm trọng đến mức gây tai nạn vỡ đầu chảy máu có thể bị tịch thu phương tiện - Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định như vậy. Tại sao tỉnh Bình Phước không dám tịch thu “Thẻ công chức” của hai vị công chức nọ cho họ về quê, hay là vì tỉnh không đủ người tài để cử làm Phó giám đốc sở?

“Bất tâm” là nói về tâm đức con người. Báo chí nói mãi, Chủ tịch nước hỏi về “bộ phận không nhỏ” nó lẩn trốn ở đâu? Thế nhưng tìm thấy rồi chỉ phê bình, cảnh cáo, hạ chức vụ hay quân hàm và vẫn để họ tiếp tục là thành viên của “bộ phận không nhỏ”! Vậy thì tìm thấy phỏng có ích gì? Cái “bộ phận không nhỏ” mà ai cũng nghi là “nằm ở đâu” ấy thì ít thấy được chỉ ra cụ thể, phải chăng vì thế mà nó vẫn “mãi chưa nhỏ”.

Trông cậy gì ở tương lai khi người lớn “Tam bất” như thế? ảnh 2

Rơi nước mắt đi tìm “Bộ phận không nhỏ”

(GDVN) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi,Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời đượ

Mấy đứa trẻ con đang tuổi cắp sách ở Hải Phòng giằng mũ nón trêu chọc nữ sinh, lập tức tòa án được mở và thế là có đứa trẻ bị xử tù tới 36 tháng. Viện Kiểm sát, Tòa án Tiên Lãng bảo đấy là ăn cướp, đấy là hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng người khác. 

Còn chuyện ông Bí thư huyện ủy Thạch Thành giằng cả “đàn dê xóa đói” của dân miền núi, mấy ông Chủ tịch, Bí thư xã Quế An-Quảng Nam giằng cả “đàn gà giảm nghèo” của dân quê thì sao? Sao chẳng thấy “người lớn” nào bị tù vì cái tội gấp mấy chục lần trẻ con? Chẳng lẽ chuyện “ăn bẩn” của những công chức  ấy không phải là hành vi nguy hiểm đến an ninh chính trị, đến sự tồn vong của chế độ? Liệu có ai không cảm thấy xót xa cho mấy đứa trẻ bị kết án tù khi biết mấy “đứa người lớn” nêu trên vẫn ung dung tại vị?

Không phải là không có các loại thuốc đặc trị mạnh hơn “liệu pháp vuốt ve”, đơn thuốc thì các “thầy thuốc nhân dân” đã kê sẵn nhưng vì sao việc buộc các “bệnh nhân không nhỏ” uống thuốc lại bất khả thi. Trong chuyện này bất lực thì ít mà bất tâm thì nhiều.

Hai vị Phó giám đốc sở ở Bình Phước đánh nhau ngoài quán. Ảnh minh họa của Thời báo Đông Nam Á
Hai vị Phó giám đốc sở ở Bình Phước đánh nhau ngoài quán. Ảnh minh họa của Thời báo Đông Nam Á

Trở lại chuyện mấy đứa trẻ đánh bạn ở Trà Vinh, đuổi học là một sự thất bại của giáo dục, đúng là như vậy. Nhưng đánh người gây thương tích, dù là vị thành niên cũng là phạm luật và cần phải bị trừng trị nghiêm khắc. Cách tốt nhất là đưa những đứa trẻ này vào trại giáo dưỡng một thời gian sao cho chúng cảm nhận được hành vi đánh người là một tội lỗi.

Những ý kiến cho rằng học sinh lớp 7 đang còn là vị thành niên, đang trong thời gian phát triển tâm sinh lý nên cần thông cảm, điều này không sai song không nên quên rằng ngôi trường mang tên người thiếu niên anh hùng Lý Tự Trọng chẳng lẽ không khiến cho mấy học sinh này cảm nhận được điều gì? 

Chẳng lẽ nhà trường không bao giờ dạy cho học sinh biết Lý Tự Trọng hy sinh vì tổ quốc khi bao nhiêu tuổi? Không được giáo dục nghiêm khắc, đứa bé yêng hùng sẽ rất dễ trở thành “đứa lớn bất hảo”, điều này là một thực tế mà bất kỳ ai có tâm xin đừng cố ngụy biện.

Các loại tội phạm tại Singapore ngoài hình thức phạt tiền, phạt tù còn hình thức đánh bằng roi, chiếc roi được tẩm hóa chất làm tăng độ xót của vết đánh khiến kẻ bị phạt ghi nhớ suốt đời. Còn chúng ta, “liệu pháp vuốt ve” như “nghiêm túc rút kinh nghiệm” hay “nghiêm túc viết kiểm điểm” có làm cho tội phạm sợ hãi? Không dám dùng roi phải chăng vì người ta sợ hết nhiệm kỳ chiếc roi sẽ chuyển sang tay người khác?

Than thở rằng “Trông cậy gì ở tương lai khi thế hệ trẻ dã man như thế” có lẽ là hơi vội vàng, hãy đặt vấn đề ngược lại “Trông cậy gì ở tương lai khi người lớn “Tam bất” như thế” mới là cách nghĩ của người lớn./.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/xay-dung-dang/2012/16121/Tim-hieu-nguyen-nhan-tinh-trang-suy-thoai-tu-tuong-chinh-tri.aspx

[2] http://tutuonghochiminh.vn/vankien/nghi-quyet-so-12-nqtw-hoi-nghi-lan-thu-4-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-mot-so-van-de-cap-bach-ve-xay-dung-dang-hien-nay.d-601.aspx

XUÂN DƯƠNG