"8X đời chót" lập thư viện sách trong chùa

05/03/2012 13:07
Nguyễn Lâm Tùng
(GDVN) - Ước muốn các em học sinh quê mình có thể được đọc sách thoải mái đã thôi thúc Vũ Văn Du quyết tâm lập một thư viện sách trong chùa.
Hàng trăm học sinh các cấp thuộc xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) giờ đây đã có thể đọc sách thoải mái. Đó là nhờ một thư viện đặc biệt được lập nên trong chùa Sàng. Điều đáng nói, chủ nhân của thư viện này là Vũ Văn Du (sinh viên trường ĐH Bách khoa HN), một người con của mảnh đất này. 

Muốn đỗ đạt mà không có sách học thì khó quá! 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông thuộc xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), ngay từ khi còn bé, Du đã được bố mẹ nuôi dưỡng tinh thần ham mê đọc sách. Chàng trai 22 tuổi thường lặn lội đạp xe lên thư viện thị trấn cách nhà cả chục cây số để đọc sách, lang thang quanh những cửa hàng bán sách nhỏ trong xã, chắt chiu và dành dụm tiền mỗi dịp lễ Tết để mua sách.
Những tập thể, cá nhân, tổ chức xã hội có mong muốn đóng góp cho thư viện sách chùa Sàng có thể liên hệ với bạn Vũ Văn Du theo địa chỉ: vuvandubk@gmail.com hoặc số điện thoại: 0947 149 694.
Những năm tháng học phổ thông, rồi sau này là kỳ thi đại học mà chỉ có 3, 4 quyển sách nâng cao, Du thấu hiểu sự thiếu thốn về cơ sở vật chất đeo bám dai dẳng những học sinh nghèo nơi đây. 
Du nói, bây giờ các em học sinh ở quê cũng giống cậu ngày xưa. Nhiều em rất ham học, nhưng điều kiện gia đình khó khăn. Không được đi học thêm đã đành, lại chẳng có tiền mua lấy một cuốn sách tham khảo. Các em ấy cho dù có tham gia các đội tuyển học sinh giỏi của trường đi nữa, được các thầy cô giáo giỏi phụ đạo nhưng nếu không có sách để tự học thì cũng rất khó đạt được thành tích tốt.

“Bản thân mình từng trải nghiệm điều này với nhiều năm nằm trong đội tuyển học sinh giỏi các cấp. Xã mình cũng có thư viện nhưng ở khá xa. Hơn nữa, các đầu sách chủ yếu là truyện tranh cũ và các loại báo chí phục vụ giải trí chứ chưa đáp ứng được nhu cầu học tập”, Du cho biết thêm.

Chính điều này đã thôi thúc chàng trai 22 tuổi phải làm điều gì đó để giúp đỡ cho trẻ em nghèo ở quê hương.

Kết nối những người con xa quê

Để có thể biến ý tưởng thành hiện thực, việc đầu tiên Du phải làm là tìm địa điểm đặt thư viện. May mắn đến khi cậu nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ sư thầy Thích Đàm Nam, trụ chì chùa Sàng. Vị sư thầy hảo tâm đã dành cho Du toàn bộ gian sau của ngôi chùa để cậu bạn tự thiết kế, bày biện không gian sách.
Có địa điểm rồi, việc kế tiếp và cũng là khó nhất, đó là làm sao để thu thập được những cuốn sách hữu ích cho thư viện. Để làm được việc này, Du chia sẻ ý tưởng với bạn bè của mình, rồi người này truyền tai người kia. Mọi người biết đến dự án, biết được ý nghĩa của nó đều nhiệt tình ủng hộ. Không những vậy, có một thời gian, nhóm bạn của Du đã phải tới từng lớp học trong trường ĐH Bách khoa HN, ĐH Kinh tế Quốc dân và một số trường lân cận để vận động quyên góp sách cho trẻ em nghèo.

“Thời gian tới, khi đã xây dựng được hình ảnh cho thư viện. Mình sẽ hướng tới các nguồn tài trợ lớn hơn từ các tổ chức xã hội, phi lợi nhuận, NGOs…”, Du nói.

Chàng sinh viên trẻ Vũ Văn Du
Chàng sinh viên trẻ Vũ Văn Du
Sau gần nửa năm thực hiện dự án Sách cho trẻ em nghèo, thư viện chùa Sàng đã chính thức được thành lập. Hiện tại, số đầu sách tại “thư viện làng” này đã lên tới con số gần 1.000 và vẫn tiếp tục tăng. ¾ trong số đó là sách tham khảo phổ thông, sách nâng cao, từ điển tra cứu, văn học, khoa học, lịch sử…
Thư viện sách đã đi vào hoạt động gần hai tháng và đang cho thấy những hiệu quả tích cực. Số lượng trẻ em biết tới thư viện ngày một tăng. Không ít các em từ những xã lân cận biết tới thư viện cũng lặn lội ghé qua đọc và mượn sách. 

“Ngoài tri thức thu nhận được thông qua những trang sách, mình cũng hy vọng việc làm này sẽ giúp kết nối được nhiều hơn những người con ở xa quê hương, tăng thêm sự đoàn kết và chia sẻ với đồng bào nghèo ở quê nhà”, Du chia sẻ.

Ước mơ “vắt sữa bò” của “kẻ vác tù và”

Bố mẹ Du ở quê vừa làm nông nghiệp vừa làm nghề phụ (đan cót). Vất vả nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải việc học cho Du và cô em gái hiện đang học tại trường ĐH Công nghiệp TP. HCM. Chẳng thế mà trong suốt những năm học ĐH, Du đã từng kinh qua không ít “nghề” như gia sư, chạy bàn, thiết kế website… để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Và dù rất muốn học lên cao nữa, nhưng Du nói sẽ phải tạm gác lại “sự học” để tìm việc làm sau khi tốt nghiệp trước. Ước mơ của chàng trai 22 tuổi là được lên Mộc Châu “vắt sữa bò”, như cách nói vui mà cậu từng chia sẻ.
Thời gian này, bạn bè người thân thấy Du có vẻ gầy hơn vì vừa phải lo hoàn thành luận án tốt nghiệp (Du đang học năm cuối ngành Công nghệ thực phẩm, trường ĐH Bách khoa HN), vừa phải chạy đôn đáo kêu gọi, xin từng cuốn sách cho thư viện ở quê. Không ít người xấu bụng nói cậu “rỗi hơi”, học hành không lo, đi lo làm cái việc “trời ơi”. Du không buồn, chỉ cười trừ. Bởi chỉ có cậu mới biết, bản thân mình đang theo đuổi điều gì.
Nguyễn Lâm Tùng