Truyện Ngu Công dời núi và Công Ngu xây núi

18/10/2015 08:04
Xuân Dương
(GDVN) - Người đời nay thường quan tâm đến Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, tuy vậy chuyện “Ngu Công dời núi” trong Liệt Tử thì không ai là không biết.

Trong tác phẩm Liệt Tử và Dương Tử, cụ Nguyễn Hiến Lê đề cập đến một triết gia cổ đại Trung Hoa có tên là Liệt Ngự Khấu, người này sinh vào khoảng năm 430, mất khoảng năm 349 trước công nguyên. 

Tương truyền Liệt Ngự Khấu là tác giả bộ sách có tên là “Liệt Tử”. Giới nghiên cứu cho rằng Liệt Tử được viết mãi sau này, vào đời Ngụy, Tấn nhưng mạo danh Liệt Ngự Khấu để đề cao tác phẩm. [1]

Người đời nay thường quan tâm đến Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, tuy vậy chuyện “Ngu Công dời núi” trong Liệt Tử thì không ai là không biết.

Con tem minh họa câu chuyện Ngu Công dời núi (Ảnh: Internet)
Con tem minh họa câu chuyện Ngu Công dời núi (Ảnh: Internet)

Có một điều cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi, ấy là về tên gọi “Ngu Công”, Liệt Ngự Khấu không nói rõ, các tác giả thời Ngụy, Tấn cũng không nói rõ “Ngu Công” là họ tên hay chỉ là cách xưng tụng. 

Có người cho rằng Ngu Công là cách người đời nói về một nam tử (công) trí tuệ đạt đến độ được xem là vô vi. Phật giáo coi vô vi là không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, không vì nhân duyên mà sinh ra. 

Những người học vấn, trình độ đạt đến mức cao siêu thường tự nhận mình là “Ngu tử”, lời vàng ý ngọc tuôn ra nhưng lại nhận là “ngu ý”… Người trung tuổi khiêm tốn nói chuyện với kẻ dưới thường xưng là “Ngu huynh”. Từ đó suy ra, người thông tuệ, bề ngoài tỏ ra không biết gì (ngu) được gọi là “Ngu Công”. 

Còn có người bảo ông già ấy không phải là triết gia, đấy chỉ là ông già họ Ngu tên Công. Căn cứ vào cốt truyện về một ông lão sống ở miền sơn cước có lẽ nói rằng ông lão ấy họ Ngu tên Công là hợp lý.

Vào ngày cuối thu, đi đâu mà vội, bịa thêm vài dòng chắc chẳng ai nỡ trách người viết câu giờ, xin thêm đôi lời dông dài về từ “công”. Trong Hoa ngữ, từ “công” không chỉ dành cho nam mà cả nữ, các mệnh phụ quyền quý về già được gọi là “Lão Thái công”. 

Truyện Ngu Công dời núi và Công Ngu xây núi ảnh 2

Đã thấy đông về trong gió thu

(GDVN) - Phải chăng chính vì để con người có lúc trầm xuống, có lúc bình tâm đánh giá bản ngã của mình mà thiên nhiên đã tạo ra mùa thu?

Tuy nhiên người ta cứ nhầm lẫn mà cho rằng từ “công” chỉ dành cho nam giới, điều này có thể xuất phát từ chốn cung đình.

Nam nhân phục vụ hậu cung vốn là “công” (nam) nhưng vì tịnh thân (bị thiến) nên không còn hoàn toàn là “công” nữa, họ được gọi là “công công”, còn nữ tỳ hầu hạ Vua thì không bị “tịnh thân” (có gì mà “tịnh”) nên họ vẫn là “tỳ”, chẳng ai gọi họ là “tỳ tỳ”.

Tóm tắt truyện Ngu Công dời núi như sau: Ngày xưa ở thôn Thạch Phùng nước Đại Chúc có ông già họ Ngu tên Công, nhà của Ngu Công phía trước bị án ngữ bởi hai ngọn núi Thái Hành và Vương Ốc.

Cảm thấy bất tiện vì phải đi vòng quanh núi, tầm nhìn lại bị chắn mất, Ngu Công quyết định cùng con cháu đào núi đổ đi. [2]

Người trong thôn thấy thế khuyên: “Ông già sắp đến lúc quy tiên rồi, làm sao có thể đào hết hai ngọn núi này”.
 
Ngu Công đáp: “Tôi già nhưng có con, con tôi già thì có cháu, con cháu kế tiếp đời này qua đời khác vô cùng vô tận. Đất đá trên núi xúc đi ít nào vơi đi ít ấy, không thể mọc thêm, làm sao không dời được núi”.

Đời sau khen những người như Ngu Công chí cao hơn núi, dẫu chưa bằng bà Nữ Oa đội đá vá trời nhưng ba cái chuyện trên mặt đất chắc chắn làm được. 

Tuy thế cũng có kẻ độc mồm độc miệng bảo rằng: “Họ Ngu ấy đúng là ngu, sao lúc làm nhà không chọn hướng khác mà lại hướng vào núi, trót làm nhà ở đấy rồi sao không chuyển nhà đi nơi khác? Chuyển nhà, làm nhà mới chỉ mất một hai năm, dốc sức đào núi thì lấy gì mà ăn, đói ăn thì con cháu truyền được mấy đời…”.

Truyện ngày xưa bên Tàu chẳng qua chỉ là hư cấu nhằm răn dạy người đời. Tuy thế gần đây có chuyện thật là Trung Quốc đã có kế hoạch san bằng 700 ngọn núi, đổ đất đá vào các thung lũng nhằm tạo ra hơn 401km2 mặt bằng để xây dựng các thành phố mới. [3]

Thế mới biết sự đời biển dâu, mỗi lúc một khác, nào là núi biến thành hồ, biển biến thành ao, sông biến thành nghĩa địa... 

Đến thời @, qua cơn “giấu mình chờ thời” người Tàu còn có khối chuyện khiến thiên hạ đứng tim, chẳng hạn nhiều tiền ít chữ, đi du lịch luôn bị chê, đến mức ở Thụy sĩ phải làm riêng đoàn tàu chở du khách Hoa lục. Lại còn quyền cao thì thì nhiều … con gái, giàu có muốn dì được dì thì “trên bảo dưới không nghe”,…

Thiên nhân đảo lộn nhiều khi trái ngược hẳn nhau, dùng chuyện xưa mà vận vào đời nay có khi đúng nhưng cũng có khi sai bét. 

Về chuyện Ngu Công, thấy dân “chém gió” thêm mắm thêm muối, rằng vào lúc loạn lạc, đâu như  thời Xuân Thu Chiến Quốc, mải mê đào núi, xúc phạm Sơn thần, hậu duệ Ngu Công liên tục gặp vận rủi, gia tộc có nguy cơ tuyệt tự. 

Cháu chắt Ngu Công lập đàn tạ lỗi hai vị Sơn thần Thái Hành, Vương Ốc (vốn bị mất chỗ ở đang phải đi ở nhờ), rằng sẽ xây lại núi rước các vị về cai quản.

Nghe bùi tai, với lại các thần cũng thương bầy con cháu họ Ngu chịu khổ đã lâu, các thần phán rằng: “Nay chúng ta sẽ giúp dòng tộc các người đổi vận bằng cách đổi họ thành tên, đổi tên thành họ. Từ nay các người sẽ là hậu duệ của Công Ngu”.

Lời hứa của hai vị thần quả nhiên linh nghiệm, chẳng biết các thần giúp bằng cách nào mà các nàng dâu họ Công đẻ như châu chấu, nhân khẩu phát triển không ngừng. 

Con cháu họ Công từ đó lan tỏa khắp mọi ngõ ngách địa cầu, quy mô thế giới có chi Công Đoàn, Công nhân, chiếm lĩnh chính trường Anh Cát Lợi, Ấn Độ hay xứ chuột túi là chi Công Đảng, trong phạm vi mỗi quốc gia có chi Công bộc, Công chức… Còn chi Công quyền, Công khoản thì vẫn là chi trưởng, giữ quyền thờ cúng tổ tiên ở đại lục.

Ở đời, ai biết được chữ ngờ, lúc mới phá núi, họ Ngu là ông lão già nua lẩm cẩm, con cháu họ Công bây giờ sức khỏe cường tráng, gia thất đề huề, tam thập nhi lập là đủ cả “một vợ, hai con, ba lầu, bốn bánh (ôtô)”. 

Họ Ngu ngày trước dựng nhà “hướng núi”, đa phần họ Công bây giờ dựng nhà  “hướng lộ”, hoặc thênh thang giữa chốn ruộng đồng, cứ tưởng thế là “ngon” hóa ra lại sinh chuyện. Bực bội vì xung quanh thoáng đãng, gió lùa thoải mái, mấy tay “phó nhòm” lợi dụng bấm máy lung tung. 

Thế nên các bậc trưởng lão họ Công quyết định cả họ phải xây tường cao, bên trong khuân đá to chất đầy mọi chỗ, theo đúng lời hứa với Sơn thần là xây lại núi (giả sơn) để các vị ngự trị!

Núi thì phải có cây, thế nên còn phải bê nhiều cây hàng trăm năm tuổi về trồng, vừa làm vui lòng thần núi, vừa cho gió hết đường luồn lách, một số còn có sáng kiến đào suối bao quanh như hào lũy thời trung cổ. 

Truyện Ngu Công dời núi và Công Ngu xây núi ảnh 3
Giả sơn và cổ thụ (ảnh Internet)

Thấy thế một người làm nghề buôn gió bảo họ Công “ông chất đá, xây núi nhiều thế liệu có che kín hết được không, bây giờ các phương tiện bay chụp ảnh (Flycam) đầy rẫy, trẻ con cũng điều khiển được”.

Họ Công đáp: “Ông biết một mà chẳng biết mười, nó bay cao thì tôi xây cao, nó bay cao mãi hết xăng phải rơi xuống, đá tôi chất càng nhiều càng vững, tôi làm không xong thì con tôi làm, cháu tôi làm, nhà tuy chỉ có con gái nhưng con trai tôi gửi… khối”!

Còn cái chuyện xây mãi lấy gì mà ăn như hàng xóm Ngu Công lo lắng thì khỏi. Cụ trưởng chi Công quyền đã có chỉ đạo con cháu bên chi Công khoản tận lực lo lắng chuyện đời sống cho họ Công, những chi nghèo đói, thiếu thốn liên miên như chi Công bộc, Công chức khi cần cứ đến gặp Công khoản, thế nào cũng được giúp đỡ. 

Truyện Ngu Công dời núi và Công Ngu xây núi ảnh 4

Đi về đâu hỡi "Sốc"?

(GDVN) - Đêm trung thu, nhìn vào hồ nước, có người chỉ thấy một màu tối, có người thấy trăng rằm, cũng có người thấy trăng sáng trong vũng tối.

Không nói đến họ đồng tộc, chỉ là con rể chi Công quyền như Từ tài Hậu, Quách Bá Hùng, Chu Vĩnh Khang… tài sản chất hàng chục ôtô không hết.
Nói vậy nhưng năm ngón tay còn có ngón dài, ngón ngắn, vậy nên không tránh khỏi một vài chi họ Công vẫn chưa hết vòng lận đận, tỷ như chi Công nhân, Công tâm, Công bằng, Công khai… 

Chung quy tại mấy vị chi trưởng, cứ giữ sĩ diện không chịu chạy sang nhờ chi Công khoản. Mấy vị hàng xóm tốt bụng ghé tai bảo nhỏ: “Hay là các bác mấy chi này học tập cụ tổ, lập đàn xin hai vị thần Hành, thần Ốc cho trở lại họ Ngu, biết đâu thánh nhân chẳng đãi khù khờ”.

Chuyện bên Tàu, nghe vậy mà không phải vậy, chiến dịch “đả hổ, đập ruồi, săn cáo” nghe nói có quy mô thế giới, thế nên trong khi mấy chi Công bị đói chưa kịp làm theo lời khuyên của hàng xóm thì nhiều thành viên các chi Công quyền, Công thương, Công báo… đã trở lại họ Ngu cả rồi, có điều bây giờ họ không phân tán đi khắp thế giới mà là “tình nguyện” quay về cố quốc, họ chẳng nhọc công làm nhà hướng núi như cụ tổ họ Ngu mà nhà đã có sẵn, chỉ cần tình nguyện “nhập kho” là khắc có chỗ ở. Chuyện tào lao thế mà hay phết, phải không các bạn?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.facebook.com/suyngamchanly/posts/1460906914126211?stream_ref=10

[2] http://vietnamese.cri.cn/chinaabc/chapter16/chapter160207.htm

[3] http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/180048/tq-san-phang-700-ngon-nui-xay-thanh-pho-moi.html

Xuân Dương